(Baothanhhoa.vn) - Cà kheo có “tuổi thơ” đẹp đẽ là thế, ý nghĩa lớn lao là thế, nhưng giờ đây người học cà kheo ngày càng ít đi, người truyền dạy cà kheo cũng theo cơ chế thị trường mà lo làm kinh tế, chẳng còn mấy người đủ lòng kiên trì theo đuổi đam mê với nghề nữa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cà kheo – bộ môn độc đáo của cư dân biển Sầm Sơn

Cà kheo có “tuổi thơ” đẹp đẽ là thế, ý nghĩa lớn lao là thế, nhưng giờ đây người học cà kheo ngày càng ít đi, người truyền dạy cà kheo cũng theo cơ chế thị trường mà lo làm kinh tế, chẳng còn mấy người đủ lòng kiên trì theo đuổi đam mê với nghề nữa.

Cà kheo – bộ môn độc đáo của cư dân biển Sầm SơnCác thành viên Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn trong một buổi biểu diễn. Ảnh: Ngọc Anh

Sầm Sơn có bề dày truyền thống hơn 100 năm hình thành và phát triển gắn liền với những danh lam, thắng tích và biết bao câu chuyện huyền thoại đã đi vào lịch sử, thơ ca. Nơi đây cũng đã sản sinh ra một phương thức sinh hoạt cộng đồng, một dụng cụ mưu sinh của cư dân vùng biển, đó là cà kheo - bộ môn nghệ thuật độc đáo, còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Từ xa xưa, khi ngư dân vùng biển Sầm Sơn chưa có các phương tiện đánh bắt và các ngư cụ, họ đã nghĩ ra cách làm những chiếc cà kheo để có thể lội được dưới biển. Nhờ có dụng cụ này đã giúp cho họ có thể vươn xa ra biển, quăng chài, cất te, bắt được nhiều tôm, cá, moi... Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, thì các dụng cụ này cũng dần dần bị thay thế bởi các phương tiện đánh bắt và các ngư cụ hiện đại. Song, điều đáng quý và trân trọng là dụng cụ này vẫn được Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn giữ gìn, coi đây là bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của địa phương ít nơi nào có được.

Anh Nguyễn Văn Nhật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn cho biết: “Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn được thành lập năm 2011. Lúc đó, câu lạc bộ có khoảng 30 thành viên, là những người tiêu biểu được chọn từ khắp các xã, phường của thành phố. Họ có tuổi đời từ 18 đến 40, có sức khỏe, niềm đam mê nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật của ông cha để lại. Điều này cũng góp phần làm cho đời sống sinh hoạt và tinh thần của cư dân vùng biển thêm đa dạng, phong phú với nhiều gam màu sắc thái biểu đạt”.

Có kinh nghiệm đi cà kheo trong quãng thời gian 13 năm, anh Lường Văn Toàn, thành viên của Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn, chia sẻ: “Từ công cụ mưu sinh của ông cha để lại, tôi đã học được cách sử dụng và biểu diễn cà kheo như một trò chơi, trò diễn dân gian. Chúng tôi chỉ mong góp phần gìn giữ những vốn quý, để thế hệ mai sau hình dung được lao động vất vả của ông cha ta một thời và nỗ lực phấn đấu vươn lên để có một cuộc sống ấm no, giàu đẹp”.

Còn anh Văn Đình Toan, một thành viên trẻ tuổi của Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn bộc bạch: “Hơn 10 năm qua, nhờ tự học và học thêm từ những người đi trước trong câu lạc bộ, nên đến bây giờ tôi đã sử dụng thành thạo cà kheo. Dụng cụ này cũng đã giúp tôi nhiều hữu ích trong công việc của một người thợ làm kẻ vẽ biển quảng cáo khi đứng ở độ cao vài mét”.

Theo hiểu biết của các thành viên trong Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn, thì cà kheo được làm từ cây tre hoặc trúc, lấy từ các vùng miền núi của tỉnh đưa về. Chọn thân cây thẳng, không quá già, cũng không quá non, có độ dẻo bền. Thân cây mang về được hơ qua lửa để nắn thẳng, sau đó hong sấy nhằm bảo quản chống mối mọt. Tiếp đó, thân cây được đem bào nhẵn, đánh bóng và sơn màu đỏ vàng. Trên thân cây, buộc hai cái khấc làm bàn đạp để đứng lên đi thay cho chân. Dây buộc được làm bằng lưới cước hoặc dây dù đảm bảo sự chắc chắn.

