(Baothanhhoa.vn) - Những năm đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh đất nước đầy biến động, diện mạo, đời sống ở vùng nông thôn Việt Nam diễn ra như thế nào? Đặc tính, phong tục, tập quán của những “người nhà quê” ra sao? Người xưa “chơi họ” (chơi hụi, chơi phường) có giống như chúng ta hôm nay? Và, “kho tàng” kiến thức, tư liệu khái quát về tổ chức làng xã, dân cư, tập quán, đời sống Nhân dân vùng nông thôn Việt đầu thế kỉ XX đã được tái hiện sinh động, chân thực trong cuốn sách “Lời người man di hiện đại - Phong tục và thiết chế của người An Nam” (NXB Tri Thức) của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).

Phác thảo phong tục và thiết chế của người An Nam từ lời người man di hiện đại

Những năm đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh đất nước đầy biến động, diện mạo, đời sống ở vùng nông thôn Việt Nam diễn ra như thế nào? Đặc tính, phong tục, tập quán của những “người nhà quê” ra sao? Người xưa “chơi họ” (chơi hụi, chơi phường) có giống như chúng ta hôm nay? Và, “kho tàng” kiến thức, tư liệu khái quát về tổ chức làng xã, dân cư, tập quán, đời sống Nhân dân vùng nông thôn Việt đầu thế kỉ XX đã được tái hiện sinh động, chân thực trong cuốn sách “Lời người man di hiện đại - Phong tục và thiết chế của người An Nam” (NXB Tri Thức) của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).

Phác thảo phong tục và thiết chế của người An Nam từ lời người man di hiện đại

Nguyễn Văn Vĩnh là một “tượng đài”, một “dấu chỉ” không thể bỏ qua nếu muốn đi sâu tìm hiểu các vấn đề văn hóa, văn học, tư tưởng, báo chí, dịch thuật, xã hội học những năm đầu thế kỉ XX ở đất nước ta. Trong đó, “Lời người man di hiện đại” chỉ là một trong khối lượng lớn di cảo của Nguyễn Văn Vĩnh trong suốt cuộc đời lao động và sáng tạo. Với những đóng góp to lớn ấy, nhà tân học, nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh được nhận định là “người tiêu biểu cho một phong trào duy tân cấp tiến tại nước Việt vào đầu thế kỷ 20” (GS Phạm Thế Ngũ), là một trong những “nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên của Việt Nam mang tính khai sáng” (GS Phan Huy Lê), “một nhân vật quan trọng của buổi giao thời” (GS Nguyễn Huệ Chi).

“Phong tục và thiết chế của người An Nam” là “phát súng lệnh” đầu tiên của bộ sách mang tên: “Lời người man di hiện đại” do ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh dành tất cả tâm sức thực hiện. Nội dung cuốn sách được tập hợp từ những bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh viết cho chuyên mục “Phong tục và thiết chế của người An Nam” trên báo L,Annam Nouveau (Nước Nam Mới) do chính ông sáng lập. Mặc dù kết cấu khá đơn giản, tập trung vào 2 nội dung chính là: Phong tục và thiết chế của người An Nam, Vấn đề lúa gạo - nhưng với khối lượng kiến thức, ngồn ngộn tư liệu, sinh động thực tiễn, nhận định sắc bén, cuốn sách thực sự là “giáo trình” chất lượng về nông thôn Việt Nam đầu thế kỉ XX được trình bày một cách độc đáo, hấp dẫn. Không đơn thuần tiếp cận làng, xã, dân cư, tập quán, đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn từ góc nhìn của một nhà trí thức tân thời. Đây là những kí ức quý giá được lưu giữ về nơi mà người dân nước Việt vẫn luôn đau đáu, trăn trở mỗi khi nhớ về: “Đối với một người An Nam, việc có quê gốc ở tỉnh nào đó sẽ danh giá hơn so với việc nói là ở phường hay ở trong một khu phố thị, nơi chúng ta vẫn thường nói rằng: ... dân tứ xứ”.

