(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví công việc phổ nhạc cho thơ là một sự “kết duyên” ngọt ngào trong sáng tạo nghệ thuật thì nhạc sĩ Mai Kiên chính là “ông mai” mát tay với thành công của hàng trăm ca khúc. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhạc sĩ Mai Kiên – người “kết duyên” nhạc và thơ

Nhạc sĩ Mai Kiên – người “kết duyên” nhạc và thơ

Ở vào độ tuổi “bát thập đắc hi hỉ”, nhạc sĩ Mai Kiên vẫn bền bỉ sáng tạo nghệ thuật, miệt mài kết duyên cho nhạc và thơ.

Nếu ví công việc phổ nhạc cho thơ là một sự “kết duyên” ngọt ngào trong sáng tạo nghệ thuật thì nhạc sĩ Mai Kiên chính là “ông mai” mát tay với thành công của hàng trăm ca khúc.

Nhạc sĩ Mai Kiên, sinh năm 1940, tại xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa. Trước khi trở thành Trưởng Phòng biên tập văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa và nghỉ hưu, ông từng là giáo viên dạy Văn – Sử, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Tín (Thọ Xuân), Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thọ Xuân, Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Thanh Hóa. Nhiều năm liền, ông đảm nhận chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành – Trưởng ban Âm nhạc, Hội VHNT Thanh Hóa (khóa I, khóa VI), Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thanh Hóa khóa I.

Lặng lẽ, kiên trì, bền bỉ, nhạc sĩ Mai Kiên như chú ong thợ chăm chỉ, siêng năng, chân thành nhất mực trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Đến nay, sau hơn 50 năm miệt mài sáng tác, ông đã sáng tác, phổ nhạc hơn 500 ca khúc; xuất bản 3 tập ca khúc: “Mùa hội mặt trời” (1995), “Về Lam Sơn” (2005), “Về Lam Kinh ngày hội” (2019). Ông đã tổ chức thành công 3 đêm nhạc tại TP Thanh Hóa, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Ngoài ra, ông có hơn 20 ca khúc được thu, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1978 đến nay. Một số bài hát tiêu biểu, ghi dấu ấn trong lòng công chúng như: “Khúc hát làng Dao”, “Hát về sông Mã” (thơ Huy Trụ), “Tháng Năm nhớ Người” (thơ Phạm Phú Thang), “Lời tình Sa Pa” (thơ Nguyễn Văn Kinh), “Trống đồng Đông Sơn dâng quê Bác” (thơ Lê Đăng Sơn), “Hát mãi bài ca Trần Phú”, “Sầm Sơn biển nhớ” (thơ Vũ Duy Hòa), “Hát trên cầu cảng Vũng Tàu” (thơ Nguyễn Duy) , “Giấc mơ bé lái vệ tinh”, “Hàng cây trường em”, “Em đến Hàm Rồng” (thơ Anh Tuấn)... Phần lớn các ca khúc do nhạc sĩ Mai Kiên sáng tác tập trung khắc họa, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam nói chung, xứ Thanh nói riêng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ quang vinh...

Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật ấy, có một điều đặc biệt đã làm nên dấu ấn đặc sắc của nhạc sĩ Mai Kiên, đó là “gia tài” không nhỏ các ca khúc phổ thơ. “Thi trung hữu nhạc”! Bao đời nay vẫn vậy, nhạc và thơ luôn là hai loại hình nghệ thuật có sự gắn bó mật thiết, quyện hòa vào nhau. Chính mối quan hệ đặc biệt ấy đã trở thành chất liệu ngọt ngào, khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật thăng hoa.

Đến nay, nhạc sĩ Mai Kiên đã phổ nhạc cho sáng tác của nhiều nhà thơ trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, tiêu biểu như: “Hát ru lúa” (thơ Vũ Đình Minh), “Mà thương mà nhớ” (thơ Lâm Cẩn), “Tình yêu từ cánh đồng Chum” (thơ Lê Văn Vọng), “Đàn bầu ai gẩy véo von” (thơ Nguyễn Xuân Sít), “Nhớ mãi về em” (thơ Lê Hai), “Suối mát Nậm Mo” (thơ Hà Văn Thương), “Rộn rã cồng chiêng” (thơ Kpa Ylăng), “Dáng người lồng lộng thái sơn” (thơ Nguyễn Văn Lợi), “Trống đồng Đông Sơn dâng quê Bác” (thơ Lê Đăng Sơn), “Hát về sông Mã (thơ Huy Trụ), “Về Lam Kinh ngày hội” (thơ Thy Lan), “Nơi đỉnh trời Pha Lát” (thơ Hoàng Minh Tường)... Năm 2019, nhạc sĩ Mai Kiên xuất bản tập ca khúc tuyển chọn “Về Lam Kinh ngày hội” (NXB Thanh Hóa) gồm 150 tác phẩm tập trung giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh, tình yêu đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ quang vinh... Trong đó, hơn 120 ca khúc phổ thơ.

