(Baothanhhoa.vn) - “Từ bục giảng đến văn đàn” không đơn giản chỉ là những thay đổi cơ học về mặt nghề nghiệp. Hơn hết, đó là hành trình của tài năng, đam mê, nhiệt huyết, lòng chân thành. Lịch sử hình thành và phát triển nền văn học nước nhà ghi đậm dấu ấn của nhiều cây viết gạo cội, thành danh xuất thân, đã và đang là những người thầy, người cô mẫu mực trong lĩnh vực “trồng người”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người thầy nổi danh trên văn đàn Việt Nam

“Từ bục giảng đến văn đàn” không đơn giản chỉ là những thay đổi cơ học về mặt nghề nghiệp. Hơn hết, đó là hành trình của tài năng, đam mê, nhiệt huyết, lòng chân thành. Lịch sử hình thành và phát triển nền văn học nước nhà ghi đậm dấu ấn của nhiều cây viết gạo cội, thành danh xuất thân, đã và đang là những người thầy, người cô mẫu mực trong lĩnh vực “trồng người”.

Những người thầy nổi danh trên văn đàn Việt NamCuốn truyện dài “Bàn có năm chỗ ngồi” – một trong những tác phẩm tái hiện một cách sinh động, đầy đủ những ký ức, hoài niệm về quãng thời gian dạy học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà văn Ma Văn Kháng – người thầy cả đời phụng sự con chữ

Nhà văn Ma Văn Kháng (tên thật là Đinh Trọng Đoàn), sinh ngày 1-12-1936, được biết đến là một nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi Mới. Trước khi đảm nhận chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam khóa V, Tổng Biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao Động, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam, Ma Văn Kháng đã từng có quãng thời gian khá dài gắn bó, làm việc trong môi trường giáo dục, trong đó có nhiều năm dạy học ở Lào Cai - vùng rừng núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chính những trải nghiệm, gắn bó sâu sắc cùng với biết bao say mê, nhiệt huyết, lý tưởng của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã trở thành chất liệu quý giá trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Ma Văn Kháng. Trong một bài phỏng vấn, ông từng thổ lộ: “Tôi đã sống đời sống thực thụ của một ông giáo. Môi trường giáo dục, công việc, không khí tôi hít thở, buồn vui hằng ngày của tôi là cuộc sống quen thuộc, quen thuộc cho đến tận hôm nay. Sống trong nghề thầy, viết về ông thầy, âu cũng là chuyện thông lệ”. Có thể nói, đề tài miền núi và giáo dục là cảm hứng chủ đạo đã góp phần làm nên tên tuổi gắn liền với nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như: “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”, “Thầy dạy tư”, “Người đánh trống trường”, “Thầy Khiển”, “Thầy Phùng kỳ quặc khác người”, “Thầy K. Tình”, “Ông Smith và cụ già hàng xóm”, “Thầy Thế đi chợ bán trứng”, “Hoa nở vườn đêm”, “Thầy dạy Toán”, “Cây bồ kếp hoa vàng”...

