(Baothanhhoa.vn) - Đan Nê (xã Yên Thọ, Yên Định) là một làng Việt cổ ở đồng bằng sông Mã, ra đời trong cái nôi của nền văn minh Việt cổ thời Hùng Vương dựng nước, tương đương với thời kỳ phát triển của văn hóa Đông Sơn cách ngày nay hơn 3.000 năm. Trong khoảng thời gian hàng nghìn năm đó, con người nơi đây đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhằm chinh phục và cải tạo thiên nhiên để phát triển, đồng thời hình thành nên nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo. Bức tranh làng quê yên ả, thanh bình ấy càng độc đáo hơn bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, linh thiêng suốt ngàn năm của ngọn núi Tam Thai và ngôi đền Đồng Cổ.

Hồn làng trong dáng núi và đền thiêng...

Đan Nê (xã Yên Thọ, Yên Định) là một làng Việt cổ ở đồng bằng sông Mã, ra đời trong cái nôi của nền văn minh Việt cổ thời Hùng Vương dựng nước, tương đương với thời kỳ phát triển của văn hóa Đông Sơn cách ngày nay hơn 3.000 năm. Trong khoảng thời gian hàng nghìn năm đó, con người nơi đây đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhằm chinh phục và cải tạo thiên nhiên để phát triển, đồng thời hình thành nên nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo. Bức tranh làng quê yên ả, thanh bình ấy càng độc đáo hơn bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, linh thiêng suốt ngàn năm của ngọn núi Tam Thai và ngôi đền Đồng Cổ.

Hồn làng trong dáng núi và đền thiêng...Cảnh sắc thiên nhiên khu vực núi và đền Đồng Cổ. Ảnh: Hoàng Linh

Khen cho bàn tay tạo hóa đã kỳ công sắp đặt nên một vùng non nước hữu tình Đan Nê. Ngọn núi Đồng Cổ (Khả Lao, Tam Thai) hiện diện như bức tường thành ôm lấy xóm, làng. Cảnh sắc tươi đẹp ấy được ghi chép tỉ mỉ trong nhiều thư tịch, chính sử: Núi Đồng Cổ có tên chữ là núi Khả Lao ở cách huyện Yên Định 16 dặm về phía Tây; núi nổi lên ba ngọn cao thấp liền nhau, như hình dáng 3 vì sao, nên gọi là núi Tam Thai...

Đan Nê - mảnh đất lắng đọng những vỉa tầng lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng. Thế kỷ thứ X, Đan Nê là nơi khởi đầu công cuộc trị thủy của Lê Hoàn. Đan Nê xưa với bến Trường Châu được mô tả như một nơi đô hội, sầm uất: “Trước cửa tầng thứ ba có chợ buổi sáng, còn chợ buổi chiều thì ở đằng sau miếu. Ở dưới có bến đò cổ, người buôn bán tấp nập, thuyền bè đậu như rừng. Đây cũng là một nơi đô hội của Ái Châu”.

Theo sách “Di tích núi và đền Đồng cổ” (Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử, 2009) thì làng Đan Nê “nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, là vị trí thuận lợi trên con đường thượng đạo từ Thăng Long đến các vùng biên viễn phía Nam, lại là thung lũng kín chỉ có một lối ra, có lẽ từ vị trí đắc địa như vậy nên nhiều lần chinh chiến phương Nam, các vua quan từ thời Tiền Lê, trải qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn đều chọn nơi đây là nơi hạ giá”.

Đặc biệt, Đan Nê có ngôi đền Đồng Cổ uy linh với nhiều truyền thuyết, thần thoại, dã sử... Dã sử lưu truyền: Vua Hùng đi dẹp loạn Chiêm Thành ở phương Nam, đưa quân theo đường núi đến đóng ở chân núi thuộc làng Khả Lao (tức làng Đan Nê). Đêm đến, vua mộng gặp thần núi xin có trống đồng, dùi đồng giúp đánh thắng giặc. Thắng trận trở về, nhà vua phong cho thần núi Khả Lao là “Đồng cổ đại vương” và cho lập đền thờ. Về sau các triều đại quân chủ Việt Nam, từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn trong quá trình Nam tiến, đánh Chiêm Thành khi hành quân qua vùng đất này đều đến “yết kiến” thần và được thần báo mộng, giúp sức đánh giặc. Từ nhiều tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: Đền thờ thần Đồng Cổ tại làng Đan Nê trước kia là đền chính để tưởng nhớ đến công lao âm phù của thần trong các chiến thắng nội loạn và ngoại xâm của các triều đại Lý, Trần, Lê... Nơi đây thường diễn ra các cuộc hội thề của quan quân trước khi ra trận nhằm thể hiện tấm lòng trung thành với vua, với nước, đồng thời biểu thị lòng quyết tâm giành chiến thắng của toàn quân.

