(Baothanhhoa.vn) - Dẫu thời chiến hay thời bình, mỗi người nghệ sĩ vẫn luôn là “người chiến sĩ”, đóng góp công sức, trí tuệ, tài năng của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc điều đó, từ năm 1969, trong khói lửa chiến tranh, Đoàn văn công xung kích Trường Sơn gồm các nghệ sĩ của Thanh Hóa do nhạc sĩ Văn Hòe làm trưởng đoàn đã không quản ngại hiểm nguy, gian khó, mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cho Nhân dân, bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn.

Nhớ về một thời “tiếng hát át tiếng bom”

Dẫu thời chiến hay thời bình, mỗi người nghệ sĩ vẫn luôn là “người chiến sĩ”, đóng góp công sức, trí tuệ, tài năng của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc điều đó, từ năm 1969, trong khói lửa chiến tranh, Đoàn văn công xung kích Trường Sơn gồm các nghệ sĩ của Thanh Hóa do nhạc sĩ Văn Hòe làm trưởng đoàn đã không quản ngại hiểm nguy, gian khó, mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cho Nhân dân, bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn.

Nhớ về một thời “tiếng hát át tiếng bom”Nhạc sĩ Văn Hòe, Trưởng Đoàn văn công xung kích Trường Sơn.

Sau khi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng huy động máy bay công kích, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Lúc bấy giờ, hậu phương lớn miền Bắc vừa hừng hực khí thế chiến đấu, vừa ra sức thi đua lao động sản xuất với phương châm “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đặc biệt, thời kỳ ấy, giao thông vận tải là một trong những mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất. Với âm mưu cắt đứt chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia, giao thông vận tải chiếm tới gần 60% mục tiêu đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Nhạc sĩ Văn Hòe cho biết: “Lúc bấy giờ, con đường Trường Sơn là tuyến hậu cần chiến lược trọng yếu cung cấp binh lực và vật lực hậu cần, vũ khí khí tài để chi viện cho chiến trường miền Nam. Để kịp thời cổ vũ tinh thần, động viên các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vận chuyển quân sự hoạt động trên con đường Trường Sơn này, Trung ương đã giao nhiệm vụ cho tỉnh Thanh Hóa thành lập đoàn văn công. Năm 1969, Đoàn văn công xung kích Trường Sơn gồm 16 nghệ sĩ (10 nam và 6 nữ) tiêu biểu của hai đoàn nghệ thuật Thanh Hóa là đoàn ca múa và đoàn chèo, do nhạc sĩ Văn Hòe làm trưởng đoàn được thành lập.

Vì sao tỉnh Thanh Hóa lại được chọn là địa phương tổ chức Đoàn văn công xung kích Trường Sơn? Nhạc sĩ Văn Hòe hào hứng cho biết: “Thời điểm ấy, Thanh Hóa là một trong những địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển với 5 đoàn nghệ thuật. Cá nhân tôi lại là người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nên Trung ương tin tưởng lựa chọn, giao phó”. Cũng chính sự tin tưởng, giao phó ấy đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần cho những người nghệ sĩ lên đường nhận nhiệm vụ. Nhạc sĩ Văn Hòe chia sẻ: “Chiến tranh khốc liệt thế nào, hiểm nguy, gian khổ ra sao, ai trong chúng tôi không hiểu điều đó. Nhưng từ khi nhận được chủ trương, kêu gọi anh em nghệ sĩ đã có tới 100 người đăng ký. Do số lượng hạn chế nên chúng tôi chỉ tuyển chọn 16 gương mặt tiêu biểu của đoàn ca múa và đoàn chèo Thanh Hóa tham gia đội xung kích”.

Ngày lên đường, ngoài ba lô tư trang, đoàn văn công gồm cả nam, cả nữ gói ghém mang theo đạo cụ biểu diễn, hăng hái hành quân trên con đường đến với Trường Sơn. Mặc dù từ trước đó, qua tư liệu tìm hiểu, được nghe kể trong những ngày ở tư lệnh tiền phương (đóng tại Quảng Bình), đoàn văn công đã ít nhiều hình dung ra con đường huyền thoại. Đoàn văn công xung kích Trường Sơn nhận nhiệm vụ hoạt động chủ yếu ở khu vực Tây Trường Sơn. Nhưng khi chính thức đặt chân đến nơi đây, mỗi người vẫn trào dâng cảm xúc bồi hồi khó tả.

