(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ đẹp nức lòng du khách với bãi cát vàng thơ mộng nơi bờ biển, TP Sầm Sơn được biết đến như là mảnh đất của những truyền thuyết, huyền thoại, dã sử thấm đẫm sắc màu tâm linh. Ở đó, sức sống bền bỉ của các di tích văn hóa – lịch sử chính là ảnh xạ chân thực và sinh động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu:

Nơi thấm đẫm sắc màu truyền thuyết, tâm linh

Nơi thấm đẫm sắc màu truyền thuyết, tâm linh

Nét đẹp cổ kính, thanh bình của Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia Đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu.

Không chỉ đẹp nức lòng du khách với bãi cát vàng thơ mộng nơi bờ biển, TP Sầm Sơn được biết đến như là mảnh đất của những truyền thuyết, huyền thoại, dã sử thấm đẫm sắc màu tâm linh. Ở đó, sức sống bền bỉ của các di tích văn hóa – lịch sử chính là ảnh xạ chân thực và sinh động.

Điều này lý giải vì sao, trải qua bao thăng trầm, biến cố, đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu vẫn hiện hữu, trở thành niềm tự hào, nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy kể lại rằng: Vì cả tin vào tình yêu, công chúa Mỵ Châu – người con gái được Thục phán An Dương Vương hết mực thương yêu đã “vô ý” trao nỏ thần vào tay Trọng Thủy – con trai của Triệu Đà, kẻ luôn có dã tâm xâm lược đất nước Âu Lạc khiến cho thành Cổ Loa thất thủ. Để tránh sự truy sát của quân giặc, Thục phán An Dương Vương đã phải vội vã lên ngựa, mang theo công chúa Mỵ Châu chạy trốn về phía biển. Hy vọng Trọng Thủy sẽ đi tìm mình, công chúa Mỵ Châu đã rải những chiếc lông ngỗng dứt ra từ áo của mình suốt dọc đường đi để ngầm báo hiệu. Khi cha con An Dương Vương chạy đến bờ biển, đức vua cầu khấn thần Kim Quy giúp đỡ. Từ phía biển, thần Kim Quy hiện lên, nói lớn: Kẻ ngồi sau lưng ngài chính là giặc đó. Nhà vua lập tức hiểu ý thần Kim Quy, liền vung gươm chém chết Mỵ Châu, sau đó được thần Kim Quy rẽ sóng đi xuống biển. Trong khi đó, nhờ lần theo dấu lông ngỗng mà Trọng Thủy tìm đến bên bờ biển nhưng đau xót khôn nguôi khi thấy xác Mỵ Châu nằm đó. Trọng Thủy đưa xác Mỵ Châu về chôn trong thành Cổ Loa; sau đó nhảy xuống cái giếng mà Mỵ Châu thường tắm.

Thực tế, truyền thuyết An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu - Trọng Thủy không đơn thuần là sản phẩm từ trí tưởng tượng phong phú của dân gian mà dựa trên tư liệu lịch sử. Cốt lõi lịch sử của truyện là việc Thục phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sự thất bại của Nhà nước Âu Lạc trước sự xâm lược của quân Triệu Đà. Dân gian đã sáng tạo thêm vào các yếu tố thần kỳ để cốt lõi lịch sử ấy thêm sinh động và hấp dẫn. Qua hình thức truyền miệng và ý niệm tâm linh ở từng vùng, miền mà câu chuyện ấy như được phái sinh với nhiều tình tiết khác nhau. Tuy nhiên, dẫu có bao nhiêu dị bản đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận những công lao to lớn của An Dương Vương khi thống nhất được Nhà nước Văn Lang, lập nên Nhà nước Âu Lạc, chống quân Tần xâm lược... Đối với công chúa Mỵ Châu, người đời dành cho nàng sự cảm thông, thương cảm hơn là đáng trách vì đã một lòng, một dạ yêu thương và tin tưởng tuyệt đối vào người mình yêu để rồi phải nhận lấy kết cục đau lòng: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.

Để tưởng nhớ công lao của vua An Dương Vương và tỏ lòng thương cảm với công chúa Mỵ Châu, nhiều nơi trên đất nước ta, người dân xây dựng đền, quanh năm thành kính thờ phụng. Tại thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn, đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đã tồn tại từ lâu, gắn bó sâu sắc, trở thành nét đẹp, niềm tự hào trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.

Đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu thuộc địa phận làng Bình Hòa, phường Quảng Châu – nơi có vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trù phú. Đền có Quốc lộ 47 chạy qua, cùng với con sông Điều êm đềm nước chảy nên phát triển cả về giao thông đường bộ - đường thủy; xa xa dãy núi Trường Lệ như bức bình phong vững chãi. Xưa kia, làng Bình Hòa thuộc xã Bình An, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, sự tồn tại của đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu gắn liền với câu chuyện bi thương của nhà vua trên đường trốn chạy sự truy sát của quân địch, ngài có đánh rơi một chiếc đai vàng ở cánh đồng ngay trước chỗ đền thờ ngày nay. Tuy chưa có căn cứ để xác định chính xác nhưng người dân tin rằng, ngôi đền đã được xây dựng cách đây khoảng 600 năm. Các triều đại phong kiến sau này đều phong tên thụy cho vua An Dương Vương là “Nam Hải đại vương”, “thượng thượng đẳng thần”. Sắc phong thời Lê, Nguyễn đều ca ngợi là: “Huyền thông, tĩnh an, quảng lợi, hồng cáp, quang quý, dực bảo trung hưng Nam hải Thượng đẳng thần”.

Bên cạnh đền thờ An Dương Vương còn có đền thờ công chúa Mỵ Châu. Ngôi đền được kiến trúc theo hình chữ đinh, bao gồm: Nhà tiền đường, chính tẩm. Theo Nhân dân địa phương, xưa kia trong đền có đặt tượng của công chúa Mỵ Châu, vốn là pho tượng không đầu nhưng đến nay không còn nữa. Ngoài ra, trước đền còn có “giếng ngọc” như biểu tượng cho tình yêu son sắt, thủy chung. Dẫu rằng, tình yêu giữa nàng công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy không đi đến cái kết trọn vẹn, hạnh phúc. Tuy nhiên, hình ảnh “những hạt ngọc trai được lấy từ vùng biển nơi công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém chết bỗng sáng lấp lánh hơn khi được rửa bằng nước giếng mà Trọng Thủy đã nhảy xuống tự tử” vẫn hằn in trong tâm thức người Việt với tất cả sự thương xót, trân trọng.

Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như: 16 đạo sắc phong thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn, các bài văn tế thần, tập văn thúc ước làng Bình Hòa và một số đồ thờ tự như: Long cung, long ngai, bài vị, kiệu bát cống, hương án, bát biểu, đại tự, câu đối... Hàng năm, tại đền thờ Đức vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đều đặn diễn ra 4 kỳ lễ lớn: Mùng 6 tháng giêng (ngày đức vua lên ngôi); lễ cầu phúc (mùng 1 tháng 2); Húy kỵ 11 tháng 3 (ngày mất của vua) và lễ vào tháng 7 âm lịch (ngày sinh đức vua). Năm 1997, đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Trải qua biến thiên của thời gian, lịch sử, qua những lần tu sửa, tôn tạo, đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu vẫn luôn được các thế hệ người dân làng Bình Hòa chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy; trở thành điểm tham quan, du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương mỗi dịp ghé thăm thành phố biển Sầm Sơn.

Thảo Linh

** (Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Linh tích Sầm Sơn”, tập I của tác giả Hoàng Thăng Ngói, NXB Thanh Hóa ấn hành).


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]