(Baothanhhoa.vn) - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Anh trong bộ mo sử thi đồ sộ “đẻ đất, đẻ nước” đã từng nói: “Đám hiếu ở Mường Vang - điểm hội tụ của văn hóa dân gian mang tính nhân văn sâu sắc”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tang ma – một nét văn hóa độc đáo của người Mường

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Anh trong bộ mo sử thi đồ sộ “đẻ đất, đẻ nước” đã từng nói: “Đám hiếu ở Mường Vang - điểm hội tụ của văn hóa dân gian mang tính nhân văn sâu sắc”.

Tang ma – một nét văn hóa độc đáo của người Mường

Trong đám tang còn có một số tiết mục văn nghệ dân gian truyền thống.

Thể hiện lòng hiếu thảo

Theo ông Vương Anh, các nghi thức tang ma của người Mường được quy định rất nghiêm ngặt. Từ trang phục của người chết, con cháu, anh em, họ hàng... cho đến việc xem ngày, giờ nhập quan, cách bày trí các đồ cúng lễ áo quan, các nghi lễ, nghi thức: Đưa ma, tùy táng. Đặc biệt, trong đám tang không thể thiếu ậu mo (thầy mo). Đối với người Mường không có ậu mo thì không thể mai táng. Trong suốt các nghi thức tang ma, ậu mo làm nhiệm vụ thuyết phục và hướng dẫn. Trách nhiệm của ậu mo là làm cho người chết hiểu được quy luật tự nhiên của sự sống và cái chết, mà người đã chết thì phải tách khỏi thế giới của người sống. Để sau đó hồn mới có thể sẵn sàng đi tiếp hành trình, chuyến đi cuối cùng đến với thế giới dành riêng cho họ.

Khi có người sắp chết, người nhà gióng 3 hồi chiêng, mỗi hồi 3 tiếng (chơm chiêng) để báo cho họ hàng biết trước mà tụ tập nhìn mặt người sắp qua đời lần cuối cùng. Khi người đó chết hẳn thì chiêng trống gõ liên hồi. Người chết được tắm rửa bằng nước lá bưởi và đặt nằm ở gian giữa, trên lá chiếu và 4 tấm vải trắng. Người ta còn đắp cho người chết một chiếc chăn bông cùng hàng chục chiếc chăn đơn và trải hai tấm lụa tơ tằm ở 2 bên. Đồng thời, người cao tuổi nhất trong họ cầm một hòn than vạch lên sàn nhà và đọc lời bàn giao số vải vóc, quần áo cho người chết. Trong khi người nhà mắc màn ở xung quanh chỗ người chết nằm, thì bà con họ hàng, làng xóm đến đầy nhà. Người con trai cả tới cửa sổ (nơi thờ cúng tổ tiên), rút dao chặt ba nhát lên thành cửa như để nhắc rằng từ nay anh ta là người đảm nhiệm việc thờ cúng tổ tiên.

Sau đó, chiêng trống nổi lên và con cháu bắt đầu khóc. Một lễ tang của người Mường có thể kéo dài từ 1 đêm, 2 đêm, 10 đêm hoặc lâu hơn nữa. Nếu gia đình nghèo chỉ mượn mo một đêm thì điều cốt tử là hướng dẫn hồn ma đi gặp tổ tiên và thu xếp nơi ăn, chốn ở. Sở dĩ, có những đám tang kéo dài là bởi tang chủ muốn diễn xướng trọn vẹn ngót vạn câu thơ “Đẻ đất, đẻ nước”. Người Mường khi chết là “lên Mường Trời” và ậu mo dùng lời mo giúp đưa hồn người chết đi lên cõi trời (mo Vải); tiếp đó là phần diễn xướng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Ngoài ra, trong đám tang còn xuất hiện một số tiết mục văn nghệ dân gian như một hình thức “đệm” cho diễn xướng mo, hoặc có thể diễn xướng độc lập, như các trò múa trống, chèo tế, chèo đưa, chèo ma, xường... Thông qua các hình thức nghệ thuật, mọi người ôn lại quá trình hình thành đất, nước và con người để họ có thêm lòng tin vào sự trường tồn của đất nước, mà vượt qua tổn thất lớn lao này.

Ngoài những nghi lễ trên, người Mường ở Bá Thước còn có phong tục đòi “mội”. “Mội” có thể hiểu đơn giản là sính lễ mà trước đây nhà thông gia đã nhận khi gả con gái đi lấy chồng. Việc nhà thông gia trả “mội” là để cảm ơn những người làm cha mẹ đã sinh ra chàng rể - người chồng của con gái mình. Thông thường, nếu người mất có con trai thì con trai cả sẽ đứng ra đòi “mội” của nhà thông gia. Trường hợp người mất không có con trai thì một người đại diện trong dòng họ sẽ đứng ra đòi “mội”. Số lượng thông gia được đòi “mội” tùy thuộc vào số lượng con trai của người khuất đã lập gia đình.

