(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là nơi có thắng tích vô cùng đa dạng và phong phú mà ít nơi nào có được, song việc bảo tồn, khai thác như thế nào cho hiệu quả vẫn là một “bài toán” khó?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần khai thác có hiệu quả di tích thắng cảnh xứ Thanh

Thanh Hóa là nơi có thắng tích vô cùng đa dạng và phong phú mà ít nơi nào có được, song việc bảo tồn, khai thác như thế nào cho hiệu quả vẫn là một “bài toán” khó?

Cần khai thác có hiệu quả di tích thắng cảnh xứ Thanh

Đền Cô Tiên nằm trên núi Trường Lệ (Sầm Sơn) thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Thanh Hóa là tỉnh có đường biển dài, với những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như Sầm Sơn, Quảng Lợi (huyện Quảng Xương); biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia); Hòn Mê, Hòn Nẹ, đảo Nghi Sơn... Ở vùng núi đá vôi Thanh Hóa có nhiều hang động đẹp gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Từ Thức (huyện Nga Sơn), động Long Quang, động Tiên Sơn (TP Thanh Hóa), động Hồ Công, động Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc), động Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia); động Bàn Bù hay còn gọi là hang Ngán (huyện Ngọc Lặc), hang Con Moong (Thạch Thành), động Cây Đăng (Cẩm Thủy), Lò Cao kháng chiến (Như Thanh) và những khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi như Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Bến En... là những điểm du lịch kỳ thú ngày càng hấp dẫn du khách đến với du lịch mạo hiểm ở xứ Thanh.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 833 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, nhờ chú trọng đến việc bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị của hệ thống di tích, thắng cảnh... ngành du lịch xứ Thanh đã có nền tảng và chỗ dựa cơ bản để từng bước phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.

So với các tỉnh, thành trên toàn quốc, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng di tích lớn, đầy đủ các loại hình lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nhưng phần lớn di tích tập trung ở các huyện đồng bằng và ven biển. Mật độ di tích dày đặc chỉ khoảng 2 km2/1 di tích, nhất là ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Đông Sơn, Quảng Xương...

Những năm gần đây, Thanh Hóa đang thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thực chất vẫn chưa phát huy được hiệu quả, còn mang tính thời vụ. Chẳng hạn, du khách đến với Sầm Sơn nghỉ dưỡng, tắm biển rồi đi Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Suối cá Cẩm Lương,... Vì vậy, khi hè Sầm Sơn kết thúc thì lượng khách đến các khu di tích danh thắng khác cũng vắng bóng theo.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn và không đủ sức đầu tư cùng một lúc cho việc bảo tồn các di tích, thắng cảnh trọng điểm và các chương trình phát triển du lịch thì việc xã hội hóa trên lĩnh vực này là cần thiết nhưng phải tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa. Hơn nữa, việc kêu gọi các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) trên cơ sở 2 bên cùng có lợi là việc rất hữu ích, song phải lựa chọn những nhà đầu tư có tầm, có thực lực trên cơ sở thực hiện đúng quy hoạch, để tránh tình trạng khai thác du lịch mà làm biến dạng di tích và thương mại hóa du lịch...

TP Thanh Hóa nằm ở trung tâm có nhiều núi đất, núi đá nằm rải rác xen kẽ với đồng bằng, được bao bọc bởi các dòng sông và các ngọn núi; đây là nơi giao thoa giữa các không gian du lịch đồng bằng, du lịch biển đảo, du lịch rừng núi; giữa nhiều vùng miền Bắc bộ, Bắc Trung bộ, miền núi Tây Bắc và Đông Bắc Lào; mặt khác, địa bàn TP Thanh Hóa tập trung nhiều di tích văn hóa, lịch sử và thắng cảnh đẹp. Đây là những điều kiện thuận lợi để TP Thanh Hóa phát triển thành trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh.

