(Baothanhhoa.vn) - Sau khi đã dốc lòng cùng cổ phục Việt với “Nghìn năm áo mũ”, Trần Quang Đức tiếp tục viết “Chuyện trà - lịch sử thức uống lâu đời của người Việt” (2022, Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết NXB Thế giới). Đi qua từng vỉa tầng, cạnh khía mà người viết dụng công khai thác, bày biện, mới ngỡ ngàng nhận ra rằng: “Trà không phải là trà, Chuyện trà cũng đâu chỉ có chuyện trà thôi đâu! Đặt Chuyện trà xuống, sẽ có hàng ngàn chuyện trà khác tiếp tục ra đời...” (Nguyễn Sử).

“Chuyện trà” - cuốn “trà thư” về lịch sử thức uống lâu đời của người Việt

Sau khi đã dốc lòng cùng cổ phục Việt với “Nghìn năm áo mũ”, Trần Quang Đức tiếp tục viết “Chuyện trà - lịch sử thức uống lâu đời của người Việt” (2022, Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết NXB Thế giới). Đi qua từng vỉa tầng, cạnh khía mà người viết dụng công khai thác, bày biện, mới ngỡ ngàng nhận ra rằng: “Trà không phải là trà, Chuyện trà cũng đâu chỉ có chuyện trà thôi đâu! Đặt Chuyện trà xuống, sẽ có hàng ngàn chuyện trà khác tiếp tục ra đời...” (Nguyễn Sử).

“Chuyện trà” - cuốn “trà thư” về lịch sử thức uống lâu đời của người Việt“Chuyện trà - lịch sử thức uống lâu đời của người Việt” của tác giả Trần Quang Đức kể cho độc giả nghe những câu chuyện Đông, Tây, kim, cổ về trà.

Trần Quang Đức thường chọn cho mình con đường khó khi làm sách. Từ cổ phục đến trà, ngỡ thân quen, vụn vặt mà lắng đọng tinh hoa lịch sử - văn hóa ngàn năm. Tuy nhiên, để có thể kiếm tìm, gạn lọc, góp nhặt giữa muôn vàn chuyện tầm thường như thế rồi công phu bày biện, sáng tạo nên “bữa tiệc tri thức” và cảm xúc, ghi đậm dấu ấn trong lòng độc giả như “Nghìn năm áo mũ”, “Chuyện trà – lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” (sau đây gọi tắt là Chuyện trà) chẳng phải là điều dễ dàng.

Với hơn 300 trang sách, nội dung “Chuyện trà” chia thành 5 chương chính, gồm: “Trà nguồn cội”, “Trà mộc mạc”, “Trà hương sắc”, “Trà thưởng thức”, “Trà tinh thần”. Kết cấu, tên gọi của từng chương trong cuốn sách đã phần nào cho thấy “ý đồ” của tác giả trong việc dẫn dắt, kết nối với độc giả theo tiến trình hình thành và phát triển của thức uống này. Từ cội nguồn tên gọi, khởi nguyên của thú uống trà cho đến khi việc uống trà được nâng lên tầm cao mới, gắn với đạo và trở thành đạo. Đọc cuốn sách để thấy việc uống trà không đơn thuần chỉ là thỏa mãn nhu cầu thiết yếu mà thẳm sâu trong đó là lịch sử - văn hóa truyền thống được bồi đắp qua bao thế hệ. Lật giở từng trang sách để cảm nhận sâu sắc tấm lòng của tác giả với những giá trị cổ xưa.

