(Baothanhhoa.vn) - Niềm vui ngày hè của nhiều đứa trẻ thôn quê là được tụm năm, tụm ba dưới gốc cây vú sữa dùng cây sào có móc câu và cái rọ lưới chọc vú sữa chín. Quả vú sữa vì thế có thể xem là mảnh ghép làm nên tuổi thơ trong trẻo, ngọt lành của những đứa trẻ sinh ra từ làng.

Mảnh ghép tuổi thơ

Niềm vui ngày hè của nhiều đứa trẻ thôn quê là được tụm năm, tụm ba dưới gốc cây vú sữa dùng cây sào có móc câu và cái rọ lưới chọc vú sữa chín. Quả vú sữa vì thế có thể xem là mảnh ghép làm nên tuổi thơ trong trẻo, ngọt lành của những đứa trẻ sinh ra từ làng.

Mảnh ghép tuổi thơ

Ảnh minh họa.

Vú sữa là loài cây thân thuộc, gần gũi với vùng thôn quê. Loài cây lặng lẽ, âm thầm tỏa bóng mát, đơm hoa kết trái nơi góc sân, góc vườn, đầu ngõ. Khi nắng hè rực rỡ, cây bỗng nhiên trở nên “có giá” bởi mùa quả chín đã về. Từ khi cây lác đác vài quả chín, đám trẻ trong nhà ngày nào cũng tranh thủ ngước mắt nhìn với đầy sự mong ngóng, háo hức.

Dẫu cho cây lá cao lêu khêu cũng chẳng thể nào ngăn được sự thèm thuồng, ngóng đợi của đám trẻ ấy. Không cho chúng leo trèo thì chúng tìm đủ cách khác. Chúng bàn bạc nhau tìm “phương án tác chiến” với mấy câu sào ngắn, sào dài.

Cây sào dài, đầu nặng nên cứ ngúng nga ngúng nguẩy nào chịu yên vị nghe lời. Mấy đứa cứ thế ngửa cổ lên ngóng, ra sức vợt, đứa chỉ đạo thế này, đứa muốn làm thế kia, nhiều lúc mệt phờ mà mấy quả vú sữa chín cứ “trêu ngươi” trên cao tít. Cả đám mồ hôi dầm dề, hậm hực đổ thừa cho đứa nọ, trách đứa kia, cãi nhau chí chóe.

Ấy thế mà chúng nó kiên trì, làm cho đến khi đạt mục tiêu mới thôi. Mỗi khi có quả vú sữa nào rơi vào trong rọ lưới, cả đám hào hứng reo vang, cười như “được mùa”. Nhiều lúc chọc được quả chín thì ít mà lẫn cả quả xanh thì nhiều.

Làm việc tập thể nên ăn chia rất công bằng. Không đứa nào tranh phần ăn trước, chúng gom vú sữa chọc được đến cuối buổi mới bắt đầu “oánh chén”. Nhiều người biết mặt, biết tên cây vú sữa nhưng mấy ai biết được “bí quyết” thưởng thức sao cho trọn vị. Đám trẻ nhà quê rành rọt, sành sỏi lắm. Chúng chụm đầu bảo nhau: Phải nặn mềm ra thì ăn mới “tuyệt cú mèo”.

Những buổi trưa hè vì thế mà có bao giờ yên bình giấc ngủ. Rất nhiều năm về sau, trên đường đời, đám trẻ ấy cũng thiếu vắng những giấc ngủ trưa an lành bởi hằng hà sa số những nguyên do, áp lực. Nhưng có lẽ, sẽ chẳng có lý do nào hồn nhiên, đáng yêu khiến bất kì ai nghĩ lại cũng phải mỉm cười tiếc nuối như vậy.

Cây vú sữa không chỉ là thức quà quê ngọt lành với những đứa trẻ. Theo chân các bà, các mẹ, bên trong những cái rổ, cái mẹt, vú sữa bước vào chợ quê hay bày bán bên vệ đường, rong ruổi nơi phố thị.

Ở quê tôi gần như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây vú sữa. Cây gắn bó, thủy chung với đất và người, điểm tô sắc màu cho bức tranh làng quê thêm sinh động.

Mùa quả chín, người ta đến tận nhà hỏi mua, giá đầu mùa dao động từ 35 - 45 nghìn đồng/kg. Ấy vậy là, gặp năm sai quả trĩu cành, chỉ cây vú sữa thôi cũng cho gia chủ lận lưng tiền triệu. Số tiền ấy là háo hức tuổi già của bà nội tôi. Bà chắt góp, gói ghém cẩn thận để rồi ngày lễ, ngày tết lại gọi nhỏ mấy đứa cháu lại gần: “Bà chẳng có nhiều, có chút ít này mừng tuổi chắt nội nhé!”. Số tiền bán vú sữa chín ấy cũng đã nhiều năm liền góp phần vào tiền đóng học phí, nuôi lớn ước mơ của những đứa trẻ lớn lên từ làng.

Vú sữa - thức quả ngon mà dân giã, quê mùa ấy như nhuộm tím cả nắng hè, đong đầy kỷ niệm vui tươi, hồn nhiên, nhắc nhở mỗi đứa con nhớ về mảnh vườn nhỏ, về quê hương, nguồn cội của mình.

Tản văn của Hoàng Linh


Tản văn của Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]