Nói về quan điểm phổ nhạc cho thơ, nhạc sĩ Mai Kiên cười khà khà, thật thà chia sẻ: “Đối với tôi, việc phổ nhạc cho thơ diễn ra một cách rất tự nhiên, vô tư, trên tinh thần tôn trọng nghệ thuật chứ không phải vì sự cả nể hay bất kỳ điều gì khác. Hễ gặp bài thơ nào hay, cảm xúc, phù hợp là tôi phổ nhạc, không cần biết tác giả là ai, thân quen hay xa lạ, nổi tiếng hay không nổi tiếng”. Người nhạc sĩ ấy vô tư, chân thành đến mức: “Mỗi khi phổ nhạc xong, tôi gắng tìm cho được địa chỉ, cách thức liên hệ với những tác giả ấy. Đối với các nhà thơ trong tỉnh thì dễ rồi, toàn anh em, bạn bè, đồng nghiệp cả. Có được thông tin, địa chỉ liên hệ rồi, tôi đến tận nơi hoặc gửi tặng ca khúc cho các nhà thơ và đề nghị được nghe những lời góp ý, chỉnh sửa, chau chuốt ca khúc cho đến khi hài lòng nhất mới thôi”. Cái tâm với nghề, cái tình nghĩa vẹn toàn, chu đáo ấy càng gắn kết hơn mối duyên bền chặt, sâu đậm giữa nhạc và thơ. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao mà câu chuyện làm nghề của ông đã trở thành “giai thoại” vừa như có chút hài hước, dí dỏm vừa xen chút gì thương mến, quý trọng: “Mai Kiên sáng tác như điên/ Vẫn không có tiền mua chiếc Honda”.

Lật giở từng trang trong tuyển tập ca khúc “Về Lam Kinh ngày hội”, công chúng yêu nghệ thuật không khỏi cảm phục sức sáng tạo dồi dào, kiên trì, bền bỉ của người nghệ sĩ. Hơn hết, mỗi ca khúc như minh chứng sinh động về mối giao hảo đẹp đẽ, tốt lành, hòa quyện giữa nhạc và thơ. Hay nói cách khác, đó là sự cộng hưởng về mặt tâm hồn, trí tuệ giữa những người nghệ sĩ – thi sĩ khi đứng trước rung cảm thẩm mỹ, nghệ thuật. Thơ làm phong phú thêm ngôn ngữ, hình ảnh để âm nhạc đi vào chiều sâu. Âm nhạc – thông qua “ngôn ngữ” biểu đạt của mình đã “nâng cánh” cho thơ bay cao, vươn xa hơn trong thế giới cảm xúc. Chẳng thế mà Lam Kinh vốn đã là địa danh quen thuộc, nguồn cảm hứng dạt dào, “nẻo về nguồn cội” của biết bao tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng khi giai điệu sâu lắng, dìu dặt của âm nhạc Mai Kiên kết hợp với lời thơ giàu hình ảnh, liên tưởng của Thy Lan đã làm nên ca khúc “Về Lam Kinh ngày hội” lay động cảm xúc, gợi lên niềm tự hào sâu sắc về lịch sử cha ông đã dày công vun đắp: “Về Lam Kinh ngày hội chốn anh linh/ Trò Xuân Phả thập thình câu chuyện cũ/ Trời Đại Việt vững bền qua bão tố/ Cháy bừng lên gương mặt thái bình/ Thắp nén hương xin được nghiêng mình – Trước công đức Vua Lê Thái tổ/ “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”/ Dòng chảy anh minh tỏa sáng đời đời”. Tạm rời bước khỏi Lam Kinh để lên với “nơi đình trời Pha Lát” (thơ Hoàng Minh Tường) để ôn lại chuyện lịch sử hào hùng “trong bảng lảng ánh chiều”: “Xưa ông, cha đời lại nối đời/ Đổi máu xương giữ hình hài Tổ quốc/ Pha Lát vút cao thành đài kỷ niệm/ Những hương hồn trấn giữ biên cương”...

