(Baothanhhoa.vn) - Vị Giám đốc Công ty TNHH MTV Ánh Dương Nguyễn Văn Tư mời tôi cùng dự gặp gỡ họa sĩ Lê Mai - cây bút sắt đang cắm vững trên mảnh đất hội họa Việt Nam, vào một chiều thu êm ả trong lành. Nơi chúng tôi gặp nhau là nhà cổ vườn hồ trong khuôn viên tại làng cổ Đông Sơn - nơi xứng để dạo chơi và có không gian cho câu chuyện hội họa và nhiếp ảnh nở ra rổn rang, thu hút và đưa lại cảm hứng mỹ cảm thân thiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Họa sĩ vẽ nên “Mảnh hồn làng”

Họa sĩ vẽ nên “Mảnh hồn làng”

Một tác phẩm của họa sĩ Lê Mai.

Vị Giám đốc Công ty TNHH MTV Ánh Dương Nguyễn Văn Tư mời tôi cùng dự gặp gỡ họa sĩ Lê Mai - cây bút sắt đang cắm vững trên mảnh đất hội họa Việt Nam, vào một chiều thu êm ả trong lành. Nơi chúng tôi gặp nhau là nhà cổ vườn hồ trong khuôn viên tại làng cổ Đông Sơn - nơi xứng để dạo chơi và có không gian cho câu chuyện hội họa và nhiếp ảnh nở ra rổn rang, thu hút và đưa lại cảm hứng mỹ cảm thân thiện.

Vẽ bằng bản tính tự nhiên, bằng tình yêu làng

Họa sĩ Lê Mai sinh năm 1944 ở làng Phượng Vỹ, xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương - vùng đất chiêm trũng xứ Thanh, nơi cái nghèo khó đeo bám, ám cả câu ca: “Nhất Xương nhì Gia” (nhất Quảng Xương nhì Tĩnh Gia) cũng hàm ý nghèo thiếu ăn nên người chỉ có xương và da. Ông là hiện tượng đột khởi của họ Lê. Cả họ Lê đông đúc, đa nghề duy chỉ mình ông theo đường hội họa. Ông ham vẽ từ thời niên thiếu, với ông mặt đất, tường nhà, mảnh ván, lá cây đều là nơi ông khởi nghiệp vẽ. Trong nhà xưa không tìm thấy một trang giấy trắng, có chút nào ông vẽ bằng sạch, chưa hết ông còn lấy cả vở học của anh trai để vẽ. Cây bút sắt lá tre để làm toán, viết văn cũng là cây bút sắt ông vẽ. Tuổi thơ của ông không qua nổi núi Chẹt - địa danh mọi người thường lấy để hàm chỉ câu chuyện đất lành, đất dữ xứ Thanh: “Vào Lèn, ra Chẹt, lên Cốc, xuống Nhồi”. Nơi đây cho đến thời điểm này vẫn là “Tổng hành dinh” của ông. Vì nó mà ông đắm đuối, mê say, bởi nó mà ông thành danh, mở mặt nở mày. Nơi đó có quê hương, có mẹ, nuôi dưỡng cảm xúc hội họa trong ông. Ông thường tự hào về người mẹ yêu văn học, nhớ và ăn nói bằng ca dao, tục ngữ, bằng truyện Kiều trong giao tiếp hằng ngày. Đất Quảng Lĩnh nói riêng, huyện Quảng Xương Thanh Hóa nói chung chính là “mảnh hồn làng” mà ông đau đáu và đã thể hiện thành công trong các tác phẩm sơn dầu cũng như tranh bút sắt của mình. Hãy cùng lắng nghe họa sĩ trần tình về mục đích sáng tác, về lý do tại sao ông chỉ vẽ về làng quê: “Những bức tranh của tôi không chỉ là tranh mà có lẽ nó là lời tâm tình của đời tôi với quê hương và công chúng thì đúng hơn. Tôi sinh ra bên những luống cày ở làng quê xứ Thanh, tôi lớn lên từ hơi ấm ổ rơm, tôi ra đi theo lời bài hát “Tiến quân ca” của bác Văn Cao. Hồn tôi thấm đẫm tình quê hương, chứa chan chất ngô khoai sắn nơi cầu ao của mẹ, nôn nao những cánh diều chiều hè, lao xao giếng nước ao làng. Thóc lúa rơm rạ đầy đường đầy ngõ... Không có làng quê không có lúa, ngô, khoai, sắn; không có nông dân nơi làng quê, không có ngũ cốc nuôi sống con người. Chất làng quê căng đầy trong lồng ngực tôi. Không có gì đẹp hơn phong cảnh làng quê. Làng quê là nơi tôi gửi gắm ký ức đời mình. Làng quê là cha là mẹ, là em, là mãi mãi”. Chân lý này theo suốt cuộc đời và chi phối sự nghiệp hội họa của ông.

