(Baothanhhoa.vn) - Có rất nhiều tầng ý nghĩa trong cụm từ “đa-zi-năng” khi nói về nghề báo. Ở góc độ nghiệp vụ, một cây viết được xem là “đa-zi-năng” khi có thể tự mình “làm chủ” các công đoạn sản xuất tin, bài: Quay, chụp, dựng video, viết bài... Vượt ra ngoài biên độ của nghề, cụm từ “đa-zi-năng” được hiểu là những cây viết đang hoạt động báo chí nhưng có đủ năng lực để “lấn sân” sang các lĩnh vực khác và gặt hái được những thành công nhất định. Và chính sự “lấn sân” ấy đã mang lại những nét độc đáo, thú vị cho đội ngũ người làm báo xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cây viết “đa-zi-năng” trong làng báo xứ Thanh

Có rất nhiều tầng ý nghĩa trong cụm từ “đa-zi-năng” khi nói về nghề báo. Ở góc độ nghiệp vụ, một cây viết được xem là “đa-zi-năng” khi có thể tự mình “làm chủ” các công đoạn sản xuất tin, bài: Quay, chụp, dựng video, viết bài... Vượt ra ngoài biên độ của nghề, cụm từ “đa-zi-năng” được hiểu là những cây viết đang hoạt động báo chí nhưng có đủ năng lực để “lấn sân” sang các lĩnh vực khác và gặt hái được những thành công nhất định. Và chính sự “lấn sân” ấy đã mang lại những nét độc đáo, thú vị cho đội ngũ người làm báo xứ Thanh.

Những cây viết “đa-zi-năng” trong làng báo xứ Thanh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA), nhà báo Trần Đàm – người làm chủ những “cuộc chơi”

Ai đã từng một lần gặp gỡ NSNA, nhà báo Trần Đàm hẳn sẽ rất ấn tượng với cái “chất chơi” của người nghệ sĩ. “Chơi” hết mình và nhiệt tình. Mà “nghề chơi” nào cũng lắm công phu, lắm tài tình. Vì công phu, tài tình nên ông “chơi” đâu thắng đó.

Từ những ngày là Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thọ Xuân, ông đã bén duyên với nghề viết, chụp ảnh. Sau đó, ông trải qua nhiều vị trí công tác như: Phóng viên phòng Công nghiệp (nay là phòng Kinh tế), phòng Bạn đọc, Trưởng ban Xây dựng Đảng (nay là phòng Xây dựng Đảng – Nội chính), Trưởng phòng Thư ký tòa soạn – Báo Thanh Hóa và đảm nhận chức vụ Giám đốc Nhà in Báo Thanh Hóa (nay là Công ty CP In Báo Thanh Hóa) cho đến khi nghỉ hưu. Sau một thời gian dài gắn bó với nghề báo, khi về nghỉ hưu, ông tiếp tục theo đuổi hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh và sáng tác văn học. Đến nay, ông đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, đáng ngưỡng mộ trên tất cả các lĩnh vực: Nhiếp ảnh, báo chí, văn học nghệ thuật. Trong những thành tích đã đạt được thì hoạt động nhiếp ảnh nổi bật hơn cả.

Ông là tác giả của 15 cuốn sách ảnh; trong đó có 4 cuốn đoạt giải xuất sắc của hội chuyên ngành Trung ương; hơn 200 tác phẩm ảnh được triển lãm trong nước và quốc tế; 5 triển lãm ảnh cá nhân. Ông đã được phong tặng tước hiệu ESVAPA (nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc) và NSNA Quốc tế APIAP. Ngoài ra, ông còn xuất bản nhiều tập thơ, như: Dâng mẹ (tái bản 2011), Xuân lòng (2013), Lời yêu (2018), tập lý luận phê bình văn học mang tên “Rượt theo con chữ mà yêu” (2019)... và nhiều tác phẩm thơ, lý luận phê bình đăng ở các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, khi nhìn lại cả quá trình phấn đấu, ông thẳng thắn nhận định: “Quãng thời gian hơn 13 năm mà tôi gắn bó với nghề báo chính là nền tảng quan trọng để tôi thăng hoa và gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động nhiếp ảnh và sáng tác văn học. Nghề báo đã cho tôi cơ hội đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện, dần dà hình thành kho tàng kiến thức phong phú, đa dạng”.

