(Baothanhhoa.vn) - Di tích lịch sử, văn hóa (DTLSVH) là “bảo tàng sống” gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Vì vậy, để các DTLSVH trên địa bàn ngày càng phát huy giá trị, những năm qua huyện Như Thanh đã chú trọng đến công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Qua đó, không chỉ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Như Thanh: Quan tâm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các di tích

Di tích lịch sử, văn hóa (DTLSVH) là “bảo tàng sống” gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Vì vậy, để các DTLSVH trên địa bàn ngày càng phát huy giá trị, những năm qua huyện Như Thanh đã chú trọng đến công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Qua đó, không chỉ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Như Thanh: Quan tâm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các di tíchĐền Đức Ông Khe Rồng ở thị trấn Bến Sung.

Nằm dưới chân dãy Ngàn Nưa trùng điệp, Khu DTLSVH và thắng cảnh Phủ Na (xã Xuân Du) có phong cảnh hữu tình với rừng thông xanh ngát, suối chảy rì rào, bốn mùa chim kêu ríu rít... Về Phủ Na, dạo một vòng quanh khu di tích chúng tôi thấy cách bài trí hệ thống các đồ thờ tự ở đây rất gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt khuôn viên rất sạch sẽ, thoáng mát, điều này cho thấy người dân địa phương không chỉ kính trọng vị nhân thần họ đang thờ phụng mà còn rất quan tâm đến công tác bảo vệ phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Theo các tài liệu lịch sử, Khu DTLSVH và thắng cảnh Phủ Na ra đời vào năm 1909 (dấu tích còn ghi lại thượng lương của đền Mẫu Nghi Thiên Hạ), được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Phủ Na nổi tiếng với tín ngưỡng thờ Mẫu, nổi bật nhất là thờ Bà Triệu, công chúa Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn. Tọa lạc ở vùng non nước hữu tình, quần thể di tích Phủ Na gồm đền Cô Ba (còn gọi là đền Đón) nằm ngoài cùng, bên hữu chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng suối dẫn vào khu chính điện. Tiếp đó là đền Đức Ông (Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam) và đền thờ Mẫu. Nằm sâu ở phía trong, nơi vách núi là đền thờ Chúa Thượng và đền thờ Cô Chín. Tại đây có giếng Tiên với dòng thác nhỏ nước trong vắt, mát rượi quanh năm tuôn trào, nơi du khách sau khi lễ bái thường lấy nước cầu an. Năm 2019, Khu DTLSVH và thắng cảnh Phủ Na đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân và du khách thập phương, hàng năm chính quyền địa phương đều tổ chức lễ hội đền Phủ Na, kéo dài trong suốt tháng 1, tháng 2 và tháng 8 (âm lịch). Trong lễ hội, các nghi thức cúng tế mang đặc điểm tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện đậm nét. Bên cạnh hoạt động tế lễ, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi trò diễn dân gian cũng được địa phương tổ chức. Trải qua thời gian, lễ hội đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo người dân xứ Thanh và du khách thập phương.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 8 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 08 của Huyện ủy về chương trình “Phát triển du lịch huyện Như Thanh giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, những năm qua địa phương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đã quy hoạch và lập dự án trùng tu, tôn tạo Khu DTLSVH và thắng cảnh Phủ Na (xã Xuân Du); Di tích lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến Hải Vân; đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); đền thờ Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận)... với tổng kinh phí khoảng 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đang xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi, đầu tư phát triển du lịch, từng bước đầu tư 3 dự án du lịch gồm: Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí cao cấp Bến En do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư; du lịch cộng đồng làng Rooc (xã Xuân Phúc); dự án du lịch sinh thái Eo Gắm (xã Hải Long)... Trong tương lai, các khu, điểm du lịch này sẽ là những điểm đến vệ tinh kết nối với Quần thể Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Bến En, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, huyện trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh, cho biết: Những năm qua, huyện luôn xác định việc quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng của toàn bộ di tích từ đó lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo dựa trên các nguồn vốn khác nhau. Toàn bộ quá trình tôn tạo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quy mô và giá trị vốn có của di tích. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song song với tu bổ, tôn tạo, huyện cũng đã chỉ đạo chặt chẽ công tác trông coi, bảo vệ, giữ gìn cơ sở vật chất, cổ vật trong các di tích; công tác tổ chức lễ hội tại các điểm di tích cũng được quan tâm.

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của ông Cương: Xã hội hóa được xem là giải pháp then chốt trong huy động nguồn lực để trùng tu, tu bổ các di tích. Song do đặc thù là huyện miền núi, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên việc huy động xã hội hóa rất khó, dẫn đến một số di tích xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời. Hơn nữa, do địa hình đồi núi rộng, các di tích lại nằm rải rác trong khi đội ngũ cán bộ lại mỏng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, nắm bắt tình hình tại các di tích. Công tác quảng bá, giới thiệu di tích chưa được chú trọng đúng mức... Đây là những vấn đề đang đặt ra và cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả trong công tác giữ gìn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]