(Baothanhhoa.vn) - Trung tuần tháng 8, trời đã hạ được cái oi nóng cuồng điên, cái oi nóng không ai dám ra đường. Hôm nay, sau vài ngày mưa rả rích, bầu trời chuyển màu xám lạnh, tôi và họa sĩ Đỗ Chung gặp nhau tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Họa sĩ Đỗ Chung - đưa cả thế giới vào tranh trừu tượng

Trung tuần tháng 8, trời đã hạ được cái oi nóng cuồng điên, cái oi nóng không ai dám ra đường. Hôm nay, sau vài ngày mưa rả rích, bầu trời chuyển màu xám lạnh, tôi và họa sĩ Đỗ Chung gặp nhau tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa).

Họa sĩ Đỗ Chung - đưa cả thế giới vào tranh trừu tượng

Đỗ Chung, trừu tượng 48, sơn dầu, 1m x 1,65m, năm 2020.

Đỗ Chung kém tôi 7 tuổi, chúng tôi đã có một thời làm việc cùng nhau ở Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Thọ Xuân. Đó là những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Chung vừa học xong cấp III, chàng trai ấy tỏ ra rất có năng khiếu hội họa nên đã được tuyển vào làm công việc vẽ tranh cổ động tuyên truyền cho công cuộc chống Mỹ cứu nước. Sức trẻ và sự đam mê nghề nghiệp, đam mê hiến dâng cho Tổ quốc nên chúng tôi đã để lại hàng trăm cụm cổ động ở khắp các làng quê ở Thọ Xuân, những cụm tranh cổ động đầy ấn tượng về phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... Rồi sau đó mỗi người một ngả, Chung vào Đại học Mỹ thuật, tôi đi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và về làm báo.

- Ôn lại chuyện cũ một chút được không?

Chung thủng thẳng:

- Học xong Đại học Mỹ thuật, tôi về dạy học ở Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Kiến thức khi ấy còn ít, “mõ tre, sách in” mãi cũng nhàm chán, tôi chuyển đổi tư duy tập trung nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và sáng tác tranh.

- Nghiên cứu đề tài gì?

- Về lịch sử mỹ thuật văn hóa Đông Sơn và Trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn là một kho báu về lịch sử nghệ thuật của nền văn hóa lúa nước. Đi sâu càng thấy tự hào rằng ông cha ta từ xa xưa đã tạo dựng và ghi chép lại quy luật hoạt động của tự nhiên và xã hội loài người.

- Nghe nói đề tài này cũng là luận văn Tiến sĩ lịch sử nghệ thuật?

- Vâng! Người xứ Thanh mà lại không đem kết quả nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, cụ thể là Trống đồng Đông Sơn (giải mã các loại hoa văn) trên trống đồng để khôi phục và phát huy niềm tự hào của dân tộc thì có lỗi.

- Bây giờ trống đồng đã được khôi phục nhiều chưa?

- Khá nhiều! Nhưng hoa văn và chất lượng còn phải bàn. Người ta chưa hiểu hết được giá trị của từng loại hoa văn trên trống đồng nên không chú trọng nhiều đến sự tinh tế của từng nét trau chuốt của hoa văn, của tang trống, của thân trống, chân trống. Như thế làm giảm đi rất nhiều giá trị của trống, nó chỉ cho ta cái trống bình thường mà thôi. Bây giờ người ta đúc trống theo kiểu hàng hóa là chính.

Thấy vẻ mặt thoáng buồn của Đỗ Chung khi nói đến chất lượng đúc trống đồng ngày nay buộc tôi phải chuyển đề tài khác.

- Đỗ Chung được Trung tâm Văn hóa Pháp Việt mời sang Pa-ri nghiên cứu mỹ thuật thời gian bao lâu, có ảnh hưởng gì khi sáng tác tác phẩm mỹ thuật của dân tộc Việt?.

