(Baothanhhoa.vn) - Cúng tiễn gia tiên vào những ngày cuối Tết (hay lễ hóa vàng, lễ tạ gia tiên, lễ tạ năm mới) là một phong tục không thể thiếu của người Việt. Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình cũng đều chuẩn bị một mâm cơm tươm tất cúng tiễn gia tiên, cầu mong một năm bình an, may mắn.

Nét đẹp tục cúng tiễn gia tiên ngày Tết

Cúng tiễn gia tiên vào những ngày cuối Tết (hay lễ hóa vàng, lễ tạ gia tiên, lễ tạ năm mới) là một phong tục không thể thiếu của người Việt. Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình cũng đều chuẩn bị một mâm cơm tươm tất cúng tiễn gia tiên, cầu mong một năm bình an, may mắn.

Nét đẹp tục cúng tiễn gia tiên ngày Tết

Trong ngày cúng tiễn gia tiên, con cháu thường sum họp, thể hiện lòng thành kính đối với gia tiên.

Tết Nguyên đán là dịp để sum vầy, đoàn viên. Với quan niệm đó, người Việt luôn tin tưởng rằng trong dịp Tết, các bậc gia tiên, tiền tổ sẽ về đón Tết cùng con, cháu. Do đó, từ ngày 30 Tết các gia đình sẽ bày biện bàn thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh kẹo và một mâm cỗ để cúng ông bà gia tiên những ngày Tết. Thường sau 3 ngày Tết đến khoảng mùng 10 tháng giêng, các gia đình sẽ làm lễ cúng đưa tiễn gia tiên về cõi âm. Cũng có một vài gia đình làm lễ cúng tiễn gia tiên vào ngày mùng 2, nhưng thường lễ cúng đưa tiễn gia tiên sẽ thực hiện vào ngày mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên Đán để tiễn gia tiên.

Nét đẹp tục cúng tiễn gia tiên ngày Tết

Mâm cỗ cúng tiễn gia tiên được con cháu chuẩn bị tươm tất.

Ngày tiễn gia tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người Việt, thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính hướng về gia tiên. Bởi vậy, mâm cơm cúng trong ngày tiễn gia tiên cũng được các gia đình chuẩn bị rất đầy đủ thể hiện lòng thành kính của con cháu.

Nét đẹp tục cúng tiễn gia tiên ngày Tết

Mâm cơm cúng được mỗi gia đình chuẩn bị khác nhau gắn với đời sống thường nhật của mỗi gia đình. Song, các mâm cơm đều được các gia đình chuẩn bị tươm tất, thường đầy đủ các món truyền thống như: gà luộc, rau xào, canh, miến, bánh chưng, giò cùng với nước, lọ hoa, trầu cau, bánh kẹo và mâm ngũ quả, cây mía để dâng lên ông bà tổ tiên. Tiền âm, vàng mã cũng được chuẩn bị chu đáo để ông bà có hành trang, “lộ phí” để “lên đường”.

Nét đẹp tục cúng tiễn gia tiên ngày Tết

Tục hóa vàng với mong muốn thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và cầu mong điều may mắn.

Bên cạnh những mâm cỗ mặn thì hiện nay, không ít gia đình cũng dâng lên gia tiên mâm cơm chay với đầy đủ các món như: bánh chưng, cơm, canh miến, xôi, giò. Hay nhiều gia đình đã không thực hiện việc dâng, đốt tiền âm, vàng mã. Cứ ngày mùng 3 Tết, bà Trần Thị Hoa (TP Thanh Hóa) luôn thức dậy sớm, chuẩn bị làm mâm cơm cúng gia tiên. Bà Hoa cho biết: “Gia đình tôi thường thực hiện tục cúng tiễn ông bà, tổ tiên vào ngày mùng 3 Tết hàng năm. Vào ngày đưa tiễn ông bà gia tiên về cõi âm, con cháu trong gia đình đều có mặt đầy đủ, thể hiện lòng thành kính hướng đến ông bà tổ tiên. Mâm cơm cũng được tôi và các con chuẩn bị đầy đủ các món như trong gia đình thường nhật và trong ngày Tết để ông bà thưởng thức. Còn việc đốt tiền, vàng mã nhiều năm nay, gia đình tôi đã không thực hiện nữa.”

Nét đẹp tục cúng tiễn gia tiên ngày Tết

Có thể thấy, ngày đưa tiễn ông bà gia tiên được mỗi gia đình thể hiện bằng một cách khác nhau, song tất cả đều thể hiện sự biết ơn, tôn kính của con cháu đối với tổ tiên cũng như cầu mong tổ tiên sẽ ban điều lành cho hậu thế để có một năm khỏe mạnh, an khang thịnh vượng và gặp nhiều điều may mắn.

Nét đẹp tục cúng tiễn gia tiên ngày Tết

Con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.

Phong tục thờ cúng, rước ông bà về ăn Tết và tiễn đưa ông bà gia tiên về cõi âm là nét đẹp văn hóa truyền thống, dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, mang tính nhân văn sâu sắc. Từ bao đời nay, nét đẹp ấy đã ghi đậm dấu ấn trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam, nó làm cho mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình, dòng họ trở nên gần gũi hơn, gắn kết hơn; con cháu hiểu được công ơn, hiểu được đạo hiếu nghĩa mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã góp công gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Điều này đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt luôn luôn có sự kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp để phát triển thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

T.L


T.L

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]