(Baothanhhoa.vn) - Tôi nhớ, hồi còn bé, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mỗi gia đình trong xóm lại ra bờ sông, chọn chặt một cây tre cao chừng 5m đến 7m, lau mắt tre thật sạch và để lại phần lá ngọn, sau đó mang về trồng trước sân. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, người ta lại hạ cây xuống. Họ gọi đó là cây nêu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cây Nêu trong Tết Việt

Tôi nhớ, hồi còn bé, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mỗi gia đình trong xóm lại ra bờ sông, chọn chặt một cây tre cao chừng 5m đến 7m, lau mắt tre thật sạch và để lại phần lá ngọn, sau đó mang về trồng trước sân. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, người ta lại hạ cây xuống. Họ gọi đó là cây nêu.

Cây Nêu trong Tết Việt

Năm nào cũng vậy, bố tôi luôn là người làm việc đó. Trước khi cây nêu được dựng lên, bố thường gắn vào ngọn cây tre một chiếc chuông gió, túi trầu, cau và túi vôi bột nhỏ. Khi ấy, qua lời giải thích của bố, tôi chỉ mơ màng hiểu được, đó là một phong tục truyền thống không chỉ diễn ra ở vùng quê tôi sinh sống mà ở khắp nơi trên đất nước mình.

Sau này, đọc “Sự tích cây nêu”, tôi mới hiểu rõ ý nghĩa của việc làm này. Truyện kể rằng: xưa kia, khi người và quỷ còn sống chung với nhau trên mặt đất, quỷ cậy mạnh chiếm hết ruộng đất, người phải thuê ruộng đất của quỷ để cày cấy. Cứ mỗi năm quỷ lại nâng cao tô ruộng. Rồi một hôm quỷ ra điều khoản "ăn ngọn cho gốc", mùa lúa năm đó, quỷ thu hết thóc, để cho người nông dân những gốc rạ. Nhân dân đói khổ. Thấy cảnh người dân lầm than, Phật đã chỉ cách cho người dân đối phó. Từ đó về sau, quỷ không thu được nông sản của người dân.

Uất ức vì điều này, quỷ không cho người dân thuê ruộng. Phật mách người dân đến mua lại của quỷ một khoanh đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy bán được khoanh đất nhỏ với giá hời, quỷ cũng đồng ý. Khi người nông dân trồng cây tre xuống, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u, bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất quỷ, chúng phải dắt nhau lùi mãi, lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển Đông.

Tiếc vì đất đai hoa màu đều thuộc về tay người, quỷ rất hậm hực, cố chiêu tập binh mã vào cướp lại. Nhưng, sau nhiều lần chiến đấu, quỷ đều thất bại và phải quay trở về biển.

Từ đó trở đi, vào ngày 23 tháp 12 âm lịch hàng năm, khi ông Công, ông Táo về trời, người dân lại dựng cây nêu trước nhà. Bởi, từ ngày này cho tới đêm giao thừa, Táo quân vắng mặt, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Trên ngọn cây có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ,... hay treo những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như lá phướn, chuông gió. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng. Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu và những tiếng động phát ra là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.

Cây Nêu trong Tết Việt

Cây nêu mang ý nghĩa trừ tà.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam ngày nay, cây nêu vẫn mang ý nghĩa biểu tượng như thuở sơ khai. Đó là sự đấu tranh giữa cái thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ, nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người. Và, cứ đến ngày Tết ông Công, ông Táo, cây nêu được trồng trước sân mỗi gia đình.

Nhìn những ngọn cây nêu lay nhẹ trong nắng gió, tôi hiểu, Tết đang đến rất gần. Trong lòng chợt nhớ về những vần thơ dung dị trong trong bài “Tết của mẹ tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính:

“Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều

Sân gạch tường vôi người quét lại

Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu”

Hay sự mộc mạc, gần gũi trong câu ca dao:

“Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Khởi nguyên cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, loại bỏ những điều xấu xa của năm cũ. Nhưng theo thời gian, cây nêu còn được xem là cây vũ trụ, là cầu nối giữa vũ trụ với đất trời. Ý nghĩa này được được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Ở đây còn bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh.

Trong các lễ hội dân gian, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của một năm qua.

Cây Nêu trong Tết Việt

Để dựng cây nêu, mỗi gia đình thường chuẩn bị chiếc chuông gió, túi trầu, cau và túi vôi bột nhỏ để gắn vào ngọn cây tre và trồng trước sân nhà (có sự thay đổi tùy thuộc vào quan niệm, phong tục và văn hóa mỗi dân tộc, vùng miền).

Tuy nhiên, một thời gian dài trước đây, khi lối sống, quan niệm của người dân ngày càng hiện đại, tục trồng cây nêu ngày Tết dần bị mai một. Ở quê tôi, nhiều gia đình không còn trồng cây nêu trước nhà. Hầu như, hình ảnh này chỉ còn xuất hiện tại các đình, chùa và số ít gia đình ở vùng nông thôn.

Vài năm trở lại đây, tục trồng cây nêu đang dần được phục hồi. Điều này khẳng định sức sống trường tồn của những nét đẹp trong tín ngưỡng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, xuất phát từ quan niệm, văn hóa, dân tộc, vùng miền… mà cây nêu được dựng lên có những nét khác nhau. Nhưng dù với hình thức thể hiện như thế nào, cây nêu vẫn mang ý nghĩa biểu trưng cho ước mơ của con người về một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự an khang.

Lê Tình


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]