Một trong những điều làm nên nét đặc sắc, ấn tượng trong các tác phẩm khai thác đề tài giáo dục của nhà văn Ma Văn Kháng, đó là hệ thống các nhân vật, chân dung người thầy, người cô được khắc họa chân thực, gần gũi, sinh động. Ví như cái cách mà thầy Tự trong tác phẩm “Đám cưới không có giấy giá thú” trăn trở, dằn vặt trước những bất cập, tồn tại trong ngành giáo dục như một khối ung nhọt xấu xí, cứng đầu, nhức nhối. Thời điểm sau giải phóng, giáo dục cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác đều chịu sự tác động, biến chuyển mạnh mẽ của thời cuộc. Trật tự xã hội, giá trị sống, giá trị con người bị lung lay. Bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục lúc bấy giờ được nhà văn Ma Văn Kháng khắc họa một cách chân thực, sâu sắc, đầy ám ảnh. Ở đó, chân dung tinh thần, nhân cách của những người thầy, người cô - “những người kỹ sư tâm hồn” hiện diện rõ nét giữa hai mảng màu sáng - tối đối lập. Người đọc cảm thương, trân trọng tấm lòng, nhân cách cao đẹp của thầy Tự. Mặc cho có bao nhiêu thế lực, “bóng ma” tàn nhẫn, vô lương tâm sẵn sàng chà đạp, đè nén mình, thầy vẫn kiên cường, quyết tâm đứng về lẽ phải để bảo vệ cái đẹp trong tâm hồn. Yêu mến, cảm phục thầy Tự, thầy Thống bao nhiêu, người đọc lại xót xa, thương cảm cho Thuật, cô Xuyến bấy nhiêu. Cuộc đời với tất cả những tréo ngoe, vô tình nhiều khi đặt những người thầy, người cô vào tình thế phải lựa chọn. Tốt hay xấu, vinh hay nhục, nhiều khi cũng chỉ cách nhau ranh giới mong manh của sự lựa chọn.

“Thế giới nhà giáo chúng tôi vui lắm, nhiều chuyện lắm, bi có hài có, phong phú vào loại bậc nhất nhì xã hội con người đó” - nhà văn Ma Văn Kháng từng hóm hỉnh nói. Quả thật, hình tượng người thầy hiện diện trong thế giới nghệ thuật của nhà văn Ma Văn Kháng với sự đa dạng, khác biệt về số phận, diện mạo, tính cách... Tuy nhiên, tất cả đều có một mẫu số chung. Dẫu cuộc sống có buộc những người thầy, người cô ấy phải đối mặt với sự khắc nghiệt, cay đắng, bạc bẽo đến thế nào đi chăng nữa, họ vẫn mãi là những nhà giáo yêu nghề, yêu trò tha thiết, mãnh liệt, nhân cách, lý tưởng sống cao đẹp, tấm lòng nhân hậu, bao dung.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – “Hoàng tử bé”, người thầy trong thế giới trẻ thơ

Cái tên Nguyễn Nhật Ánh dường như đã quá quen thuộc, nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trước khi viết văn, ông đã từng là một thầy giáo. Trong bài viết “Ký ức làm thầy” (Sương khói quê nhà), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự: “Tôi dạy học hai năm 1984 – 1986 ở trường Bình Tây, sau đó chuyển về báo Sài Gòn giải phóng đến tận hôm nay, tính ra đã hai mươi sáu năm, một quãng thời gian đủ để một em bé sơ sinh trở thành một ông bố hay bà mẹ. Quả thực, hai mươi sáu năm xa cách và những va chạm, quăng quật với đời khiến ông cảm thấy “chất mô phạm trong tôi đã phai nhạt nhiều”.

Xa cách là thế nhưng dẫu qua bao nhiêu thời gian đi chăng nữa, quãng thời gian đứng trên bục giảng với tư cách là một người thầy giáo sẽ mãi là hồi ức, kỷ niệm trong trẻo, ngọt lành, ấm áp không bao giờ mờ phai trong sâu thẳm tâm hồn. Bởi lẽ, đối với ông, “đó là hai năm có quá nhiều điều để nhớ”. Ông nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tụi học trò “nhất quỷ nhì ma” hồn nhiên, tinh nghịch nhưng không kém phần tình cảm, đáng yêu. Và hơn hết, ông hiểu, cảm thông, trân trọng, tin cậy tấm lòng yêu mến học sinh và tâm huyết, nỗ lực cống hiến hết mình của những người thầy, người cô cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà: “Đại bộ phận các thầy, cô giáo hiện nay trên cả nước có lẽ cũng giống như các thầy, cô đang ngồi trước mặt tôi trong buổi sáng tháng tư đầy nắng đó. Chính họ là những tấm gương sáng để học sinh soi vào, là những người âm thầm gìn giữ sự cao quý của nghề dạy học vốn đã bị sứt mẻ không ít bởi những chuyện ngoài tầm tay của những người đứng trên bục giảng”.

