(Baothanhhoa.vn) - Một sản phẩm du lịch được đánh giá cao về chất lượng, bên cạnh các yếu tố cứng là tài nguyên hấp dẫn (tự nhiên hoặc nhân văn), hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cơ sở vật chất hoàn thiện...; thì yếu tố mềm là văn hóa du lịch cũng được đặc biệt đề cao. Nhân tố “then chốt” của yếu tố mềm này, không gì khác, chính là con người mà trước hết là nguồn nhân lực đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đào tạo nhân lực du lịch: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra

Một sản phẩm du lịch được đánh giá cao về chất lượng, bên cạnh các yếu tố cứng là tài nguyên hấp dẫn (tự nhiên hoặc nhân văn), hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cơ sở vật chất hoàn thiện...; thì yếu tố mềm là văn hóa du lịch cũng được đặc biệt đề cao. Nhân tố “then chốt” của yếu tố mềm này, không gì khác, chính là con người mà trước hết là nguồn nhân lực đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách về Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Xác định vai trò quan trọng của nguồn lực con người trong phát triển du lịch, những năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Theo đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều đề án liên quan, như đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; đề án “Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp du lịch theo mô hình chuẩn quốc tế giai đoạn 2017-2020”... Đây là cơ sở quan trọng cho việc phát triển và nâng cao cả về lượng và chất nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Một trong những “điểm sáng” đáng kể nhất trong công tác phát triển nguồn nhân lực là việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động. Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở đào tạo về du lịch và định hướng du lịch là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công thương và Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch. Với việc đầu tư khá bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; khung chương trình đào tạo áp dụng theo tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS; lực lượng giảng viên ngày càng tăng về số lượng và trình độ chuyên môn, kiến thức... Từ năm 2016 đến nay, các trường đã tuyển sinh được trên 1.100 học sinh, sinh viên học chuyên ngành du lịch. Bên cạnh việc trang bị kiến thức cho người học, các trường đã tổ chức cho học sinh, sinh viên được thực hành, kiến tập, thực tập và tham gia các hoạt động du lịch, hoạt động xã hội theo định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra và thực hiện 3 công khai (công khai chất lượng đào tạo, công khai điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, công khai về tài chính) đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế.

Cùng với việc chú trọng đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, tỉnh ta cũng đã quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Từ năm 2016 đến nay, đã có hàng chục lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước về du lịch và các nghiệp vụ quản lý chuyên sâu đã được mở. Đồng thời, nhiều cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh đã tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về du lịch do Tổng cục Du lịch, Ban quản lý dự án EU tổ chức. Ngoài ra, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị mở được khoảng 25 lớp bồi dưỡng về quản lý, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các đội ngũ quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp và hướng dẫn viên các khu, điểm du lịch.

Du lịch sinh thái – cộng đồng được tỉnh xác định là một trong những sản phẩm giàu tiềm năng phát triển và hỗ trợ đắc lực cho sản phẩm mũi nhọn. Do đó, nguồn nhân lực du lịch cộng đồng cũng đang nhận được sự quan tâm. Cũng từ năm 2016 đến nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng tại các khu du lịch trọng điểm; lớp tập huấn kỹ năng du lịch sinh thái vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên; lớp bồi dưỡng về giao tiếp ứng xử cho học viên thuộc các đơn vị vận tải kinh doanh vận chuyển khách du lịch; các lớp bồi dưỡng văn hóa ứng xử du lịch và cập nhật những quy định mới của TP Sầm Sơn về hoạt động kinh doanh du lịch... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức về du lịch, văn hóa giao tiếp, du lịch bền vững cho cộng đồng các địa phương trọng điểm du lịch. Ngoài ra, hàng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các trường, hiệp hội du lịch cũng tổ chức các hội thi nghiệp vụ du lịch cho lao động các doanh nghiệp, sinh viên khoa du lịch cho các trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cử các doanh nghiệp tham gia các hội thi tay nghề do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức...

