(Baothanhhoa.vn) - Làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) hình thành trong thời gian diễn ra “cơn binh lửa” của 12 sứ quân, vào năm 967. Với hơn một nghìn năm lịch sử, ngôi làng bên bờ Bắc sông Mã, ôm trong mình những giá trị văn hóa truyền thống riêng có. Từ cái gốc sâu xa của dòng chảy lịch sử và văn hóa, trò Tú Huần đã ra đời được lớp lớp thế hệ người dân làng Vĩnh Trị xem như một “báu vật”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đi tìm nguồn cội của trò Tú Huần bên bờ Bắc sông Mã

Làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) hình thành trong thời gian diễn ra “cơn binh lửa” của 12 sứ quân, vào năm 967. Với hơn một nghìn năm lịch sử, ngôi làng bên bờ Bắc sông Mã, ôm trong mình những giá trị văn hóa truyền thống riêng có. Từ cái gốc sâu xa của dòng chảy lịch sử và văn hóa, trò Tú Huần đã ra đời được lớp lớp thế hệ người dân làng Vĩnh Trị xem như một “báu vật”.

Đi tìm nguồn cội của trò Tú Huần bên bờ Bắc sông Mã

Trò Tú Huần của làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) biểu diễn tại “Tuần văn hóa – TP Thanh Hóa - TP Hội An”.

Một chiều cuối tháng 5, tôi về làng Vĩnh Trị. Khắp trong làng, ngoài đồng là không khí ngày mùa nhộn nhịp. Hương thơm mộc mạc của lúa mới, của rơm rạ lan tỏa trong gió đã gợi nhớ, đồng vọng trong tôi những ký ức mang tên tuổi thơ. Lần hỏi người dân trong làng, tôi gặp cụ Vũ Đức Vận - người được cho là nắm giữ đầy đủ nhất những “tinh hoa” của trò Tú Huần. Ở độ tuổi 80, nhiều người vẫn thường ví von là “tuổi gần đất, xa trời”, thế nhưng cụ giữ trọn đam mê với trò Tú Huần qua từng nhịp trống, tiếng sênh, điệu múa. Lục lại ký ức, cụ Vận chia sẻ: “Lên 15 tuổi tôi đã được các cụ, cha anh truyền dạy cho những điệu múa, nhịp trống của trò Tú Huần. Vinh dự thay, hồi đó tôi còn được chọn tham gia đội Tú Huần của làng đi biểu diễn mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh tại làng Hậu Hiền và đón đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn. Giống như nhiều trò chơi, trò diễn truyền thống ở tỉnh ta, Tú Huần ở làng Vĩnh Trị cũng trải qua những thăng trầm. Sau một thời gian tưởng chừng bị quên lãng, thì đến khoảng năm 1960 trò Tú Huần được khôi phục lại và gìn giữ cho đến hôm nay”.

Tôi hỏi cụ Vận, phát tích trò Tú Huần của làng Vĩnh Trị có từ khi nào? Cụ Vận đưa cho tôi tập tài liệu về “Điển tích trò Tú Huần”. Những tờ giấy màu đen cũ kỹ đủ cho thấy cụ đã sưu tập tài liệu này từ khá lâu. Theo tập tài liệu cụ Vận cung cấp, làng Vĩnh Trị hình thành trong thời gian diễn ra “cơn binh lửa” của 12 sứ quân giao tranh lẫn nhau. Đến năm 981, vua Lê Đại Hành đưa quân đi dẹp loạn phương Nam, khi đến làng Vĩnh Trị quân lính dừng lại trên khu đất cao bên bờ sông Mã, được thần linh báo ứng và phù trợ nên chỉ đánh một trận đã giành chiến thắng. Vì thế, trong cùng năm đó, vua Lê Đại Hành cho lập Đền thờ Linh Thần, rồi ban sắc phong Thần Hoàng và giao cho làng Vĩnh Trị phụng thờ. Từ đấy, ngày 10 - 3 âm lịch hàng năm được dân làng lấy làm ngày giỗ Thần Hoàng. Trong “Vĩnh Trị sự tích” cho biết, niên hiệu Dương Đức (thời Lê Sơ), làng tổ chức tế lễ có xướng ca một chầu. Từ đấy, những bài hát vần, những vở tuồng cổ, trò diễn được phổ biến khắp vùng. Đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ 2 (thời Lê Trung hưng), triều Lê Hy tông (1675-1705) và về sau, ngoài hình thức tế lễ thường niên, những năm được mùa, làng tổ chức mở hội tế thần, có các bài hát vần, trò diễn khôi hài. Trò Tú Huần của làng Vĩnh Trị cũng ra đời từ thuở ấy.