Vì sao phải nói chuyện trà một cách công phu, kỹ lưỡng, tâm huyết đến thế? Bởi lẽ, so với nhiều loại thức uống khác, trà thiên về xu hướng hướng nội. Nghĩa là, người ta uống rượu thì thích ngả nghiêng “chén chú chén anh”, vui bạn vui bè, hò dô sảng khoái. Nhưng chẳng ai uống trà theo cách ấy. Uống trà phải để ý nước sôi, sắp đặt ấm chén chậm rãi thong thả, trà nhân cũng thường khoái cảnh nhâm nhi chén trà bên trang sách. Người thưởng trà cũng thích tìm hiểu xem các phẩm trà ngon được chế tác thế nào, hương trà bởi đâu mà có, cách pha hãm làm sao để được chén trà thơm ngon, tinh tế. Đi xa hơn, còn thắc mắc, trà nguyên sản từ đâu; đất Việt có những danh nhân nào sành trà; các vị Trần Thái tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát thưởng trà, cách thức có khác nhau không? Nhu cầu tìm hiểu sử trà bởi vậy mà cần thiết. “Chuyện trà” ra mắt bạn đọc là vì thế! Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện lịch sử xoay quanh trà Việt sau khi được khảo chứng, đối chiếu với sử liệu. Nội dung bao quát từ cổ chí kim; từ chè tươi tới trà sao sấy, ướp hương; từ cách uống trà với gừng đun bằng nồi cho tới lối trà chuyên với trà cụ tươm tất; từ trà Việt Nam tới trà Trung Quốc, sang cả phương Tây, từ trà thiền đạo tới thơ phú văn chương liên quan đến trà...

Cuốn sách “kể lại lịch sử trà nhưng không khô khan mà được dẫn dắt bởi người kể chuyện đầy kinh nghiệm”. Ở “Chuyện trà”, ta thấy một Trần Quang Đức nghiêm cẩn, tỉ mỉ, công phu, sắc sảo trong “Ngàn năm áo mũ” lại vừa thấy một Trần Quang Đức rất khác. “Đấy là Trần Quang Đức của những chuyến đi, những trải nghiệm, cũng là một Trần Quang Đức của văn chương và đời thường (Nguyễn Quốc Vương nhận định). Cuốn sách “không chỉ như suối nguồn tuôn chảy về kiến thức mà nhiều quãng là sự cô đọng, nhấn nhá của từng ngụm trà được ủ vừa đủ, rót ra đúng lúc. Có hương thơm thoảng của hoa và cỏ lá rừng già, có cái chát nhẹ nhưng ngọt dịu cuống lưỡi, có cái thanh mát như bạc hà lẩn khuất, uống rồi vẫn còn dư vị đâu đây, còn muốn nâng chén lên tiếp tục thưởng thức”, đúng như bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách.

Dẫn luận kim, cổ, Đông, Tây, ở chương đầu tiên – “Trà nguồn cội”, Trần Quang Đức đã đưa ra những luận điểm chứng minh nguồn gốc cây chè, sự lan tỏa của thú uống trà, khảo về tên gọi của trà. Theo đó, trà, thoạt kỳ thủy giản đơn là thứ lá cây giải khát, kiêm thảo dược, từ sau khi được dụng công chế tác, mang lại sắc hương tinh tế, dần dà trở thành nghệ thuật ẩm thực, gắn kết với đời sống tinh thần. Trà là “bách thảo chi khôi” (đứng đầu trăm loại thảo mộc). Trần Quang Đức nhận định: “Những cây chè ở Vũ Di, Trung Quốc hay Thái Nguyên, Việt Nam là kết quả của những đợt di thực, nhân giống do con người tạo nên, diễn ra vào những thời điểm lịch sử khác nhau, là câu chuyện của con người.

Từ nguồn cội ấy, Trần Quang Đức tiếp tục đưa độc giả đến với những câu chuyện mộc mạc, gần gũi mà không kém phần thú vị về trà. Đó có khi là những lý giải về một biệt danh của trà – Cao Lô hay “Nam trà quốc túy – sự phổ biến của chè tươi”, “Phong vị ngàn xưa: Lối uống cổ truyền dân dã”... Trước khi cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam thay đổi dẫn đến sự xuất hiện của tầng lớp thị dân, trước khi có sự lan tỏa của thú uống trà tàu kiểu cách cùng sự phát triển rộng rãi của dòng chè khô trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam vẫn là xứ sở của lá chè xanh, với nhiều cách thức pha nấu dân dã, song cũng hết sức đặc trưng như đun hãm chè tươi kiểu Bắc, cách pha nước sôi lẫn nguội kiểu Huế hay cách nấu cả lá lẫn cành như chè Gay xứ Nghệ đều mang đậm dấu ấn bản địa, đồng thời cũng là những lối pha chế cổ xưa nhất trong lịch sử trà. Xét riêng bản sắc cố hữu trong tập quán uống chè Việt, bất chấp trà cụ hay cách thức pha rót thay đổi, thậm chí chẳng quản chè tươi hay chè khô, ngụm chè vừa miệng phải là ngụm chè đậm đặc, mang lại vị đắng chát ban đầu và ngọt dịu hồi sau. Với người Việt, mặc cho ai chê “căn tính tiểu nông”, sâu thẳm vẫn thích “lối uống chè tươi mang đậm sắc màu dân gian bình dị” đó là: ngồi túm tụm bên hàng nước, rít hơi điếu cày, làm ngụm chè đặc, cũng chẳng thiết đến mùi hương, rôm rả chuyện trò cùng nhau, lắm khi chẳng hề quen biết.

