(Baothanhhoa.vn) - Với lối kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng điểm xuyết bởi những trang trí tinh xảo, cổ kính mà rất gần gũi, thân thiết, đình làng đã trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của người dân xứ Thanh nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đình làng – nét đẹp văn hóa của người Việt

Với lối kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng điểm xuyết bởi những trang trí tinh xảo, cổ kính mà rất gần gũi, thân thiết, đình làng đã trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của người dân xứ Thanh nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Đình làng – nét đẹp văn hóa của người ViệtĐình làng Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) là ngôi đình cổ mang đậm kiến trúc độc đáo của đồng bằng Bắc bộ.

Bao đời nay, khi nói đến văn hóa làng chúng ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh mang tính biểu tượng đó là những “cây đa, bến nước, sân đình”. Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian.

Xã Hà Đông (Hà Trung) là địa phương có ngôi đình hơn 600 năm tuổi với nhiều kiến trúc Chăm độc đáo – đình Thượng Phú. Ông Phạm Thế Chinh, Chủ tịch UBND xã Hà Đông, cho biết: Bao đời nay, đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các cuộc họp và lễ hội lớn của địa phương. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đình còn dùng làm bệnh viện, trường học, là kho chứa kho lương, kho vũ khí. Đặc biệt, tại đình còn diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác như tổ chức đại hội đảng bộ huyện, đại hội đảng bộ xã và các đại hội, hội nghị lớn của chính quyền địa phương... Với những người con xa quê, đây là nơi để luôn nhớ về!.

Tương truyền, đình Thượng Phú có lịch sử ra đời cách đây khoảng hơn 600 năm. Người dân địa phương tin rằng, chính những người thợ Chăm với tài năng về gốm, điêu khắc do tướng Trần Khát Chân thu nạp trong các cuộc chinh phạt dưới thời Hồ đã tận tâm thực hiện nhiệm vụ kiến thiết nên di tích đình Thượng Phú, một trong những công trình thuộc vùng đất Đại Lại (Ly Cung nhà Hồ) xưa kia, nay thuộc xã Hà Đông. Trải qua thời gian, đến thời Nguyễn, di tích được trùng tu song vẫn cơ bản giữ lại kiến trúc ban đầu (văn bia lưu lại đình năm 1882).

Đình làng không phải là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh duy nhất của người dân xưa. Nó tồn tại song hành với chùa và đền trong một không gian làng xã truyền thống, cùng bổ trợ nhau phát triển. Đây là biểu tượng tâm linh của văn hóa cộng đồng. Tại đây, thường diễn ra các nghi lễ tâm linh: rước sắc, tế lễ, thờ tự...

Thực tế nguồn gốc ra đời của đình làng cho thấy, khởi phát đình làng xuất hiện đơn thuần là nơi hội họp việc làng của người dân địa phương. Nhưng với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá” và sự phát triển của đạo Nho, mà ở đó là sự biết ơn, tri ân những người có công với đất nước, Nhân dân, làng xã khiến cho việc đưa thờ tự vào trong đình làng dần trở thành nhu cầu thiết yếu. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt tự ngàn đời.

Bởi vậy, hầu như các đình làng đều thờ thành hoàng làng (thần hoàng) và trở thành tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Theo truyền thuyết và lưu truyền dân gian, thành hoàng là người (thần) có công giúp đất nước, Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; có công lập làng, lập ấp; truyền dạy nghề; hay hiển linh phù trợ đấng quân vương, người dân trong những sự kiện quan trọng... Để mỗi khi đất nước gặp nạn, bên cạnh việc kêu gọi Nhân dân cùng đoàn kết cố gắng thì triều đình trên đường đánh giặc, qua mỗi vùng đất thường dừng lại lập đàn tế cầu xin các vị thành hoàng làng ở địa phương giúp đỡ. Và điều này đã được minh chứng trong những truyền thuyết, câu chuyện về thành hoàng thờ ở di tích đình Phú Khê; Bảng Môn đình (Hoằng Hóa...). Sau khi khải hoàn, nhà vua sẽ ban sắc phong cho thành hoàng cùng những bổng lộc cho người dân trong làng. Sắc phong cho thành hoàng làng được vua ban sẽ được dân làng tổ chức đón rước, lưu giữ cẩn trọng và xem như báu vật của làng.

Ông Lê Ngọc Doãn, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), chia sẻ: Đình Phú Điền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18, đây là một ngôi đình cổ mang đậm kiến trúc độc đáo, hiếm có của đồng bằng Bắc bộ. Thành hoàng được bà con nơi đây tôn thờ chính là bà Triệu Thị Trinh (hay còn gọi là Bà Triệu), một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam. Bà Triệu không chỉ là vị nữ tướng anh hùng của dân tộc, với Nhân dân Phú Điền suốt cả nghìn năm qua, bà chính là vị thần đã giúp đỡ, phù trợ cho sự phát triển, no đủ và yên lành của người dân nơi đây.

Người dân Phú Điền xưa nay vẫn tin rằng, sau khi tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng (xã Triệu Lộc) thì Bà Triệu vẫn luôn dõi theo và phù trợ cho đất nước, Nhân dân. Khi đất nước gặp nguy nan trước họa ngoại xâm, bà hiển ứng giúp đấng quân vương đánh tan kẻ thù. Khi làng quê thanh bình trở lại, bà lại “giúp đỡ” cho mùa màng được tốt tươi, cuộc sống no đủ, trù phú.

Hằng năm, từ ngày 19 đến 24-2 âm lịch, Nhân dân và du khách thập phương lại đổ về dự hội để tưởng nhớ Bà Triệu. Vào dịp này đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội với trò diễn “Ngô, Triệu giao quân” khá hấp dẫn. “Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, người dân làng Phú Điền vẫn xem đây là một nghi thức tâm linh, nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần. Cứ thế, từ đời này sang đời khác, người dân nơi đây vẫn luôn gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của muôn đời để lại”, ông Lê Ngọc Doãn nói.

Với mỗi người dân xứ Thanh nói riêng, người dân đất Việt nói chung, thành hoàng là vị thần che chở, giúp đỡ, phù trợ về đời sống tinh thần, điểm tựa tâm linh. Đình làng xưa kia không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của làng mà mỗi gia đình khi có việc hệ trọng đều ra đình cầu xin thành hoàng phù trợ. Thành hoàng thuộc về thế giới tâm linh với quyền uy siêu nhiên. Vì có công mà được Nhân dân suy tôn, gửi gắm sự kỳ vọng chở che, phù trì bảo hộ. Thông qua việc thờ phụng thành hoàng làng và những sinh hoạt làng xã tại đình làng đã góp phần cố kết, tạo mối liên hệ mật thiết trong cộng đồng dân cư.

Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, biểu tượng quyền lực làng xã xưa, mà còn là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, “cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh thân thuộc, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là biểu tượng của quê hương, đất nước. Đình làng là một di sản phi vật thể và vật thể vô giá cần được lưu giữ và bảo tồn.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]