(Baothanhhoa.vn) - Được coi là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng trong lịch sử dân tộc, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) và Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) luôn có mối liên hệ đặc biệt, khi đều gắn liền với vương triều Hậu Lê và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tạo sợi dây gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Những giá trị trường tồn (Bài cuối): Mối liên hệ đặc biệt

Được coi là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng trong lịch sử dân tộc, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) và Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) luôn có mối liên hệ đặc biệt, khi đều gắn liền với vương triều Hậu Lê và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tạo sợi dây gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Những giá trị trường tồn (Bài cuối): Mối liên hệ đặc biệtKhu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: Hoàng Đông

Tin liên quan:
  • Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Những giá trị trường tồn (Bài cuối): Mối liên hệ đặc biệt
    Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Những giá trị trường tồn (Bài 4): Lam Kinh – ...

    Mỗi một di tích tự thân nó đều mang một giá trị về văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc, trong mỗi thời kỳ. Do vậy, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với vai trò là “kinh đô tưởng niệm” đã trở thành một biểu tượng đồ sộ về văn hóa - tinh thần, tín ngưỡng của triều đại Lê Sơ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Nằm giữa lòng TP Thanh Hóa, di tích Thái miếu nhà Hậu Lê đã và đang là điểm hẹn tâm linh của nhiều du khách. Bởi đến đây, du khách không những được thả hồn trong không gian lịch sử mà còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm dấu ấn thời nhà Lê. Theo nhiều tài liệu lịch sử thì khởi nguồn của Thái miếu nhà Hậu Lê là từ vùng đất Lam Sơn - quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Sau khi lập nên vương triều Hậu Lê, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt, với tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc mạnh mẽ, Vua Lê Thái tổ và các vua nhà Lê đã nhanh chóng xây dựng vùng đất Lam Sơn trở thành Lam Kinh - “kinh đô thứ hai”, đóng vai trò là nơi thờ cúng tổ tiên. Các vua và hoàng thái hậu nhà Lê sau khi mất cũng được đưa về đây an táng. Tuy nhiên, trải qua những biến cố, Khu Di tích Lam Kinh gần như bị hủy hoại hoàn toàn. Đến năm 1805, Vua Gia Long đã cho tháo dỡ gỗ, ngói ở Thăng Long và một phần ở Lam Kinh chuyển về xây dựng Thái miếu nhà Lê ở vùng đất Bố Vệ (nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) để thờ phụng các vị hoàng đế và hoàng thái hậu nhà Lê.

Theo sử sách ghi lại thì Vua Gia Long cho khởi dựng thái miếu ngay trên phần đất của nền điện Chiêu Hòa đã bị đổ nát. Đây chính là điện thờ Tuyên Từ Nhân ý Chiêu Túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh (vợ Vua Lê Thái tông, mẹ Vua Lê Nhân tông). Đồng thời, nơi đây có vị trí thuận lợi, khi nằm trên trục đường thiên lý Bắc - Nam và có nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ. Sau khi chuyển về Bố Vệ, Thái miếu nhà Hậu Lê được xây dựng lại trên cơ sở Thái miếu tại Lam Kinh; bao gồm các công trình: nghinh môn, sân điện, tiền điện và hậu điện. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, thái miếu đã được tu sửa nhiều lần.

Tháng 9-1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định công nhận Thái miếu nhà Hậu Lê là Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 1996, di tích thái miếu được điều tra, khảo sát và lập quy hoạch tổng thể nhằm trùng tu, tôn tạo xứng tầm quốc gia. Và từ năm 1997 đến nay, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho việc trùng tu, tôn tạo để tạo nên một diện mạo hoàn chỉnh cho di tích này. Hiện nay, ngoài những đồ thờ, bài vị chính trong điện thờ, rải rác xung quanh phía ngoài điện miếu còn có một số hiện vật giá trị, như: bệ thờ bằng đá chân quỳ; cột cờ bằng đá hình trụ (lục giác); bia công đức dựng ở hai đầu sân điện. Đặc biệt, ở ngoài hiên tiền điện được bố trí tượng nghê chầu, linh vật đẹp và có giá trị của nền kiến trúc dân tộc cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.

Về phần Lam Kinh, dẫu chỉ là còn là phế tích do bị chiến tranh tàn phá, song vai trò, vị thế của nó trong lịch sử là không thể phủ nhận. Do đó, năm 1962, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đến năm 1994, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể tu bổ, phục hồi tôn tạo Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Từ đó, nhiều hạng mục như thái miếu, nghinh môn, sân rồng, hồ bán nguyệt, sông Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, hồ Như Áng, chính điện, khu lăng mộ của các vua và hoàng thái hậu... được đầu tư tôn tạo. Khu Di tích lịch sử Lam Kinh với những công trình kiến trúc bề thế và trang nghiêm đã trở thành nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam.

Hàng năm, nhằm tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các công thần triều đại nhà Hậu Lê, đồng thời để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân, tại Thái miếu nhà Hậu Lê và Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh đều tổ chức dâng hương tưởng niệm và lễ hội vào ngày 21 và 22 tháng 8 (âm lịch). Ra đời từ khúc “khải hoàn ca” chiến thắng, vậy nên âm hưởng chủ đạo của lễ hội là niềm vui chiến thắng, ngợi ca chiến công, là tri ân anh hùng dân tộc... với các nghi thức trang trọng, thành kính bậc nhất. Phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc như cờ người, các trò diễn, múa rồng, trống hội, cồng chiêng...

Sự ra đời và tồn tại của các điểm thờ tự liên quan đến vương triều Hậu Lê trên đất Thanh Hóa, mà tiêu biểu và nổi bật hơn cả là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) và Thái miếu nhà Hậu Lê (TP Thanh Hóa), là sự khẳng định cho sức sống mãnh liệt của truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là sự tri ân của hậu thế đối với công đức của tiền nhân tiên tổ, đã đổ máu xương để đắp đổi và gây dựng nên cơ đồ dân tộc. Để rồi, dẫu trải thêm bao thế kỷ nữa, thì tin rằng các di sản giàu giá trị ấy vẫn luôn là biểu tượng của sức mạnh từ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Để đến hôm nay khi nhắc nhớ về quá khứ hào hùng, các thế hệ cháu con người Việt lại càng thêm trân trọng, tự hào và nỗ lực gìn giữ, phát huy những thành quả mà cha ông đã dày công gây dựng.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]