(Baothanhhoa.vn) - Nắng tháng sáu trời như đổ lửa. Đến loài ve cũng “rạc” đi vì hát mãi bài ca gọi hè. Lúc này, mẹ tôi lại xuống đồng đi cấy. Mẹ vẫn thường bảo, mẹ là nông dân, nông dân thì không sợ nắng, không sợ vất vả, chỉ sợ... mất mùa.

Nắng tháng sáu, mẹ lội đồng đi cấy

Nắng tháng sáu trời như đổ lửa. Đến loài ve cũng “rạc” đi vì hát mãi bài ca gọi hè. Lúc này, mẹ tôi lại xuống đồng đi cấy. Mẹ vẫn thường bảo, mẹ là nông dân, nông dân thì không sợ nắng, không sợ vất vả, chỉ sợ... mất mùa.

Nắng tháng sáu, mẹ lội đồng đi cấy

(Ảnh minh họa)

Nắng tháng sáu như thiêu như đốt. Cực chẳng đã mới phải ra ngoài. Còn mẹ, mà có lẽ không chỉ mẹ tôi, mà cả bao người làm nông khác, chẳng hề sợ nắng, cần mẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Tháng sáu với người làm nông nghiệp như mẹ thực sự rất bận. Nào lúa, ngô, lạc chỉ vừa mới thu hoạch tinh tươm vào bồ, đã vội vàng xuống đồng đi cấy cho kịp thời vụ. Năm nào cũng thế, mùa cấy lúa luôn diễn ra vào những ngày trời nắng nóng nhất, như muốn thử thách nghị lực con người.

Nắng tháng sáu khiến ta chợt nhớ đến những vần thơ hồn nhiên, chân thực của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài “Hạt gạo làng ta”: “... Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Nhưng nắng tháng sáu với tôi, còn ám ảnh hơn khi một lần tình cờ nhìn vào tấm lưng trần của mẹ sau vụ cấy.

Chao ôi! Chẳng thể tưởng tượng nổi sao thời tiết có thể khắc nghiệt đến thế. Lưng mẹ đã cháy sạm và vô số những mảng bỏng nước loang lổ vì những ngày hứng nắng như đổ lửa. Vậy mà mẹ chỉ ừ hữ: “Dăm bữa ở nhà là khỏi thôi mà”.

Tôi nhớ, lần tình cờ nhìn tấm lưng mẹ, mình đã chẳng thể kìm nổi nước mắt. Thì ra, tôi vẫn oang oang tự nhận mình là con nhà nông dân, nhưng có lẽ tôi chưa bao giờ phải đi đến tận cùng của sự vất vả như mẹ.

Mẹ tôi yêu ruộng đồng, thứ tình yêu từ thuở người làm nông cũng còn sợ đói mỗi đận “tháng ba ngày tám”, cho đến hôm nay, nhiều thứ đã đổi thay, cuộc sống cũng đã đủ đầy hơn.

Mẹ tôi từng nỗ lực để đi “thoát ly”. Vậy nhưng, “xóa bao cấp”, không giống nhiều đồng nghiệp chuyển ngành nghề, cô gái ngành lương thực quyết định về nghỉ chế độ “một lần”. Với số tiền được nhận, bà dành toàn bộ để mua về bốn sào ruộng cấy. Cứ như vậy, mỗi năm chăm chỉ hai vụ lúa, để đủ gạo ăn cho gia đình và cả vài lứa lợn, cùng đàn gà, vịt béo mẫm.

Chị em chúng tôi lớn lên, lập gia đình, bố mẹ tôi cũng già đi, chẳng thể ôm đồm nhiều việc. Vì thế, chuồng lợn trở thành kho chứa đồ tự bao giờ, gà thì cũng chỉ còn vài con nuôi lấy trứng. Lúa gạo trở nên thừa thãi. Nhiều gia đình thức thời thậm chí còn bán ruộng cho những vị khách lạ mặt, gửi tiền ngân hàng lấy lãi mua gạo ăn, chẳng phải vất vả.

Hơn một lần, tôi cũng hỏi mẹ, nếu có người hỏi mua ruộng, liệu mẹ có bán? Mẹ chỉ bảo: “Bán làm chi. Mình làm nông nghiệp, bán ruộng thì lấy chi mà sống!”.

Thì bố mẹ bán đi có một khoản tiền kha khá, không phải chia cho ai hết, để đó dưỡng già. “Ngày mô bố mẹ còn khỏe, còn làm ruộng”, mẹ xẵng giọng...

Mẹ tôi nói khỏe là vậy. Nhưng ở tuổi ngoài 60 rồi, có ai chống lại được thời gian. Chẳng biết có phải vì lam lũ quá mức, chân bà trở nên nặng nề mỗi lần đứng lên, ngồi xuống; rồi thì mỗi khi vụ mùa cấy hái, thu hoạch xong, có khi phải cả tuần cơn đau mới đỡ.

Bệnh tật khiến mẹ tôi không thể tự mình làm mọi việc như lúc trước. Nhưng dẫu vậy, chưa bao giờ bà nghĩ đến chuyện “bỏ ruộng”. Với bà, ruộng đồng đã trở thành cuộc sống, gắn bó như máu thịt. Nếu một ngày, có phải “bỏ ruộng”, chắc chắn bà sẽ rất buồn.

Vẫn luôn nghĩ, con người ta vất vả ngược xuôi trong cuộc sống này rốt cuộc cũng chỉ vì gánh nặng mưu sinh. Nhưng cũng có những sự vất vả, gắn bó chưa hẳn vì cơm áo gạo tiền. Nó đơn giản là sự lựa chọn. Như mẹ tôi, bà đã chọn ruộng đồng để gắn bó cuộc đời mình...

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]