(Baothanhhoa.vn) - Sứ mệnh của người nghệ sĩ chính là ở chỗ biến những nguyên liệu thô sơ của đời sống thực tại thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, đem đến cho công chúng món ăn tinh thần ở dạng tinh khiết hơn. Đó cũng là điều mà ít người như họa sĩ trẻ Lê Hải Anh đã làm được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Họa sĩ Lê Hải Anh: Giá trị đích thực của nghệ thuật phải xuất phát từ trong đời sống

Sứ mệnh của người nghệ sĩ chính là ở chỗ biến những nguyên liệu thô sơ của đời sống thực tại thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, đem đến cho công chúng món ăn tinh thần ở dạng tinh khiết hơn. Đó cũng là điều mà ít người như họa sĩ trẻ Lê Hải Anh đã làm được.

Họa sĩ Lê Hải Anh: Giá trị đích thực của nghệ thuật phải xuất phát từ trong đời sống

Họa sĩ Lê Hải Anh.

Họa sĩ Lê Hải Anh quê xã Xuân Bái (Thọ Xuân). Trong gia đình, anh được thừa hưởng sự khéo léo từ người cha của mình. Hồi học tiểu học, anh đã được cha mẹ cho đi học vẽ ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi thị xã Thanh Hóa (nay là Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP Thanh Hóa). Hồi đó, anh được học với những người thầy đầu tiên của ngành mỹ thuật Thanh Hóa như Băng Thuận, Lê Xuân Quảng... Học hết cấp ba, năm 1997 anh thi đậu vào Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương. Ra trường, anh nhận dạy học môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Quang Lộc (Hậu Lộc). Năm 2002, anh thi đậu vào khoa Sư phạm Mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi ra trường, anh lại tiếp tục sự nghiệp dạy học còn dang dở tại Trường Tiểu học Quang Lộc, cho đến nay đã được 20 năm công tác. Hiện anh là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Lam Sơn, hội viên Ban Mỹ thuật Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa.

Mỗi khi rời thành phố về vùng quê dạy học, anh như được “cởi trói tâm hồn”, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, ruộng đồng bát ngát, cánh cò bay lả, người dân hiền hòa, học trò mến yêu... Đấy chính là những chất xúc tác để anh thêm gắn bó thân thiết với nơi này, yêu nghề và có cảm hứng sáng tác nhiều hơn. Những lúc rảnh rỗi, anh lại vác đồ nghề lên vai đi ký họa thực tế. Nhiều người thường nghĩ cuộc sống nơi miền quê chẳng có gì ngoài sự yên bình và buồn tẻ, nhưng anh lại tìm ra được cái hay, cái đẹp trong mỗi nét bình dị ấy để đem vào trong những bức tranh của mình, làm cho đời sống ấy có giá trị nghệ thuật hơn.

Họa sĩ Lê Hải Anh chia sẻ: “Giá trị đích thực của nghệ thuật phải xuất phát từ trong đời sống. Một khi đã đam mê rồi thì nghệ thuật chính là cuộc sống của mình”. Anh luôn tâm đắc câu nói của Auguste Rodin - nhà điêu khắc người Pháp, một trong những người khởi xướng cho nghệ thuật điêu khắc hiện đại: “Nghệ thuật là niềm lạc thú của một linh hồn bước vào tự nhiên và phát hiện tự nhiên cũng có linh hồn”. Và, trong chúc thư của nhà điêu khắc nổi tiếng ấy cũng chỉ ra rằng, những người làm nghệ thuật phải hội tụ đầy đủ các yếu tố: Khôn ngoan, ý chí, chăm chú và lòng thành thật. Bởi chỉ khi thành thật với mọi người, với thiên nhiên, với tác phẩm thì mới chiếm lĩnh được nó, mới phản ánh được bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng, nếu không đó chỉ là những bức tranh rất mơ hồ, được sao chép một cách khô cứng và khiên cưỡng.

Tâm niệm ấy dường như đã trở thành đường hướng soi rọi trên suốt con đường nghệ thuật của họa sĩ trẻ Lê Hải Anh. Trong vô số những tác phẩm của anh, đã có khoảng 15 tác phẩm giá trị được công chúng và giới chuyên môn công nhận và đánh giá cao, như: “Câu chuyện Việt”, “Đoàn kết”, “Đời sen”, “Bến cá 2”, “Nắng sớm”, “Xuống chợ”, “Một miền quê”... Tác phẩm “Khi người lính trở về” là sáng tác đầu tay của anh, đạt giải nhất đồng hạng tham gia triển lãm mỹ thuật đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang Thanh Hóa năm 2007. Anh quan niệm, mình là người sinh sau cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước nên không biết được cha ông đã đánh giặc như thế nào. Chỉ nghe kể lại qua sách sử, nhưng khi được chứng kiến một bác bảo vệ nhà trường là thương binh, thì anh nảy ra ý tưởng vẽ về người thương binh ấy đang vui vẻ ra đồng với con trâu, cái cày. Tác phẩm ca ngợi tinh thần của người lính, trong thời chiến kiên cường, anh dũng; trong đời thường chịu khó, chịu thương...