Đợi tôi đọc xong tập tài liệu, cụ Vận tiếp nối câu chuyện: “Tú Huần mang hình thức múa hát tập thể, với lực lượng tham gia thường là 14 người, gồm bố mẹ và 12 người con hoặc cũng có thể 24 người, gồm bố mẹ và 10 đôi con lớn, 2 con nhỏ. Lực lượng tham gia trò diễn Tú Huần thể hiện rằng, xa xưa làng Vĩnh Trị có 6 giáp, sau chia thành 12 xóm và luôn mở ra, các thế hệ nối tiếp nhau, thế hệ sau đông hơn thế trước. Âm nhạc trong Tú Huần ở trạng thái thô sơ với tiếng trống cơm, tiếng trống con, tiếng mõ, tiếng sênh, chủ yếu dựa theo âm thanh lời ca, bổ sung thêm tiếng đệm “hẹ hẹ” 2 lần sau mỗi câu hát nói, nhằm tạo thành nhạc điệu và nhịp điệu. Trang phục là những bộ quần áo như người Việt cổ. Nội dung múa hát được chia làm 2 phần: Phần mẹ đặt tên cho các con; phần múa hát tập thể ca ngợi quê hương, đất nước. Trong phần mẹ đặt tên cho các con có những câu hát nói kèm tiếng mõ, tiếng sênh: “Tôi sinh ra được ngần nấy chú/ Đến mùa xuân tìm các con về để tập tành dạy dỗ/ Cho nên nay tôi mới đặt tên cho các cô cùng là các chú/ Chú thứ nhất (dạ) mẹ đặt tên cho là chú Mõ/ Chú thứ hai (dạ) mẹ đặt tên cho là chú Sênh...”. Những câu hát nói, điệu múa của Tú Huần trong phần này, với người mẹ là trung tâm mang ý nghĩa trong gia đình hay rộng hơn là trong xóm, làng phải có người tổ chức, dẫn dắt mọi người theo mục đích đã được xác định, nhằm tạo nên sự thống nhất, đoàn kết, hòa nhịp với nhau.

Để tôi dễ dàng mường tượng ra sắc thái, âm điệu trong trò Tú Huần, ngón tay trỏ cụ Vận gõ xuống mặt bàn, còn chân giậm xuống đất tạo nhịp, rồi hát: “Chúc mừng, Hàng Xứ mở ra/ Mở ra cho rộng mà coi cho tường hẹ hẹ hẹ hẹ/ Làng ta có ngựa đầu làng/ Phát phú, phát quý, thọ tràng bách niên hẹ hẹ hẹ hẹ...”. Theo cụ Vận, những lời bài hát đều do người dân sáng tác, nó phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, lao động của người dân trong làng. Đồng thời, thể hiện tinh thần đoàn kết, ca ngợi quê hương, đất nước. Đáng chú ý, động tác múa của mỗi người trong trò Tú Huần có dáng gần giống hình người khắc trên trống đống. Quá trình hát múa, bố mẹ ở giữa, các con múa hát, di chuyển theo vòng tròn xung quanh, tương tự như hình tròn, họa tiết trang trí trên mặt trống đồng.

Ở làng Vĩnh Trị, phần lớn các cụ cao niên ai cũng từng ít nhất một lần tham gia trò Tú Huần. Không chỉ người cao tuổi, người có kinh nghiệm tận tình lưu giữ, mà người trẻ hôm nay trong làng cũng rất “mặn mà” với trò Tú Huần. Bởi thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước nên những giá trị đặc sắc của trò Tú Huần có sức “sống” đến tận hôm nay. Dĩ nhiên, trò Tú Huần đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân ở ngôi làng bên bờ Bắc sông Mã.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]