(Baothanhhoa.vn) - Trải qua gần 30 năm dụng công tìm tòi, tích lũy, đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hữu Ngôn đã xây dựng cho mình một bộ sưu tập cá nhân với hơn 700 tờ báo qua các thời kỳ của nhiều tòa soạn tên tuổi trong làng báo cả nước như: Báo Văn nghệ, báo Người giáo viên nhân dân (nay là báo Giáo dục thời đại), báo Độc Lập, báo Nhân Dân, báo Lao Động, báo Quân đội Nhân dân, báo Thanh Hóa...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người mải mê góp nhặt mùa xuân

Trải qua gần 30 năm dụng công tìm tòi, tích lũy, đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hữu Ngôn đã xây dựng cho mình một bộ sưu tập cá nhân với hơn 700 tờ báo qua các thời kỳ của nhiều tòa soạn tên tuổi trong làng báo cả nước như: Báo Văn nghệ, báo Người giáo viên nhân dân (nay là báo Giáo dục thời đại), báo Độc Lập, báo Nhân Dân, báo Lao Động, báo Quân đội Nhân dân, báo Thanh Hóa...

Người mải mê góp nhặt mùa xuân

Ông Nguyễn Hữu Ngôn xem lại cuốn Tạp chí Bạn đường xuất bản năm 1990.

Khó có thể cắt nghĩa cho rõ ràng cách mà những con chữ ấy hiện hữu trong tâm trí tôi khi tôi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Ngôn để lắng nghe ông chia sẻ về bộ sưu tập báo xuân của mình. Giữa không gian đậm chất cổ kính, hoài niệm của Hoa thương hội quán xưa, nay là trụ sở Nhà Xuất bản Thanh Hóa, câu chuyện xoay quanh những tờ báo xuân giúp tôi có nhiều hơn một điểm nhìn đơn điệu về chân dung tinh thần của con người, đời người. Đã một lần cầm bút viết nên những vần thơ làm sao có thể không yêu vẻ đẹp của ngôn ngữ. Đã một lần lỡ để hương sắc của mùa xuân dâng đầy trong ánh mắt thì sao có thể không động lòng mà muốn lưu giữ lại hơi xuân. Chẳng thế mà, từ bậc tao nhân mặc khách sẵn tâm hồn “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” đến những con người thực dụng nhất, khi đối diện vạn vật xuân sang, đều nảy sinh tham vọng được giữ lại bên mình cái không khí, cái hương vị mùa xuân ấy. Không mơ mộng đến cuồng si với mong muốn đoạt quyền tạo hóa để có thể “tắt nắng”, “buộc gió” như ông hoàng của thơ tình và những mùa xuân, ông Nguyễn Hữu Ngôn yêu xuân, thưởng xuân theo một cách rất thực, rất nhã.

Trải qua gần 30 năm dụng công tìm tòi, tích lũy, đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hữu Ngôn đã xây dựng cho mình một bộ sưu tập cá nhân với hơn 700 tờ báo qua các thời kỳ của nhiều tòa soạn tên tuổi trong làng báo cả nước như: Báo Văn nghệ, báo Người giáo viên nhân dân (nay là báo Giáo dục thời đại), báo Độc Lập, báo Nhân Dân, báo Lao Động, báo Quân đội Nhân dân, báo Thanh Hóa... Điều đặc biệt, tất cả các tờ báo nằm trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Hữu Ngôn đều là các ấn phẩm báo xuân và phần lớn đều được in ấn, phát hành ở khoảng những năm 90 trở về trước. Tờ cũ nhất cũng đã được xuất bản từ những năm 60, 70. Trong hơn 700 ấn phẩm báo xuân ấy, ông Nguyễn Hữu Ngôn “cưng” nhất là 30 ấn phẩm xuân liên tiếp theo năm của báo Văn nghệ. Ông nói như đang khoe với vị khách của mình: “Cánh văn nghệ (cách ông gọi thân mật những người bạn của mình ở báo Văn nghệ) thích 30 số báo này lắm! Mỗi lần có dịp anh em, bạn bè gặp gỡ nhau là không lúc nào thiếu chuyện về 30 tờ báo xuân này”. Ông cho biết thêm: Cũng có người tìm đến ông hỏi mua các số báo trong bộ sưu tập báo xuân nhưng ông đều từ chối. Đối với ông, hơn 700 tờ báo như những liều thuốc tinh thần không gì có thể mua được.