Có lẽ, những chương hay nhất của cuốn sách nằm ở các chương viết về hương sắc, thưởng thức và tinh thần. Ở các chương này, tác giả như được tự do, phóng khoáng hơn trong việc đan xen cảm xúc, kiến giải, kiến thức, kinh nghiệm thực tế qua “thâm niên” thưởng trà và các chuyến điền dã của mình. Văn phong tươi mới, kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm, cảm xúc, sự tinh tế và kiến thức hàn lâm.

Chẳng tinh tế sao đủ sức khái quát nên hương sắc trà độc đáo, hấp dẫn đến thế: “Ngày trước miệt mài uống chè xanh, với những phẩm chè Thái cao cấp, ngoài dư vị đượm bền, đôi lúc bất giác cảm nhận được mùi cỏ cây tươi tắn phảng phất trên mặt nước chè. Đến khi thường xuyên nhấm nháp dòng Ô Long, hồng trà, nhận ra bao cung bậc hương sắc của những phẩm loại khác nhau, mới thấy đây quả là thế giới cỏ cây muôn vẻ, ẩn hiện trong làn khói nước bềnh bồng. Có những phẩm đọng lại dư hương tinh tế, cùng thang sắc sóng sánh tươi trong, đủ đầy vận vị” (phô sắc khoe hương – những bước tạo nên hương sắc của trà).

Cũng có khi, Trần Quang Đức như đang góp sức tô điểm thêm những áng văn hay về trà: “Một sớm trong veo mùa hạ, bên hiên nhà thoảng gió, chậm rãi tẽ cánh sen Tây Hồ, thu lấy dúm trà ướp xổi qua đêm, dầm trong chiếc ấm quả quýt phả khói dặt dìu. Đến khi nhấp ngụm trà đầu, hương sen theo làn nước nóng thấm đẫm cảnh quan, chợt nhớ tới một sáng Huế xa, men theo lối cỏ mưa giăng bước vào chùa Từ Hiếu, hơi ẩm nồng của đất, của nước phảng phất mùi hương hoa thanh nhẹ. Lần theo dấu hương ấy, bất giác thấy trước mặt là cả một đầm sen chớm nở phủ kín hạt mưa”... Vì lẽ đó mà Chuyện trà càng thêm phong phú, hấp dẫn, càng đọc càng say, càng cuốn... như “hậu vị” khi nhẩn nha nhấm nháp trà ngon.

Hơn cả một học giả luận bàn, kiến giải về trà theo cách tầm chương, Trần Quang Đức viết về trà bằng tất cả tình yêu, niềm đam mê. Đọc cuốn sách, độc giả có thể cảm nhận được tâm huyết của tác giả trong việc nỗ lực mở rộng biên độ kiến thức, gia tăng trải nghiệm, hướng tiếp cận vấn đề thông qua hệ thống các phụ lục, chú thích được thực hiện công phu, bài bản như: “Những vùng sản Nam trà thế kỷ XIX”, “Trà và trà cụ nhà Thanh tặng cho triều Tây Sơn và triều Nguyễn”, “Thưởng trà giai phẩm” – Những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt”...

“Chuyện trà – lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” hẳn không chỉ là câu chuyện kể về trà mà là “sự gợi mở muôn vàn kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa nét đẹp truyền thống với nhịp sống tân thời, giữa thú vui tinh thần với gánh lo sinh kế, giữa những người yêu trà và thích luận bàn “thiền trà một vị”...

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]