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp đang được tỉnh ta đẩy mạnh. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu tự thân của nhiều doanh nghiệp, nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng uy tín, thương hiệu... thì yếu tố con người phải cần được chú trọng trước tiên. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch lớn, có tên tuổi như Dạ Lan, Mường Thanh, Thiên Ý, Lam Kinh, Sao Mai... hiện rất quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn lao động tại chỗ. Trong đó, Công ty CP Dạ Lan là một trong số ít những doanh nghiệp đã xây dựng được trung tâm đào tạo và tổ chức sự kiện, để trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ nhân viên. Có thể nói, thành công mà doanh nghiệp này có được không chỉ nhờ bởi việc kiện toàn bộ máy tổ chức, ứng dụng công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nhằm mang đến cho khách hàng những “Sản phẩm chất lượng – Dịch vụ hoàn hảo”; mà còn nhờ bởi doanh nghiệp luôn chú trọng xây dựng “chiến lược con người” một cách bài bản, lâu dài và hiệu quả.

Thông qua nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và thường xuyên, chất lượng lao động ngành du lịch tỉnh ta đã có những cải thiện theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ lao động du lịch qua đào tạo và đào tạo tại chỗ ngày càng tăng. Ước tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 28.400 lao động du lịch trực tiếp; trong đó, lao động được đào tạo, bồi dưỡng là 21.820 người (lao động có trình độ đại học trở lên là 2.520 người; cao đẳng, trung cấp là 8.100 người; lao động được đào tạo nghề, bồi dưỡng là 11.200 người. Ngoài ra, khoảng 80% lao động cộng đồng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm được bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch và văn hóa giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch. Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch ở tỉnh ta những năm qua là không thể phủ nhận. Dễ thấy nhất là chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện và từng bước nâng cao, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, các resort, nhà hàng, khách sạn, nhất là các khách sạn từ 3 đến 5 sao. Cùng với đó là văn hóa du lịch, môi trường du lịch cũng được cải thiện theo hướng tích cực...

Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, nguồn nhân lực – đặc biệt là chất lượng – vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch hiện nay. Chẳng hạn, nếu nhìn vào trình độ để đánh giá, thì lao động có trình độ đại học hiện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ (2.520/21.820 lao động qua đào tạo); trong khi, lao động chưa qua đào tạo vẫn còn khá cao (gần 7.000 người). Rồi, bên cạnh câu chuyện bằng cấp là việc người lao động vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, năng lực vào công việc thực tiễn ra sao cũng là một vấn đề cần được nhìn nhận. Đơn cử như đội ngũ hướng dẫn viên du lịch được xem là nhóm có trình độ cao so với đội ngũ lao động du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay. Họ đa phần là người trẻ tuổi, được đào tạo cơ bản và rất động, sáng tạo trong công việc. Tuy nhiên, xét cả về số lượng (nhất là hướng dẫn viên quốc tế), chất lượng, tính chuyên nghiệp, cơ cấu, năng lực thực tiễn, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, cách truyền tải thông tin và phong cách hướng dẫn... thì đội ngũ hướng dẫn viên tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Việc đào tạo, đào tạo lại hay thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động – về lý thuyết là cần thiết; song, vấn đề là người lao động vận dụng các kiến thức, kỹ năng ấy vào thực tiễn công việc ra sao, mang lại hiệu quả như thế nào, thì hiện vẫn rất khó để đánh giá. Du lịch tỉnh ta chịu ảnh hưởng tương đối nặng yếu tố mùa vụ, khiến cho số lượng lao động thiếu ổn định, nhất là tại các khu du lịch biển. Điều này đang ảnh hưởng và gây khó khăn cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người lao động. Ngoài ra, nhận thức của bản thân người lao động trong việc tự học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự đề cao vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của doanh nghiệp để có chiến lược sử dụng, đào tạo cho phù hợp...

Nhân lực vốn được nhấn mạnh là yếu tố then chốt quyết định chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực cũng là nhân tố tác động đến thời gian và cách thức mà du lịch hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Chính vì lẽ đó, một chiến lược bài bản cho du lịch phát triển, không thể không song hành với một chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch phù hợp.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]