(Baothanhhoa.vn) - Tạo hóa khéo tạc nên cảnh sắc, sinh khí để lòng người xốn xang, chộn rộn, bước chân người lữ khách mở lối du xuân qua những miền di tích, văn hóa, tâm linh... Trên hành trình ấy, dãy Ngàn Nưa (còn gọi là Na Sơn, núi Nưa) thuộc địa phận 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh  là dấu thiêng...

Linh thiêng… Ngàn Nưa

Tạo hóa khéo tạc nên cảnh sắc, sinh khí để lòng người xốn xang, chộn rộn, bước chân người lữ khách mở lối du xuân qua những miền di tích, văn hóa, tâm linh... Trên hành trình ấy, dãy Ngàn Nưa (còn gọi là Na Sơn, núi Nưa) thuộc địa phận 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh là dấu thiêng...

Linh thiêng… Ngàn NưaPhủ Na trên dãy Ngàn Nưa (thuộc địa phận huyện Như Thanh) những ngày đầu xuân. Ảnh: Thùy Linh

Đi giữa lồng lộng đất trời những ngày xuân này, từ miền non cao đến vùng đồng bằng trù phú, dọc dài biển bạc chợt nghĩ những nhận định về mảnh đất “Thanh kỳ khả ái”, “Địa linh nhân kiệt” mà các bậc tiền nhân đã ghi tạc vào đá núi, sử sách chẳng phải là lời nói quá. Chỉ tính riêng danh sơn, xứ Thanh tự hào mà gọi tên: Ngàn Nưa (Triệu Sơn), núi Đồng Cổ (Yên Định), dãy Trường Lệ (TP Sầm Sơn), dãy Linh Trường (Hoằng Hóa), núi Pha Dùa (Quan Sơn)... Trong đó, dãy Ngàn Nưa trên đất Kẻ Nưa xưa không chỉ được biết đến là vùng thắng cảnh, khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Nơi đây có số phận đặc biệt, huyệt đạo linh thiêng bậc nhất gắn với nhiều sự kiện lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại tiêu biểu của xứ Thanh nói riêng, dân tộc Việt nói chung.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn lưu lại những dòng miêu tả chi tiết về dãy Ngàn Nưa: ...Mạch núi từ huyện Lôi Dương đổ lại, dài suốt mấy dặm trường... Trên ngọn chót vót cao nhất có ngôi chùa cổ Am Tiên, phía tả có một ngọn núi, trên có động, tối mà sâu, dài mà hiểm”. Núi Nưa chạy dài gần 20 km, có đỉnh Am Tiên (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) cao 538 m.

Chẳng đợi đến khi nắng xuân dát vàng mở lối, tự bao đời, Ngàn Nưa vẫn đẹp tựa như bức tranh thủy mặc. Có những nét vẽ thân thuộc, gần gũi của làng mạc, cánh đồng trù phú; có cái hoang sơ, nguyên thủy của đá núi, rậm rạp rừng cây. Rẽ màn sương mờ buông phủ, càng lên cao, cái thanh tịnh, cô tịch khiến du khách có cảm giác như đã lạc vào chốn tiên cảnh, bồng lai. Bước chân lên Ngàn Nưa, tiến vào đền Nưa thành tâm chắp tay cầu nguyện, tìm đến huyệt đạo thiêng nơi hội tụ, giao hòa linh khí đất trời, ai ai cũng tâm niệm gửi gắm mong cầu, ước vọng. Niềm tin là cội nguồn của tín ngưỡng, sẽ tẻ nhạt và mệt mỏi biết bao nếu con người sống trên đời mà chẳng biết tin vào điều gì hết.

