(Baothanhhoa.vn) - Hằng năm, Sở Tư pháp đều lựa chọn các đơn vị điểm để tuyên truyền, PBDGPL nhằm xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả; phối hợp với UBND, huyện đoàn các huyện triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới cán bộ làm công tác quản lý thanh niên, đoàn viên thanh, thiếu niên và tuyên truyền viên pháp luật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên sát với nhu cầu thực tế

Hằng năm, Sở Tư pháp đều lựa chọn các đơn vị điểm để tuyên truyền, PBDGPL nhằm xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả; phối hợp với UBND, huyện đoàn các huyện triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới cán bộ làm công tác quản lý thanh niên, đoàn viên thanh, thiếu niên và tuyên truyền viên pháp luật.

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên sát với nhu cầu thực tếSở Tư pháp phối hợp với UBND, Huyện đoàn Đông Sơn tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho thanh, thiếu niên, tuyên truyền viên năm 2020.

Sau khi nghe các chiến sĩ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh hướng dẫn những kiến thức cơ bản về tác hại của cháy, nổ; phòng chống cháy nổ; nguồn cháy, kỹ năng phát hiện, các phương án xử lý tại chỗ và thoát nạn, như: rò rỉ khí ga, cháy điện, cháy xăng, dầu...; một số phương tiện hỗ trợ chữa cháy tại chỗ, kỹ năng sử dụng các phương tiện như: bình chữa cháy, bột, nước,... rồi lại được tận tay cầm bình chữa cháy để dập lửa, các em học sinh Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa đã có thêm kiến thức cần thiết về PCCC. Em L.N.H., học sinh lớp 11, Trường THPT Hàm Rồng chia sẻ: “Buổi tuyên truyền về kiến thức PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã giúp cho chúng em nâng cao sự hiểu biết về an toàn PCCC, ý thức phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ và đặc biệt là xử lý tốt các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra; đồng thời các em cũng nhận thức sâu sắc rằng công tác PCCC không chỉ là trách nhiệm và nhiệm vụ của lực lượng chức năng mà còn là của toàn dân, trong đó có học sinh chúng em”. Trên đây chỉ là một trong nhiều chương trình nhằm tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh, thiếu niên mà các nhà trường trên địa bàn tỉnh tổ chức thời gian qua.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm qua Sở đã phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các trường học ban hành kế hoạch công tác PBGDPL hằng năm; hướng dẫn các trường học xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; tuyên truyền pháp luật cho giáo viên, học sinh bằng các hình thức phù hợp... Sở cũng đã tổ chức và hưởng ứng nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, như: Cuộc thi “Giao thông học đường” cho 57.689 học sinh; “Rung chuông vàng” cho 30.000 học sinh và 1.500 cán bộ, giáo viên; thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh của 20 trường THPT...; phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy; tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS... Qua đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh ngày một nâng lên, từ đó giúp các em hình thành hành vi, thói quen tốt và kỹ năng ứng xử văn hóa, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, không vi phạm pháp luật.

Được biết, những năm qua không chỉ ngành giáo dục mà các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh, thiếu niên với nhiều nội dung và hình thức phong phú, sát với thực tế nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong bộ phận thanh, thiếu niên.

Đồng chí Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010-2015” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án; đồng thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án tại đơn vị, địa phương.

Hằng năm, Sở Tư pháp đều lựa chọn các đơn vị điểm để tuyên truyền, PBDGPL nhằm xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả; phối hợp với UBND, huyện đoàn các huyện triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới cán bộ làm công tác quản lý thanh niên, đoàn viên thanh, thiếu niên và tuyên truyền viên pháp luật. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống ma túy...

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với các đơn vị, địa phương mở rộng tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi, như: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến dành cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh”; “Tìm hiểu pháp luật cho thanh niên và cán bộ đoàn viên, thanh niên”; “Giao thông học đường” trên internet cho học sinh THCS và THPT năm học 2018-2019; “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Sáng tạo trẻ” trong đoàn viên thanh niên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang; “Tìm hiểu Luật Trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”... đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên tham gia góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức xây dựng cộng đồng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng cơ quan có nếp sống văn hóa lành mạnh.

Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) hàng năm được chú trọng tổ chức, triển khai việc tuyên truyền, phổ biến các luật mới ban hành, nhất là các dự án luật có liên quan đến tầng lớp thanh, thiếu niên... Riêng năm 2019, Sở Tư pháp đã tiến hành biên soạn, in ấn và phát hành 60.000 tờ gấp pháp luật về quy định nghĩa vụ quân sự, an toàn giao thông để cấp phát cho lực lượng thanh, thiếu niên; phát hành 5.000 cuốn tài liệu hỏi đáp về quyền dân sự, chính trị; phát hành 5.000 cuốn pháp luật dành cho thanh niên...

Công tác phối hợp trong việc thực hiện đề án giữa các sở, ban, ngành và các địa phương ngày càng chặt chẽ và bài bản. Sở Tư pháp đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn... tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và bạo lực học đường; kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, Hiến pháp, pháp luật về thanh niên, biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia; Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế...; phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh mở chuyên trang tuyên truyền pháp luật, xây dựng phóng sự chuyên đề và tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, trong đó dành thời lượng thông tin cho việc tuyên truyền, PBGDPL cho thanh, thiếu niên.

Một số đơn vị cũng đã quan tâm tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, hoạt động hòa giải cơ sở, cổ động trực quan sinh động, sinh hoạt câu lạc bộ (câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, nông dân với pháp luật, câu lạc bộ thanh niên phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc...; tổ chức các chương trình cho học sinh tham gia ký cam kết không vi phạm pháp luật tại các trường học, cổng trường an toàn giao thông... đã phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác PBGDPL.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên theo mục tiêu và nhiệm vụ của đề án chưa đồng đều. Một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác tuyên truyền, PBGDPL; hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện đề án chưa thường xuyên, chưa gắn kết, chủ yếu do cơ quan chủ trì thực hiện đề án tổ chức thực hiện. Công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói chung, thực hiện đề án nói riêng chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên trong trường học; thanh, thiếu niên ở đô thị; thanh niên là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, chiến sĩ lực lượng vũ trang mà chưa có nhiều hoạt động PBGDPL cho đối tượng thanh, thiếu niên đặc thù theo Luật PBGDPL; thanh, thiếu niên tự do, cư trú không ổn định, chưa có việc làm; thanh, thiếu niên thuộc đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Việc huy động nguồn lực trong xã hội tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên còn hạn chế.

Để việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh” tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần gắn kết thực hiện nhiệm vụ của đề án với các chương trình, đề án về PBGDPL có liên quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nhằm tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt, chú trọng khảo sát nhu cầu thực tế của đối tượng về nội dung, hình thức PBGDPL trước khi tổ chức các hoạt động PBGDPL, nhất là tại cơ sở để phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên. Tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, khuyến khích thanh, thiếu niên chủ động tìm hiểu. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên...

Bài và ảnh: Lê Nhân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]