(Baothanhhoa.vn) - “Những lời kể rất thầm” của trái tim yêu cháy bỏng!

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Thư tình gửi một người” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Những lời kể rất thầm” của trái tim yêu cháy bỏng!

“Những lời kể rất thầm” của trái tim yêu cháy bỏng!

Những dòng thư của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi người con gái Huế – Ngô Vũ Dao Ánh.

Vẫn tiếng đại hồ cầm rất trầm

đêm cuối năm, đường 18

thêm ly rượu đỏ, quán Toulouse-Lautrec

nhớ bạn mười năm xa

nhớ đêm Đơn Dương thức khuya viết thư

gởi về Hướng Dương

tôi vẽ thêm ánh nến

những ngọn nến âm u trên rừng khuya

gió hú, và Sơn ơi mười năm về đâu...”.

Đây là bài thơ do họa sĩ Đinh Cường – người bạn thân thiết nhất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác được tác giả Trịnh Vĩnh Trinh giới thiệu trong những dòng thưa cùng bạn đọc in ngay đầu cuốn sách “Thư tình gửi một người”. Những lời thơ thấm đẫm kỷ niệm của họa sĩ Đinh Cường “nhắc nhớ một thời trai trẻ ở Blao, Đơn Dương, Đà Lạt với những đêm Trịnh Công Sơn “thức khuya viết thư gởi về Hướng Dương” trong ánh sáng bạch lạp, khi mà miền cao nguyên sương mù hoa mặt trời đang nở vàng cho Ánh”. Chính như tác giả Trịnh Vĩnh Trinh đã xác nhận: “Ánh hay Hướng Dương là một”. Đó chính là “cô gái Huế” Ngô Vũ Dao Ánh - chủ nhân của những bức thư tình mà cố nhạc sĩ đã dành năm tháng tuổi trẻ của mình để viết như trút cạn từng khoảnh khắc, từng cung bậc cảm xúc. Và bà cũng chính là người đã gìn giữ những lá thư ấy suốt năm dài tháng rộng mặc cho bao biến động đủ sức xóa nhòa mọi thứ. Để rồi trải qua đằng đẵng cuộc đời, “những bức thư ủ đầy thương yêu và nhuộm màu quá khứ dài lâu” ấy được công bố rộng rãi đến bạn đọc thông qua cuốn sách “Thư tình gửi một người”.

Câu chuyện tình giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dao Ánh chớm nở trong sự đồng điệu của tâm hồn. Vào thời điểm cố nhạc sĩ vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi buồn sau cuộc tình dở dang giữa ông và Bích Diễm – người chị gái của Dao Ánh. Bằng tất cả sự tiếc nuối, cảm thông, lòng ngưỡng mộ, cô bé Dao Ánh đã thường xuyên viết thư động viên, an ủi, chia sẻ với cố nhạc sĩ. Khi đó, Dao Ánh là cô nữ sinh Trường Nữ Đồng Khánh; còn cố nhạc sĩ vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn khóa 1, nhận công tác ở vùng đất Blao (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng). Nhịp sống chậm rãi của vùng đất Blao cùng với sự cô đơn, trống vắng, nỗi buồn hoang hoải gặm nhấm trong lòng khiến cho việc đón nhận những lá thư của Dao Ánh gửi đến trở thành “cứu cánh” tâm hồn người nghệ sĩ: “Anh viết thư cho Ánh luôn như thế này những ngày anh ở trong giai đoạn buồn bã nhất của tuổi anh”. Điều đó được thể hiện rất rõ trong nhiều bức thư cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi lại cho người tình: “Thành phố chìm chết. Hay anh chìm chết. Có những lá me rất nhỏ lăn tăn như từng tích buồn bên kia công viên. Tất cả như muốn âm mưu, toa rập trên vẻ hư vô mênh mang anh đang chịu đựng. Anh bỏ đi và về nhà nằm úp mặt không còn lời nói”. Dẫu rằng, từng mảng màu, âm thanh của cuộc sống xung quanh bước vào những trang thư một cách tinh tế, thi vị: “Buổi chiều vàng vọt xám. Những con chim về kêu rêu trên những vùng cháy nám của cỏ khô. Anh thì thầm nghe những lao đao trong mình trầm xuống”. Nhưng chính ông đã thừa nhận: “Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục”. Sự hoang vắng, trống trải trong lòng khiến lòng người nhạc sĩ “càng thêm nhớ những phút giây có Ánh”. Ông gọi tên người tình thao thiết qua từng dòng thư dâng đầy cảm xúc: “Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi. Anh gọi thầm vì ngại những tiếng kêu sẽ vang dội trên những bờ vách đồi núi yên lặng ở đây. Hãi hùng lắm và càng xót xa hơn mà thôi”. Bởi vậy, niềm vui, hạnh phúc khi nhận được “thư của Ánh” tựa hồ như “phép lạ thật mầu nhiệm” đủ sức “ném anh về một đỉnh cao ở đó, anh bàng hoàng nghe loài chim lạ hót. Anh xúc động như vừa tìm lại được một vẻ kỳ bí nào đã đánh mất”. Ham muốn được tận hưởng mãi niềm vui, niềm hạnh phúc ấy khiến ông hiểu rằng: “Viết quá nhiều để bày tỏ những muộn phiền của mình là một yếu điểm”. Nhưng việc được trò chuyện qua thư và hồi hộp nhận thư hồi đáp từ người tình bé nhỏ khiến khao khát như ngọn lửa đốt cháy tâm hồn ông dịu lại: “Anh chỉ thấy mình tha thiết muốn đối thoại với người thân yêu, nên anh phải viết vội buổi chiều quá buồn như đã từng kể lể nhiều rồi”.

