(Baothanhhoa.vn) - Một trong những điểm nhấn thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chính là sự “hiện diện” của 3 Bảo vật quốc gia gồm: kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang và vạc đồng Cẩm Thủy. Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã chính thức đưa ứng dụng tương tác thực tại ảo với Bảo vật quốc gia phục vụ khách tham quan và trải nghiệm.

Độc đáo các Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Một trong những điểm nhấn thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chính là sự “hiện diện” của 3 Bảo vật quốc gia gồm: kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang và vạc đồng Cẩm Thủy. Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã chính thức đưa ứng dụng tương tác thực tại ảo với Bảo vật quốc gia phục vụ khách tham quan và trải nghiệm.

Độc đáo các Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng tỉnh Thanh HóaBảo vật quốc gia vạc đồng Cẩm Thủy là độc bản còn khá nguyên vẹn và thuộc loại lớn nhất Việt Nam.

Trong số 3 Bảo vật quốc gia hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, vạc đồng Cẩm Thủy được đánh giá là hết sức độc đáo, với kích thước lớn và trọng lượng có thể lên tới 1 tấn. Hiện vạc đồng Cẩm Thủy còn khá nguyên vẹn, được các nhà nghiên cứu đánh giá là lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.

Theo hồ sơ hiện vật, vạc đồng Cẩm Thủy do Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa sưu tầm được ở khu vực ngã ba Đình Hương (TP Thanh Hóa) vào khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, sau đó bàn giao cho Bảo tàng tỉnh vào ngày 1/8/2002. Hiện vật có đường kính miệng 134,4cm, đường kính đáy 115cm, cao 79,8cm. Vạc đồng Cẩm Thủy có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng ở thời kỳ Lê Trung Hưng, liên quan đến sự nghiệp quan khâm sai huyện Cẩm Thủy - Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu.

Vạc đồng Cẩm Thủy là hiện vật gốc độc bản, là một tiêu bản hoàn hảo, độc đáo, mang tính địa phương rõ rệt. Trong sách “Lê Quý kỷ sự” do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1974 thì vạc tượng trưng cho cơ nghiệp thiên tử, chỉ có vua, chúa mới cho đúc những chiếc vạc lớn để thể hiện quyền uy của mình. Chính vì lẽ đó nên ở nước ta đến thời điểm hiện nay chưa có địa phương nào có chiếc vạc đồng do một ông quan khâm sai huyện cho đúc.

Vạc đồng tại Bảo tàng tỉnh bước đầu đã giúp cho Nhân dân, du khách tìm hiểu thêm về kỹ nghệ đúc đồng một thời và mỹ thuật trang trí trên đồ đồng của ông cha ta. Qua đó góp phần minh chứng nghề đúc đồng của dân tộc ta nói chung, xứ Thanh nói riêng đã có từ sơ kỳ thời đại kim khí, phát triển rực rỡ ở thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, trải qua các triều đại phong kiến và phát triển cho đến tận ngày nay.

Nếu như vạc đồng Cẩm Thủy thu hút du khách bởi sự độc đáo, đồ sộ thì kiếm ngắn núi Nưa lại thu hút bởi những chi tiết, kỹ thuật đặc sắc. Kiếm ngắn núi Nưa được sưu tầm dưới chân núi Nưa (huyện Triệu Sơn) vào năm 1961, đây là hiện vật độc bản, thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Theo các nhà nghiên cứu đánh giá, kiếm ngắn núi Nưa là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam thời kỳ Văn hóa Đông Sơn.

Kiếm ngắn núi Nưa dài 46,5cm, rộng 5cm, cán dài 18cm, gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán của kiếm là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ, được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn giống hình búp hoa sen... Ở đây, kiếm ngắn núi Nưa thể hiện lối trang phục kín khắp người, khá lộng lẫy được dệt may công phu, đẹp mắt, hoa văn trang trí trên váy và áo với những đường vạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn. Với việc kiếm ngắn núi Nưa được phát hiện tại căn cứ ban đầu của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248), các nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng Bà Triệu phải chăng đã được tạc vào hình tượng người phụ nữ trên thanh kiếm? Và thanh kiếm ngắn núi Nưa phải chăng là chiếc kiếm lệnh mỗi khi Bà ra trận?

Cùng với đó, cũng có giả thiết đặt ra rằng, kiếm ngắn núi Nưa chỉ là thứ vũ khí tượng trưng cho quyền lực, địa vị của chủ nhân mang nó chứ không hẳn là thứ vũ khí sử dụng thông thường? Nhưng dẫu vậy kiếm ngắn núi Nưa vẫn hàm chứa nhiều nội dung, ý nghĩa, cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng về đời sống sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần như trang bị vũ khí, trang phục, trang sức, cách để tóc... Những chi tiết đã góp phần xác lập nên tính đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam ngay từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn phát triển.

Tiếp đến là Bảo vật quốc gia trống đồng Cẩm Giang (hay còn gọi là trống vịt), là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Vào tháng 9/1992, trống được ông Bùi Đức Tậu, thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy) phát hiện được trong khi làm vườn, ở độ sâu khoảng 1,5m. Đến ngày 6/1/1993 ông đã bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Trống đồng Cẩm Giang được xác định có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm và đến nay ở nước ta chưa có chiếc trống nào giống với chiếc trống này. Trống có kiểu dáng cân đối, đường kính miệng 73cm, đường kính chân 73cm, cao 41,9cm. Ngoài các yếu tố cơ bản mang đặc trưng của nền Văn hóa Đông Sơn, điều đặc biệt hơn cả là trên mặt trống có 4 khối tượng vịt, các khối tượng vịt đều quay ngược chiều kim đồng hồ, được đặt trên vị trí trang trọng của mặt trống.

Trong những năm qua, trống đồng Cẩm Giang còn có mặt tại các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị như: Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 1997, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn vào năm 2004, tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam vào năm 2010, tại Quảng Nam... Đặc biệt, năm 2008, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore lựa chọn mẫu bản dập trống Cẩm Giang để trưng bày phục vụ lễ hội văn hóa tại Singapore, được du khách trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu, đánh giá cao.

Với những giá trị độc đáo của các Bảo vật quốc gia đã góp phần hút khách đến với Bảo tàng tỉnh ngày càng đông trong những năm gần đây. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương cho biết: “Nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của Nhân dân và du khách, năm 2022, chúng tôi đã triển khai ứng dụng tương tác thực tại ảo với các Bảo vật quốc gia. Với công nghệ này, du khách có thể tương tác với hiện vật, tham quan không gian 3 chiều, mang đến cho du khách những trải nghiệm siêu thực. Cùng với các Bảo vật quốc gia, trong thời gian tới, giải pháp số hóa hiện vật sẽ được tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả nhằm đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng”.

Bài và ảnh: Hoài Anh

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong Hồ sơ hiện vật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]