Nếu cứ nhìn vào số lượng ca khúc phổ thơ cùng với sự chan hòa, vô tư của nhạc sĩ Mai Kiên, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây hẳn là một cuộc dạo chơi nhàn nhã. Nhưng có đi vào tìm hiểu mới biết, phổ nhạc cho thơ không phải là công việc dễ dàng mà là lao động sáng tạo đòi hỏi người nhạc sĩ phải có kinh nghiệm, bản lĩnh, nắm vững kiến thức và đặc biệt tinh tế. Tinh tế để biết rung cảm trước cái đẹp của thi ca, từ đó tạo nên sự cộng hưởng, giao thoa và thăng hoa về mặt tinh thần, tư tưởng, tình cảm. Tinh tế để biết cách “chọn ý tìm lời”, “gạn đục khơi trong” giữa bộn bề ngôn ngữ, hình ảnh thơ. Nhạc sĩ Mai Kiên cho biết: “Không phải cứ là thơ hay của một tác giả nổi tiếng là có thể phổ thành nhạc và ngược lại. Nhiều khi, thơ của một tác giả chưa có tên tuổi lại phổ thành một ca khúc hay”. Lý giải về điều này, nhạc sĩ Mai Kiên phân tích: “Một bài thơ có thể phổ thành nhạc khi nó chứa đựng chất liệu âm nhạc. Tức là tính nhạc trong thơ phải được biểu hiện rõ nét thông qua sự khéo léo trong cách đặt dấu thanh, phân nhịp, gieo vần, trọng âm... Lời thơ giản dị, súc tích nhưng đảm bảo tính nghệ thuật, truyền tải thông điệp, tư tưởng nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nhờ những nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho âm nhạc, nhạc sĩ Mai Kiên đã gặt hái được nhiều huy chương, giải thưởng, bằng khen từ trung ương đến địa phương: Huy chương Bạc – Hội diễn văn công chuyên nghiệp toàn quốc 1981 (ca khúc “Khúc hát làng Dao”), Giải B – Tiếng hát Hoa phượng đỏ - Đài Tiếng nói Việt Nam 1991 (Ca khúc “Giấc mơ bé lái vệ tinh”, “Hàng cây trường em”) và nhiều năm liền đạt giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông... Ông được trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam”, Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển dân tộc và miền núi”, Huy chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam”...

Dẫu biết rằng trong cuộc đời của một người nghệ sĩ, những danh hiệu, giải thưởng vốn không phải là đích đến cuối cùng, nhất là đối với nhạc sĩ Mai Kiên, người nhạc sĩ của quần chúng, “nhạc sĩ của Nhân dân”, người “kết duyên” cho thơ và nhạc. Nhưng điểm qua các dấu mốc trong sự nghiệp của ông để nói một điều rằng: Nhạc sĩ Mai Kiên mộc mạc, giản dị, chan hòa, quần chúng như thế đấy nhưng ông không hề dễ dãi, xuề xòa trong lao động nghệ thuật. Những gì nhạc sĩ Mai Kiên đạt được trên con đường sáng tạo nghệ thuật là những thành quả đáng trân trọng, tự hào khẳng định thương hiệu riêng, rất riêng có được từ một tấm lòng hết mực đam mê, cống hiến cho nghề, tin yêu cuộc sống, trách nhiệm với cộng đồng và luôn đồng hành cùng quê hương, đất nước.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Đỗ Thanh cân - 09:40 29/01/21

 Trả lời

Chúc mừng nhạc sĩ Mai Kiên rất đam mê, cống hiến cho nghề, tin yêu cuộc sống, trách nhiệm với cộng đồng và luôn đồng hành cùng quê hương, đất nước. Em cùng là người Xuân Hòa, Thọ Xuân từng Làm việc với anh Xuân Kỳ nhưng lại không biết anh. Rất hân hạnh nếu được làm quen trao đổi trên Zalo về lĩnh vực thơ nhạc..

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]