(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi trở lại làng Phú Điền vào một ngày nắng nhẹ. Con đường dẫn vào trung tâm làng đã thay lớp “áo” bê tông mới, phong quang và sạch sẽ. “Màu” của cuộc sống ấm no hiện hữu trên những nếp nhà được cất khang trang. Và sự an yên ẩn trong tiếng trống, tiếng chiêng vọng ra từ mái đình cổ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không gian văn hóa đậm đà bản sắc

Không gian văn hóa đậm đà bản sắc

Đình làng Phú Điền – công trình kiến trúc giàu giá trị.

Chúng tôi trở lại làng Phú Điền vào một ngày nắng nhẹ. Con đường dẫn vào trung tâm làng đã thay lớp “áo” bê tông mới, phong quang và sạch sẽ. “Màu” của cuộc sống ấm no hiện hữu trên những nếp nhà được cất khang trang. Và sự an yên ẩn trong tiếng trống, tiếng chiêng vọng ra từ mái đình cổ...

Án ngữ ngay vị trí đắc địa nhất của làng, đình Phú Điền là công trình văn hóa – kiến trúc, nghệ thuật độc đáo và rất giàu giá trị. Trong không gian kiến trúc ấy, Nghi môn nổi bật với hình ảnh tứ trụ bằng vật liệu đá xanh tạo tác nguyên khối, có 3 cửa vào. Đình được cấu trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian và 6 vì kèo gỗ. Bộ khung vì được cấu tạo 5 hàng cột chiều ngang và 6 hàng cột chiều dọc, với tổng cộng 36 cột chống đỡ toàn bộ hệ thống mái, tạo cho đình dáng dấp bề thế và vững chãi. Cấu trúc vì kèo theo kiểu “giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy”, được chạm trổ khá tinh xảo theo phong cách chạm lộng, chạm bong, chạm nổi, chạm chìm. Hoa văn nổi bật và đậm tính truyền thống, với hình tượng long, ly, quy, phượng; cá chép hóa rồng; các loài hoa sen, mai; các loài vật và đặc biệt là có những hoạt cảnh dân gian phản ánh tư duy vừa phong phú vừa gần gũi của những nghệ nhân xưa.

Niên đại của đình làng Phú Điền được tìm thấy trên dấu ấn kiến trúc và được ghi chép trên thượng lương: “Năm Nhâm Thìn 1772, triều Cảnh Hưng thứ 33, xây dựng phúc đình. Đến năm Nhâm Thân 1812, triều Gia Long năm thứ 11, trùng tu phía trước bên trái. Nay ngày tốt, mùa đông năm Quý Tỵ 1833, triều Minh Mạng năm thứ 14, tái phục hồi phía sau”. Đồng thời, nhiều tài liệu nghiên cứu cũng chỉ ra, di tích này đã qua vài lần phục hồi, tu bổ dưới thời vua Tự Đức, Khải Định. Đặc biệt, trong các năm từ 2005–2008, đình được trùng tu, tôn tạo cả về kiến trúc, cảnh quan để có dáng dấp như hiện tại.

Sự tồn tại và vị trí của đình Phú Điền trong đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng, được ví như “trái tim” của làng cổ Phú Điền. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng về cơ bản, đình vẫn giữ được kiểu kiến trúc, nghệ thuật và vật liệu truyền thống. Đặc biệt, sự tồn tại của di tích dễ khiến người ta liên tưởng đến cảnh náo nhiệt của lễ lạt, hội hè, đình đám nơi làng quê thuần Việt xưa kia. Dẫu có thể không nhiều người nhớ rõ gốc gác của đình. Song với người làng Phú Điền, sự tồn tại của di tích này được ví như một mạch nguồn dưỡng nuôi đời sống văn hóa - tinh thần của cả cộng đồng. Ông Đặng Văn Cường, người được dân làng tín nhiệm cắt cử việc coi sóc, hương khói của đình, cho chúng tôi hay: “Người làng Phú Điền ai cũng vinh dự và tự hào được thờ phụng Bà Triệu – Thành hoàng làng cũng chính là người bảo hộ, che chở cho dân làng và phù hộ cho làng Phú Điền luôn trù phú, no đủ, bình yên. Theo lệ hàng năm, từ mùng 1 đến 24-2 âm lịch là bà con trong làng lại ra đình và đền thờ để dâng lễ. Việc tổ chức lễ hội, đặc biệt vào những năm chẵn, được làng chuẩn bị rất cẩn thận, long trọng và thường kéo dài từ ngày 19 đến hết 23-2 mới làm lễ yên vị”.

Vào những năm chẵn, lễ hội Bà Triệu thường có nghi thức rước bóng và đại tế. Trong đó, Hội đồng tế xưa kia do Hội bô lão và Hội đồng khánh tiết làng Phú Điền xét chọn kỹ lưỡng để tiến cử cho làng. Hội đồng tế gồm một chủ tế, hai bồi tế, một đông xướng, một tây xướng, hai nội tán và 10 đến 12 chấp sự. Các nghi thức tế lễ thường diễn ra ở ba địa điểm là đền, lăng và đình. Trước khi diễn ra đại tế, người ta tiến hành lễ Mộc dục vào lúc nửa đêm ngày 18-2 âm lịch, ở cả đình và đền. Lễ phẩm chính kỵ có các loại bánh chưng, bánh dầy, bánh gai, bánh mật và một số loại thức cúng đặc trưng. Sau lễ tế, các xóm đều mang lễ ra đền và xem hầu bóng “giá đồng Bà Triệu”. Lễ hội Bà Triệu còn là sân khấu trình diễn nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, trò chơi dân gian đặc sắc của làng Phú Điền như đánh bài điếm, nấu cơm thi, đánh đu dây, đánh cờ người...

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh “cây đa – giếng nước – sân đình” lại trở thành tín hiệu lấp lánh, có khả năng “gọi tên” văn hóa làng. Nếu cây đa là dấu mốc để những đứa con xa quê “tìm hướng” trở về; giếng nước trong lành làm dịu “cơn khát” chốn nương náu của kẻ tha phương; thì đình làng là nơi “neo đậu tâm hồn” con người trong niềm cộng cảm đặc biệt với mảnh đất chôn rau cắt rốn. Bởi vậy mà, sự tồn tại của loại thiết chế đặc biệt này - mà đình Phú Điền là một minh chứng sống động - tự bản thân nó đã trở thành một không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Kim Ngân


Kim Ngân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]