(Baothanhhoa.vn) - Sau đỉnh núi Phà Hé lừng lững, lẩn khuất trong mây mù hiện lên một Cao Sơn đẹp như một bức tranh thủy mặc huyền bí, đậm chất thơ nhưng phảng phất nỗi buồn man mác. Đường mở, điện về, vùng đất ấy đã và đang được khai phá, giấc mơ “thức giấc” đằng đẵng hàng trăm năm sắp thành hiện thực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh thức “người đẹp” Son – Bá – Mười

Sau đỉnh núi Phà Hé lừng lững, lẩn khuất trong mây mù hiện lên một Cao Sơn đẹp như một bức tranh thủy mặc huyền bí, đậm chất thơ nhưng phảng phất nỗi buồn man mác. Đường mở, điện về, vùng đất ấy đã và đang được khai phá, giấc mơ “thức giấc” đằng đẵng hàng trăm năm sắp thành hiện thực.

Đánh thức “người đẹp” Son – Bá – Mười

Cao Sơn hiện ra với những mái nhà sàn màu nâu đất dưới chân núi đá vôi ẩn hiện trong làn khói lam chiều.

“Nàng công chúa” đẹp giữa đại ngàn

Trở lại sau 3 mùa xuân, Cao Sơn vẫn đẹp nguyên sơ như trong ký ức. Vẫn là những mái nhà sàn ngả màu nâu đất dưới chân núi đá vôi ẩn hiện trong sương mù giăng giăng khắp lối; những vườn rau xanh mướt, nương ngô, đồi vầu bạt ngàn in đậm sương đêm... Cao Sơn là tên gọi chung của ba bản: Son - Bá - Mười, thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Xứ sở này còn được biết đến với những cái tên, như: “bông hoa núi”, “vùng đất hoa đào nở 6 tháng mỗi năm”, “một vùng sơn cước bốn mùa mát xanh cây cối”, “bồng lai tiên cảnh”, “ốc đảo thiên đường nổi giữa lưng chừng trời”, “Sapa say ngủ trong lòng xứ Thanh”, “Đà Lạt thu nhỏ”, “thung lũng tu tiên”, “thung lũng trường thọ”. Vì nơi đây, có độ cao trung bình gần 2.000m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa duy trì 18 - 22 độ C, quanh năm sương mù bao phủ.

Ngắm nhìn bản làng chìm đắm trong cơn ngủ vùi dưới tấm mền bông khổng lồ, thả hồn vào gió núi, nghe như đâu đó văng vẳng tiếng khắp trao duyên của chàng trai, cô gái Thái đen: “Em ơi, đêm nay trăng sáng/ Tiếng pí anh gọi em tha thiết/ Dậy đi em, nói chuyện cùng anh!...”. Để khi bình minh vừa ló rạng, những giọt sương tan, từ vài nóc nhà rồi dần dần hiện ra cả bản nhà sàn, san sát nhau với mái ngả màu nâu thẫm. Lúc này, từ trên cao nhìn xuống, Cao Sơn như một chiếc tàu sân bay, có một đường băng chạy từ đầu bản Son đến cuối bản Bá. Những ngôi nhà bên đường giống những chiếc máy bay xếp thành hàng chỉ trực chờ cất cánh lên bầu trời.

Những ngày mùa xuân - mùa của những lễ hội, của tình yêu, với tiếng khặp nồng nàn của trai gái tìm nhau, trên các con đường, bên những mái nhà trầm mặc, góc sân trường mái ngói đỏ tươi..., hoa đào thắp lên từng đốm lửa, bung nở những cánh hồng dịu ngọt, mỏng manh, khiến không gian bừng lên ấm áp, xua đi cái lạnh giá, hoang vu. Những chiếc áo sặc sỡ mắc trên cành cây khô dập dờn như cánh bướm gọi mùa, điểm tô cùng màu xanh mát của rau quả và sắc vàng nhuộm nắng của hoa cải... - tất cả tạo thành một bức tranh trong trẻo và bình yên đến lạ.