Được biết, khu vực núi và đền Đồng Cổ từng được tiến hành đợt khai quật vào năm 2007 với diện tích khoảng 15.000m2. Từ “sự mách bảo” của thư tịch, sự hiện tồn của chứng tích khảo cổ học, TS Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa nhận định: “Núi và đền Đồng Cổ đã trải qua một quá trình phát triển liên tục hàng ngàn năm lịch sử. Tính “thiêng” của vùng địa linh này chính là ở chỗ đó”. Như tiếng vọng từ quá khứ, những phát hiện trong đợt khai quật ấy góp phần quan trọng khái quát nên diện mạo, quy mô, kiến trúc của đền, là cơ sở cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị núi và đền Đồng Cổ.

Sau quá trình trùng tu, tôn tạo, đến nay, đền vẫn giữ được kiến trúc gỗ truyền thống của đình, đền Việt, kết cấu “tiền nhất - hậu đinh” với 3 khu: tiền đường (5 gian), trung đường và hậu cung. Ngoài ra còn có bái đường thoáng đãng, hòa vào cảnh sắc thiên nhiên, nghi môn bề thế...

Hồn làng trong dáng núi và đền thiêng...Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2023.

Nói về tính “thiêng”, đời sống tôn giáo - tín ngưỡng ở Đan Nê phong phú, độc đáo, được bảo tồn, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong đó tiêu biểu nhất là lễ hội đền Đồng Cổ. Vào ngày 15-3 âm lịch hằng năm, Nhân dân xã Yên Thọ (Yên Định) tổ chức lễ hội đền Đồng Cổ, trở thành biểu tượng đẹp của văn hóa truyền thống làng, xã. Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2023 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến ngày 4-5, gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ có các nghi thức như: cáo yết, rước kiệu từ đền về đình Phúc và ngược lại, xin linh khí thần Đồng Cổ, dâng hương... Phần hội vừa mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, truyền thống vừa kết hợp với các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Yên Định và các huyện bạn... Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2023 được tổ chức quy mô cấp huyện, nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, thu hút gần 12 nghìn lượt khách tham gia.

Trong bài viết “Về xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống làng Đan Nê (mô hình lý thuyết)”, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phân tích: “Các giá trị văn hóa, di sản văn hóa cần được gạn lọc làm điểm tựa cho văn hóa đương đại, làm bệ phóng cho hiện tại và tương lai. Văn hóa, di sản văn hóa phải trở thành nguồn lực nội sinh cho sự sáng tạo, phải là một đảm bảo cho sự phát triển mạnh và bền vững đất nước”. Nhận thức sâu sắc điều đó, nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa luôn được các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chú trọng, trong đó có việc bảo tồn, phát huy giá trị núi và đền Đồng Cổ gắn với phát triển du lịch. Năm 2001, đền Đồng Cổ được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; năm 2019, núi và đền Đồng Cổ được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị núi và đền Đồng Cổ gắn với phát triển du lịch, trong khuôn khổ lễ hội đền Đồng Cổ năm 2023, UBND huyện Yên Định phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện Yên Định. Huyện Yên Định đang phối hợp với ngành chức năng hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội đền Đồng Cổ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo thăng trầm thời gian, biến đổi lịch sử, nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đã bị mai một, thất truyền. Nhưng núi và đền Đồng Cổ vẫn bền bỉ sức sống, yên bình tọa lạc trong lòng ngôi làng cổ Đan Nê, xã Yên Thọ. Huyền thoại về vị thần Đồng Cổ ứng mộng vẫn được lưu truyền cùng cảnh đẹp núi sông hữu tình làng Đan Nê. Một dãy núi cao, thấp 3 làn của núi mà tài tử văn nhân gọi là núi Tam Thai vẫn sừng sững hiên ngang, dòng sông Mã uốn khúc quanh co, quán Chầu Trời (quán Triều Thiên), hồ trăng nửa vành... vẫn còn đó. Cảnh đẹp thiên nhiên của núi cùng huyền thoại về thần Đồng Cổ còn được lưu truyền trong các tác phẩm “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam trích quái”, hay trong các tác phẩm của bảng nhãn Lê Quý Đôn, nhà sử học Phan Huy Chú, Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng. Núi và đền Đồng Cổ đã trở thành điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế nơi đây, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư tương xứng, thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Bài và ảnh: Hoàng Linh

*Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành, phát triển làng cổ truyền Đan Nê; các giá trị văn hóa truyền thống và bảo tồn, phát huy giá trị”; cuốn “Tam Thai sơn linh tích” của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng (Hà Văn Giác hiệu đính, phiên âm, dịch).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]