Họa sĩ Lê Mai có sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ, đến nay ông đã có hàng ngàn bức tranh ở 3 thể loại: Tranh sơn dầu, tranh bút sắt và tranh cổ động, đã tham gia 29 cuộc triển lãm, đã mở được 4 cuộc triển lãm cá nhân. Điều kỳ lạ là họa sĩ không hề qua một lớp đào tạo chính quy nào, ông vẽ bằng năng khiếu, bằng sự tự học, tự lớn lên qua mỗi tác phẩm, tấm bằng đại học lớn - Quân đội và bằng đại học Lâm nghiệp chỉ giúp ông thêm vốn sống, thêm sự từng trải, thêm tri thức hiểu biết để vẽ. Ông tâm sự: “Tôi vẽ như một nhu cầu tự bên trong, vẽ như cơm ăn nước uống mỗi ngày, bằng bản tính tự nhiên như biết cầm thìa cầm đũa đưa cơm vào miệng, vẽ tạ ơn trời đất, quê hương tổ tiên đã sinh ra mình. Mình vẽ như sinh ra để mà vẽ”. Lúc nào ông cũng đau đáu cái phận làm người, sống thiện lương bằng năng lực chuyên môn, bằng chính mồ hôi nước mắt. Trước sự nhốn nháo bấn loạn của đời thường, trước gian khó, trắc trở đời tư ông đều bước qua và núp vào giá vẽ, vào cây cọ, vào bút sắt, yêu trọn cái “mảnh hồn làng” thân thiết dân dã, bình yên. Tranh của họa sĩ Lê Mai đa phần là vẽ về nông thôn, nông dân và nông nghiệp. Với đất mẹ Quảng Xương, với Thanh Hóa quê hương, họa sĩ đã dành tình cảm đặc biệt. Hình ảnh quê hương chiếm phần lớn trong tranh của ông. Ông đã thành công trong các bức tranh đẹp về quê hương, mỗi bức tranh đều gắn với tên đất, tên làng cụ thể, như: “Chiều trên đồng Quảng Lợi”, “Vườn kè Quảng Xương”,“Phong cảnh Núi Trường Lệ Sầm Sơn” “Đường vào Nông Cống Thanh Hóa”, “Cây gạo làng Nhồi”, “Hòn Vọng phu”, “Sân kho HTX những năm 60”, “Lâm trường Lang Chánh”, “Thành Nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới”, “Làng tôi xưa”, “Đường vào Thanh Hóa”. Hồn làng hiện lên là thửa ruộng cạn, nhà tre, mái kè, là cây cầu tạm, sân đất nện, mảnh vườn xanh bóng cây. Sống động và gần gũi thân thương chiếm ngự tình cảm của người xem bằng dáng của “Chuối sau cau trước” nơi đất nhà, bằng cây rơm vàng có con trâu già thản nhiên nhai rơm, bằng chum nước trên có chiếc gáo dừa, bằng hàng chè mạn, bằng cầu ao, cầu tre, cầu khỉ lắt lẻo, hình ảnh lúa, ngô, khoai, sắn, những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cứ ùa về hiển hiện trong tranh ông đậm đặc, thấm đẫm chất quê, hương quê. Bức tranh quê dường như được ông tạc nguyên vẻ giản dị, mộc mạc, trầm ấm theo lối tả thực để từ đó mà găm vào lòng người, đánh thức nỗi nhớ, tình yêu tha thiết với quê hương. Mỗi người xem tranh của Lê Mai đều có thể thấy một phần của quê hương mình, cuộc đời mình, ký ức riêng tư của mình trong đó. Tranh của Lê Mai không chỉ dừng ở hồn quê, hồn làng mà đã đạt đến hồn đất, hồn làng Việt, hồn quê nước Việt. Nghĩa là ông đã đi đến cái đích nghệ thuật giáo dục cổ vũ tình yêu gia đình, quê hương, Tổ quốc, tình yêu cái đẹp bằng nghệ thuật đích thực, bằng con đường đi từ trái tim đến trái tim.

Vẽ bằng tình đồng chí trước lẽ sinh tồn, được mất

Những năm tuổi thanh xuân họa sĩ Lê Mai đã ra trận theo tiếng gọi của non sông, theo lời giục giã của “Tiến quân ca”, thời sung sức ông gắn bó với quân đội. Khác với mọi người, ông có hai lần nhập ngũ và đều tham gia ở các chiến trường ác liệt Quảng Trị, tham gia nhiều chiến dịch, nhiều lần bị thương. Ông cảm nhận sâu sắc sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. Hai bài tự bạch ông đều thổ lộ:

Quê hương như chiếc bát pha lê

Chiến tranh làm vỡ tung ngàn mảnh

Tôi là một trong muôn ngàn mảnh ấy

Văng ra khắp nẻo đất trời.