Quả thực, vào thời điểm đó, Dao Ánh và những bức thư trao gửi qua lại giữa hai người là tất cả niềm vui, nỗi buồn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chỉ còn mình Ánh để anh hàn huyên về những khoảng trống đau nhói của mình”. Ông xem Dao Ánh như người bạn tâm giao, có thể cùng ông chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Ngay cả những điều nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày như cảm nhận sau khi đọc xong một cuốn sách nào đó cho đến nỗi trống trải, cô đơn và muôn vàn điều sâu kín hơn nữa đang chất chứa trong lòng người nhạc sĩ: “Đêm hôm qua, anh đọc nốt cuốn sách đến 1 giờ khuya thì xong. Đọc xong thì buồn. Buồn theo từng nỗi tuyệt vọng của Juliette và Alissa. Tuyệt vọng của Alissa là một thứ tuyệt – vọng – đức – hạnh. Đức hạnh đó đưa về một hạnh – phúc - ảo – tưởng – trên – cao. Yêu rồi hủy diệt tình yêu đó, quay lưng trước tình yêu đó [...] Riêng anh, anh cho nỗi tuyệt vọng của Juliette “người hơn”, đáng thương hơn. Một tuyệt vọng còn mãi bị hành hạ, khổ sở, bị giằng co không ngừng. Hai bàn chân còn dính liền với đất. Hai bàn tay cùng thân thể đó gắn liền thân phận”. Có những tâm sự đã trở thành căn nguyên, nguồn cội của khúc ca: “Đêm đã dày. Trăng sáng mênh mông trên vùng đồi đã ngủ mê. Anh mang vào giấc ngủ này có 5 ngón tay dài giá rét”. Và làm sao thiếu được, những triết lý về cuộc đời, tình người, tình yêu: “Càng sống nhiều thì càng độ lượng, càng độ lượng thì càng thấy mình già nua, càng già nua lại càng đánh mất. Bởi vì mỗi ngày mình đã di mình ra xa những nề nếp sống tầm thường. Đó cũng là một loại chu – kỳ - định – mệnh”.

Đọc những lá thư của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cô gái Huế có tên Ngô Vũ Dao Ánh, người đọc không chỉ tìm thấy vẻ đẹp kỳ diệu của một tình yêu huyền nhiệm mà còn hiểu được những trăn trở, suy tư của người nghệ sĩ tài hoa về kiếp người, về lòng tin và nhiều điều tốt đẹp đang bị mai một trong cõi nhân gian. Sinh thời, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công chúng biết đến như một người nghệ sĩ tài hoa. Ông viết nhạc, vẽ tranh, viết văn... Ở lĩnh vực nào, ông cũng có sức hút riêng. Nhưng có lẽ, ông thành danh và được công chúng đón nhận nhiều nhất với tư cách là một nhạc sĩ. Các sáng tác của ông không chỉ đẹp trong giai điệu mà còn mang nét kỳ ảo trong thế giới ngôn từ, cảm xúc, triết luận... Từng lời nhạc, từng dòng thư và bao giờ cũng thế, thế giới ngôn từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đẹp, biến ảo vô chừng trong cách ông tạo nhịp, luyến láy. Đôi khi, đọc những bức thư của ông gửi Dao Ánh, độc giả có cảm giác như đang được thưởng thức một bài thơ hay lời của một nhạc phẩm nào đó: “Bây giờ anh không còn là người gác hải đăng. Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa đông này?”. Với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người con gái với cái tên rất đẹp: Dao Ánh có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Biết bao thế hệ say đắm “nhạc Trịnh” nhưng ít ai biết được rằng, một phần lớn các ca khúc nổi tiếng, còn lưu lại mãi với thời gian của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: “Tuổi đá buồn”, “Mưa hồng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Như cánh vạc bay”, “Lời buồn thánh”, “Chiều một mình qua phố”, “Ru em từng ngón xuân hồng”... đều khởi nguyên từ sự thăng hoa cảm xúc trong cuộc tình giữa ông và cô gái ấy. Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Mưa hồng” được chính cố nhạc sĩ khẳng định trong thư: “Anh hát lại bản mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn”. Nhiều bản nhạc nổi tiếng khác của cố nhạc sĩ được nhắc đến trong các bức thư: “Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh”, “Ru mãi ngàn năm” hay “Ru em từng ngón xuân hồng”. Chính ông đã triết tự tên người yêu bé nhỏ của mình và lấy nó làm điểm tựa cho sự ra đời của những khúc ca: “Trong chữ Ánh có chữ Nhật là mặt trời. Và bài “Xin mặt trời ngủ yên” lại tình cờ có câu: Ôi nhân loại, mặt trời trong tôi. Lúc viết bản này anh đã có câu đó vì anh nghĩ là Ánh thích hoa mặt trời và mặt trời là nơi hoa hướng dương nhìn về đó. Nên anh đã đem mặt trời nhốt vào trong anh”.

Lần giở từ trang thư được tập hợp trong cuốn sách“Thư tình gửi một người”, bạn đọc không chỉ cảm nhận được tình yêu thương vô hạn dành cho một người con gái mà còn là biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu. Mặt khác, “những dòng thư gửi Ánh – Hướng Dương còn giúp giải mã rất nhiều ca từ và ca khúc của Trịnh Công Sơn, những bài hát đến hôm nay vẫn sống mãi trong lòng người yêu âm nhạc – như những lá thư trong tập sách này vẫn sống mãi sau bao dâu bể cuộc đời”.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]