Với đoàn văn công, mỗi cung đường đi qua không chỉ có khó khăn, gian khổ mà còn thấm đẫm tình cảm yêu thương, trân trọng. Đó là khi đoàn gặp gỡ đội thanh niên xung phong làm đường ở khu vực giáp ranh vui mừng, nồng nhiệt chào đón. Đó là khi bước chân vào đường mòn, nhìn thấy những dấu gậy Trường Sơn của bộ đội đi trước chi chít chồng lên nhau. Những người lính xa gia đình, xa quê hương, sinh tử cùng nhau nên yêu quý, thương yêu, gần gũi nhau như ruột thịt. Ai cũng tếu táo nhận đồng hương:

- Chúng tôi là đoàn văn công từ quê hương Thanh Hóa vào phục vụ bộ đội, các lực lượng vận chuyển quân sự ở Trường Sơn.

- Thế là mình đồng hương với nhau nè!

- Đồng hương Thanh Hóa sao nói tiếng Nghệ (Nghệ An) thế?

- Thì đồng hương Việt Nam.

Những mẩu chuyện tếu táo ấy kết thúc bằng tiếng cười giòn tan, vui vẻ. Mới cười đó rồi lại rưng rưng nước mắt khi nghĩ lại được lời nói cuối cùng của những người lính. Nhạc sĩ Văn Hòe kể, có lần, ông tiến lại gần một chiến sĩ bị thương nặng sau loạt bom, thì thầm hỏi: “Đồng chí có muốn nhắn nhủ điều gì đó không?”. Người chiến sĩ nói giọng đứt quãng, yếu ớt: “Tôi nhớ mẹ của tôi”. “Hay như có những chiến sĩ dẫu bị thương, băng kín mắt vẫn cố nén đau ngồi dậy khi biết có đoàn văn công đến biểu diễn, rồi chầm chậm đưa tay chạm vào chúng tôi như muốn được ghi lại hình dung trong tưởng tượng, lưu lại trong trí nhớ”, nhạc sĩ cho biết.

Như bất kỳ một người lính chiến đấu nào, đoàn văn công luôn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, gian khó, thiếu thốn. Những cơn sốt rét rừng hành hạ, những lần ngủ dậy trong hầm thấy rắn hổ mang đu mình chực chờ, những khi đang biểu diễn mà được lệnh rút ngay vì B52 của địch chuẩn bị thả xuống, những tháng ngày máy bay địch ầm ì trên đầu không ngớt... đoàn văn công vẫn cứ đi, từ binh trạm này qua binh trạm khác, vừa hành quân vừa tập luyện, biểu diễn, sân khấu dã chiến không hào quang ánh sáng, lấp lánh hư vinh với tâm niệm lớn nhất là: Được mang lời ca, tiếng hát của mình cổ vũ tinh thần, xoa dịu nỗi đau, khỏa lấp nỗi nhớ nhà của người lính. Đoàn thường biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc, hoạt cảnh chèo. Bộ đội đặc biệt thích nghe các tích chèo cổ, làn điệu dân ca như: điệu hò sông Mã, quan họ Bắc Ninh... Bất kể nơi đâu, đoàn văn công vẫn luôn nhận được tình cảm yêu mến, đón chào nồng nhiệt. Cũng từ trong gian khó, nhạc sĩ Văn Hòe đã sáng tác nhiều ca khúc cảm động như: Vẳng tiếng mẹ ru, Nhớ biển quê hương, Tặng người chiến sĩ lái xe...

Quãng thời gian 150 ngày đêm, biểu diễn 100 buổi chính thức sẽ mãi là hồi ức, kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời những người nghệ sĩ. Tiếng vỗ tay rôm rả cùng tình cảm chân thành, gắn bó ấy đã kết thành nguồn động lực to lớn, thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết, ý chí kiên cường trong trái tim mỗi người nghệ sĩ của Đoàn văn công xung kích Trường Sơn lúc bấy giờ. Từ Trường Sơn trở về, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn văn công xung kích Trường Sơn giải tán. Nhưng những người nghệ sĩ năm ấy vẫn miệt mài, say sưa cống hiến, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ Nhân dân trong tỉnh. Những cái tên như: Văn Hòe, Thanh Oai, Thu Hường... đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng, đời sống văn học nghệ thuật tỉnh Thanh, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò. 16 con người, 16 nghệ sĩ của đoàn văn công, đến nay, người còn, người mất nhưng họ mãi là người nghệ sĩ của Nhân dân, mãi là niềm tự hào của quê hương Thanh Hóa Anh hùng.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]