Đọc cuốn sách, độc giả nhận thấy sức hấp dẫn, mới mẻ đến từ những điều gần gũi, thân thuộc nhất. Với phần lớn người dân Việt, ngay cả những người đã bao đời gắn bó với thị thành thì “căn cước cuộc đời” vẫn luôn có một mảnh hồn quê để thương, để nhớ. Bởi vậy, độc giả hẳn không còn xa lạ với những khái niệm liên quan đến cơ cấu tổ chức làng xã như: xóm, thôn, giáp, hay các tín ngưỡng trong đời sống như tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, thờ cúng tổ tiên, đàn tế... Độc giả cũng không còn xa lạ với hình ảnh đình làng, chợ quê, đồng chiêm, đồng mùa... Từ những điều rất nhỏ được đề cập trong cuốn sách cũng khiến chúng ta ngạc nhiên, thích thú, ví như việc chơi họ (chơi phường). Không phải đến nay, việc chơi họ, chơi phường mới xuất hiện mà thực chất đã tồn tại trong đời sống nông thôn Việt từ rất lâu đời, phổ biến, vượt trội đến mức khó có hình thức tổ chức tài chính nào thay thế được. Cho đến ngày hôm nay, chơi phường (chơi họ) vẫn và sẽ được duy trì, tồn tại trong lòng cộng đồng dân cư làng, xã, bất chấp việc có thể đối mặt với “rủi ro” trước sự giản đơn trong hình thức tổ chức tài chính này. Nhưng các khái niệm ấy khi xuất hiện trong cuốn sách được “đào sâu” hơn, được đặt trong không gian học thuật kết hợp với kiến thức điền dã, dân gian phong phú khiến người đọc không khỏi bị thu hút, càng thêm yêu thích tìm hiểu, khám phá.

Vấn đề lúa gạo cũng là nội dung đặc sắc, thể hiện tầm tư tưởng lớn của Nguyễn Văn Vĩnh: “Người dân cày An Nam là kẻ duy nhất trên thế giới này thuận tình làm việc vừa đủ để khỏi chết đói, chấp nhận một cách có ý thức những khoản vay mà tiền lãi ngốn hết mọi lợi ích... Điều thiết yếu đối với anh ta là sản xuất ra thứ sản phẩm là lúa gạo mà anh ta vẫn hy vọng bao giờ cũng sẽ được ăn trước những người khác, anh ta nghĩ vì mình đã trồng ra nó! Vậy nhưng bao giờ anh ta cũng rơi vào tình cảnh phải bán hết đi mà chỉ giữ lại những gì là thứ phẩm để giúp anh ta khỏi chết... Tuy nhiên, bao đời vẫn vậy, “dẫu sự thể có xoay vần thế nào chăng nữa, đất đai của chúng tôi vẫn là một giá trị bất di bất dịch chừng nào còn có người để trồng cấy. Giá cả có thể lên xuống trong tình hình xã hội thiếu tiền bạc, nhưng giá trị vẫn còn và sẽ chuyển thành tiền bạc ngay khi tiền tệ lại lưu thông”.

Ý nghĩa, giá trị, sức hấp dẫn lớn nhất của cuốn sách, có lẽ, nằm ở những nhận định thông minh, sắc bén, tư tưởng tân tiến, có phần đi trước thời đại của tác giả khi nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề trong xã hội. “Một ngôi làng sẽ tồn tại như một chiếc hộp kín nếu bị cô lập về mặt địa lý? Một khi có một tuyến đường nào đó chạy qua làng thì nơi đó sẽ có thể trở thành đô thị”. Nguyễn Văn Vĩnh nói như ông đang ở thì hiện tại và tương lai này vậy. Thực tế hiện nay diễn ra đúng như thế, những “cơn sốt” đất làng thường đi liền với những cụm từ như: dự án, mở đường, quy hoạch, đô thị hóa... Đó là tính hai mặt của một vấn đề, không có tốt cả hoặc xấu cả. Điều quan trọng là làng và cư dân của làng đối mặt và bước vào cuộc chơi ấy như thế nào để hướng tới sự phát triển chứ không lạc đường, lạc lối. Ông đã rất khách quan, tân tiến khi thẳng thắn nói về “tầm quan trọng của chỗ ngồi” trong tâm lý “người nhà quê”: Tham vọng lớn nhất của dân làng là có được vai vế (phẩm hàm) để được một chỗ ngồi ở “chiếu trên” trong các dịp quan trọng của làng... Đây là tư tưởng đặc biệt đã tạo nên “điểm yếu” và cả “sức mạnh” của người An Nam. Hay khi ông nói về việc “ham hố tiên đoán tương lai” đã dung dưỡng cho những mê tín, dị đoan cùng các phương thức bói toán lai tây lai tàu tồn tại. Ông không ngần ngại khi nói về sự can thiệp thô bạo của chính quyền bảo hộ vào tổ chức làng, xã dưới danh nghĩa “khai hóa văn minh”...

Việc tìm hiểu về cuộc sống của người dân An Nam - cái cuộc sống mà người châu Âu gọi là cộng đồng - thực sự rất thú vị bởi việc hiểu chi tiết về đời sống của người dân An - Nam sẽ rất có ích với những ai làm nhiệm vụ quản lý, hoạch định chính sách, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, cải cách, giáo dục... Từ những kiến thức, hiểu biết ấy, mỗi quyết sách, những bài viết, nghiên cứu, chương trình giáo dục, văn hóa về nông thôn được đưa ra sẽ phù hợp, đạt hiệu quả cao, hướng đến phát triển bền vững. Đó cũng là giá trị lớn lao nhất mà tập sách “Lời người man di hiện đại” nói chung mang đến cho cộng đồng, xã hội.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]