TP Thanh Hóa hiện có hơn 200 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 96 di tích được xếp hạng, 25 di tích được công nhận cấp quốc gia, 71 di tích được công nhận cấp tỉnh. Đây là những di sản văn hóa đã ghi lại những chứng tích hào hùng của dân tộc với truyền thống hàng nghìn năm lịch sử lập nước và giữ nước của các thế hệ cha ông, như: Khu di tích lịch sử, văn hóa Hàm Rồng (tiêu biểu là Cầu Hàm Rồng, Đồi C4, Đền thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ...); Làng cổ Đông Sơn; Khu Di chỉ khảo cổ Núi Đọ; Thái miếu nhà Hậu Lê; Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài Lê Lợi; Quảng trường Lam Sơn... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng... thu hút được rất nhiều du khách xa gần về dâng hương như: Chùa Đại Bi; chùa Thanh Hà; chùa Tăng Phúc... Đây là những tài nguyên có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh, phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin TP Thanh Hóa, cho biết: “Hàng năm TP Thanh Hóa luôn chú trọng tổ chức các chương trình như: “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa – TP Hội An”, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa, văn nghệ, thể thao và ẩm thực đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh... Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đón và phục vụ khoảng 1.295.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 20.900 lượt, cho doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện TP Thanh Hóa đang triển khai Đề án: “Tổ chức không gian đi bộ trên tuyến đường Phan Chu Trinh”, dự kiến sẽ vận hành, khai thác vào quý IV năm 2019”.

Theo bà Thanh, dù các di tích danh thắng đa dạng và phong phú nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả bởi nguồn kinh phí đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế, dàn trải, thiếu đồng bộ, mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu mang tính tự phát; các dự án kinh doanh du lịch chưa có dự án nào tầm cỡ, thu hút được nhiều dự án kinh doanh có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại; kinh phí dành cho quảng bá còn hạn chế... Vì vậy, việc kêu gọi xã hội hóa là một điều cần thiết.

Mặt khác, lượng khách tham quan chưa đều nên cán bộ thuyết minh chưa được bố trí thường xuyên tại di tích, thắng cảnh. Với những nhóm khách tham quan nhỏ lẻ thường không có thuyết minh viên, còn với những nhóm đi theo tour thường bao gồm cả hướng dẫn viên nên việc truyền tải thông tin nhiều khi chưa chính xác, nội dung thuyết minh chưa thống nhất nên không tạo được dấu ấn trong lòng du khách; công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch bước đầu đã có sự quan tâm nhưng chỉ mới về số lượng, chưa thực sự đầu tư về chất lượng... Những tồn tại, hạn chế này không chỉ riêng TP Thanh Hóa mà là tình trạng chung của các địa phương trong tỉnh.

Để thực hiện đúng phương châm: “Lấy di tích nuôi di tích” mà Nhà nước đã hướng dẫn, các cấp, các ngành có liên quan cần có sự chỉ đạo, quản lý các đơn vị được phép khai thác nguồn thu từ di tích phải chấp hành đúng nguyên tắc, điều luật tài chính đã quy định, đồng thời cũng cần chú ý tạo lợi ích cho địa phương và nhân dân có di tích thắng cảnh. Có như vậy, di tích thắng cảnh mới được bảo vệ và phát huy một cách tốt nhất.

Hiện tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án khai thác, phát huy giá trị tại Khu Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch...; phê duyệt danh mục và triển khai các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng. Trên cơ sở đó, đã hình thành các điểm đến, các tuyến du lịch và tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch như: Du lịch cộng đồng làng Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Hiêu, bản Đôn, Kho Mường (huyện Bá Thước), bản Hang (huyện Quan Hóa), bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy)... Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch bổ trợ khác cũng được quan tâm triển khai, như: Đã hình thành sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ... bước đầu thu hút sự quan tâm của khách du lịch.

Xứ Thanh là địa danh có nhiều di tích, phong phú về cảnh đẹp thiên nhiên, có bề dày lịch sử và huyền thoại đậm nét nên đây sẽ là bến đỗ của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhưng muốn phát triển một cách bền vững, nhanh chóng, toàn diện hơn so với trước thì việc khai thác phải có phương pháp, bài bản và mang tính chiến lược. Có như thế, du lịch mới có thể trở thành ngành mũi nhọn như chúng ta mong muốn.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]