(Baothanhhoa.vn) - “Thanh Hóa kỷ thắng” do Vũ Ngọc Định – Nguyễn Huy Khuyến dịch, chú và giới thiệu; GS.TS. Đinh Khắc Thuân hiệu đính là cuốn sách thứ hai của Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh được Nhà xuất bản Thanh Hóa ra mắt đông đảo bạn đọc. Cùng với “Thanh Hóa quan phong”, cuốn sách là một công trình công phu, vừa có giá trị khoa học lớn vừa như cuốn cẩm nang giới thiệu, lan tỏa vẻ đẹp đất và người xứ Thanh. Nội dung của cuốn sách là minh chứng sinh động, thuyết phục cho cái danh giá tự ngàn xưa của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “Thanh kỳ khả ái”...

Tập sách “Thanh Hóa kỷ thắng” của Vương Duy Trinh: Lan tỏa vẻ đẹp đất và người xứ Thanh

“Thanh Hóa kỷ thắng” do Vũ Ngọc Định – Nguyễn Huy Khuyến dịch, chú và giới thiệu; GS.TS. Đinh Khắc Thuân hiệu đính là cuốn sách thứ hai của Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh được Nhà xuất bản Thanh Hóa ra mắt đông đảo bạn đọc. Cùng với “Thanh Hóa quan phong”, cuốn sách là một công trình công phu, vừa có giá trị khoa học lớn vừa như cuốn cẩm nang giới thiệu, lan tỏa vẻ đẹp đất và người xứ Thanh. Nội dung của cuốn sách là minh chứng sinh động, thuyết phục cho cái danh giá tự ngàn xưa của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “Thanh kỳ khả ái”...

Tập sách “Thanh Hóa kỷ thắng” của Vương Duy Trinh: Lan tỏa vẻ đẹp đất và người xứ Thanh

Cuốn sách “Thanh Hóa kỷ thắng” của Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh do NXB Thanh Hóa ấn hành năm 2021.

Khi viết Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú đã dành những lời nhận định cho mảnh đất xứ Thanh: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”.

Nhận định ấy như càng được minh chứng sinh động, thuyết phục khi đọc “Thanh Hóa kỷ thắng” của Vương Duy Trinh, đúng như vị Quan Đốc học tỉnh Ninh Bình - Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền viết trong lời bạt của cuốn sách: Đọc sách của Vương Duy Trinh biên soạn, “như được mở mang tầm mắt, bỗng như thấy mình được băng qua muôn ngọn núi cao, hàng vạn hang động... Danh thắng núi sông, là nơi gắn kết người và vật, trong khoảng tươi đẹp ấy, tiếng tăm lừng lẫy, bao ngày hăng hái, sưu tầm tìm kiếm, ghi hết vào đây để truyền cho mai sau”. Vì vậy, việc dịch và giới thiệu cuốn sách “Thanh Hóa kỷ thắng” của NXB Thanh Hóa là việc làm ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, vùng đất không chỉ là nơi “địa linh nhân kiệt” mà còn là nơi “sơn thủy kỳ tú”, “Thanh kỳ khả ái”...

Được biết, văn bản “Thanh Hóa kỷ thắng” hiện được giữ tại 3 địa điểm là: Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Bản ký hiệu VHv.1242 khắc in năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904), có 182 trang; bản ký hiệu VHv.1372/a chép năm Thành Thái 16 (1904), có 148 trang, đóng cùng tập với “Thanh Hóa quan phong”). Thư viện Quốc gia Việt Nam có 1 bản chép tay, ký hiệu R.521. NLVNPF - 0096, gồm 80 trang; tại Paris có hai bản, ký hiệu SA. PD. 2441 và bản ký hiệu MF.1645. Cuốn sách “Thanh Hóa kỷ thắng” của NXB Thanh Hóa ấn hành được phiên dịch từ bản sách có ký hiệu VHv.1242. Cùng với đó, trong quá trình phiên dịch cũng sử dụng bản ký hiệu R. 521 lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam để đối chứng và bổ sung đối với những chữ bị mờ, bị thiếu của bản VHv.1242. Đó là quá trình lao động học thuật công phu, nghiêm túc với nỗ lực cung cấp cho độc giả một ấn phẩm giá trị, chất lượng.

