(Baothanhhoa.vn) - Khi mùa xuân gõ cửa, hoa đào đua nhau khoe sắc cũng là lúc điệu sắc bùa lại được thực hành ở khắp thôn làng người Mường, huyện Ngọc Lặc. Đối với đồng bào Mường Ngọc Lặc, hát sắc bùa chính là cách chúc tết độc đáo, đặc sắc, thể hiện khát vọng về một năm mới hạnh phúc, bình yên.

Ngày xuân vang điệu sắc bùa

Khi mùa xuân gõ cửa, hoa đào đua nhau khoe sắc cũng là lúc điệu sắc bùa lại được thực hành ở khắp thôn làng người Mường, huyện Ngọc Lặc. Đối với đồng bào Mường Ngọc Lặc, hát sắc bùa chính là cách chúc tết độc đáo, đặc sắc, thể hiện khát vọng về một năm mới hạnh phúc, bình yên.

Ngày xuân vang điệu sắc bùa

Đội hát sắc bùa đi chúc tết các gia đình ở huyện Ngọc Lặc.

Những ngày cuối năm tại nhà Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng, thôn Thuận Hòa (xã Quang Trung) - người được ví như “cây đa, cây đề” của nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa - càng trở nên rộn ràng, nhộn nhịp. Các bà, các chị ai nấy đều duyên dáng, uyển chuyển trong những bộ trang phục truyền thống, cất giọng ca trong vắt, lảnh lót hòa nhịp cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, vừa thanh thoát vừa phảng nét hoang sơ như hơi thở của núi rừng. Đón chúng tôi vào nhà, nghệ nhân Vượng vui mừng cho biết: “Chuẩn bị cho tết đến, xuân về, nên phường hát sắc bùa đang tăng cường tập luyện không kể ngày đêm để phục vụ cho bà con ở các bản làng”. Hát sắc bùa của người Mường huyện Ngọc Lặc là một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc có từ rất lâu đời được lưu truyền từ đời này sang đời khác và thường diễn ra vào các sự kiện quan trọng của người Mường, nhất là vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Những câu hát chúc tụng, mang tính khích lệ thể hiện niềm mong ước một năm mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no, thịnh vượng.

Những người hát sắc bùa được gọi là phường chúc. Nếu như trước đây quy định mỗi phường chúc thường có 12 người, tương ứng với một bộ chiêng Mường gồm 12 chiếc, thì ngày nay lại không hạn chế về số lượng người tham gia. Hiện phường chúc ở xã Quang Trung đã thu hút được 16 người tham gia cả già, trẻ, gái, trai. Theo quy định, trong phường chúc sẽ phải có một người đứng đầu phường hát và gọi là trùm phường. Trùm phường thường là người có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh. Và theo phong tục của người Mường, vào dịp năm mới phường chúc sẽ đi hát chúc mừng năm mới từ mùng 2 tết cho đến hết tháng Giêng. Khi đó, những người tham gia đội phường chúc sẽ chọn cho mình những bộ sắc phục đẹp nhất của dân tộc Mường, phụ nữ thì mặc váy, nam thì mặc quần áo nâu, đầu chít khăn nâu và mang theo cồng chiêng để cùng nhau đi chúc tết các gia đình.

Nội dung các bài hát sắc bùa thường có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống người dân. Đặc biệt, các điệu hát sẽ được biến tấu linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. Khi cả phường chúc đến cổng nhà gia chủ thì bắt đầu gióng chiêng và hát bài mở cổng “Hôm nay là ngày xuân mới/ Chúng tôi đến đi chúc, đi chơi...". Vào sân, đến chân cầu thang thì dừng lại hòa tấu cồng chiêng (bài sắc bùa) và hát xường chúc tết “Chúng tôi chúc cho nhà ông lắm trâu, nhiều bò/ Chúc cho ông bà ăn nên làm ra...”. Đến khi phường chúc hát bài đóng cổng như “Chúc cho ông bà ăn lại, ở lại/ Đoàn phường chúc chúng tôi hẹn đến ngày này năm sau chúng tôi lại đến...”, thì nhà chủ thường tặng cho phường chúc bánh chưng, gạo, hay tiền... gọi là mừng tuổi nhân dịp năm mới hay thay lời cảm ơn.

Đi dọc những cung đường mùa xuân thênh thang nối nhà này với nhà kia trên khắp các bản Mường huyện Ngọc Lặc, tiếng cồng, chiếc chiêng, tiếng hát mang âm hưởng của núi rừng vang lên làm rộn ràng không khí ngày xuân. Đặc biệt, phường chúc đi đến đâu cũng thu hút rất đông người dân tham gia và cùng nhau tạo nên không khí tươi vui, rộn ràng. Đã từng nhiều năm tham gia đội phường chúc ở xã Quang Trung, bà Phạm Thị Hậu vui vẻ cho biết: "Hát sắc bùa là cách chúc tết độc đáo được người dân Mường giữ gìn và phát huy từ bao đời nay. Lời ca điệu diễn sắc bùa vừa đáp ứng được nguyện vọng, ước mơ, tình cảm của người nghe, người xem, lại vừa kết nối mối quan hệ giữa người với người, con người với thiên nhiên và với môi trường xã hội. Chúng tôi cũng rất phấn khởi bởi hát sắc bùa không chỉ ngày càng được giữ gìn và lan tỏa trong đời sống cộng đồng mà thành viên trong phường chúc hiện nay cũng đã được trẻ hóa. Thông qua lớp trẻ sẽ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của hát sắc bùa bởi họ chính là những người nối tiếp mạch nguồn của cha ông giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Nói về việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của dân tộc Mường, ông Phạm Đình Cường, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Lặc chia sẻ: huyện Ngọc Lặc hiện có 75% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Bởi vậy, nơi đây đang còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường, trong đó hát sắc bùa được chú trọng bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Ngoài việc tạo không khí rộn ràng để người dân vui xuân, đón tết, hát sắc bùa còn đáp ứng yêu cầu của nhiều gia đình trong những ngày đầu năm mới với mục đích cầu bình an gia đạo và chúc xuân, chúc phúc, chúc nghề cho gia chủ, cho khách du xuân. Với những ý nghĩa và giá trị đặc sắc đó hát sắc bùa của người Mường đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]