Ám ảnh nhất trong các sáng tác của anh là tác phẩm “Những người khóc chồng”, tham gia triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung tại Hà Tĩnh năm 2013. Đây là bức tranh duy nhất của Thanh Hóa được giới thiệu tham dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và đạt giải B giải văn học nghệ thuật Lê Thánh Tông năm 2013. Đó là thời gian anh dạy học ở Hậu Lộc, chứng kiến cơn bão lớn gây thiệt hại về người và của cho người dân vùng biển. Bị ám ảnh, rồi anh lấy hết xúc cảm để vẽ những con tàu trở về bờ với đôi mắt đượm buồn, cách điệu những tấm lưới thành những cờ tang trắng, những người đàn bà mặc áo tang đang ngồi đợi chồng trong vô vọng. Người ngư dân vốn ăn đời ở kiếp với biển, mang được con cá, con tôm về nhưng phải đánh đổi lấy cả sinh mạng của chính mình. Để rồi, còn lại đằng sau đó là những làng chỉ toàn đàn bà, trẻ con thì nheo nhóc... “Một thực tế đau xót như vậy và dường như lúc nào cũng có thể rình rập xảy ra nơi vùng quê biển này, thì tại sao mình không phản ánh vào trong tác phẩm, để người xem có một cái nhìn cảm thông, chia sẻ nhiều hơn với người dân miền biển” – họa sĩ Lê Hải Anh chia sẻ.

Các sáng tác của anh phần nhiều nghiêng về chủ đề biển, thiên nhiên, con người, lịch sử, nét đẹp trong lao động... Tất cả đều được thể hiện phong phú, đa dạng trên nhiều chất liệu như: Sơn dầu, ký họa, lụa. Nhưng thành công nhất phải kể đến sáng tác trên chất liệu đồ họa giá vẽ, cụ thể là tranh khắc gỗ. Đây là một loại hình kỹ thuật khắc gỗ của người thợ làm tranh dân gian Đông Hồ nhưng tạo hình hiện đại. Tranh khắc gỗ thường được tạo hình trên gỗ mít, nhưng cách đây 3 năm, anh đã thử nghiệm thành công trên gỗ pơ-mu và sa-mu là hai loại gỗ quý. Có điều rất khó làm vì thớ gỗ pơ-mu và sa-mu là thớ dọc, khi muốn đục đường ngang phải dùng kỹ thuật khéo léo để đưa nét đục theo đúng ý đồ tác giả mà vẫn không làm tước mảnh. Một khi đã thành công sẽ mang lại hiệu quả cho tác phẩm, như: Màu bền chắc, đường nét nổi bật, gỗ nhẹ, không bị cong vênh, có mùi thơm. Tùy vào ý đồ thể hiện của tác giả mà tranh có nhiều khuôn khổ khác nhau, ví dụ: Khuôn hình chữ nhật tạo không gian kéo dài; khuôn hình vuông tạo cảm giác không gian mở rộng ra bốn phía... nhằm tạo thay đổi khác biệt, vượt qua giới hạn của khuôn mẫu cổ điển để chuyển tải nội dung thông điệp của tác phẩm tới công chúng. Tuy nhiên, để làm ra được một bức tranh khắc gỗ như vậy đòi hỏi rất công phu. Có khi ngồi lỳ hàng giờ đồng hồ thực hiện nhát đục, nhát gõ để tạo ra vô vàn những chi tiết nông, sâu, đậm, nhạt... Có khi độ kiên trì ấy kéo dài trong cả năm để có được một tác phẩm tâm đắc.

Họa sĩ Lê Hải Anh vẫn còn nhiều dự định mới và theo anh “chỉ khi công chúng cảm nhận được thông điệp trong từng tác phẩm, thì có nghĩa là đã chạm được tới trình độ và tình cảm thẩm mỹ của họ rồi. Điều mà bất kỳ người họa sĩ nào cũng đều mong muốn”.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài Và Ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]