Người mới học đi cà kheo nếu có năng khiếu nhanh thì cũng mất một tuần là tập tễnh biết đi, còn lâu hơn phải mất quãng một năm. Tuy là dụng cụ đơn giản nhưng bộ môn này đòi hỏi sự khéo kéo, lòng can đảm của người tham gia. Để bắt đầu học đi cà kheo, người ta gác hai thanh luồng bắc song song, sau đó đứng trên cà kheo, tay vịn vào hai thanh luồng mà đi mon men từng bước cho tới khi đứng vững mới dần dần bỏ luồng ra. Người mới học chưa có nhiều kinh nghiệm nên đi cà kheo từ thấp đến cao, đi chậm đến nhanh, cho tới khi thành thục. Cà kheo cao hay thấp, dài hay ngắn thể hiện trình độ, đẳng cấp của người đó. Điều này cũng chứng tỏ người nào đi được cà kheo cao 2,5m đến 3m là người có khả năng khéo léo, kiên trì và lòng can đảm hơn.

Khó nhất trong đi cà kheo đó là giữ thăng bằng và di chuyển linh hoạt. Không phải lúc nào cũng giữ được thăng bằng, bởi theo kinh nghiệm của những người lâu năm, ngoài niềm đam mê, lòng kiên trì, dũng cảm, cần phải có sức khỏe tốt, nhất là tâm trạng, tinh thần lúc đó phải thật thoải mái, không thì rất dễ ngã. Không ít người ngã xây xước trong những lần tập luyện. Nhưng với những ngư dân biển Sầm Sơn, họ không vì thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Ở họ có một sức sống mạnh mẽ, một niềm tin mãnh liệt, rằng họ sẽ làm được, ngay cả ước mơ chinh phục thiên nhiên tự bao đời hay vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả để mưu sinh cuộc sống. Và cà kheo chính là “đôi chân dài” thể hiện mong ước của họ được vươn xa ra biển, làm chủ những vùng đất mới, làm chủ tương lai.

Ước mơ của họ còn được thể hiện qua những phần thi, biểu diễn cà kheo tại các lễ hội, các sự kiện quan trọng của địa phương, như: nhảy theo nhịp điệu bài hát “Dòng máu lạc hồng”, múa rồng, múa lân, vào vai chú Tễu, làm xiếc... Trong cuộc sống đời thường, họ chỉ là những ngư dân, những người dân lao động chân chất; nhưng xuất hiện trong lễ hội, họ lại hóa thân vào những nhân vật của dân gian, họ trở nên được ngưỡng mộ, kiêu hãnh, với đôi chân dài bước đi hùng dũng trên chiếc cà kheo thân thuộc vốn dĩ gắn bó với tổ tiên họ bao đời.

Cà kheo có “tuổi thơ” đẹp đẽ là thế, ý nghĩa lớn lao là thế, nhưng giờ đây người học cà kheo ngày càng ít đi, người truyền dạy cà kheo cũng theo cơ chế thị trường mà lo làm kinh tế, chẳng còn mấy người đủ lòng kiên trì theo đuổi đam mê với nghề nữa. Nguyên nhân một phần cũng bởi câu lạc bộ tự thành lập ra, tự đóng góp, tự trang trải. Mà hầu hết thành viên trong số họ còn đang bề bộn lo toan cho cuộc sống đời thường, thì làm sao còn tâm trạng thoải mái để đứng trên những “đôi chân dài” biểu diễn cà kheo? Một phần cũng vì thế hệ trẻ không còn tha thiết, đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống nữa, mà chạy theo xu thế hiện đại, với nhiều trò chơi vô bổ, mất thời gian. Mơ ước của những người tâm huyết như anh Nhật, anh Toàn, anh Toan là được bảo tồn cà kheo như một bộ môn nghệ thuật truyền thống của cư dân Sầm Sơn. Nhưng, mơ ước chỉ là ước mơ nếu không có sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho Câu lạc bộ Cà kheo Sầm Sơn hoạt động và đứng vững. Sầm Sơn đã đủ mạnh để có thể cất cánh trên “đôi vai” du lịch, biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; song cũng có thể đứng vững trên “đôi chân” của chính mình, nếu như biết khai thác, đưa cà kheo trở thành một nội dung hấp dẫn trong chương trình phát triển du lịch, để du khách cùng đến khám phá và trải nghiệm.

Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Văn Toan - 21:03 19/12/20

 Trả lời

Cảm ơn nhà báo, hy vong một ngày không xa sẽ có cá nhân, doanh nghiệp nào đồng hành cùng câu lạc bộ cà kheo...

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]