(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân - mùa của đất trời giao hòa, vạn vật đâm chồi, nảy lộc, mơn mởn sức sống. Lòng người hân hoan diện lên mình những bộ trang phục đẹp mắt để cất bước cùng mùa du xuân, trẩy hội, thăm hỏi, gặp gỡ bạn bè, người thân. Dường như, chính sự đa dạng, phong phú về hình thức, rực rỡ sắc màu của những sắc phục truyền thống đã góp thêm nét vẽ duyên dáng, sinh động cho bức tranh mùa xuân.

Rực rỡ những sắc phục truyền thống ngày xuân

Mùa xuân - mùa của đất trời giao hòa, vạn vật đâm chồi, nảy lộc, mơn mởn sức sống. Lòng người hân hoan diện lên mình những bộ trang phục đẹp mắt để cất bước cùng mùa du xuân, trẩy hội, thăm hỏi, gặp gỡ bạn bè, người thân. Dường như, chính sự đa dạng, phong phú về hình thức, rực rỡ sắc màu của những sắc phục truyền thống đã góp thêm nét vẽ duyên dáng, sinh động cho bức tranh mùa xuân.

Rực rỡ những sắc phục truyền thống ngày xuânNhững tà áo dài rực rỡ sắc màu tôn vinh nét đẹp phụ nữ Việt.

Duyên dáng áo dài

Mùa xuân - mùa của chồi non, lộc biếc, rộn ràng, hân hoan. Có lẽ bởi vậy mà tất cả những gì xinh đẹp, kiều diễm, rực rỡ nhất cũng đều muốn phô diễn trong những ngày xuân này. Để lưu lại những khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, niềm vui gặp gỡ bạn bè, du xuân, trẩy hội, ai ai cũng muốn “diện” cho mình những bộ trang phục thật đẹp. Nếu “cánh mày râu” thường thích áo sơ mi, quần âu khoác thêm áo vest lịch lãm thì áo dài là ưu tiên hàng đầu trong lựa chọn trang phục của người phụ nữ Việt những dịp lễ, tết.

Áo dài Việt có tự bao giờ? Để tìm được câu trả lời chính xác cho câu hỏi ấy quả không phải là điều dễ dàng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, áo giao lĩnh (loại áo rộng, cổ chéo, cổ tay rộng, thân dài chấm gót) là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Trải qua biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử, cùng với tài năng, sức sáng tạo, người Việt đã làm nên lịch sử hình thành và phát triển của áo dài như đã có hôm nay. Từ áo tứ thân, ngũ thân đến những chiếc áo dài đã có phần Âu hóa, làm nên thương hiệu đình đám một thời như: áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ, áo dài Raglan... Mỗi giai đoạn đi qua, thiết kế, kiểu dáng, chất liệu áo dài đã có nhiều thay đổi, ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, nét duyên dáng, thanh lịch, vừa cổ điển mà cũng không kém phần hiện đại, trẻ trung, mềm mại của áo dài vẫn luôn được xem là phù hợp nhất, làm rạng rỡ thêm nhan sắc, khí chất người phụ nữ Việt.

Áo dài có thể mặc ở nhiều sự kiện, nhiều thời điểm khác nhau nhưng hình ảnh tà áo dài thướt tha trong những ngày xuân có vẻ đẹp, ý nghĩa rất riêng. Nhà thiết kế áo dài Vũ Thị Bình, chủ cơ sở áo dài Phương Bình, chia sẻ: Thời điểm các mẹ, các chị em may áo dài nhiều nhất là từ tháng 9 trở đi, vào mùa cưới hỏi và dịp tết đến xuân về. Theo chị Bình, bộ áo dài đẹp là khi người phụ nữ mặc sẽ tôn lên những nét duyên dáng, mềm mại, thanh lịch. Việc lựa chọn chất liệu vải kết hợp với những họa tiết được thiết kế trên bộ áo dài làm sao phù hợp với từng độ tuổi và từng sự kiện. Để bắt kịp xu hướng, mong muốn mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn, trải nghiệm tốt nhất, mỗi mùa, mỗi năm, nhà thiết kế áo dài Vũ Thị Bình luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, cho ra mắt bộ sưu tập áo dài mới với kiểu dáng, chất liệu, họa tiết mới mẻ. Vì nhiều lý do khác nhau, nhà thiết kế áo dài Vũ Thị Bình đã chuyển địa điểm làm việc vào Nam được hơn nửa năm nhưng khoảng 40% khách hàng cũ ở Thanh Hóa vẫn liên hệ đặt may áo dài. Nhiều khách hàng mới ở Thanh Hóa được bạn bè, người thân giới thiệu cũng liên hệ, đặt hàng. Chị Bình tâm sự: “Tấm lòng và tình cảm yêu quý của mọi người ở xứ Thanh khiến mình càng có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu. Từ đó, bản thân mình hiểu trang phục áo dài sẽ không bao giờ bị thay thế hay lỗi mốt cả. Bởi vì, ngoài những yếu tố về thời trang, tính ứng dụng cao, sức sống của áo dài được nuôi dưỡng bằng niềm tự hào và tình yêu với truyền thống văn hóa dân tộc”.

