(Baothanhhoa.vn) - Giờ này cách đây 2 năm, nhà nhà, người người tưng bừng đón tết. Không ai nghĩ sau những ngày vui ấy là chuỗi ngày chao đảo vì dịch bệnh kéo dài đến tận tết năm nay. Việc đại dịch COVID-19 liên tục quay trở lại là một điều đã được dự đoán trước và nó một lần nữa nhắc nhở chúng ta, phải luôn thực hiện “5K” vì sức khỏe gia đình, cộng đồng. Và “bình thường mới” không phải là một câu khẩu hiệu hô hào, nó là một nếp sống mới mà chúng ta phải chấp nhận.

Tết yêu thương thời COVID-19

Giờ này cách đây 2 năm, nhà nhà, người người tưng bừng đón tết. Không ai nghĩ sau những ngày vui ấy là chuỗi ngày chao đảo vì dịch bệnh kéo dài đến tận tết năm nay. Việc đại dịch COVID-19 liên tục quay trở lại là một điều đã được dự đoán trước và nó một lần nữa nhắc nhở chúng ta, phải luôn thực hiện “5K” vì sức khỏe gia đình, cộng đồng. Và “bình thường mới” không phải là một câu khẩu hiệu hô hào, nó là một nếp sống mới mà chúng ta phải chấp nhận.

Tết yêu thương thời COVID-19Tết sum vầy. Ảnh: Khang Chu Long

Tìm về những giá trị cũ

Hò hẹn “năm tao bảy tuyết” mới gặp được nhà văn Viên Lan Anh vào những ngày cuối tháng Chạp hối hả, chúng tôi tự thưởng cho mình chút thời gian thảnh thơi, thư giãn bên ly cà phê ấm nóng, thơm dịu. Một già, một trẻ trò chuyện với nhau qua những góc nhìn rất thực tế về tết cổ truyền và tết thời COVID-19. Vì dù muốn hay không thì tết vẫn đến, xuân vẫn về, hoa đào, hoa mai vẫn nở xôn xao lòng người.

Tết thời COVID-19 với tất cả mọi người... đều là những ngày thật đặc biệt. Nó mang theo những phập phồng nỗi lo và liên tục “cầu mong dịch COVID-19 qua nhanh, tết an lành”. Bởi, qua 2 năm sống chung với dịch, ai cũng quá hiểu giá trị của những năm, tháng an lành và những ngày sống kiểu bình thường mới, vừa lo làm ăn vừa lo chống dịch. Suy nghĩ của mọi người hẳn nhiên cũng đã khác, tết có đơn giản một chút cũng chẳng sao, miễn là không phải giật mình hay hốt hoảng khi chẳng may có thông báo ca nhiễm trong cộng đồng, F0 ngay sát nhà mình. Nhưng dù COVID-19 có đổi thay mọi thứ, tết nay cũng khác tết xưa ít nhiều nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn rất cần được duy trì. Bởi, chỉ khi biết trân trọng giá trị truyền thống, biết gìn giữ “sợi dây” gắn kết tình thân thì dù là tết cổ truyền hay tết thời bình thường mới, tất thảy sẽ đều “vui như Tết”!

Chia sẻ về tâm thế và quan niệm của bản thân với tết năm nay, nhà văn Viên Lan Anh bảo, chị bây giờ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho tết. Tuy nhiên năm nay, dịch COVID-19 liên tục quay trở lại, nguy cơ F0 gia tăng trong dịp tết, có lo lắng và buồn, nhưng xác định bình tĩnh sống chung với dịch một cách an toàn, chị coi đây là dịp để tìm lại những giá trị cũ.

Tết thời COVID-19 nên điều quan trọng trước tiên là tiết kiệm, giản tiện và hồi hướng về ông bà, tổ tiên. Ngay từ 23 tháng Chạp, gia đình chị đã rục rịch sắm tết. Việc đầu tiên là mua ông Công để chuẩn bị cho các chú cá chép lên Thiên đình báo cáo việc nhà trong một năm qua. Tuy nói là tiết kiệm thì vẫn có những cái không thể hạn chế, ví dụ như hoa. Nhà văn Viên Lan Anh thường có thói quen chạy xe về vùng hoa Đông Cương, tự tay chọn hoa để chuẩn bị cho buổi chiều tất niên. Việc sắm một cành đào hay chậu mai là điều háo hức, tuy nhiên chị xác định năm nay gia đình chỉ mua một cành đào nhỏ là đủ.