Từ độ muốn lên núi Nưa - Am Tiên phải leo qua mấy ngọn núi, đường đi vằn vèo, lởm chởm những đá, lau, sậy, nứa, giang mọc um tùm, dốc ngược lên tận đầu non. Ngay cả khi, “dưới những nhát búa thời gian, Am Tiên bây giờ chỉ còn là một nơi hoang tàn, hiu quạnh, để hàng năm nắng rọi với trăng soi. Bây giờ chỉ còn đôi chút vết tích sót lại. Hay nói cho đúng, Am Tiên bây giờ tức là một cái lều tranh mà một người dân ở vùng này mới dựng lên” thì Ngàn Nưa - Am Tiên vẫn là nơi “ghi lại cái dấu vết của ngàn xưa”.

Linh thiêng… Ngàn NưaDu khách đi lễ tại đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn). Ảnh: Thùy Linh

Ngàn Nưa mây mờ, sương phủ gợi nhắc câu chuyện về người ẩn sĩ đã hóa thành chim hạc tại nơi này. Ngay trong cái tên Ngàn Nưa cũng nhắc nhớ về ông Nưa - một trong những nhân vật tiêu biểu trong hệ thống nhân vật khổng lồ trong huyền thoại xứ Thanh, người đã có công lao mở mang xóm làng, đồng ruộng giúp người dân có kế sinh nhai, xây dựng cuộc sống no ấm đời này qua đời khác... Năm 248, lịch sử dân tộc ghi dấu sự kiện trọng đại, khiến cho “toàn thể Châu Giao đều chấn động” trên mảnh đất Ngàn Nưa này: Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp nghĩa quân, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Đông Ngô. Mặc dù cuộc khởi nghĩa sau cùng đã thất bại, Bà Triệu tuốt gươm tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng (Hậu Lộc) nhưng tinh thần, khí phách ấy mãi là biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt, thể hiện khát vọng độc lập, tự do mãnh liệt trong lòng mỗi người dân nước Việt. Kể từ sự kiện lịch sử ấy, dãy Ngàn Nưa trở thành một phần của lịch sử vang danh, mang trong mình niềm kiêu hãnh, tự hào ít nơi nào có được.

Giếng tiên, bàn cờ tiên, ao hóp, đền Nưa... dường như, ngay trong mỗi phiến đá, cỏ cây trên dãy Ngàn Nưa này đều thấm đẫm chiều sâu lịch sử - văn hóa. Từng có thời hưng - suy, từng có khi Nhân dân trong vùng phải thu nhặt gạch đá từ trong đống hoang tàn, dựng lên một gian nhỏ tiếp tục hương khói phụng thờ Bà Triệu nhưng đền Nưa - Am Tiên vẫn bền bỉ hiện diện. Theo thăng trầm thời gian, qua biết bao “cuộc phế, hưng, tang, hải”, nhưng vang động lịch sử nơi đây vẫn trường tồn...

Có lẽ bởi vậy mà Ngàn Nưa luôn là “nơi mong đến, chốn tìm về” của du khách thập phương. Hằng năm, lễ hội đền Nưa - Am Tiên chính thức diễn ra từ ngày mùng 9 tháng Giêng (âm lịch), thường được dân gian gọi là ngày “mở cổng trời” và kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng (âm lịch). Tuy nhiên, ngay từ những ngày mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, theo hành trình tín ngưỡng du xuân “lên rừng xuống biển”, đông đảo du khách đã lựa chọn Ngàn Nưa là điểm đến tham quan, vãn cảnh, dâng lễ, gửi gắm những mong cầu, ước vọng.

Dấu chân hành hương in hằn qua năm tháng càng khiến cho dãy Ngàn Nưa thêm sắc màu tín ngưỡng, tâm linh. Phật - Đạo - Mẫu đồng hiện, hòa vào chữ Tâm - chữ Thiện. Ngàn Nưa vẫn thì thầm lời răn dạy của các bậc tiền nhân dành cho con cháu về ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên...

Thảo Linh

(*) Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách Tinh hoa du ký trên Tri tân tạp chí (1941-1945) của Nguyễn Hữu Sơn - Trần Bá Dung sưu tầm, tuyển chọn, NXB Thanh Niên ấn hành.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]