Qua năm tháng, chính ông đã thu vén những hồi ức, kỷ niệm với đầy đủ cung bậc cảm xúc ấy đem chưng cất, chắt lọc thành chất liệu văn học đắt giá, lặng lẽ đi vào trong từng trang sách. Với văn phong nhẹ nhàng, ấm áp pha chút hồn nhiên, dí dỏm và khả năng tài tình trong diễn tả, khắc họa tâm lý nhân vật, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thành công dẫn dắt bạn đọc hòa mình vào thế giới tuổi thơ trong trẻo ngọt lành, không gian học đường vui nhộn, tình cảm gia đình thiêng liêng hay những rung động, bồi hồi, vụng về của mối tình đầu mới chớm nở... Qua đó, bất kỳ ai cũng cảm thấy như được gặp lại chính mình của những năm tháng hồn nhiên, trong sáng ấy. Đó là cách mà các sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chạm vào trái tim độc giả và lưu dấu ấn sâu đậm, không dễ gì xóa nhòa như: “Trước vòng chung kết”, “Kính vạn hoa”, “Bảy bước tới mùa hè”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc”, “Bàn có năm chỗ ngồi”... Trong đó, “Bàn có năm chỗ ngồi” là một trong những tác phẩm tái hiện một cách sinh động, đầy đủ những ký ức, hoài niệm về quãng thời gian dạy học của ông.

“Bàn có năm chỗ ngồi” xoay quanh câu chuyện tình bạn giữa 5 người với những tính cách, hoàn cảnh khác nhau. Ngay cả trong lớp, mỗi bạn cũng nổi trội ở một môn học khác nhau. Huy giỏi Văn, Bảy giỏi Toán, Hiền giỏi nữ công gia chánh, Quang giỏi Sinh vật và Đại giỏi đều tất cả các môn. Trước khi ngồi chung một bàn, 5 đứa trẻ này hoàn toàn xa lạ. Nhưng khi được cắp sách đến trường, trở thành thành viên của lớp học và cùng nhau chia sẻ diện tích một cái bàn, trải qua thời gian học tập và rèn luyện cùng nhau, vô hình chung, tình bạn trong sáng, hồn nhiên, chân thành được vun đắp và trở thành sợi dây vô hình kết nối chúng lại với nhau. Bởi vì tình bạn mà yêu thương, trân trọng, biết động viên, giúp đỡ, bù đắp, hoàn thiện cho nhau để cùng tiến bộ. Ngay cả khi trong nhóm bạn ấy, có một ai đó buộc phải chuyển đến ngôi trường mới thì tình bạn ấy vẫn thủy chung, sâu đậm, gắn bó khăng khít. Những đứa trẻ ấy luôn mãi nhớ về nhau, đồng hành, san sẻ cùng nhau niềm vui, nỗi buồn, khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Đâu chỉ có nhà văn Ma Văn Kháng hay Nguyễn Nhật Ánh, văn đàn Việt Nam vinh dự, tự hào khi có nhiều cây viết gạo cội, thành danh xuất thân, đã và đang là những người thầy, người cô mẫu mực trong lĩnh vực “trồng người” như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Nguyên Khiết, Mã A Lềnh, Ngô Văn Giá, Phạm Duy Nghĩa, Mai Anh Tuấn... Với chất liệu sống, chất liệu nghề nghiệp dày dặn, dựa trên trải nghiệm thực tế có tính tiếp nối, họ đã cống hiến hết tài năng, tâm huyết của mình nhằm sáng tạo nên những tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần văn hóa, dân tộc và phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc về ngành giáo dục qua từng giai đoạn, thời kỳ nói riêng, mọi khía cạnh của đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước nói chung.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]