Nắng nhạt dần để lại khung cảnh bầu trời cho những đám mây bay lững lờ. Cuộc sống bình yên với những đàn trâu, bò nhởn nhơ gặm cỏ, xung quanh là các giàn su su được bà con trồng xen canh với ngô. Xa xa có cô gái Thái vận trang phục truyền thống đang lặng lẽ lao động. Anh Ngân Mạnh Hùng, trưởng thôn Mười, chia sẻ: “Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng phương thức tự cung, tự cấp. Lúa, ngô và các loại rau xanh đều được trồng xung quanh vườn, nhiều ngọn su su còn chen nhau leo lên tận mái nhà sàn. Con gà, con lợn được dân nuôi theo hình thức thả rông, tự nhiên, rồi đến buổi chợ phiên lại sang Lũng Vân (Hòa Bình) hay xuống Phố Đoàn, thị trấn để mua bán, trao đổi, vì ở đây không có chợ”.

Ở Cao Sơn, đất trồng lúa rất ít, nên bà con phải tận dụng canh tác trên các sườn núi theo hình thức ruộng bậc thang. Vì phải đợi mưa xuống mới có thể ra đồng canh tác nên các thửa ruộng bậc thang ở Cao Sơn cũng chỉ trồng được 1 vụ lúa. Tuy năng suất không cao, nhưng hạt gạo nương Cao Sơn thơm ngon, thuần khiết.

Được sống trong không khí trong lành, mát mẻ nơi núi cao; sử dụng các sản vật, thức ăn siêu sạch... nên đi qua những mái nhà sàn câu chuyện về các cụ ông, cụ bà sống lâu, sống thọ lại được nhắc tới. Anh Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, tự hào cho biết, toàn xã có 190 hộ với 811 nhân khẩu, thì hiện có 3 cụ đã qua tuổi 100, còn số cụ trên 80 tuổi nhiều vô số kể. Sống thọ là một chuyện, nhưng trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, không có các đồ dùng, thiết bị hiện đại, y tế, giáo dục còn rất hạn chế... mà các cụ già U90, U100 ở đây vẫn rất minh mẫn, khỏe khoắn, đến mùa vụ vẫn ra nương cùng con cháu thu hoạch nông sản và cuốc, làm đất, trồng trọt... lại là chuyện khác, đáng để tìm hiểu.

Đánh thức giấc ngủ trăm năm

Trước những lợi thế mà Cao Sơn sở hữu, nhiều kế hoạch, dự án nông nghiệp, du lịch đã được triển khai nhưng “cái khó nó bó cái khôn” hầu hết đều không mang lại kết quả. Gần 10 năm trở về trước, Cao Sơn vẫn là một thung lũng cô quạnh, hoang vắng, không điện, không đường, cái đói, cái nghèo đeo đẳng.

Cùng với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con dân bản và sự quan tâm của Nhà nước, cuối năm 2014, dự án đường giao thông Ban Công - Lũng Cao nối Cao Sơn với xã Nam Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chính thức hoàn thành. Có đường mới, các thương nhân từ nhiều vùng khác nhau đưa xe tải lên tận nơi để thu mua, tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Các hộ người Thái đen từ chỗ chỉ nuôi trồng để tự cung, tự cấp thì giờ đã có sản phẩm bán lấy tiền mua sắm xe máy và các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Đến tháng 1-2021, sau thời gian dài mong mỏi, điện lưới cũng đã được kéo lên Cao Sơn, đưa ánh sáng thắp lên đỉnh đèo hàng trăm năm chìm trong bóng tối. Có điện lưới, người dân được dùng tivi, điện thoại. Có sóng di động, Cao Sơn đã được kết nối với thế giới, không còn cảnh biệt lập như xưa.

Được tiếp cận với các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con đã nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kiến thức và kinh nghiệm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Nhờ thế, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: bắp cải, súp lơ, mướp đắng... UBND xã Lũng Cao cũng khuyến khích bà con chuyển sang canh tác tập trung trên diện tích hơn 120 ha đất nông nghiệp; mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa máy móc công nghiệp vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản.

