(Baothanhhoa.vn) - Nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) là một công trình văn hóa, tâm linh độc đáo. Ngôi đình không chỉ mang dấu ấn kiến trúc của đình làng Việt xưa, mà còn là kho tàng lưu giữ những câu chuyện, dấu tích về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, ngôi đình cổ vẫn được bảo tồn và gìn giữ bởi tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc của Nhân dân làng Phú Điền nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 3): Đình làng Phú Điền - công trình văn hóa tâm linh độc đáo

Nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) là một công trình văn hóa, tâm linh độc đáo. Ngôi đình không chỉ mang dấu ấn kiến trúc của đình làng Việt xưa, mà còn là kho tàng lưu giữ những câu chuyện, dấu tích về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, ngôi đình cổ vẫn được bảo tồn và gìn giữ bởi tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc của Nhân dân làng Phú Điền nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 3): Đình làng Phú Điền - công trình văn hóa tâm linh độc đáoĐình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thùy Linh

Tin liên quan:
  • Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 3): Đình làng Phú Điền - công trình văn hóa tâm linh độc đáo
    Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 2): Bảo ...

    Được xem là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt, đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, các di sản văn hóa nói chung, trong đó có Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu, là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh ngày càng cao của Nhân dân, cũng như góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành nhiệm vụ đặt ra cho hậu thế.

Thật không quá khi nói đình làng Phú Điền là một công trình văn hóa - kiến trúc, nghệ thuật độc đáo và giàu giá trị. Bởi lẽ, đình vừa tọa lạc ngay tại vị trí đắc địa nhất làng, vừa có lối kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc bộ; vừa thể hiện trí tuệ dân gian qua các bức chạm trổ, điêu khắc tinh xảo gắn với các yếu tố thuần Việt; vừa thể hiện ý chí, tinh thần dân tộc qua sự trường tồn với thời gian. Đình làng Phú Điền án ngữ trên khu đất cao, ngay tại trung tâm làng, hướng Tây Nam nhìn ra núi Tùng, nơi có lăng mộ Bà Triệu. Theo các cụ cao niên trong làng, thời gian đầu đình làng được xây dựng ngoài rìa làng. Sau khi đình cũ bị hư hại, vào thời Nguyễn, Nhân dân đã lựa chọn thế đất cao giữa làng, góp tiền, góp sức xây dựng đình làng và gìn giữ đình làng đến ngày nay. Niên đại của đình làng Phú Điền được ghi chép trên thượng lương của đình: “Năm Nhâm Thìn 1772, triều Cảnh Hưng thứ 33, xây dựng phúc đình. Đến năm Nhâm Thân 1812, triều Gia Long năm thứ 11, trùng tu phía trước bên trái. Nay ngày tốt, mùa đông năm Quý Tỵ 1833, triều Minh Mạng năm thứ 14, tái phục hồi phía sau”.

Đình làng Phú Điền là một không gian văn hóa đậm đà bản sắc Việt. Khuôn viên đình thoáng đãng, nổi bật là Nghi môn được xây dựng với kiểu tứ trụ bằng vật liệu đá xanh nguyên khối, có 3 cửa vào nằm đối diện với tòa đại đình. Cột tứ trụ có dáng hình trụ, chân đế kiểu chân quỳ, trên gần đình trụ có lồng đèn, bốn mặt có khắc tứ linh, trên đỉnh gắn hình chim phượng lật và tượng nghê chầu - những linh vật, yếu tố văn hóa thuần Việt. Đình được xây dựng theo lối cấu trúc hình chữ Đinh quy mô bề thế với 5 gian và 6 vì kèo gỗ. Bộ khung vì được cấu tạo 5 hàng cột chiều ngang và 6 hàng cột chiều dọc, hiên ngang chống đỡ toàn bộ hệ thống mái, tạo cho đình dáng dấp bề thế và vững chãi. Cấu trúc vì kèo theo kiểu “giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy” theo cặp đối xứng.

Nhà tiền đường có cấu kiện kiến trúc được chạm trổ khá tinh xảo với nhiều mảng chạm khắc truyền tải nội dung ấn tượng. Các vì kèo được chạm trổ công phu, hài hòa theo phong cách chạm lộng, chạm bong, chạm nổi, chạm chìm. Hoa văn chạm trổ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống Nho giáo với yếu tố dân gian hình ảnh tứ linh: long, ly, quy, phượng hay cá chép hóa rồng, các loài vật, hoa và ấn tượng hơn cả là những bức chạm trổ thể hiện đời sống, tư duy, tinh thần đoàn kết của người dân làng Phú Điền xưa. Nhà Hậu cung được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 trái cùng các vì kèo gỗ kiểu “giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy”.

