(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên ở đất chèo Hoằng Phượng (Hoằng Hóa), cùng với đam mê và năng khiếu trời phú, chàng trai Nguyễn Đình Ứng ngày nào giờ đã là một trong những nghệ sĩ chèo tài ba ở xứ Thanh. Ông cũng là người đã giữ lửa và thổi đam mê chèo cho thế hệ trẻ tiếp nối.

Người giữ hồn quê qua điệu hát chèo

Sinh ra và lớn lên ở đất chèo Hoằng Phượng (Hoằng Hóa), cùng với đam mê và năng khiếu trời phú, chàng trai Nguyễn Đình Ứng ngày nào giờ đã là một trong những nghệ sĩ chèo tài ba ở xứ Thanh. Ông cũng là người đã giữ lửa và thổi đam mê chèo cho thế hệ trẻ tiếp nối.

Người giữ hồn quê qua điệu hát chèo

Ở tuổi xế chiều, vợ chồng ông Ứng vẫn say mê hát chèo. Ảnh: Phan Vân

Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Đình Ứng cho biết: “Người thầy” đầu tiên dạy chèo cho ông là Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời bấy giờ, Đài Tiếng nói Việt Nam có phát chương trình hát chèo, cậu bé Ứng lúc đó rất thích thú và mỗi ngày đều dành trọn thời gian để lắng nghe... Qua mỗi chương trình, cậu bé Ứng lại học thêm một làn điệu chèo, rồi bị chèo cuốn hút đến quên ăn, quên ngủ. Cậu hát chèo và diễn chèo tự nhiên như cách chèo đến với mình.

Lúc trưởng thành, bên cạnh việc được đào tạo chính quy thì chàng thanh niên Nguyễn Đình Ứng vẫn giữ thói quen tự học qua những vở chèo nổi tiếng. Ông Ứng kể: “Tôi đã xem các vở diễn Tấm Cám, Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính... không biết bao nhiêu lần. Lần nào Đoàn chèo Thanh Hóa (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) diễn, dù đường có xa mấy, công việc bận thế nào tôi vẫn tạm gác sang một bên để đi nghe hát. Mỗi nghệ sĩ biểu diễn có cái đặc sắc riêng, ngồi dưới xem tôi đã ghi nhớ làn điệu, cách diễn, cách đánh trống”...

Chất giọng của ông Ứng không hẳn “đẹp” vì hơi khàn, đục, nhưng bù lại ông lại rất chăm chỉ học hỏi và sáng tạo, nên kỹ thuật diễn ngày càng điêu luyện qua những luyến láy của chất giọng, sự uyển chuyển trong động tác, khiến người xem đến mê mẩn. Cứ thế, ông mang những điệu chèo đi chinh phục khán giả khắp nơi, càng hát càng say, càng say thì tình yêu chèo càng cháy bỏng. Cái cháy bỏng ấy đã là một động lực lớn lao, giúp ông vượt qua thăng trầm của cuộc sống cũng như sự chật vật của một nghệ sĩ chèo phải lo toan cho 5 đứa con và 1 mẹ già. Cũng tình yêu đó mới cho ông động lực “vác tù và” mà khôi phục và đưa chèo Hoằng Phượng trở lại là môn nghệ thuật được người dân yêu thích nhất.

Trước năm 2007, Hoằng Phượng là đất chèo nhưng lại không duy trì được những nhóm chèo truyền thống, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương thiếu những câu hát chèo. Vì vậy, sau khi “ngắm” trúng một số người có khả năng, ông Ứng đến từng nhà vận động, rồi sau đó không lâu Câu lạc bộ (CLB) chèo Vĩnh Gia ra đời với 10 thành viên. Một số thành viên lúc đó gia nhập CLB không hẳn vì thích chèo mà vì cả nể sự tâm huyết của ông Ứng. Ngày mới bắt đầu sinh hoạt CLB, ban ngày mọi người còn bận việc đồng áng, nên các buổi tập luyện chủ yếu diễn ra vào buổi tối. Hôm nào ông Ứng cũng về nhà sớm hơn mọi người, đun nước pha trà, vợ ông thì luộc cả rổ lạc hoặc rổ khoai ngồi đợi các thành viên đến luyện tập. Trước sự nhiệt tình của vợ chồng ông, thành viên CLB dù bận rộn đến đâu cũng vẫn thu xếp công việc tham gia CLB để tiếng trống, điệu hát nhuần nhuyễn hơn, học nghề chèo để không “phụ một tấm lòng”. Cứ thế, ngôi nhà nhỏ của ông Ứng đêm nào cũng rộn vang tiếng trống, nhịp phách và những làn điệu í a mượt mà, đằm thắm.