Mang trong mình kinh nghiệm lãnh đạo một xã đi lên từ du lịch cộng đồng - xã Thành Lâm, anh Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, nhận nhiệm vụ mới với niềm tin và hy vọng sẽ biến Cao Sơn thành Thành Lâm thứ 2 và nhiều hơn nữa. Anh bảo, ở Cao Sơn mọi thứ đều còn nguyên bản, từ nhà sàn tới đường đi. Cây cỏ, hoa lá, động vật cũng tự sinh, tự diệt. Tưởng như sự lạc hậu này là điểm yếu của Cao Sơn nhưng thực tế cho thấy nó vô hình chung lại trở thành lợi thế. Chính cái sự nguyên thủy trong sinh trưởng và phát triển mà những nông sản hết sức bình dị của đồng bào nơi đây, như: cà chua, rau cải, nếp nương, ngọn su su, măng, lợn cỏ, gà, vịt... đều mang một hương vị đặc trưng riêng và trở thành những đặc sản không thể lẫn với bất cứ vùng đất nào khác. Tận dụng điều này, lãnh đạo xã đã đấu mối với một doanh nghiệp tiêu thụ nông sản sạch tại Hà Nội. Họ đã cam kết sẽ đảm bảo đầu ra, bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông sản, như: rau, củ, quả sạch, các mặt hàng từ gia súc, gia cầm được sản xuất đúng quy trình tại Son - Bá - Mười.

Về phát triển tiềm năng du lịch, anh Thuân nhận định, Cao Sơn có rất nhiều ưu thế để phát triển du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng. Nếu được đầu tư đồng bộ, đúng cách, Cao Sơn sẽ có những bước tiến lớn. Sau khi có điện lưới, một số doanh nghiệp làm du lịch đã vào khảo sát thực địa và lên phương án đầu tư vào đây. Nắm rõ cốt lõi của phát triển du lịch cộng đồng là bản sắc dân tộc, là sự hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên... nên khi làm việc với doanh nghiệp, anh Thuân thường đặt ba câu hỏi: “Dự kiến đầu tư theo hướng nào”, “Sẽ lấy bao nhiêu đất”, “Bà con sẽ cùng làm và hưởng lợi ra sao?”... để quyết định.

Song song, để bà con có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong làm du lịch cộng đồng, xã đã tổ chức đưa một số chủ hộ đến các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La tham quan, học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy sản xuất cũng như khuyến khích nguồn lao động chất lượng tại chỗ, UBND xã Lũng Cao đã chọn 3 em học sinh, gửi xuống trường trung cấp nông lâm, học tập. Sau khi học xong sẽ về, áp dụng những kiến thức đã học được lên chính đồng đất quê mình.

Vị chủ tịch xã này có sự quan tâm đặc biệt đến giống đào bản địa. Đây là loại cây có sức sống mãnh liệt, nhét xuống đất là sống; phát triển vượt bậc so với các giống đào khác, nửa năm đã cao nửa mét, một năm là ngang đầu người, 2 năm cao vượt đầu người, 3 năm đơm hoa kết trái. Hoa to, đẫm ánh hồng, 4 tháng trước tết đã nở, rồi bói quả, đến tết lại bừng nở thêm lần nữa. Thành ra cành đào đem về xuôi vừa có lá - hoa - nụ - quả, dân các vùng đều ưa chuộng. Xã có kế hoạch sẽ quy hoạch hẳn một thung lũng đào ở Son - Bá - Mười, trồng đào thưa xen với trồng ngô để “lấy ngắn nuôi dài”.

Cao Sơn đang được đánh thức sau quãng thời gian dài ngủ vùi bằng những kế hoạch, việc làm cụ thể. Rồi đây, khi có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tin rằng Son - Bá - Mười sẽ phát huy hết tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Tôi tin những mùa xuân kế tiếp, Son - Bá - Mười rồi sẽ ngập tràn sắc hoa đào bản địa. Hẳn rằng đây là một dự cảm tốt lành.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]