(Baothanhhoa.vn) - Chợ Diêm Phố – cái chợ nhỏ quê tôi – trên đất Diêm Phố xưa, nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Góc chợ ấy như là một chân dung làng, lại như là một mảnh hồn làng cứ đeo đẳng miết vào trí nhớ... Những ngày mùa xuân, nó như nhắc nhở những người con xa quê “Đi về nhà”...

Chợ Tết Diêm Phố

Chợ Diêm Phố – cái chợ nhỏ quê tôi – trên đất Diêm Phố xưa, nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Góc chợ ấy như là một chân dung làng, lại như là một mảnh hồn làng cứ đeo đẳng miết vào trí nhớ... Những ngày mùa xuân, nó như nhắc nhở những người con xa quê “Đi về nhà”...

Chợ Tết Diêm Phố

Góc chợ nhiều sắc màu ngày tết ở xã biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Uể oải chui đầu ra khỏi chiếc chăn, trong đầu bỗng râm ran một đợt sóng âm. Tiếng gì? Tiếng sóng, tiếng gió chăng? Hay tiếng cãi lộn?... Thôi đúng rồi, tiếng chợ. Tiếng chợ như một đàn ong lao xao khi xa ù ù như động biển. Tiếng chợ ngày tết ồn ào lâu hơn, sớm hơn, rộng ra bốn phía nghe ấm mà vui. Mở vội cửa chạy ra xem cảnh huyên náo một lúc, tôi quay lại giường nằm tiếp rồi đợi mẹ về sẽ đi chợ.

Tết của tôi bắt đầu rục rịch từ 23 tháng Chạp. Khi đó các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm, mâm ngũ quả cho ngày tết. Ai chưa sắm sửa mua thêm dao thớt, rau, dưa, hành, kiệu dự trữ thì ngày 28, 29 vẫn còn chợ. Tôi vẫn thường nói với bạn bè là về quê đi chơi chợ vì cảm giác đi chợ quê ngày tết rất vui, giống như đi trẩy hội vậy. Đi không phải để bán, để mua mà là để ngắm “khuôn mặt chợ”; thấy mình qua hình ảnh đứa trẻ quần áo nhàu nhĩ, chân tay cáu bẩn ngồi giữ chân đôi gà trong buổi chợ chiều cuối năm; gặp lại “cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ” hay “thằng cu áo đỏ chạy lon xon” như trong bài thơ chợ tết của tác giả Đoàn Văn Cừ...

Cái thú đi chơi vui nhất là được gặp người, chuyện trò với người, mua bán nâng lên đặt xuống, hỏi giá, nhìn cân, thêm thắt. Có lần, tôi đang “khảo giá” thì cô chủ hàng hỏi nhỏ: Nhìn em thấy quen quen, có phải...? Ồ, té ra là bà con cả. Và tôi đã gặp bốn năm chị bán hàng như thế, “Kẻ mua người bán thân quen/ Bà con, cô bác làng trên xóm ngoài”. Mọi người lại ôn chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện mình chuyện người mãi không thể dứt. Bởi thế, ông bà ta mới nói, muốn biết cuộc đời ai ngang dọc, trúng số, người nào đổ nợ đổ nần, sang giàu xây cửa mua nhà... cứ ra chợ, đi tới đi lui, ngó ngược ngó xuôi, tai dỏng lên nghe, chút là rành hết.

Vào những ngày tết, chợ náo nhiệt và nhiều màu sắc hơn với những hộp mứt xanh đỏ, những bộ quần áo trẻ con... Ven lối vào chợ những cành đào phai, những chậu quất cảnh, những bó thược dược cũng bắt đầu khoe sắc. Tiếng người mua, kẻ bán rộn ràng. Mẹ vẫn bảo, tết là dịp đoàn viên, vì vậy, dù quanh năm buôn bán ngược xuôi nhưng hễ tết đến, xuân về, ai cũng cố gắng thu xếp để trở về thăm quê hương, để thành kính thắp lên bàn thờ tổ tiên một nén nhang tạ lỗi. Dù có nghèo thì cũng phải gói được vài đồng bánh chưng, nấu bát chè con ong, sắm sanh một mâm ngũ quả để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên...

Chợ miền biển ngày tết mà thiếu cá, thiếu những thứ hải sản còn tươi ròng thì chẳng còn là chợ biển. Cá biển, cá đồng nhìn đã thấy bắt mắt có khi còn tươi đành đạch loạt xoạt trong cái giỏ câu hay chậu nước đầy nó giúp cho không khí tết phồn thực và tin cậy hơn. Cá ngứa nổi tiếng vì ngon, béo ngậy vì thế rất được ưa chuộng ngày tết nên ông bà ta mới có câu: “Tết về câu đối bánh chưng - Chẳng ham gì cả chỉ ưng ngứa chòe”. Cá Chim cũng là món ngon trong ngày tết được người dân quê miền biển xếp hạng: “Chim, Thu, Nhụ, Đé”. Những ngày giáp tết, nhu cầu mua/bán tăng lên, mẹ tất bật cuồng chân vừa đi vừa chạy “chạy như chạy cá tươi”, vì thuyền đánh bắt về cá đang giãy đành đạch, tươi roi rói.

Chợ tết năm nay không đông đúc như mọi năm nhưng tôi vui vì đã tìm lại những mảnh ký ức của tết trong mùi hương, âm thanh giản dị. Vui vì sau 2 năm chật vật vì đại dịch COVID-19 cuộc sống đã đi vào ổn định và bà con rộn ràng sắm tết. Vui hơn nữa vì cô con gái nhỏ đã biết chợ tết là như thế nào. Con tôi tỏ ra rất vui và hứng thú với phiên chợ đặc biệt này. Tôi dẫn con đến gặp bà Nga bán bánh cuốn nơi góc chợ. Tôi quý bà nhưng nói đúng hơn, tôi thích ăn bánh cuốn của bà. Những chiếc bánh cuốn trắng ngà nóng hổi, cùng mùi hành phi thơm nức mũi từng là thứ quà vặt xa xỉ của những đứa trẻ quê như chúng tôi. Tôi cứ ước mơ ngày mai giàu sang sẽ về bao hết cả hàng bánh cuốn, ăn đến bao giờ ngấy thì thôi. Giữa chợ có bà Dầu, đầu chít khăn mỏ quạ, quần lãnh đen bán trầu cau. Bà bày mớ trầu, cau,... trên chiếc mẹt dưới miệng thúng. Miệng bà lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Ai tới mua, bà nhổ cái bẹt vô ống quyển, vén quần chùi mép: “Trầu cau mới hái, đảm bảo tươi roi rói”. Đến chào bà, bà ngước lên nheo mắt nhìn rồi ha hả cười, khi nhận ra con Thúy môi cong cớn con mẹ Lường.

Cái chợ Diêm Phố này dường như bất biến trước chuyện “bãi bể nương dâu”. Vật đổi sao dời, chợ được xây mới to hơn, người còn người mất, nhưng linh hồn không bao giờ biến mất. Chợt nghĩ, nếu tôi không theo con đường chữ nghĩa, có lẽ tôi sẽ theo nghề của mẹ và các dì. Sáng đi đổ hàng cho các mối, chiều xách sổ đi thu tiền. Lớn rồi, chắc không dữ dằn, hung hỗn mà thay vào đó là nụ cười toe toét, thân thiện... Tiếng nhạc xuân vang lên giữa chợ: “Xuân! Xuân ơi, Xuân đã về!”, làm ai cũng nôn nao. Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp tết đến, xuân về. Và... phiên chợ tết cũng là dịp nhắc nhớ thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]