(Baothanhhoa.vn) - Xen lẫn trong những ngôi nhà cao tầng kiên cố, những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc vẫn được người dân xứ Thanh giữ gìn và bảo vệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bình yên bên những ngôi nhà cổ

Xen lẫn trong những ngôi nhà cao tầng kiên cố, những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc vẫn được người dân xứ Thanh giữ gìn và bảo vệ.

Bình yên bên những ngôi nhà cổCó tuổi đời hơn 200 năm, ngôi nhà gỗ 5 gian của gia đình cụ Lương Trọng Duệ, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa được con cháu gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Bên dòng sông Mã thơ mộng, làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa được đánh giá là một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây, vẫn còn lưu giữ hơn chục ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Lối vào nhà cụ Lương Trọng Duệ là con đường đá, được bao quanh bởi những bức tường được phủ đầy rong rêu. Có tuổi đời hơn 200 năm, ngôi nhà gỗ 5 gian của gia đình cụ Duệ có kiểu kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX còn tương đối nguyên vẹn, có giá trị về mọi phương diện, được gia đình gìn giữ qua nhiều thế hệ và đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Sau khi cụ Lương Trọng Duệ mất, ông Lương Thế Tập là con trai cả quản lý.

Theo ông Lương Thế Tập, ngôi nhà này đã có nhiều người đến hỏi mua nhưng gia đình kiên quyết không bán vì đây là thành quả, là kỷ vật của cha ông để lại nên thế hệ con cháu phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn. Ngôi nhà như một động lực tinh thần để các thế hệ cháu con cùng cố gắng.

Không chỉ giữ được những nét kiến trúc cổ độc đáo của ngôi nhà, thế hệ con cháu của cụ Lương Trọng Duệ còn lưu giữ lại được nhiều hiện vật gắn bó với đời sống, sinh hoạt của bà con nông dân hay các dụng cụ đồ đá, đồ đồng, gốm, sứ qua các thời kỳ. Những hiện vật trong ngôi nhà cổ này đã tái hiện lại một cách sinh động về đời sống sinh hoạt, sản xuất của vùng quê với nơm, dậm, cối, chày, cày bừa, cuốc, xẻng hay những kỷ vật của chiến tranh... Tất cả đều thể hiện sự trân quý của chủ nhân với những giá trị xưa cũ.

Nằm cách Thành Nhà Hồ chỉ vài trăm mét, ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở làng Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc được UNESCO công nhận là một trong 10 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.

Ông Tùng là thế hệ thứ 7 của dòng họ Phạm ở trong ngôi nhà gỗ cổ này. Theo lời kể của ông Tùng, khi xây dựng ngôi nhà, cụ Tổ làm quan hàng Bát phẩm của triều đình nhà Nguyễn. Cụ đã cho mời những thợ mộc giỏi của tỉnh Nam Hà cũ (nay là tỉnh Hà Nam) và thợ làng mộc Đạt Tài (huyện Hoằng Hóa) về thi công. Ngôi nhà được khởi công từ cuối năm 1810 và đưa vào sử dụng đầu năm 1811. Nhà rộng 7m, dài 20m, nằm hướng Nam chếch Đông, gồm 7 gian. 3 gian giữa dùng để thờ tự tổ tiên và tiếp khách. Hai bên hai buồng, mỗi buồng 2 gian, được xây dựng theo lối lộn thềm, cửa bức bàn, vật liệu gồm nhiều loại gỗ quý, chủ lực là sến, táu, xoan, lát. Tay đòn của ngôi nhà bố trí theo hướng chồng rường kẻ chuyền và chồng rường kẻ bảy; các chi tiết được liên kết chặt chẽ bằng mộng, mẹo, khi gặp sự cố có thể dễ dàng dỡ bỏ phần khung để phục dựng, duy tu. 3 gian chính diện được chạm trổ hoa văn tinh xảo, độc đáo khắc họa sinh động tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai)... Nhìn bề ngoài, ngôi nhà rất mộc mạc, bình dị nhưng ẩn chứa bên trong những giá trị kiến trúc không thể cân đo, đong đếm.