Ngày ấy, cũng như các phóng viên khác, ông lăn xả với nghề bằng tất cả sự nhiệt huyết, đam mê. Chỉ với cái máy ảnh cũ của Liên Xô (nay là Liên bang Nga) được cơ quan trang bị cùng chiếc xe đạp cọc cạch, cơm đùm cơm nắm rong ruổi trên khắp nẻo đường quê Thanh, bám cơ sở, địa bàn để lấy tin, viết bài. Ông say sưa kể về hàng chục chuyến công tác cùng lãnh đạo tỉnh sang làm việc tại tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Ông chia sẻ về những kỷ niệm đặc biệt khiến ông nhớ mãi trong cuộc đời làm báo. Kể ra đây, biết bao giờ cho hết. Ông bảo: “Ở mỗi thời kỳ, trong mỗi giai đoạn phát triển, báo chí có sự khác nhau về điều kiện làm việc, phương pháp tác nghiệp... Vì thế vai trò, trách nhiệm và những yêu cầu, đòi hỏi đối với đội ngũ làm báo cũng khác”. Tuy nhiên, thời nào cũng vậy, muốn xây dựng được tờ báo chất lượng, đội ngũ làm báo phải thường xuyên được trau dồi kiến thức nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, tờ báo ấy phải quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên, nhất là cộng tác viên chuyên ngành. Đối với người làm báo muốn đứng vững được với nghề phải luôn trau dồi kiến thức về mọi mặt của đời sống xã hội; từ đó phát hiện những vấn đề dư luận quan tâm. Có như vậy, bài báo viết ra mới có tính phản biện, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Hơn hết, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không chỉ đấu tranh với xã hội mà phải đấu tranh với chính bản thân mình.

Những cây viết “đa-zi-năng” trong làng báo xứ ThanhNhà văn, nhà báo Viên Lan Anh – “30 năm ấy biết bao nhiêu tình”

Cái tên Viên Lan Anh (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) từ lâu đã được bạn đọc trong tỉnh và cả nước yêu mến với những tác phẩm văn học giàu giá trị nhân văn như: “Hát với đồng làng” (tập thơ, 2001), “Đêm triều cường” (tập truyện ngắn, 2002), “Tiếng cuốc gọi bầy” (tập truyện ngắn, 2009), “Chuột vu quy” (tập truyện ngắn, 2015), “Hồn trinh nữ” (tập thơ, 2018) và nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, bút ký in chung trong các tập khác. Qua khối lượng tác phẩm này cho thấy trong ba mươi năm qua, chị đã nỗ lực, miệt mài, say đắm với văn chương, báo chí. Chị đã gặt hái được nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật và báo chí của Trung ương và địa phương. Hiện nay, chị là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ khu vực Bắc Miền Trung, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa, Ủy viên Ban Chấp hành Liên Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực Bắc Miền Trung...

Một chặng hành trình dài khép lại, vừa tròn 30 năm nghĩa tình, gắn bó. Chị giãi bày: “Thành công của chị trong lĩnh vực văn chương có phần sáng rõ hơn trong hoạt động báo chí. Nhưng đối với chị, Báo Thanh Hóa chính là “cái nôi”, là “mảnh đất” góp phần quan trọng nuôi dưỡng, “thắp lên ngọn lửa tình yêu” của chị dành cho văn chương, báo chí.

Nhờ có sự giao thoa giữa văn chương và báo chí, giữa tâm hồn nghệ sĩ và người làm báo, những bài báo của chị thường “nghiêng” về mảng đời sống xã hội, ở thể tài phản ánh, bút ký báo chí, phóng sự, ghi chép. Đối với các tác phẩm đó, chị thành công hơn cả khi “đào sâu” vào số phận con người, nhất là số phận của những người lính trong chiến tranh, những người mẹ, người vợ, người con đã mất đi người thân yêu trong sự nghiệp vĩ đại giải phóng đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc và những con người yếm thế trong xã hội. Chị đặc biệt lưu tâm và thành công với mảng đề tài nông thôn và người nông dân. Chị phân tích: “Báo chí là câu chuyện, sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội được nhà báo phản ánh trên tính chân – xác, thông qua từng sự kiện, số liệu, con người, địa chỉ, đơn vị cụ thể. Đối với văn học, những câu chuyện, sự kiện của đời sống trở thành “chất liệu phong phú, sống động” được nhà văn “thổi hồn” trên sự thăng hoa cảm xúc, sự linh cảm, dự báo, khái quát tính cách nhân vật, sự kiện... từ tâm hồn nhạy cảm vốn có, để làm nên những tác phẩm gây ấn tượng cho bạn đọc”.

