(Baothanhhoa.vn) - Tết của đất trời ở đâu cũng vậy, cũng mai đào khoe sắc thắm, cũng rộn rã chơi xuân... nhưng tết trong gia đình thì không phải nhà ai cũng giống nhau. Tết trong một gia đình tứ đại đồng đường lại càng khác biệt khi các thế hệ quây quần bên nhau vui xuân, đón tết, ước nguyện một năm đầm ấm, sum vầy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết sum vầy

Tết của đất trời ở đâu cũng vậy, cũng mai đào khoe sắc thắm, cũng rộn rã chơi xuân... nhưng tết trong gia đình thì không phải nhà ai cũng giống nhau. Tết trong một gia đình tứ đại đồng đường lại càng khác biệt khi các thế hệ quây quần bên nhau vui xuân, đón tết, ước nguyện một năm đầm ấm, sum vầy.

Tết sum vầy

Gia đình cụ Vũ Thị Lái, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa). Ảnh: Phạm Nam

Cùng nhau giữ “nếp nhà”

Hoằng Hóa những ngày cận tết, nắng dịu nhẹ đón không khí tết ngập tràn qua từng tán lá, kẽ cửa. Căn nhà của gia đình cụ Vũ Thị Lái, sinh năm 1929, xã Hoằng Châu “lùi” vào phía trong khoảng vài chục mét so với những dãy nhà còn lại. Đi qua cây hoa giấy phủ kín con ngõ nhỏ, cánh cửa ngõ mở ra câu chuyện dài về gia đình 4 thế hệ chung sống khiến mọi người ngưỡng mộ.

Chúng tôi đến lúc cụ Lái đang chuyện trò cùng con gái và con dâu sau bữa cơm trưa. Nhìn cụ tươi tắn, khỏe mạnh, tôi khen cụ “trộm vía”. Liếc nhìn mẹ bằng vẻ tinh ngịch, hai người phụ nữ nói đùa: “Không khéo cụ còn khỏe hơn cả con dâu ấy chứ”. Rồi như một thói quen, bà Lê Thị Nga (sinh năm 1961) tranh thủ sửa lại cho mẹ chồng cái khuy áo, cắt cho mẹ cái móng tay, ngồi nghe mẹ kể về những kỷ niệm đã qua. Chứng kiến cảnh ấy, tôi cảm nhận rõ ràng tình cảm gắn bó giữa hai người không đơn thuần chỉ là lễ nghĩa mẹ chồng - nàng dâu mà còn là người bạn sớm tối.

Cụ Lái sinh được 7 người con, 6 gái, 1 trai. Hiện cụ đang sống cùng vợ chồng bà Nga, cháu trai, cháu dâu và chắt nội. Bà Nga là con dâu duy nhất thuộc thế hệ thứ 2 trong gia đình có tới 4 thế hệ ấy. Vừa là con dâu, vừa là mẹ chồng nên bà luôn cố gắng sống mẫu mực, vừa là để thành tâm báo hiếu mẹ chồng, vừa là để làm gương cho các con noi theo. Bà chia sẻ: “Gần 40 năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, rồi “lên chức” bà nội, bà ngoại, trong căn nhà chung, có lúc vui, lúc buồn nhưng thứ mà các thành viên trong gia đình nhận được ấy chính là tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để không khí gia đình đầm ấm”.

Mỗi người một tính cách, người đảm đang, người có chút vụng về nhưng ở họ đều có điểm chung ấy là tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình của mình. Mỗi khi nhà có công việc, mọi người cùng nhau gánh vác, chia sẻ để công việc thuận lợi, lòng người thêm gắn bó. Những năm gần đây, chồng bà là ông Cao Thạch Quang cũng đã nghỉ hưu. Có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, ông trân trọng hơn những giây phút được ở bên gia đình. “Ở tuổi tôi mà vẫn còn được phụng dưỡng mẹ già, được chứng kiến con cái trưởng thành, các cháu nội, ngoại khôn lớn, thấy hạnh phúc lắm...”, ông Quang chia sẻ.

