(Baothanhhoa.vn) - Ký ức dẫn tôi lang thang qua từng con phố mà tên gọi của nó nhắc người ta nhớ nhiều về thời kỳ phát triển của những hiệu sách cũ trên địa bàn TP Thanh Hóa, như: Lê Hoàn, Lê Lai, Dương Đình Nghệ, Trần Phú... Các cửa hiệu sách cũ, giờ đây, tuy không còn nữa nhưng hình dung sống động về một thời đã qua nhưng nó vẫn kiên trì tồn tại như một dòng chảy ngầm của văn hóa đọc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cửa hiệu sách cũ – vì yêu mà đến

Ký ức dẫn tôi lang thang qua từng con phố mà tên gọi của nó nhắc người ta nhớ nhiều về thời kỳ phát triển của những hiệu sách cũ trên địa bàn TP Thanh Hóa, như: Lê Hoàn, Lê Lai, Dương Đình Nghệ, Trần Phú... Các cửa hiệu sách cũ, giờ đây, tuy không còn nữa nhưng hình dung sống động về một thời đã qua nhưng nó vẫn kiên trì tồn tại như một dòng chảy ngầm của văn hóa đọc.

Những cửa hiệu sách cũ – vì yêu mà đến

Bà Lê Thị Thêm xếp lại những cuốn truyện cũ trong cửa hiệu cho thuê sách, báo cũ của mình.

Vào những chuỗi ngày dài mệt nhoài, uể oải, tôi bỏ ngoài tai tiếng thở than rền rĩ của tâm hồn, bất chấp sự bộn bề của công việc đang đeo bám mình hằng ngày, hằng giờ chỉ để thực hiện cho bằng được ý nghĩ bất chợt hiện lên trong trí nhớ. Đó là cảm hứng được một lần trở lại rong ruổi khắp các con đường, ngõ phố với mong muốn tìm về những hiệu sách cũ mà trước đây tôi đã qua không biết bao nhiêu lần. Để làm gì? Chính bản thân tôi cũng không chắc chắn về câu trả lời. Chỉ biết rằng, những hiệu sách cũ ấy đã là một phần ký ức mà tôi không bao giờ muốn quên và rất sợ rằng, cứ mải mê ném mình vào vòng xoáy của cuộc sống thường nhật, công việc thường ngày, đến một lúc nào đó, tôi lại vô tình quên bẵng đi sự tồn tại của chúng.

Vô thức đi theo sự chỉ dẫn của ký ức, tôi bất giác mỉm cười khi thấy mình đã dừng xe trước cửa hàng cho thuê sách, báo, truyện cũ của bà Lê Thị Thêm (thôn Chùa, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa) tự lúc nào không hay biết. Bước vào bên trong ngôi nhà, trước sự vắng bóng của những kệ gỗ xếp chật cứng nào sách, báo, truyện tranh đủ loại trước đây khệ nệ chiếm trọn không gian hiên nhà, phòng khách rồi “ngự” cả lên tường nữa, tôi biết cái “thời kỳ hoàng kim” của những hiệu sách cũ đã góp phần làm nên “tuổi thơ dữ dội” của tôi thực sự qua mất rồi. Giờ đây, những hiệu sách cũ ấy tồn tại trong một niềm đam mê cố hữu của người đã dày công gây dựng nên nó và trong ký ức thường trực của những người ưa hoài niệm về những điều mà thời gian đã đi qua.