Chính vì hai lĩnh vực báo chí và văn chương khi tách biệt, lúc giao thoa, hòa hợp, bổ trợ cho nhau nhưng vẫn có yếu tố riêng biệt và ranh giới cụ thể, đặc thù giữa hai thể tài như thế nên cho dù là người hoạt động song phương, “đa-zi-năng” trên cả hai lĩnh vực thì người cầm bút cũng phải làm chủ được từng thể loại, biết khi nào trong văn cần có báo, trong báo cần có văn để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí và văn chương hấp dẫn, ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Những cây viết “đa-zi-năng” trong làng báo xứ ThanhTổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh Thy Lan - hướng đi và nhìn lại với nghề

Vốn là giáo viên dạy văn ở Nghệ An nhưng đường đời muôn nẻo đã đưa Th.s Thy Lan - Nhà lý luận phê bình văn học về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh – Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, mái nhà chung của văn nghệ sĩ xứ Thanh. Chị tâm sự: “Trước khi nhận quyết định về tạp chí, tôi đã phải suy nghĩ nhiều. Bởi lẽ, tôi hiểu, công việc ở đây không có chỗ cho sự lười biếng, thiếu năng lực và càng hiểu ý nghĩa của mệnh đề: “Tự đào thải” trong nghề”. Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, Thy Lan giành được sự yêu mến cũng như tín nhiệm của văn nghệ sĩ, báo chí trong tỉnh với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ở tuổi 35.

Đàn ông ở độ tuổi ngoài 30 mới là sự khởi đầu cho quá trình bứt phá trong sự nghiệp. Nhưng đối với người phụ nữ bước qua tuổi 30 đã thấy trên vai trĩu nặng với bộn bề, lo toan: Việc gia đình, việc con cái, việc cơ quan, xã hội... Làm sao để cân bằng, vẹn toàn cho tất cả? Vẫn là Thy Lan nhiệt tình, hết lòng vì công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, chuyên môn được giao. Chị chia sẻ: “Thanh Hóa là tỉnh có đội ngũ sáng tác hùng hậu, mỗi văn nghệ sĩ mang một cá tính riêng, họ là một “tiểu vũ trụ”, làm sao gắn kết để mỗi cá tính riêng biệt đó tạo nên một sức mạnh chung là cả một vấn đề lớn cần suy nghĩ. Vì vậy, khi đảm nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh vừa là niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức lớn lao. Trong suốt hành trình ấy là điềm tĩnh bước đi trong một niềm tin vào sự cố gắng bằng cảm hứng gói gọn trong cụm từ “Nỗ lực và biết ơn”.

Đối với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh – vừa là tạp chí đặc thù của hội, vừa mang chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan báo chí của tỉnh nên đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên khi viết bài đăng trên Tạp chí đều là những cây viết “đa-zi-năng” thực sự. Với chị, vừa là nhà quản lý nhưng cũng là người viết văn, viết báo song hành, chị đặc biệt coi trọng sự chỉn chu, nghiêm túc với nghề. Đồng thời, chị nhấn mạnh vai trò, mối quan hệ đặc biệt giữa văn và báo trong một tác phẩm: “Khi trong văn có báo, trong báo có văn, các thông tin cần truyền đạt trong bài viết có sức nặng về chiều sâu tư tưởng, tính biểu cảm và sức thuyết phục. Giá trị thông tin, hiện thực không bị mất đi mà giá trị nghệ thuật được nâng lên. Sự cộng hưởng ấy tạo thành dấu ấn, sức lay động, lan tỏa sâu sắc trong lòng độc giả; từ đó tạo nên sức sống bền bỉ cho tác phẩm”.

Tự bao đời nay, xứ Thanh vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho đông đảo, dồi dào đội ngũ viết văn, làm báo phát triển, không chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương mà trên cả nước. Nếu ví đội ngũ hùng hậu những người viết văn, làm báo là một vườn hoa rực rỡ thì những cây viết đủ tài năng, đam mê, nhiệt huyết hoạt động song hành cả hai lĩnh vực ấy chính là những cánh hoa ngũ sắc, điểm xuyết thêm nét độc đáo, thu hút cho cả khu vườn. Tất cả cùng đoàn kết, phấn đấu, hỗ trợ nhau phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình trên mặt trận văn hóa – tư tưởng.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]