Khi hương mùi già, trầm... ngọt ngào bao trọn căn bếp nhỏ cũng là lúc những khó khăn của năm cũ được gột rửa tinh tươm. Với chị, chỉ thế thôi là cái tết đã trọn vẹn và ấm cúng vô cùng. Chị chia sẻ: “Chứng kiến quá nhiều những câu chuyện đau thương vì dịch bệnh, tôi nghiệm ra rằng, tiền bạc mất đi, chúng ta có thể kiếm lại được nhưng mạng sống, hạnh phúc, niềm vui bên gia đình, người thân thì không dễ gì có được. Cả nhà đoàn tụ bên nhau, dọn dẹp nhà cửa, làm những món ăn ấm nóng, đầy đủ phong vị tết rồi quây quần cùng ăn cơm, trò chuyện, háo hức đón giây phút giao thừa... đó mới là an yên, hạnh phúc”.

Tết mùa dịch, ấy cũng là dịp để cho chúng ta sống chậm, lắng đọng hơn, bình tâm lại... để tình cảm từ đó có dịp chan hòa với những người ruột rà trong gia đình. Khi ấy ta mới có thể tận hưởng tròn đầy sự yêu thương hơn ngay khi còn có thể. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện của một người bạn. Vì ưa thích sự dịch chuyển nên gia đình bạn thường đi du lịch vào dịp tết. Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đường bay quốc tế đóng cửa, bạn cho con về quê ăn tết cùng ông bà. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu bạn không gọi cho tôi để tâm sự rằng, bạn cảm nhận rõ mẹ đã vui như thế nào sau khi biết kế hoạch của con. Ngày nào bà cũng nôn nao chuẩn bị thứ này, thứ nọ hệt như mai đã là tết vậy. Tự nhiên bạn thấy mình đã quá vô tâm khi nhiều cái tết qua, chỉ nghĩ đơn giản tết là nghỉ ngơi, đưa vợ con đi chơi đây đó, còn về thăm bố mẹ thì lúc nào chẳng được. Nhưng với người già, họ đâu cần gì hơn một cái tết sum họp trọn vẹn, có con cháu quây quần đông đủ... Liệu còn bao nhiêu cái tết được như thế, khi “mẹ già như chuối chín cây”...

Vui nhưng cần an toàn

Bộ Y tế khuyến cáo thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Theo truyền thống vào những ngày đầu năm mới của Tết Nguyên đán, người người, nhà nhà đi thăm lãm đền chùa để cầu an vui, hạnh phúc; đi tới nhà nhau để chúc tết, xông đất với mong muốn năm mới đến nhiều sức khỏe, may mắn, vạn sự như ý cho bản thân và cả gia chủ. Quả thật, trong ngày đầu năm mới mà nhận được những lời chúc tốt lành thì tâm lý chung là ai cũng cảm thấy hồ hởi, phấn khởi, vui vẻ. Cùng với đó, cả một năm tất bật lo chuyện mưu sinh “cơm, áo, gạo, tiền” chiếm hết cả quỹ thời gian thì đến ngày tết những người bạn, những người thân, họ hàng mới có thời gian để gặp gỡ, chuyện trò, thăm nhà nhau... đó cũng là chuyện dễ hiểu.

Tết yêu thương thời COVID-19Đón Tết. Ảnh: Khang Chu Long

uy nhiên so với những khó khăn, gian khổ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang phải dầm mưa nơi biên giới, hải đảo để phòng, chống dịch hay những cán bộ, y, bác sĩ cả tháng trời không thể về nhà vì đang trong nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các điểm nóng, khu cách ly... thì chuyện mỗi người tạm gác niềm vui chúc tết, du xuân lại một chút cũng không thấm vào đâu. Thay vì trực tiếp đến thăm nhau, mọi người có thể gửi những lời chúc tốt đẹp, chào hỏi nhau qua những ứng dụng công nghệ thông tin, tránh việc tụ tập thăm hỏi như một thứ “lệ”. Hướng về gia đình là dùng thời gian nghỉ tết chăm sóc, bảo vệ nhau, không xa hoa lãng phí, hình thức, đó mới là cách chúng ta hưởng thụ tết đầy đủ ý nghĩa.

COVID-19 đã làm cho cả thế giới thấu hiểu giá trị của hai chữ “bình an”. Nó nhắc nhở chúng ta phải biết trân quý từng ngày, từng giờ trôi qua và những gì ta đang có. Đơn sơ như việc bố mẹ mình còn khỏe. Mẹ mình còn nấu bữa cơm tất niên chờ các con về sum vầy hay chỉ như một lời nhắc của mẹ: “Nhớ ăn uống cẩn thận, đừng bỏ bữa nhé con...”. Vì thế, dù có phải thay đổi thói quen lễ tết, nhiều gia đình lỡ cơ hội đoàn tụ vào thời khắc được coi là thiêng liêng nhất trong năm, thì một mùa xuân mới vẫn về với niềm hy vọng cho một năm mới đủ đầy, ấm êm, an toàn và vạn sự như ý!

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]