Nhắc nhớ về “thời kỳ hoàng kim”, phát triển nở rộ của thị trường bán buôn sách, báo cũ, cho thuê sách truyện, bà Thêm hồi tưởng lại, trong giọng kể không giấu nổi sự hào hứng, vui vẻ. Bà cho biết: Cách đây khoảng 15 – 20 năm về trước, cửa hàng của bà ước chừng phải có trên dưới 1 vạn cuốn đủ các loại sách, báo, cả cũ cả mới được bà dụng công thu mua, sưu tầm dưới nhiều hình thức khác nhau. Với số lượng sách như thế, ấy vậy mà, các kệ sách, báo trong cửa hàng lúc nào cũng trống, dạt đi vì lượng khách đến hỏi mua, hỏi thuê. Cửa hàng của bà ngoài một số lượng nhất định sách giáo khoa cũ, sách tham khảo thuộc các bộ môn học tập, sách văn học kinh điển thì phần lớn là báo cũ và truyện tranh, tiểu thuyết ngôn tình nên khách hàng phần lớn là học sinh, sinh viên. Bởi vậy nên hễ cứ giờ tan học hay vào những ngày nghỉ học trên lớp, nghĩa là chỉ cần có thời gian rảnh rỗi, chúng lại đổ xô đến cửa hàng của bà đặt cọc thuê truyện, xới tung từng chồng báo cũ để tìm cho được vài ba cuốn Mực tím, Hoa Học Trò, Trà sữa cho tâm hồn... về đọc. Nhiều lúc đứa này giành với đứa kia, phân vân cả buổi cốt làm sao thuê được tập truyện tiếp theo trong bộ truyện mà chúng đang đọc dở. Bà bảo: “Nhà lúc nào cũng huyên náo, ồn ã khiến mình nhiều khi đau đầu, mệt mỏi nhưng cứ nhìn thấy tụi trẻ hồ hởi vào ra thuê, mua sách, báo về đọc là bà lại quên hết cả, cảm giác thích thú như mình đang được động viên, truyền cảm hứng vậy”. Thời điểm đó, với giá bán sách, báo cũ được triết khấu phần trăm theo giá bìa; giá thuê dao động từ 500 – 1.000 đồng tùy vào độ “hót” và độ mới của sách, báo, bà Thêm có được một nguồn thu nhập đáng mơ ước, lớn hơn nhiều số tiền lương bà nhận được hằng tháng từ việc dạy học. Chẳng nói rõ con số là bao nhiêu, bà Thêm chỉ tủm tỉm cười cho biết: “Mỗi khi nghĩ về quãng thời gian phát triển của cửa hàng, tôi thầm cảm ơn rất nhiều. Nhờ có nó mà một thân một mình người phụ nữ như tôi có thể xoay sở mọi điều trong cuộc sống, nuôi được 3 người con ăn học nên người như ngày hôm nay”.