- Thời gian ở Pa-ri tôi được cấp giấy phép đi tất cả các danh lam thắng cảnh và bảo tàng của Pa-ri (không phải mua vé), qua đó tôi tiếp nhận được một số kiến thức của nhân loại trong lĩnh vực mỹ thuật. Ông hỏi tôi có ảnh hưởng gì của hội họa quốc tế đến hội họa dân tộc ư?. Có đấy! các danh họa thế giới mỗi người một con đường riêng để lao động nghệ thuật. Vì thế cứ nhìn tác phẩm thì ta biết ngay đó là của tác giả nào. Cũng đúng thôi, nếu không thế thì trên thế giới này nói chung và Việt Nam nói riêng có hàng triệu triệu họa sĩ điêu khắc, riêng Việt Nam đã có hàng mấy ngàn họa sĩ điêu khắc thì làm sao có thể nhìn vào tác phẩm hội họa và điêu khắc để có thể biết được là của tác giả nào.

Theo chân Đỗ Chung chúng tôi về xưởng vẽ nhà riêng của ông. Rất nhiều bức tranh lớn đã vẽ xong, bức nào cũng hoành tráng 2m x 3m, 2m x 5m. Tôi hỏi ông đã triển lãm tranh mấy lần rồi, ông vui vẻ cho biết:

- Triển lãm ở tỉnh và Hà Nội vài lần, ở TP Hồ Chí Minh 3 lần, ở Pa-ri 1 lần, ở Nga 1 lần, ở Đức 1 lần. Mỗi lần triển lãm cá nhân từ 30-40 tranh.

- Sao những bức tranh không có tên và chú thích?

Đỗ Chung cười: - Tranh trừu tượng tôi không chú thích, chỉ ghi 1, 2, 3, ai hiểu thế nào là tùy ở trí tuệ và sự nhận biết của riêng họ. Tranh này kén người xem.

Quả đúng vậy, xem tranh Đỗ Chung, ta cảm nhận có khi nó là bầu trời u ám, nặng trĩu như sắp sập xuống nhân gian, khi thì nó giận giữ theo các mảng màu đỏ, tím, với những tia chớp ùng oàng, có khi nó là một đại dương mênh mông bí ẩn, khi lại là một làng quê với sự sống của con người buồn, vui, đau đớn, hỷ xả.

Một họa sĩ lớn ở TP Hồ Chí Minh - ông Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố nhận xét: “Trong tranh của Đỗ Chung không thấy một hình thái cụ thể thực tế bám sát vào sự vật hiện tượng nào trong đời sống. Nhưng nó lại chính là hình thái thực tế của tâm hồn nghệ sĩ - thực tế sáng tạo. Thực tế sáng tác của ông chính là cảm xúc mong manh, trừu tượng nhưng cũng hiện diện rất đời, rất thực. Cái trừu tượng và cái cụ thể luôn luôn tồn tại trong từng nét vẽ. Trong tranh Đỗ Chung dường như có thơ”.

Trong các cuộc triển lãm ấy, ngoài đồng nghiệp, bạn bè, công chúng đến rất đông còn có cả lãnh đạo của đất nước, của tỉnh như: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, các bác Trần Hoàn, Lê Văn Tu, Lê Huy Ngọ... đến dự và ghi cảm tưởng rất sâu sắc.

Đỗ Chung là con người được sinh ra để lao động nghệ thuật, ông lao động nghệ thuật như điên dại... Một bức tranh nhìn thấy sâu thẳm trong lòng đất và khát vọng một ngày nào đó mặt trời mọc lên tỏa sáng lung linh khắp nhân gian. Lại có những bức tranh tôi hình dung như một màn đêm đầy trăng sao, một không gian huyền diệu, kỳ ảo chan đầy hạnh phúc xuống nhân loại. Người lao động khám phá và dấn thân đưa ngọn bút và cây cọ chung sống cùng cuộc hành trình không ngơi nghỉ của cuộc đời mình vì trí tuệ của nhân loại; và quy luật của vũ trụ, mô tả cái đẹp của tự nhiên, cái đẹp trừu tượng, đa hình, đa dạng, đa tình tồn tại song song cùng sự phát triển của nhân loại, tái tạo và nâng cao mãi cái đẹp tiềm ẩn của loài người.