Với hơn 500 trang sách, “Thanh Hóa kỷ thắng” được bố cục thành hai phần chính. Phần I - Thanh Hóa kỷ thắng tập trung giới thiệu, khái quát về di tích, danh lam thắng cảnh, các nhân vật lịch sử - văn hóa cùng những câu chuyện, huyền tích, truyền thuyết dân gian tiêu biểu, mang đậm dấu ấn của xứ Thanh. Đối diện với một miền thắng tích, nơi hằn in dấu ấn lịch sử, lắng đọng mạch nguồn tinh hoa văn hóa tự buổi bình minh của loài người như xứ Thanh, thật khó có một tầm vóc trí tuệ, sức lực nào có thể kể cho tường tận từng ngọn núi, dòng sông, địa danh, gương mặt người đã góp phần làm nên dáng vóc. Tuy nhiên, “Thanh Hóa kỷ thắng” đã cho thấy tình yêu, gắn bó và nỗ lực tìm tòi, khám phá công phu, tỉ mỉ của tác giả. Những danh thắng, di tích, những nhân vật lịch sử - văn hóa được “điểm mặt gọi tên” trong cuốn sách đều có sự chọn lựa, cân nhắc kỹ càng, thỏa đáng, đặc trưng, tiêu biểu cho vẻ đẹp đất và người nơi đây. Dưới ngòi bút của tác giả, vẻ đẹp của xứ Thanh được thể hiện ở hai khía cạnh: “cảnh thắng” và “nhân kiệt”.

Về “cảnh thắng” có đa dạng, phong phú các loại hình. Cảnh đẹp núi non, hang động, cửa biển có: cửa Thần Phù - chỗ “núi sông có phong cảnh thật đẹp” nhưng cũng nhiều hiểm trở, một vùng thắng tích ấy đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều tao nhân mặc khách mà bật lên ý thơ; động Bạch Nha (Nga Sơn) - “ngọn núi đá đứng sừng sững”; động Kim Sơn với “núi non vòng quanh, sông Mã một dải trắng xóa, như muốn cùng góp thêm vào quang cảnh kỳ ảo phía trước động”; núi An Hoạch, núi Bàn A, núi Mật Sơn như những nét chấm phá trên nền bức tranh “sơn kỳ thủy tú” của xứ Thanh; Sầm Sơn ngàn năm sóng xô bờ cát... Tạm chia tay những miền danh thắng, lật giở từng trang sách, độc giả như lạc vào chốn “linh cảnh” với đền Đồng Cổ, chùa Long Cảm, đền Chuồng Voi, đền Phố Cát...

Về “nhân kiệt”, cuốn sách “Thanh Hóa kỷ thắng” gợi nhớ đến cuộc đời và sự nghiệp của Bà Triệu, Vua Lê Thái tổ, Vua Lê Thánh tông, Vua Lê Hiến tông, chúa Trịnh Kiểm, chúa Trịnh Sâm, bảng nhãn Trịnh Thiết Trường, danh sĩ Lương Hữu Khánh...

Phần II của cuốn sách dành dung lượng cho phụ lục giới thiệu các bản chụp nguyên văn chữ Hán ký hiệu VHv.1242 lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội nhằm giúp độc giả có thêm tư liệu, góc nhìn, cách tiếp cận mới.

Từ những nội dung ấy, cuốn sách “Thanh Hóa kỷ thắng” đã cung cấp cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh những tư liệu quý giá về các địa danh danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, nhân kiệt xứ Thanh. Sự ra đời của cuốn sách cho thấy những nỗ lực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo của NXB Thanh Hóa trong việc làm phong phú, đa dạng thêm các đầu sách hay về lịch sử - văn hóa, du lịch xứ Thanh, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Đây là tiền đề góp phần thực hiện nhiệm vụ “khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ, thuộc nhóm các tỉnh có ngành du lịch phát triển của cả nước... đưa du lịch trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]