“Quà nào bằng gia đình sum họp, tết nào vui bằng tết đoàn viên”

Bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp, lúc con cái còn bận rộn công việc ở cơ quan, hai ông bà đã tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua sắm dần những đồ dùng cần thiết. Khi các con được nghỉ làm, trẻ con nghỉ học, bà Nga và cô con dâu trẻ lại cùng nhau đi chợ, chuẩn bị các món ăn cho ngày tết. Đây cũng là thời điểm nàng dâu của các thế hệ trổ tài nội trợ. Cách chọn thịt thế nào cho tươi ngon, cách cắt miếng làm sao cho vừa ăn, đẹp mắt hay cách muối vại dưa hành sao cho giòn, thơm... Ông Quang và con trai sẽ lo việc mua đào, quất, sắm thêm vài chậu hoa, trang hoàng lại nhà cửa, sắp xếp bàn thờ gia tiên. Nhiều khâu chuẩn bị được giảm bớt để đỡ gấp gáp mà dành nhiều thời gian cho nhau bởi với họ “sum vầy” là thứ trời cho, không phải lúc nào cũng có được. Mỗi năm cả nhà còn được thong dong chuẩn bị tết là trong lòng còn biết ơn.

Những lúc ấy, cụ Lái thường ngồi nhớ về tết xưa với một thời đầy gian khó. Một cái tết đủ đầy trong trí nhớ có phần vơi bớt của cụ, chỉ cần có bánh chưng và cành đào là trọn vẹn! Thời cụ ông còn sống, không khí tết bắt đầu từ ngày 27, 28 tháng Chạp với việc gói bánh chưng. Lúc ấy, gia đình quần tụ cùng đãi đỗ, rửa lá dong, gói bánh chưng... Các cháu nội, ngoại quây quần ngồi xem ông gói bánh và háo hức với những chiếc bánh chưng “con” của riêng mình. Cụ ông thường kể về tục lệ tết cổ truyền, cách chuẩn bị tết cầu kỳ, tỉ mỉ như thế nào. Trong ký ức ông Quang, bà Nga thì vui nhất là được ngồi suốt đêm canh nồi bánh chưng bên bếp lửa, con cháu quây quần, chuyện trò rôm rả suốt đêm.

Bây giờ, chẳng cần phải ngày tết, ngày thường bánh chưng vẫn bày bán ở cửa hàng, siêu thị. Đời sống ngày càng đủ đầy, gần như hiếm hoi cảnh các gia đình quây quần quanh bếp lửa. Song, dù có nhiều điều thay đổi thì tết vẫn khiến mọi người háo hức chờ đợi, vẫn cầu chúc cho nhau khỏe mạnh, hạnh phúc, bình yên, phát tài, phát lộc và may mắn.

Tết ở gia đình cụ Lái còn có điều đặc biệt khi cả con trai và cháu nội của cụ đều công tác trong ngành công an, thường xuyên phải trực chiến. Trước đây là con trai, bây giờ là cháu trai. Thời khắc đêm giao thừa, cụ Lái thường chuẩn bị lì xì đợi những “chiến sĩ” đi trực về xông nhà. Ông Quang cũng chuẩn bị sẵn phong bao màu đỏ để chúc mẹ một năm mới sức khỏe dồi dào, sống vui cùng con cháu. Sáng mùng một tết, từ ngôi nhà ấy, cả đại gia đình cùng đi chúc tết họ hàng, làng xóm và đi lễ chùa cầu may. Khi ấy, bao nhiêu muộn phiền, vất vả của năm qua bỗng nhiên tan biến, chỉ có niềm vui và sự đoàn tụ.

Cứ mùng 4 tết hằng năm, tất cả lại có mặt đông đủ ở nhà cụ Lái. Con dâu, con rể, con trai, con gái, cháu, chắt nội, ngoại tíu tít nói cười, khiến cho ngày xuân càng thêm rộn rã. Trong không khí ấy, hẳn mỗi người đều cảm thấy ấm áp trong những giây phút quây quần đông vui trong ngôi nhà nhỏ. Và người vui nhất bao giờ cũng là cụ Lái. Ngắm nhìn những đứa con, đứa cháu trưởng thành, ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống là điều cụ cảm thấy hạnh phúc vì thứ “báu vật” mà gia đình để lại cho con cháu không phải là tiền bạc, địa vị mà chính là truyền thống gia đình.

Mỗi năm lại có một cái tết như một điểm dừng tốt đẹp để chúng ta sống chậm lại, suy ngẫm và chiêm nghiệm. “Có một nơi để về, đó là nhà; có những người để yêu thương, đó là gia đình; có được cả hai, đó là hạnh phúc”.

Hương Thúy


Hương Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]