Ngược miền non cao ngắm sắc màu thổ cẩm

Khi những cánh hoa đào, hoa mận bung nở, rộn ràng khoe sắc, miền Tây xứ Thanh tưng bừng bước vào xuân. Trên khắp các bản, làng, sắc màu thổ cẩm trên các trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc rực rỡ đón xuân. Xứ Thanh có 7 dân tộc tự bao đời đoàn kết bên nhau cùng sinh sống: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú... Chỉ xét riêng góc độ sắc phục dân tộc cũng đủ dệt nên mùa xuân muôn sắc màu.

Rực rỡ những sắc phục truyền thống ngày xuânSắc màu thổ cẩm nơi miền Tây xứ Thanh.

Mùa xuân này, bản làng người Thái nhuộm thắm sắc màu thổ cẩm. Đó không chỉ là nét đẹp mà còn là niềm tự hào về văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây. Với người phụ nữ dân tộc Thái, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là nghề truyền thống gia đình, giúp tạo ra những vật dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày như: váy, áo, chăn, gối, nệm mà còn là tiêu chí đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái và nền nếp gia đình. Theo phong tục truyền thống, người con gái Thái khi đi lấy chồng phải mang chăn, đệm, gối,... và cả khung dệt mang về nhà chồng. Bởi vậy mà phụ nữ dân tộc Thái biết nuôi tằm, dệt thổ cẩm từ rất sớm.

Trước đây, để có được sản phẩm dệt thổ cẩm phải trải qua quy trình rất công phu, tỉ mỉ với nhiều công đoạn, từ trồng bông, nuôi tằm lấy kén, dệt vải. Bông được thu hái về sẽ được phân loại, phơi khô sau đó tiến hành bật bông. Tằm nuôi lấy kén sau đó trải qua công đoạn ươm tơ, kéo sợi. Đây là những công đoạn khó, đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo, kinh nghiệm để đảm bảo sợi đều, mịn, đẹp. Để làm nên được những trang phục thổ cẩm sinh động, đẹp mắt, người phụ nữ Thái sẽ tiến hành công đoạn nhuộm màu cho sợi. Trải qua nhiều công đoạn cho đến khi họ thả hồn vào khung cửi, kết hợp nhịp nhàng động tác giữa tay và chân, sáng tạo nên từng hình nét hoa văn, sắp xếp nó theo quy luật nhất định, tương hỗ, hài hòa.

Dụng công tìm hiểu quy trình dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nói riêng, đồng bào các dân tộc nói chung mới hiểu sâu sắc một điều: Nếu ví sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống chứa đựng “hồn vía” bản làng, tôn vinh tài năng, sức sáng tạo, khéo léo, thẩm mỹ của người dệt thì mỗi người phụ nữ trong bản, làng chính là một nghệ nhân dân gian. Hoa văn trên trang phục truyền thống của người Thái rất đa dạng, phong phú, gắn liền với tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, gắn bó với núi rừng như: mặt trời, hoa ban, con hươu, con vịt, con cua... Cùng với đó, những đường nét hoa văn trên trang phục truyền thống của các dân tộc thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan về vạn vật, vũ trụ bao la, huyền bí. Nét đẹp ấy đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho hội họa, điện ảnh, thi ca, âm nhạc... “Chiếc khăn piêu” gieo thương nhớ vào lòng biết bao người dẫu chưa từng một lần đặt chân lên miền non cao, đắm chìm trong không gian văn hóa Thái. Sắc màu thổ cẩm gọi mời bước chân du khách đến bản, làng vui xuân, trẩy hội bên ánh lửa bập bùng, hương rượu cần men lá nồng say, tiếng cồng chiêng, khua luống rộn ràng...

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]