Tôi rất xúc động khi ngồi cạnh một con người gầy gò, nhỏ nhắn, mang trong mình hai loại bệnh nặng là ung thư phổi và tiểu đường. Riêng bệnh tiểu đường biến chứng đã hành ông phải cắt cụt mấy ngón chân. Một con người như thế mà lại có sức mạnh phi thường, nhiều bức tranh ông phải đứng vẽ liên tục 24 giờ để hoàn thành, nếu không hoàn thành thì phải vứt bỏ. Vẽ bằng chất liệu gì, bí quyết gì mà đòi hỏi phải có một thời tiết phù hợp mới được? Đó cũng là cái riêng, cái độc đáo của tranh Đỗ Chung. Thường ngày tôi hay lang thang với Đỗ Chung ở công viên, ở ngoại ô để hít thở không khí trong lành, để luyện cho đôi chân khỏi phải ngồi xe lăn. Những câu chuyện về đời vẽ của ông thật mênh mông, cao siêu; những ý tưởng và sức làm việc miệt mài như phun châu nhả ngọc cho đời của ông thật đáng nể trọng. Nhìn cách ông làm việc, tôi lại nhớ đến câu nói của Pavel Korchagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai A. Ostrovsky: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận...”.

Họa sĩ Đỗ Chung tâm sự: Nếu đến với cuộc sống này là tận hưởng, là cuộc chơi, tôi nghĩ sẽ có nhiều điều thú vị. Suy cho cùng, chúng ta không được quyền lựa chọn đến với cuộc sống, nhưng chúng ta được quyền quyết định cuộc sống của mình. Mọi người khi xem tranh thường choáng ngợp trước sự đồ sộ, khổng lồ, sự vô hạn. Nhưng rồi cái nho nhỏ, cái hữu hạn lại quyết định niềm vui. Tấm toan trắng mách bảo tôi rằng: Một bầu trời xanh, một bình minh, một hoàng hôn đỏ, đó chính là sự bắt đầu và sự kết thúc. Quy luật ấy là vô hạn. Tôi nghĩ mình cứ vẽ, cứ vẽ cũng là lao động không giới hạn, vì lao động chính là sáng tạo.

Đến với hội họa trừu tượng, họa sĩ Đỗ Chung như được giải thoát khỏi quỹ đạo của các đối tượng có thực trong thế giới tự nhiên, đặt ông đứng trước những luật chơi mới, những thách thức mới, cho phép ông thể hiện tận cùng cái tiềm năng sáng tạo và bản sắc của riêng mình.

Đỗ Chung như đưa cả thế giới bao la muôn hình vạn trạng vào tấm toan trắng để có những bức tranh trừu tượng thể hiện sự lao động sáng tạo không biết mệt mỏi của mình, hiến dâng cho sự nghiệp mà cả đời ông đau đáu.

Trong đời vẽ của ông còn có sự may mắn là ông có bà Lệ Thu luôn bên cạnh. Người bạn đời ấy sẵn sàng giúp ông mọi việc trên con đường nghệ thuật, kể cả dốc hết hầu bao cho ông mua những vật tư đắt nhất thế giới để làm ra những bức tranh kỳ thú.

Đỗ Chung là một họa sĩ đã dấn thân vào cuộc chơi ngoạn mục đó và ông đã thành công trong sự nghiệp của mình, để tên tuổi ông, phong cách ông đứng vững trên nền hội họa bao la trong nước và quốc tế.

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Trần Văn Tùng - 12:05 29/05/21

 Trả lời

Tuyệt vời !

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]