Đến nay, người dân Hoằng Phượng ai cũng có thể cất lên những làn điệu chèo và họ thường xuyên giao lưu văn nghệ với các CLB chèo trên cả nước. Hai CLB chèo Vĩnh Gia và Phượng Mao hoạt động sôi nổi với khoảng 50 hội viên, là nơi “đặt hàng” của nhiều tiết mục tiêu biểu ở các hội diễn, hội thao, khai mạc của huyện, tỉnh.

Chèo đối với ông Ứng như là nghiệp, là duyên. Đã không biết bao lần vì mưu sinh ông nghĩ đến việc từ bỏ nhưng chỉ cần nghe thấy một làn điệu chèo là ông lại ngân nga theo. Nghiệp diễn không đủ nuôi thân, vợ con ông ở nhà tự rau cháo nuôi nhau, cả gia đình vẫn quanh quẩn với cái nghèo. Đây cũng chính là lý do ông từ chối lời mời đặc cách vào Đoàn chèo Thanh Hóa năm 1976. Bởi nhà đông con, lại có thêm mẹ già cần chăm sóc, nếu thường xuyên đi diễn, chắc chắn gia đình ông càng thêm đói.

Năm 2000, một lần nữa cuộc đời lại thử thách lòng đam mê của ông khi vợ ông lâm bệnh nặng cần người chăm sóc, con cái cần người cha ở bên cạnh. Đến khi cuộc sống trở lại bình thường, khó khăn qua đi thì ông Ứng nối lại nghiệp chèo và tiếp tục ngân nga hát, diễn. “Nghiệp diễn chèo chưa bao giờ giúp tôi đồng tiền nào mang về cho vợ con. Kể cả khi tôi đi dạy, chi phí hoàn toàn là tự tâm người ta trả và không đòi hỏi thêm bất cứ điều gì. Với tôi chèo chưa bao giờ gắn liền với tiền”, ông Ứng tâm sự. Và trong nghiệp chèo của mình, ông Ứng luôn thầm cảm ơn người vợ đã luôn bên cạnh ủng hộ, đồng hành cùng đam mê, là hậu phương vững chắc và là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho những rong ruổi của ông trên chiếu chèo.

Hiện tại, ông Ứng vẫn say chèo và “vẫn nghèo như xưa”. Năm 2019 ông được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, đến năm 2021 được hưởng chế độ của nghệ nhân và đây cũng là lần đầu tiên ông có tiền từ nghề hát chèo. “Cả 5 người con và các cháu tôi đều hát chèo hay nhưng thấy tôi lận đận vì chèo mà không theo. Duy chỉ có cháu nội trở thành diễn viên chuyên nghiệp thuộc Đoàn chèo tỉnh Vĩnh Phúc”.

Nụ cười tự hào của ông Ứng khi nhắc đến cháu nội đủ biết rằng dù cả đời thiếu thốn nhưng để chọn lại lần nữa thì ông Ứng vẫn dành tình yêu cho chèo. Bây giờ ở tuổi 75, ngoài việc tập luyện ở CLB chèo Vĩnh Gia, ông Ứng vẫn thường xuyên tham gia dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Điều mong mỏi nhất của ông là “nghệ thuật chèo được tiếp nối bởi những truyền nhân trẻ, những người sẽ mang nhiệt huyết và tài năng để giữ gìn và phát huy chèo truyền thống”.

Phan Vân


Phan Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]