Ông Phạm Ngọc Tùng bộc bạch: Trong tâm thức người Việt, nhà ở truyền thống có vai trò quan trọng, không chỉ là nơi để ở, mà đó còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ và dân tộc. Xác định đây là nhà thờ của họ Phạm nên con cháu lúc nào cũng phải giữ bằng mọi giá.

Trải qua bao mưa nắng và những bước thăng trầm của lịch sử, đến nay không chỉ riêng nhà cụ Duệ, ông Tùng mà còn rất nhiều ngôi nhà cổ trên đất xứ Thanh vẫn còn được người dân bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Bởi những ngôi nhà ấy không đơn thuần chỉ là nơi để ở mà đây chính là nơi hội tụ những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt.

Rời Vĩnh Lộc, chúng tôi về Phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn (trước là xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia) để được hít hà không khí yên bình, mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và bảo vệ.

Nằm nép mình bên Khu Kinh tế Nghi Sơn đồ sộ, sôi động, xen lẫn những ngôi nhà cao tầng khang trang, mái bằng kiên cố, nhưng hàng chục ngôi nhà gỗ cổ hàng trăm năm tuổi vẫn trường tồn với thời gian.

Dừng chân tại ngôi nhà 3 gian, 2 chái của gia đình ông Lê Ngọc Hùng, đập vào mắt chúng tôi là sự độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của ngôi nhà hàng trăm năm tuổi. Nằm giữa thôn Trung Sơn, ngôi nhà còn khá nguyên vẹn, duy nhất còn lợp ngói âm dương và được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ nhất trong số 35 ngôi nhà còn lại của xã. Từ ngạch cửa, chắn mái, các bức xiên hoa... đến bức tường gỗ ngăn phòng giữa 3 gian nhà ngoài với 2 chái cũng được chạm khắc hoa văn nổi hết sức tinh xảo.

Đểm nhấn của các ngôi nhà cổ là gian thờ tự, tiếp khách. Dù là nhà được làm cả trăm năm, song không vì thế mà những ngôi nhà cổ hạn chế việc sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Tại các ngôi nhà cổ này, chủ nhân rất biết cách sắp xếp, trang trí nội thất phù hợp với không gian sinh hoạt và hạn chế sự bất tiện, lạc lõng với thế giới hiện đại.

“Ngôi nhà của gia đình tôi được các cụ để lại, đến nay cũng đã được 4 đời. Tôi cũng không biết nó được làm từ khi nào, chỉ biết khi các cụ mua về nhà cũng đã cũ. Những năm vừa qua, có nhiều người đến hỏi mua nhưng gia đình nhất quyết không bán. Bởi ngôi nhà là nơi để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội, nhớ đến công đức của ông cha, cũng như truyền thống văn hóa dân tộc Việt”, ông Hùng bộc bạch.

Theo ông Hùng, toàn bộ căn nhà từ hệ thống cột kèo, xà, quá giang, rui, mè, cửa, bốn vách nhà đến những hiện vật trong gia đình như trường kỉ cổ, kệ, sập, tủ... đều làm bằng gỗ lim hoặc gụ, cũng đã được vài chục năm đến hàng trăm năm tuổi. Hầu hết, những du khách khi đến thăm nhà ông Hùng đều cho rằng ngôi nhà có sự tương đồng kiến trúc rất lớn so với nhà cổ ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà gỗ này vẫn là nơi sinh sống, gắn bó của các thế hệ trong gia đình. Dù ngôi nhà đã được cải tạo nhưng tất cả đều lưu giữ khá nguyên bản nhà gỗ xưa.

Thời kỳ đầu, những nhà gỗ cổ đều là nhà của những gia đình quyền quý, quan lại giàu có. Ngày đó, những gia đình giàu sang xây dựng nhà gỗ thường để tiếp khách hay là nơi thờ cúng tổ tiên. Vào những năm chiến tranh, những ngày đầu đất nước mới giành lại độc lập, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, những ngôi nhà gỗ cũng bị mai một.

Cuộc sống đã có nhiều thay đổi, thế nhưng người xứ Thanh giờ đây có xu hướng quay trở lại với nếp sống dân dã thôn quê, với không khí yên bình, cảm giác yên tĩnh trong những căn nhà gỗ cổ xưa bỏ qua những náo nhiệt của chốn thị thành. Với họ, đây không chỉ là nơi để về mà còn là nơi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của người dân đất Việt.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]