Quả thực, tất cả duyên cớ để ông Nguyễn Hữu Ngôn bắt đầu sưu tầm báo xuân và nhiều các hiện vật văn hóa khác nữa, đều xuất phát từ một chữ “yêu” chân thành, thuần nhất. Trong đó, ông dành tình yêu cùng sự hàm ơn sâu sắc nhất đến người cha khả kính của mình. Người đàn ông trước mặt tôi đã gần chạm đầu bên kia con dốc cuộc đời, mái tóc xanh giờ đã chen sợi bạc, ấy vậy mà, khi nhắc về cha vẫn không giấu nổi niềm xúc động con trẻ. Ông kể: Ông sinh ra trong một gia đình trí thức. Bố ông khi còn sống là người đặc biệt mê sách, báo. Bởi vậy, tình yêu ông dành cho cha nhiều bao nhiêu thì niềm đam mê đọc và lưu trữ sách, báo lớn dần trong ông bấy nhiêu. Bộ sưu tập báo xuân mà ông đang lưu giữ cũng là tài sản tinh thần vô giá mà ông được kế tục từ người cha quá cố. Ông Ngôn chia sẻ: “Trong quá trình sưu tập báo xuân, điều làm ông hạnh phúc nhất chính là khoảnh khắc tìm được trong di cảo của cha mình một vài tập tài liệu bên trong có tờ báo xuân được cài ngay ngắn, thẳng thớm”.

Noi theo cha, ông cũng học cách sưu tầm sách, báo cho riêng mình. Ông nhớ: Ngày ông còn đi học, ở Thanh Hóa chỉ có vài cửa hàng bán sách, báo cũ ở đường Lê Hoàn, Trần Phú, Nguyễn Du, Hàng Đồng... Ngày nào bận đi học thì thôi chứ hễ rảnh ra một chút là ông lại cóc cách xe đạp, rong ruổi dọc các con đường ấy, thấy nhà sách, báo cũ nào là tấp vào ngay. Lâu dần, ông trở thành khách quen của các cửa hàng đó. Sau này, khi đã thành danh, có điều kiện lui tới nhiều địa chỉ văn hóa hơn, được giao lưu, tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, văn học – nghệ thuật, xuất bản, ông Nguyễn Hữu Ngôn bắt đầu sưu tầm các tờ báo xuân một cách bài bản, có chọn lọc hơn. Những tháng ngày khó khăn, đồng lương công chức “không được phép” chi tiêu vào những thú vui tinh thần ấy, ông làm thêm đủ nghề chỉ mong được thỏa mãn niềm đam mê. Để có được bộ sưu tập với hơn 700 tờ báo xuân như hiện tại, ông Ngôn không quên gửi lời cảm ơn đến những người bạn đã vì yêu mến, thân tình mà gửi tặng ông những tờ báo làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình.

