(Baothanhhoa.vn) - Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là một trong những bảo tàng có số lượng hiện vật, bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu, đặc sắc so với các bảo tàng cấp tỉnh trong cả nước. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả công tác sưu tầm, trưng bày tài liệu, hiện vật có giá trị, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, giáo dục truyền thống cho Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bảo tàng tỉnh nâng cao hiệu quả sưu tầm, trưng bày, tái hiện hiện vật

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là một trong những bảo tàng có số lượng hiện vật, bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu, đặc sắc so với các bảo tàng cấp tỉnh trong cả nước. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả công tác sưu tầm, trưng bày tài liệu, hiện vật có giá trị, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, giáo dục truyền thống cho Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bảo tàng tỉnh nâng cao hiệu quả sưu tầm, trưng bày, tái hiện hiện vậtDu khách tham quan, tìm hiểu Bảo vật quốc gia Việt Nam tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ, bảo quản gần 30.000 hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm được các chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá cao như: sưu tập hiện vật thời Tiền - Sơ sử, sưu tập vũ khí Đông Sơn, sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập tiêu bản các loài thú quý hiếm... Đặc biệt, có 3 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam (kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I, vạc đồng Cẩm Thủy) và bộ sưu tập trống đồng với số lượng lớn nhất trong cả nước. Đây đều là những hiện vật gốc, độc bản, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ, trưng bày, góp phần phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của đông đảo Nhân dân và du khách.

Hiện nay hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được thể hiện theo tiến trình lịch sử, từ khi xuất hiện những con người tối cổ đầu tiên trên đất Thanh Hóa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Trong đó bao gồm 4 phòng trưng bày cố định: “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hóa trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX)”, “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858-1945”, “Thanh Hóa trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975”. Cùng với đó là 5 phòng trưng bày chuyên đề gồm: “Trống đồng Thanh Hóa”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa”, “Đời sống thời bao cấp” và “Cổ vật Bảo tàng Thanh Hóa”.

Nhằm tạo sức hấp dẫn đối với người xem, không gian các phòng trưng bày được cải tạo, nâng cấp một cách sáng tạo, phù hợp với nội dung, chủ đề trưng bày. Từng bước thay đổi phương pháp trưng bày hiện vật theo kiểu liệt kê đơn lẻ bằng cách xây dựng các sưu tập hiện vật theo loại hình, chất liệu, chủ đề. Dùng các giải pháp tôn các hiện vật quý hiếm, độc đáo, sử dụng hiện vật gốc, hiện vật thể khối tạo sức hút của phòng trưng bày, hướng sự chú ý của người xem vào hiện vật, nhóm hiện vật... trọng tâm. Đáng chú ý, trong các không gian của Bảo tàng tỉnh có sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống chiếu sáng, màu mảng, họa tiết trang trí phù hợp với nội dung trưng bày. Đối với những tài liệu khoa học phụ trợ được thể hiện bằng các vật liệu, kỹ thuật công nghệ mới; hệ thống tủ, khung ảnh đảm bảo tính thống nhất, ngay ngắn trong trưng bày. Sử dụng các bục, kệ, giá đỡ, tủ kính, chụp kính... phù hợp để tôn được hiện vật trưng bày một cách trang trọng.

Cùng với công tác trưng bày, tái hiện hiện vật, công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật được Bảo tàng tỉnh thực hiện có hiệu quả. Trong đó tập trung vào các nội dung như: sưu tầm theo chuyên đề; sưu tầm về các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội; tiếp nhận từ nguồn khai quật khảo cổ; các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Các chuyên đề sau khi sưu tầm đều được nghiên cứu, trưng bày và triển lãm phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh. Riêng trong năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm 395 hiện vật. Trong đó có 124 hiện vật khai quật, 67 hiện vật mua, 112 hiện vật trả thưởng, 92 hiện vật do cá nhân hiến tặng.

Du khách Lê Hồng Quảng (Vĩnh Phúc) cho biết: “Ngay khi đặt chân đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chúng tôi đã ấn tượng với không gian trầm mặc, cổ kính. Đặc biệt, các không gian trưng bày tư liệu hiện vật rất khoa học, hấp dẫn. Có nhiều tư liệu, hiện vật trước đây chúng tôi chỉ được nghe thôi nay mới được nhìn thấy. Cùng với đó, chứng kiến thành quả của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa qua các thời kỳ chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Mong rằng Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển để chúng tôi được đến thăm Thanh Hóa thêm nhiều lần nữa”.

Mới đây, Đề án “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng mức kinh phí triển khai thực hiện khoảng 22,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2023-2025, Bảo tàng tỉnh sẽ được đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ du khách tham quan; tăng cường công tác quảng bá, phối hợp các đơn vị du lịch thu hút du khách đến với bảo tàng. Trong giai đoạn này Bảo tàng tỉnh phấn đấu thu hút, đón tiếp và phục vụ được từ 27.000-35.000 lượt khách/năm; thu bán vé các hoạt động dịch vụ bình quân đạt từ 300-400 triệu đồng/năm. Số hóa từ 10-15% hiện vật và tư liệu đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Đề án “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” được phê duyệt là cơ sở quan trọng để công tác sưu tầm, trưng bày, tái hiện hiện vật tiếp tục được triển khai, thực hiện đồng bộ. Cùng với trưng bày phản ánh giai đoạn, sự kiện lịch sử, thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh trưng bày sưu tập theo hướng mở, thường xuyên bổ sung những tư liệu, hiện vật mới, làm cho diện mạo trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá; đẩy mạnh liên kết; lựa chọn hiện vật tiêu biểu, giàu giá trị phục vụ các cuộc trưng bày gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa lớn và phục vụ các đoàn khách đến nghiên cứu. Qua đó, từng bước xây dựng bảo tàng trở thành địa điểm học tập suốt đời của Nhân dân và là điểm đến hấp dẫn trong hành trình về với xứ Thanh của du khách thập phương”.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]