Đưa tay xếp lại những cuốn truyện tranh cũ nằm ngay ngắn, ìm lìm trên kệ gỗ, bà Thêm chia sẻ với tôi về thực trạng hiện tại của cửa hàng: “Nếu như trước kia, cửa hàng của bà nổi tiếng khắp vùng, không chỉ khách hàng trong làng, xã mà ngay cả các xã lân cận cũng tìm đến hỏi mua sách, báo cũ và thuê truyện về đọc thì giờ đây, nhiều người không còn quan tâm về nó nữa. Khách hàng thì vẫn có người này người kia lui tới nhưng giảm đi đáng kể, chủ yếu chỉ còn lại khách hàng thân thiết. Đối tượng và phạm vi khách hàng cũng thu hẹp hơn rất nhiều”. Giải thích về sự đìu hiu, vắng khách của những hiệu sách cũ, bà Thêm thẳng thắn nhìn nhận: “Thời đại bùng nổ thông tin, công nghệ phát triển, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính hay điện thoại là độc giả đã có thể tìm được cả kho sách, báo hay để đọc. Vừa nhanh chóng lại tiện lợi như thế, mấy ai còn mặn mà với việc tìm đến cửa hàng đặt cọc thuê sách rồi lại lóc cóc mang ra trả nữa”. Theo thời gian, cùng với số lượng khách dần thưa vắng, đến nay, bà Thêm chỉ còn giữ lại khoảng 1/3 trong tổng số gần 1 vạn cuốn sách của cửa hàng. Số sách, báo còn lại được bà chuyển nhượng cho một vài cửa hàng sách cũ khác và quán cafe có nhu cầu kinh doanh theo mô hình cafe sách. Tuy thu nhập không đáng là bao nhưng đến thời điểm hiện tại, cửa hàng sách cũ của bà Thêm vẫn duy trì hoạt động như một thói quen khó bỏ. Hiểu được xu thế tất yếu của thị trường, tuy cũng có đôi lúc chạnh lòng nhưng sâu thẳm trong lòng, bà không hề có ý định muốn từ bỏ công việc mà mình đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua. Bởi hơn ai hết, bà hiểu giá trị mà việc đọc sách mang lại trong quá trình hình thành, phát triển tư duy, bồi dưỡng tâm hồn, tư cách đạo đức và trí tuệ của mỗi con người. Thông qua cửa hàng sách cũ của mình, bà muốn lan tỏa tình yêu với sách, hình thành thói quen đọc sách đến nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ký ức dẫn tôi lang thang qua từng con phố mà tên gọi của nó nhắc người ta nhớ nhiều về thời kỳ phát triển của những hiệu sách cũ trên địa bàn TP Thanh Hóa, như: Lê Hoàn, Lê Lai, Dương Đình Nghệ, Trần Phú... Giờ đây, phố Lê Hoàn đã trở thành con phố sầm uất bán buôn, cách vài ba bước chân lại bắt gặp những cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép, vàng bạc, đá quý, điện máy... Hỏi thăm về mấy hiệu sách cũ, nhiều người phẩy tay cười bảo: “Ở cái khu đất vàng này, thiếu gì cái để kinh doanh ra tiền, mấy ai còn kinh doanh sách cũ nữa”. Con đường Trần Phú nối dài đến thế mà cũng chẳng đủ kiên nhẫn cho một hiệu sách cũ giữ mình giữa bộn bề các nhãn hàng, thương hiệu đua nhau về đây mở cửa hàng khang trang, lộng lẫy. Và nếu không có sự xuất hiện của một vài hiệu sách cũ đã tồn tại ngót nghét hàng chục năm trên đường Lê Lai thì chẳng ai nhớ được rằng nơi đây đã từng được mệnh danh là phố sách cũ của miền đất học xứ Thanh. Tuy đã từng có những thời điểm “cực thịnh”, toàn bộ không gian trong nhà từ tầng 1 lên đến tầng 3 đều dành để bày sách, chị Lê Thị Vẹn – chủ nhà sách Thành Vẹn vẫn phải chấp nhận rằng, thị trường sách cũ đã không còn sôi động như trước, thị hiếu của người mua đã thay đổi rất nhiều. Chị Vẹn cho biết: “Trong những năm trở lại đây, vào thời điểm bắt đầu năm học mới, mặc dù có sự giảm sút nhưng học sinh vẫn thường ghé vào cửa hàng hỏi mua sách giáo khoa cũ. Tuy nhiên, sách tham khảo, bổ trợ cho các môn học trước đây vốn là những mặt hàng ăn khách nhất nay lại rất ế. Đặc biệt là các bộ đề thi đại học, thi học sinh giỏi cực kỳ khó bán”. Theo kinh nghiệm hơn 20 năm buôn bán sách cũ, chị Vẹn nhận định: “Những thay đổi trong thị hiếu của khách hàng đối với thị trường sách cũ phản ánh chân thực sự biến động của xã hội, nhất là trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục”. Thông qua câu chuyện về những biến động của thị trường sách cũ, chị Vẹn thành thật chia sẻ: “Tuy hoạt động buôn bán sách cũ không còn được như trước nhưng bản thân chị vẫn quyết tâm gắn bó với nghề vì chị thực sự yêu thích công việc này. Nó giúp chị có điều kiện được giao lưu, tiếp xúc với nhiều người thuộc tầng lớp trí thức. Và bản thân chị cũng đang nỗ lực tìm kiếm, bồi dưỡng tri thức cho mình bằng chính những cuốn sách mà chị đang có”.

Các cửa hiệu sách cũ, giờ đây, tuy không còn nữa nhưng hình dung sống động về một thời đã qua nhưng nó vẫn kiên trì tồn tại như một dòng chảy ngầm của văn hóa đọc. Bởi cho dù cuộc sống có đầy rẫy khó khăn cản lối và đầy đủ những lý do buộc mỗi người chúng ta phải đứng trước sự lựa chọn thì vẫn còn đó những con người vì yêu nghề, yêu sách và ham đọc sách mà không nỡ từ bỏ.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]