Theo các cụ cao niên trong làng, thời xưa khi xây dựng đình, Nhân dân trong làng đã thuê hai đội thợ thực hiện chạm trổ hệ thống vì kèo của đình. Để có những sản phẩm độc đáo, ấn tượng, Nhân dân đã tổ chức cuộc thi và trao thưởng cho đội có những bức chạm trổ đặc sắc hơn, thể hiện được mong muốn, ý nguyện của người dân làng Phú Điền. Một đội chạm trổ bức điêu khắc người phụ nữ đỡ cột trụ trời, thể hiện Bà Triệu gánh giang sơn, bảo vệ Nhân dân, đất nước. Một bên chạm trổ bức điêu khắc thể hiện Bà Triệu cưỡi rồng hóa tiên luôn phù hộ cho quốc thái dân an. Đến nay, hai bức điêu khắc độc đáo thể hiện đời sống văn hóa, tinh thần của người dân làng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Và, với người dân Phú Điền đây là hai biểu trưng độc đáo cho lịch sử hào hùng của đất và người vùng Phú Điền.

Không chỉ là một công trình văn hóa - kiến trúc, nghệ thuật độc đáo và giàu giá trị, đình làng Phú Điền còn là nơi lưu giữ và trao truyền lịch sử, những dấu tích về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và Nhụy Kiều tướng quân; là nơi để Nhân dân làng Phú Điền thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng vọng, biết ơn đối với Bà Triệu và cầu mong những điều tốt đẹp, bình an đến với gia đình và đất nước. Dù đã trải qua hàng trăm năm, đến nay, đình làng Phù Điền vẫn tọa lạc tại vị trí đắc địa của làng; trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người dân làng Phú Điền. Dù không còn nhiều người nhớ chính xác thời gian hình thành của ngôi đình, song chắc hẳn ai cũng biết sự tồn tại của ngôi đình gắn với Bà Triệu, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu; là nơi để người dân làng thể hiện lòng biết ơn, thành kính đối với Bà Triệu - Thành hoàng làng cũng chính là người bảo hộ, che chở cho dân làng và phù hộ cho làng Phú Điền luôn trù phú, no đủ, bình yên.

Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 3): Đình làng Phú Điền - công trình văn hóa tâm linh độc đáoĐình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc).

Theo lệ hàng năm, gần ngày giỗ của Bà Triệu, từ mùng 1 đến 24-2 âm lịch, bà con trong làng ra đình và đền thờ để dâng lễ tưởng nhớ tỏ lòng thành kính, công ơn của Bà Triệu. Lễ phẩm dâng Bà Triệu được Nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ đầy với các loại bánh, trái, xôi, gà. Việc tổ chức lễ hội, đặc biệt vào những năm chẵn, được làng chuẩn bị rất cẩn thận, long trọng và thường kéo dài từ ngày 19 đến hết 23-2 mới làm lễ yên vị. Vào chính lễ, tại đình làng không chỉ diễn ra các nghi lễ truyền thống mà người dân còn tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc của làng Phú Điền như: nấu cơm thi, đánh đu dây, đánh cờ người... Ngoài ra, vào ngày 2-10 âm lịch hàng năm (tương truyền là ngày sinh của Bà Triệu) người dân làng Phú Điền tổ chức Lễ cơm mới, mừng ngày bà sinh. Nhà nào cũng chuẩn bị lễ vật tươm tất lên đình để dâng Thành hoàng làng, thể hiện lòng biết ơn đối với Bà.

Với người dân làng Phú Điền, được tham gia các hoạt động, sự kiện tại đình gắn với Bà Triệu là một vinh dự. Hàng năm, mỗi khi đến dịp Lễ hội Đền Bà Triệu, người dân trong làng ai cũng mong muốn mình sẽ được góp sức cho lễ hội. Người dân làng Phú Điền tin rằng, ai hết lòng, thành tâm góp sức cho lễ hội, đặc biệt, được chọn tham gia vào các nghi thức tế lễ, nghinh rước bóng tại lễ hội thì năm đó bản thân và gia đình người đó sẽ gặp may mắn, thuận lợi. Ông Đặng Văn Cường, thủ từ đình làng Phú Điền, cho biết: Các nghi thức tế lễ được Nhân dân thực hiện cẩn thận, thành kính và thường diễn ra ở 3 địa điểm là đền, lăng và đình. Việc lựa chọn những người tham gia tế lễ, nghinh rước bóng thánh Bà và các quan được thực hiện chặt chẽ theo quy định từ xa xưa: Người có sức khỏe tốt, cao lớn, bản thân và gia đình thanh sạch, không có tang và trước lễ hội ít nhất 1 tuần những người này phải giữ mình, không được làm những điều cấm kỵ. Ngoài những người được lựa chọn tham gia các nghi thức tại lễ hội, người dân trong làng ai cũng náo nức chuẩn bị lễ vật, góp sức cho lễ hội.

Với những giá trị độc đáo, linh thiêng cùng sự trường tồn với thời gian, đình làng Phú Điền đã chứng minh giá trị tự thân trong dòng chảy lịch sử, văn hóa. Để rồi, trở thành mạch nguồn dưỡng nuôi đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người dân làng Phú Điền nói riêng và người dân xứ Thanh nói chung.

Bài và ảnh: Thùy Linh

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu”).

Bài cuối: Bà Triệu và dấu ấn cuộc khởi nghĩa qua các di sản “vệ tinh”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]