(Tự bạch I)

Chiến tranh như một lưỡi rìu

Đẽo hết thịt da làng xóm

Núi cũng lở và dòng sông chảy chậm

Tuổi thanh xuân đi quá nửa không về.

(Tự bạch II)

Trái tim người lính từng nhỏ máu trước hy sinh của đồng đội, rơi lệ trước bệnh tật, đói rét hoành hành nơi rừng sâu, suối cả. Trái tim người nghệ sĩ cũng đồng điệu ngân rung. Lê Mai đã sử dụng lợi thế của bút sắt trong việc miêu tả ký họa vẻ đẹp của người lính trong tư thế xung trận, vẻ mặt thản nhiên trước đạn bom và niềm vui đồng đội khi vượt qua sóng gió, niềm vui lúc chiến thắng. Những động tác mạnh mẽ quyết liệt, táo bạo của người lính trong chiến trận diễn ra trong khoảnh khắc. Lê Mai biết chộp lấy và dựng lại sống động bằng cây bút sắt trong tay. Những tác phẩm như “Đánh chiếm thành cổ Quảng Trị 1972”, “Bộ đội nữ xăng dầu xuyên suốt Trường Sơn những năm 1970”, “Bắc cầu qua sông Bến Hải”, “Chiến sĩ thông tin sau trận bom” là những tác phẩm hoành tráng, giàu chất sử thi. Sự chạm khắc của bút sắt trong việc thể hiện đường nét lúc đậm đặc khi mơ hồ, lúc kỹ lưỡng khi thoáng qua đã tạo ra mảng khối cho hình họa, đặc tả được tư thế dáng vẻ của người lính công đồn, tạc được vóc dáng người lính xăng dầu giữa cái xơ xác tàn khốc nơi trận mạc.

Hai mảng tranh lớn của họa sĩ Lê Mai tưởng chừng mâu thuẫn nhưng thực ra rất thống nhất biện chứng. Ông muốn níu giữ hồn làng, giữ lại nét quê chân chất thuần hậu nên ông cũng biết tranh đấu, lột tả nỗi đau, sự tàn khốc, mất mát của chiến tranh để lên án, cũng là để bảo vệ sự sống, bình yên, sự tinh khôi của làng mạc. Ông là họa sĩ làng quê vì thế cũng là họa sĩ cách mạng.

Lớn lên trong trận mạc, trở về sau trận mạc mang thương tật trên mình nhưng ông đều vượt qua cần mẫn vẽ, chăm chỉ lao động hết mình cho nghệ thuật như bù đắp lại sự thiệt thòi thời gian thanh bình kẻ thù cướp mất trong chiến tranh. Con người họa sĩ cũng vậy, cần cù, chất phác lao động không mệt mỏi như lực điền lại cũng quyết liệt mạnh mẽ, dám tiên phong như người lính. Tiếp xúc trò chuyện với ông thú vị là ở đó.

Nhân lên niềm vui

Lê Mai có niềm tự hào vì trong hội họa ông đã định hình được phong cách, tranh của Lê Mai vừa hiện thực lại giàu chất lãng mạn. Ông đã có thành công lớn trong sử dụng chất liệu bút sắt và ghi dấu tên mình trên con đường đi gập ghềnh, trên địa hạt khó khăn của thể loại bút sắt. Tranh liên tục được giới thiệu với công chúng trong nước và quốc tế, có mặt trong bảo tàng chiến tranh. Niềm vui nhân lên khi người bạn thành đạt của ông là ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam đã đứng ra bảo tồn lưu giữ và giới thiệu toàn bộ tranh của ông. Ông vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Mỹ thuật, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trao 11 giải thưởng. Bằng nỗ lực cá nhân và sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, bạn bè, thân hữu, ông đã xuất bản ba cuốn sách: Tranh sơn dầu 2014, Tranh Bút sắt tập 1 năm 2011 và Tranh Bút sắt tập 2 năm 2016. Ông không giữ riêng cho mình mà góp phần mạnh mẽ trong giới thiệu, quảng bá và truyền thông vẻ đẹp cho mọi người, nhân lên niềm vui, mặc cho cuộc sống riêng vẫn còn đó bộn bề những khó khăn vất vả. Ông vẫn vui vì nghĩ rằng cho đi cũng là nhận về, đến với mọi người là khỏa lấp được nỗi buồn và nhân lên niềm vui.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]