“Mội” của thông gia sẽ là cây gỗ “mội” hình dáng như ngôi nhà sàn. Trong cây gỗ “mội” có một mâm cỗ chay, gồm: Hoa, quả, bánh kẹo... bên ngoài trang trí bằng giấy màu rực rỡ có hoa văn đặc trưng của dân tộc. Lễ thứ hai là một khiêng gạo, rượu và một con gà đã luộc chín. Lễ thứ ba là một con trâu hoặc bò, hiện nay là 3 con lợn (1 con lợn sống, 2 con lợn chết). Điều đặc biệt trong thủ tục đi “mội” là ngày xưa khi nhà thông gia gần đến nhà tang gia thì họ bắn một phát súng chỉ thiên báo hiệu đã đến và gia đình tang gia chuẩn bị, khi nào chuẩn bị xong thì bắn một phát súng chỉ thiên để báo hiệu đã sẵn sàng thì lúc đó nhà thông gia mới được vào. Tuy nhiên, những năm sau đó, việc sử dụng súng bị cấm nên thủ tục này được bỏ đi. Khi đoàn thông gia đến cổng, gia đình tang gia cử một đại diện ra thưa chuyện chào đón, nhận lễ, theo sau là các con dâu, con gái, con cháu dòng họ đến quỳ xuống lạy bên phía nhà thông gia. Sau khi nhận lễ thì nhanh chóng được bày xếp vào chỗ gần quan tài.

Ngay sau đó, trâu, bò, lợn được mang đi giết thịt, gạo đồ xôi. Thủ lợn luộc chín cùng với mâm xôi được đưa lên khu vực cúng lễ để ậu mo làm thủ tục cúng. Phần còn lại đem ra nấu cỗ tiếp đãi nhà thông gia và quan khách. Kết thúc, một lần nữa gia đình thông gia thắp hương để tiễn biệt người quá cố và ra về với một đùi thịt lợn sống.

Trong suốt những ngày lễ tang diễn ra, những người con trong họ phải chống gậy trước quan tài người chết. Khi dân làng tiến hành khiêng quan tài đưa người chết ra khỏi nhà, con cái trong nhà phải chạy nhanh đi trước, nằm rạp xuống đường để cho người khiêng quan tài bước qua. Cụ Bùi Ngọc Dao, thôn Hồ Quang, xã Điền Quang (Bá Thước), cho hay: “Con dâu đứng quạt ma, con trai nằm đường, con gái khóc thương để tỏ lòng thành kính báo hiếu với cha mẹ. Tục này đã có từ lâu đời, nếu dòng họ hoặc gia đình nào không tiến hành tổ chức theo nghi lễ truyền thống sẽ được coi là bất hiếu. Nguyên tắc nằm đường là con trưởng xếp ở đầu hàng rồi đến lần lượt các con thứ. Trước đây, con cái phải nằm rạp hoặc quỳ từ nhà ra đến tận nơi chôn cất. Nhưng giờ, họ chỉ nằm một đoạn đường ngắn từ lúc di chuyển quan tài trong nhà ra đến cổng và hầu như còn tồn tại rất ít từ khi dân làng sử dụng xe tang”.

Trong thời gian 100 ngày, thân nhân người chết không được tham dự các cuộc vui chơi, nếu buộc phải có mặt thì luôn cúi nhìn xuống đất, mà không được nhìn lên.

Đổi thay nhờ nếp sống văn hóa

Trong những năm gần đây, với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - văn hóa đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, nên nhiều hủ tục rườm rà trong đời sống được xóa bỏ. Ông Lê Văn Sự, Phó Phòng Văn hóa huyện Bá Thước, cho biết: “Trước đây, tang lễ người Mường thường kéo dài từ 7 đến 12 ngày. Việc này không chỉ gây lãng phí, tốn kém tiền của, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Nhưng hiện nay, đám tang đã được đơn giản hóa. Thời gian làm đám chỉ còn 3 ngày, thậm chí có thể thực hiện nhanh hơn. Ngoài ra, tục đòi “mội” cũng được nhiều địa phương đơn giản hóa bằng cách đi phong bì hoặc gửi lễ tượng trưng”.

Tuy nhiên, ý thức được ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng trong phong tục ma chay độc đáo có từ ngàn năm nay, người Mường ở Thanh Hoá vẫn còn giữ được bản sắc riêng trong đời sống tâm linh. Theo ông Bùi Anh Dân, cán bộ văn hóa xã Điền Quang, ngoài những tục lệ trên, đám tang ma của người Mường cổ còn có những tục lệ hết sức độc đáo. Ví dụ, tục chôn người chết cùng đồ tùy táng, như: Bát, đĩa chôn giữa mộ, vò đựng nước chôn ở đầu mộ. Nhà lang xưa kia còn chôn theo cả sanh và vật dụng để ninh xôi được làm bằng đồng. Thậm chí, nếu người chết là lang cun (người giữ chức cao trong đạo mường) còn được chôn theo một chiếc trống đồng. Quan tài được làm bằng cây gỗ khoét rỗng thành hình chiếc thuyền.

Thông thường, sau khi lấp đất được hơn một nửa huyệt, người thân sẽ rải một lớp than tro dày khoảng 5cm trước khi lấp đầy áo quan. Khi đã thực hiện xong tất cả các nghi lễ, người ta đắp đất thành mộ. Chôn hòn mồ bằng đá quanh mộ. Chỉ cần nhìn vào những viên đá được chôn ở mộ cũng có thể biết được thân phận của người chết. Giả sử, mộ lang cun được chôn 9 hòn đá to, lang đạo 7 hòn đá to, thường dân chôn 5 hòn đá nhỏ. Cuối cùng là việc dựng nhà mồ bên trên ngôi mộ để chứa đồ đạc mọi người gom góp. Sau ba ngày mai táng, những người thân trong gia đình ra mộ làm lễ mời hồn về để thờ cúng trong nhà.

Nghi thức tang ma có thể ví như một “bảo tàng” thu nhỏ về đời sống văn hóa - tâm linh người Mường xứ Thanh. Nó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam nói chung, của người Mường nói riêng.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]