(Baothanhhoa.vn) - Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng sâu rộng đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân. Qua đó, góp phần tạo sân chơi lành mạnh và thắt chặt tình đoàn kết ở các khu dân cư.

“Chất keo” gắn tình đoàn kết

Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng sâu rộng đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân. Qua đó, góp phần tạo sân chơi lành mạnh và thắt chặt tình đoàn kết ở các khu dân cư.

“Chất keo” gắn tình đoàn kếtNgày hội văn hóa - thể thao tại xã Thạch Lâm (Thạch Thành).

Xã Thạch Lâm (Thạch Thành) từ lâu không chỉ nổi tiếng là nơi có dòng thác Mây mang vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mà còn là nơi lưu giữ được nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường, với nhiều câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ hoạt động hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu là CLB văn nghệ của xã được thành lập năm 2022, gồm có 35 thành viên. Chúng tôi tìm đến nhà văn hóa thôn Đăng Thượng, nơi CLB này đang luyện tập. Các bà, các chị ai nấy đều duyên dáng, uyển chuyển trong những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, cất giọng ca hòa nhịp cùng tiếng cồng, tiếng chiêng phảng nét hoang sơ của núi rừng.

Bà Bùi Thị Vân, chủ nhiệm CLB cho biết, thành viên trong CLB là những người có chung sở thích, đam mê văn nghệ nên cùng nhau tham gia, rồi tự nguyện đóng góp kinh phí để hoạt động. Từ khi thành lập đến nay, CLB rất tích cực tập luyện để tham gia các buổi giao lưu, hội thi, hội diễn hay biểu diễn trong các dịp lễ, tết, các sự kiện tại địa phương và phục vụ khách du lịch đến tham quan thác Mây... Các tiết mục đều do CLB tự dàn dựng với các nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới... Qua đó, không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân, mà còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, giúp tình làng nghĩa xóm thêm phần gắn kết.

Là người tham gia CLB từ khi mới thành lập, bà Bùi Thị Miền cho biết: “Hàng tuần, sau những ngày lao động vất vả, tôi và một số chị em trong xã đều tập trung tại nhà văn hóa thôn Đăng Thượng để cùng nhau sinh hoạt văn hóa - văn nghệ. Tại đây, chúng tôi không chỉ múa, hát, mà còn chia sẻ tâm tư, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống để cùng nhau tìm cách tháo gỡ".

Ông Bùi Văn Năng, cán bộ văn hóa xã Thạch Lâm cho biết: Những buổi sinh hoạt của các CLB, đội văn nghệ quần chúng không chỉ đơn thuần là nơi thể hiện niềm đam mê văn nghệ của hội viên, mà còn là nơi giải bày tâm tư, tình cảm; góp phần bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, làm tăng cường tình đoàn kết và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Bởi vậy, xã đã khuyến khích các thôn thành lập CLB, đội văn nghệ. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập làm nơi để CLB, đội văn nghệ luyện tập và giao lưu. Ngoài ra, mỗi khi có hội thi, hội diễn xã sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ các CLB, đội văn nghệ hoạt động.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Thạch Thành ngày càng phát triển đa dạng và phong phú. Hiện nay toàn huyện có 225 đội văn nghệ quần chúng. Hàng năm, tổ chức được hơn 300 lượt biểu diễn phục vụ nhu cầu văn hóa - văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Để khuyến khích người dân tham gia phong trào văn hóa - văn nghệ, huyện đã tích cực tuyên truyền đến Nhân dân về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ; thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ quần chúng; lồng ghép với việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương. Ngoài ra, huyện đặc biệt quan tâm đến xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, mua sắm trang thiết bị như tăng âm, loa đài, xây dựng thêm sân khấu biểu diễn. Tuy nhiên, do là huyện miền núi nên hoạt động của các CLB, đội văn nghệ quần chúng còn có những hạn chế do kinh phí hoạt động hạn hẹp, chủ yếu dựa trên nguồn xã hội hóa, trong khi đời sống của người dân ở một số khu dân cư còn nhiều khó khăn. Cùng với đó cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho hoạt động văn nghệ ở một số nơi còn thiếu.

Huyện Hà Trung cũng được biết đến là nơi có phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển mạnh. Theo thống kê, huyện đang duy trì 20 CLB dân vũ, 154 CLB văn nghệ, thể thao, dưỡng sinh; 142 đội văn nghệ thôn, 93 đội văn nghệ cơ quan. Trong đó, có nhiều CLB, đội văn nghệ đang hoạt động có hiệu quả như CLB chèo, CLB hò sông Mã, CLB chầu văn, CLB hát tuồng, CLB ca trù... Các CLB, đội văn nghệ chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện và đóng góp kinh phí để tập luyện. Hàng năm, ngoài các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh và huyện tổ chức, trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, tại hầu hết các địa phương trong huyện đều tổ chức hoạt động văn nghệ - thể thao thu hút người dân tham gia.

Sự phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả của các phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của người dân. Do đó, để tiếp tục nhân rộng phong trào văn nghệ quần chúng, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có cơ chế khuyến khích để các CLB, đội văn nghệ tích cực hoạt động. Đặc biệt, tạo điều kiện để các nghệ nhân dân gian tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động văn hóa - thể thao.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]