(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, văn minh, cùng với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thời gian qua huyện Bá Thước đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, xây dựng môi trường văn hóa tại mỗi điểm đến.

Bá Thước chú trọng xây dựng môi trường văn hóa ở các điểm du lịch cộng đồng

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, văn minh, cùng với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thời gian qua huyện Bá Thước đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, xây dựng môi trường văn hóa tại mỗi điểm đến.

Bá Thước chú trọng xây dựng môi trường văn hóa ở các điểm du lịch cộng đồng

Đội văn nghệ bản Đôn (xã Thành Lâm) trong trang phục truyền thống biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Huyện Bá Thước, nơi có trên 80% dân số là người Mường, người Thái sinh sống từ nhiều đời. Đối với hoạt động du lịch cộng đồng tại Bá Thước, đặc trưng của tất cả các điểm đến như: bản Hiêu (xã Cổ Lũng); bản Đôn, bản Bầm (xã Thành Lâm); bản Báng, bản Kho Mường, bản Son - Bá - Mười, thôn Nông Công (xã Thành Sơn); bản Nủa, bản Kịt (xã Lũng Cao)... là cộng đồng dân cư đều sinh sống trong lòng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Và một trong những điểm nhấn của sản phẩm du lịch nơi đây chính là tạo ra từ các giá trị bản sắc văn hóa, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, ẩm thực, lối sống, cảnh quan thiên nhiên, các điều kiện tự nhiên xung quanh khu vực sinh sống... Do đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa luôn được huyện Bá Thước đặc biệt chú trọng.

Nếu đã từng đến với bản Đôn (xã Thành Lâm) một lần, hẳn du khách không thể nào quên được khung cảnh bình yên, thơ mộng và sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân nơi đây. Trong cuộc sống hiện đại, du lịch ngày càng phát triển, thế nhưng 100% nếp nhà sàn nơi đây đều được lợp bằng lá cọ, mọi con đường trong bản được giữ gìn sạch đẹp, hoa trồng ven đường, người dân vẫn khoác lên mình bộ trang phục dân tộc truyền thống... Bởi thế, nhiều người cho rằng, đây là điểm đến lý tưởng để tránh xa ồn ào, khói bụi của chốn thị thành. Chị Lê Hương (Triệu Sơn) cùng gia đình lần đầu đến đây, từng chia sẻ trên trang facebook cá nhân rằng: “Bản Đôn trước mắt chúng tôi là một bản làng xinh đẹp, sạch sẽ, với những món ăn ngon cùng sự tiếp đón nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi đã có một kỳ nghỉ tuyệt vời, ý nghĩa...”.

Cùng với bản Đôn, tất cả các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bá Thước đều rất chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Trong đó, bám sát các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, đặc biệt là ở các điểm du lịch cộng đồng, huyện Bá Thước đã đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào, từ đó đã tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh trong các tầng lớp Nhân dân. Ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân có chuyển biến tích cực; trật tự an ninh được giữ vững; cảnh quan môi trường được cải thiện sạch sẽ đẹp mắt; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thực sự lành mạnh, tiết kiệm.

Trong quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan sạch đẹp luôn được coi trọng. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư, với 21 sân bóng đá đủ kích thước (90m x 120m); 220 sân bóng đá mi ni; 249 sân bóng chuyền; 120 sân cầu lông; 169/205 thôn, bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (đạt 82,43%), trong đó có 150 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cùng với đó, để xây dựng môi trường văn hóa ở mỗi điểm đến gắn với phát triển du lịch, huyện Bá Thước đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để quản lý xây dựng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan điểm đến. Trong đó, các trọng điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đã được quy hoạch như: quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng bản Đôn, xã Thành Lâm; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng bản Kho Mường, xã Thành Sơn; quy hoạch phân khu du lịch thác Muốn, xã Điền Quang; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Du lịch sinh thái Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao...

Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng nhấn mạnh: Huyện Bá Thước xác định, việc xây dựng môi trường văn hóa tại mỗi điểm du lịch cộng đồng vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo ra sản phẩm cho khách du lịch trải nghiệm, vừa tạo ra môi trường cho hoạt động du lịch phát triển một cách bền vững. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các điểm du lịch. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch tới tất cả đối tượng tham gia du lịch. Cùng với đó, phong trào TDĐKXDĐSVH được phát triển sâu rộng, từ đó thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa, an ninh trật tự đảm bảo. Đặc biệt, văn hóa trong giao tiếp ứng xử, kinh doanh du lịch của người dân bản địa đang góp phần quan trọng vào việc hình thành môi trường văn hóa hấp dẫn, văn minh ở các điểm đến.

Nhằm phát huy kết quả đạt được, huyện đã ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND ngày 2-6-2021 về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, mục tiêu phát triển du lịch huyện Bá Thước trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nên thương hiệu cho du lịch Bá Thước.

Tuy nhiên, để việc xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng được triển khai một cách hiệu quả và bền vững hơn, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến. Tăng cường quản lý quy hoạch điểm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng về xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển đa dạng các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa tại các điểm đến trong tình hình mới.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]