Nhiều phụ nữ Thái ở làng Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa) vẫn muốn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần có giải pháp bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

(THO) - Nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó từ rất lâu với đời sống của đồng bào dân tộc Thái ở các huyện miền núi, như Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân... Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm ở những địa phương này đang đối mặt với nguy cơ mai một.

Nhiều phụ nữ Thái ở làng Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa) vẫn muốn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Theo những người cao tuổi ở huyện Quan Hóa, đồng bào dân tộc Thái ở đây có truyền thống chuẩn bị chăn gối thổ cẩm cho con gái đi lấy chồng làm của hồi môn, vừa để “khoe“ với bên nhà chồng sự khéo léo, đảm đang của cô dâu mới, vừa là cách để báo hiếu cha mẹ, anh em bên chồng. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng thường được chuẩn bị vài bộ chăn, màn... đều do chính tay mình dệt. Ngày về nhà chồng, tất cả số chăn, màn, gối đệm... này sẽ được bày trang trọng ở gian giữa nhà như một cách để mọi người bên nhà chồng đánh giá sự trưởng thành, mức độ khéo léo và tính kiên trì, nhẫn nại của nàng dâu mới.

Bà Đinh Thị Phiến ở làng Ban, xã Hồi Xuân được học nghề dệt thổ cẩm từ những ngày còn thiếu nữ. Bà Phiến cho biết, trước đây, con gái Thái ở huyện Quan Hóa được mẹ dạy cho nghề dệt từ những ngày mười bốn, mười lăm tuổi. Tấm thổ cẩm dệt lên xấu hay đẹp phụ thuộc vào sự khéo léo và khả năng sáng tạo của mỗi người. Nhìn màu sắc, hoa văn sẽ biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của cô gái đó, biết khi dệt mặt chăn, dệt cạp váy... cô gái đó có nghĩ tới ai không, có mong mỏi việc gì không.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay tại một số xã của huyện Quan Hóa, nhiều cụ bà đã ngoài thất thập vẫn có thói quen giữ khung cửi dệt thổ cẩm trong nhà. Trong tâm trí các cụ, trước đây, trồng bông, dệt vải là nghề truyền thống mà cô gái nào cũng phải thạo, hầu như nhà nào trong xã cũng có khung cửi. Ban ngày, chị em bận rộn lao động trên ruộng, nương, đêm đến lại miệt mài bên khung cửi. Từ trang phục, chăn gối, đệm, túi xách và các vật dụng cá nhân đều do chị em tự thêu dệt. Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện Quan Hóa không còn nhiều, rải rác ở các xã Hồi Xuân, Phú Nghiêm, Xuân Phú... Phần lớn chỉ có những chị em phụ nữ, người già làm những lúc nông nhàn hoặc khi có việc cần, họ mới dệt. Sản phẩm làm ra đơn thuần chỉ là những chiếc gối, đệm, khăn, quần, áo... phục vụ trong gia đình hoặc những đơn đặt hàng từ các địa phương khác nhưng chưa ổn định.

Chị Lường Thị Thủy ở làng Kiêm, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy), sinh năm 1988 nhưng đã có gần chục năm theo nghề dệt. Chị Thủy cho biết: Nhà chỉ có mình chị là con gái nên chuyện thêu thùa, dệt vải được mẹ truyền nghề, chỉ bảo tận tình. Khi về nhà chồng vì tiếc nghề, chị vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngồi bên khung cửi. Thuận lợi là với người Thái ở xã Cẩm Ngọc, việc chuẩn bị quần áo, chăn, gối cho con gái về nhà chồng vẫn được lưu giữ qua thời gian, nên chị vẫn còn cơ hội gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay, do chỉ làm tranh thủ nên bình quân mỗi tháng, chị Thủy dệt được 1 mặt chăn bán cho những gia đình có nhu cầu, mỗi mặt chăn tùy theo họa tiết, hoa văn có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều khiến những người yêu nghề như chị Thủy trăn trở là phần lớn các loại nguyên liệu để dệt đều phải thay thế bằng sợi hoặc len công nghiệp. Bởi lẽ, ở địa phương hiện nay không còn những cánh đồng trồng bông. Sợi mua từ chợ về dệt rất khó bắt màu nhuộm, rất khác sợi xe từ bông do gia đình tự trồng trước đây. Được biết, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, huyện Cẩm Thủy đã có kế hoạch lưu giữ, khôi phục nghề trồng bông. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái đã được bày bán tại một số hộ làm dịch vụ du lịch phục vụ khách hàng đến tham quan tại Suối cá Cẩm Lương, góp phần quảng bá, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Cùng với đó, huyện Cẩm Thủy cũng có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề dệt thủ công truyền thống kết hợp sử dụng máy dệt trong sản xuất để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Trước đây, nói về dệt thổ cẩm là người ta thường nghĩ đến những sản phẩm được dệt bằng tay và mất nhiều thời gian. Nhưng hiện nay, ngoài những sản phẩm thổ cẩm với hoa văn phức tạp bắt buộc phải dệt bằng tay như khăn piêu, vỏ gối, thì với những sản phẩm đơn giản như viền chăn, viền đệm, cạp váy... cũng đã dần được người Thái ở huyện Cẩm Thủy sử dụng những khung cửi máy để dệt. Đây cũng là một cách làm sáng tạo của người dân để góp phần đưa sản phẩm dệt thổ cẩm đến gần với người tiêu dùng.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái vừa có giá trị kinh tế vừa mang đậm nét văn hóa. Vì vậy, cần bảo tồn và phát triển nghề để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi. Mặt khác, sự duy trì, phát triển bền vững nghề dệt thổ cẩm làm đa dạng ngành nghề, hình thành có hệ thống hình thức tổ chức sản xuất, hướng đến góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Để những sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Thái có thể vươn xa, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng giữ nghề của đồng bào, rất cần sự quan tâm, tư vấn, giúp đỡ của các ngành, các cấp.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]