(Baothanhhoa.vn) - Sáng 21-9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) giai đoạn 2000-2018 đã tổ chức hội nghị trực tuyến (3 cấp) tổng kết phong trào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi mới nhận thức và hành động, tạo sự chuyển biến trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Sáng 21-9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) giai đoạn 2000-2018 đã tổ chức hội nghị trực tuyến (3 cấp) tổng kết phong trào.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị; các đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp tỉnh; Thường trực các huyện, thị, thành ủy; lãnh đạo UBND cấp huyện, thị, thành phố; lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn; Thường trực Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn.

Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.

Phong trào TDĐKXDĐSVH được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, nhằm vận động nhân dân phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng làng, thôn, bản, ấp, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa và gia đình ấm no, hạnh phúc. Phong trào ra đời như một luồng gió mới, đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, trở thành một phong trào tổng hợp gắn kết chặt chẽ các ngành, lĩnh vực. Phong trào đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tự nguyện thực hiện. Bên cạnh những thành quả quan trọng đạt được, quá trình triển khai thực hiện phong trào cũng đang gặp nhiều thách thức. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH khi khai mạc hội nghị, đã chỉ rõ những khó khăn đó là sự gia tăng của tệ nạn xã hội; đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp; các danh hiệu văn hóa nhiều nơi còn rất hình thức; nhiều địa phương trong quá trình phát triển thường chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất mà chưa quan tâm đến vấn đề “căn cốt” là văn hóa…

Tại hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã nêu nhiều ý kiến có tính tổng kết thành quả, rút ra các bài học kinh nghiệm và cách làm hay, cũng như nêu lên những bất cập trong quá trình triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH hiện nay. Đối với tỉnh Thanh Hóa, qua 18 năm thực hiện, phong trào TDĐKXDĐSVH đã thu hút đông đảo lực lượng toàn xã hội tham gia và có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện toàn tỉnh có 744.378/942.251 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (đạt 79%); 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 72,9%); 2.024/3.529 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa (đạt 57,3%); 5.625 thiết chế văn hóa, thể thao; có 3.908 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ; 257.678 hộ gia đình thể thao… Mặc dù vậy, việc triển khai phong trào trên địa bàn tỉnh cũng đang cho thấy những bất cập. Để khắc phục, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền, Trưởng ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị quán triệt tốt Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Ấp văn hoá”, “Bản văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”. Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào các cấp; nâng cao chất lượng phong trào gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng công tác tuyên truyền, gương người tốt việc tốt…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa. Trong đó, phong trào TDĐKXDĐSVH từ khi ra đời đến nay đã phát triển sâu rộng và trở thành sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong cả nước. Phong trào đã có tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực và sức lan toả của nó đã trở thành động lực để người dân đóng góp công sức, tiền của trong xây dựng quê hương, đất nước; đồng thời, góp phần khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực và kết quả đạt được trong thực hiện phong trào của Ban chỉ đạo trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn đến mọi tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng và đồng hành cùng phong trào suốt 18 năm qua. Khẳng định tầm quan trọng của phong trào TDĐKXDĐSVH như là giải pháp để xây dựng nền văn hoá tiến tiến, đậm đà bản sắc, đồng chí chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong công tác này, như một số ủy, chính quyền cơ sở chưa chú trọng đến phong trào, còn chạy theo thành tích, nặng về số lượng, nhẹ về chất lượng. Có nơi còn nhận thức rằng, việc thực hiện phong trào là của riêng ngành văn hóa chứ không phải nhiệm vụ của mọi cấp, ngành, mọi địa phương, đơn vị. Công tác phối hợp triển khai phong trào còn thiếu chặt chẽ; nguồn lực cho thực hiện phong trào còn hạn chế; chất lượng phong trào ở một số vùng, miền chưa cao, chưa bền vững…

Từ thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu cần đổi mới cả nhận thức và hành động để tạo sự chuyển biến cho phong trào. Trong đó, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhằm xây dựng môi trường văn hoá an toàn, lành mạnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với đó, BCĐ Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH cần xây dựng kế hoạch phối hợp từ Trung ương đến địa phương, cũng như đổi mới nội dung hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tốt; phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, trong đó, đề cao tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng trong bình xét các danh hiệu văn hóa; phát huy tốt vai trò phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ phong trào và tạo mọi điều kiện để người dân tham gia các hoạt động văn hóa. Ngoài ra, các địa phương cần dành nguồn lực và thời gian cho việc thực hiện phong trào, cũng như sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]