Câu chuyện về những tờ báo xuân của chúng tôi không dừng lại ở những duyên cớ khiến chúng được xếp lại với nhau trong một bộ sưu tập mà như được mở rộng biên độ để nhìn sâu hơn vào chuyện nghề. Với tư cách là người “nằm lòng” trong hoạt động xuất bản cùng kinh nghiệm nhiều năm sưu tầm báo xuân, Tổng Biên tập, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Thanh Hóa Nguyễn Hữu Ngôn nhận định: Bất kỳ một bộ sưu tập nào đều có khả năng bao quát được cả một giai đoạn phát triển của lịch sử. Báo chí cũng vậy. Nhìn vào sự thay đổi của báo xuân qua các thời kỳ chúng ta có thể nhận diện được những thay đổi quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tờ báo ấy trên cả phương diện nội dung và hình thức. Bao quát hơn, nó còn cho bạn đọc thấy được những thay đổi căn bản trong phong cách, kỹ thuật làm báo xuân, phong cách viết báo. Ông chỉ rõ: Đối với một tờ báo, thay đổi măng sét được xem như là dấu hiệu biến chuyển nhiều nhất và rõ ràng nhất. Nó nói lên nhiều điều. Hay chỉ như sự thay đổi về kỹ thuật, phong cách trình bày bìa báo cũng đủ nhận diện cả một sự thay đổi lớn về quan điểm làm báo xuân. Nếu như các tờ báo xuân trước đây sử dụng tranh vẽ đặt hàng của các họa sĩ tên tuổi thì hiện nay hầu hết các tòa soạn báo đều sử dụng ảnh để thiết kế trang bìa. Rồi những thay đổi về chất liệu giấy, kỹ thuật in ấn... Dẫu rằng trước những biến chuyển, đòi hỏi khắt khe của thời đại, mọi thứ không thể mãi giống như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Tất cả đều phải tự ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ phải làm mới mình.

Giữa những áp lực về trách nhiệm và nghĩa vụ đổi mới mình của báo chí, ông Nguyễn Hữu Ngôn vẫn luôn canh cánh trong lòng nhiều trăn trở. Ông bày tỏ nỗi niềm trăn trở đó trong một khái quát chung: “Điểm chung nhất giữa những ấn phẩm báo xuân xưa và nay đó là sự bất biến của nét xuân, hồn xuân. Có nhiều đề tài viết về mùa xuân đã tồn tại một thế kỷ vẫn chưa bao giờ cũ. Vấn đề ở đây là cách thức và thể loại được người viết lựa chọn để truyền tải nó. Trước đây, báo xuân đậm đặc tính văn hóa – văn nghệ với đủ các “món”: Thơ ca, câu đối, tiểu phẩm báo chí. Các bài viết mang nặng tính hồi tưởng, hoài niệm về chuyện ăn tết, thưởng xuân, phong tục tập quán... Có những bài viết đề cập đến chính trị, kinh tế nhưng nhìn chung không nhiều. Tuy nhiên, trước bối cảnh toàn cầu hóa thông tin; từ những đòi hỏi của độc giả về lượng tin bài mới, nóng, chạy theo sự kiện cùng áp lực vô hình về mặt vật chất khiến nội dung tờ báo xuân ít nhiều mang nét thương mại hóa. Thực tế được ông Ngôn thẳng thắn nhìn nhận: “So với trước đây, số lượng báo xuân tăng lên rất nhiều nhưng chất lượng của sự gia tăng ấy đến đâu còn nhiều điều phải ngẫm nghĩ”. Theo ông, chỉ duy nhất có một điều bất biến, thời đại nào cũng diễn ra như thế, ngày xưa hay ngày nay vẫn vậy. Đó là vai trò đặc biệt của báo xuân trong đời sống tâm hồn người Việt và niềm tin yêu, ủng hộ mà bạn đọc mọi thế hệ dành cho các ấn phẩm báo xuân.

Tròn một thế kỷ xuân có báo, kể từ khoảnh khắc chủ bút Phạm Quỳnh đăng đàn giới thiệu về số báo đặc biệt – giai phẩm mùa xuân trên Nam Phong tạp chí, đến nay, các ấn phẩm báo xuân vẫn được xem là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày tết đến, xuân về. Không đủ sức là người bạn đồng hành suốt trăm năm nhưng chắc chắn rằng, trên những chặng đường sau nữa, Nguyễn Hữu Ngôn vẫn là “người mải mê góp nhặt mùa xuân”. Hỏi ông bận tâm nhiều như thế để làm gì và được gì? Ông lặng thinh, vành môi vẽ một ý cười, tay khẽ đưa lên phẩy đi lớp bụi thời gian còn vương trên trang báo cũ...

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]