(Baothanhhoa.vn) - Triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) là bước khởi đầu quan trọng cho việc chuyển đối số trong ngành y tế, tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh. Theo lộ trình Bộ Y tế đề ra, giai đoạn 2019-2023, các bệnh viện hạng 1 phải triển khai BAĐT thay bệnh án giấy. Giai đoạn 2024-2030 sẽ triển khai ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh còn lại. Tuy nhiên, việc triển khai hồ sơ BAĐT tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Đến nay mới chỉ có một bệnh viện sử dụng BAĐT.

Triển khai bệnh án điện tử còn nhiều khó khăn

Triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) là bước khởi đầu quan trọng cho việc chuyển đối số trong ngành y tế, tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh. Theo lộ trình Bộ Y tế đề ra, giai đoạn 2019-2023, các bệnh viện hạng 1 phải triển khai BAĐT thay bệnh án giấy. Giai đoạn 2024-2030 sẽ triển khai ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh còn lại. Tuy nhiên, việc triển khai hồ sơ BAĐT tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Đến nay mới chỉ có một bệnh viện sử dụng BAĐT.

Triển khai bệnh án điện tử còn nhiều khó khănBệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa ứng dụng một phần bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh và đã được Cục CNTT – Bộ Y tế công bố triển khai BAĐT thay thế bệnh án giấy vào ngày 25/7/2022, là một trong 34 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc công bố triển khai BAĐT.

Trao đổi với Thầy thuốc Nhân dân, BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, được biết: Để phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các khoa, phòng, trung tâm thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh.

Theo đó, bệnh viện đã đầu tư mua sắm nâng cấp hạ tầng CNTT, lắp đặt thêm các máy tính trạm tại các khoa, phòng, trung tâm, bổ sung các thiết bị lưu trữ đảm bảo thời gian lưu trữ theo quy định của Bộ Y tế; triển khai và nâng cấp Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS, đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu về quản lý bệnh viện, chia sẻ dữ liệu và thanh, quyết toán với cơ quan BHXH; hệ thống PACS đã được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2020, đảm bảo việc lưu trữ hình ảnh y tế không in phim; hệ thống xét nghiệm kết nối hai chiều LIS-HIS tại khoa xét nghiệm bảo đảm việc liên thông dữ liệu cận lâm sàng. Bệnh viện bắt đầu triển khai hệ thống xét nghiệm thông minh từ tháng 4/2022 nhằm tiết kiệm thời gian vận chuyển mẫu, quản lý mẫu bằng barcode; giảm các thao tác thủ công, đồng bộ hóa với phần mềm HIS. Bên cạnh đó, bệnh viện đã phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm, hoàn thiện các tính năng BAĐT.

Bà Vũ Thị Côi, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, cho biết: "Tháng nào tôi cũng đi khám bệnh định kỳ để điều trị huyết áp và mỡ máu. Từ khi bệnh viện triển khai BAĐT, tôi thấy rất thuận tiện, vì không cần mang theo thẻ BHYT, cũng không cần đem theo kết quả khám bệnh của lần khám trước đó, chỉ với thẻ căn cước công dân gắn chip đã được làm thủ tục đăng ký khám bệnh rất nhanh chóng. Các thông tin về tiền sử khám, chữa bệnh, quá trình điều trị, đơn thuốc, lịch tái khám đều được lưu trữ trên hồ sơ BAĐT của bệnh nhân".

Việc triển khai BAĐT cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, hạn chế lạm dụng thuốc và xét nghiệm. BAĐT là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Chỉ cần một chiếc máy tính với phần mềm được cài đặt sẵn có thể lưu trữ nguồn dữ liệu khổng lồ thay cho kho lưu trữ giấy cồng kềnh trước đây. Qua đó, các cơ sở y tế sẽ dễ dàng quản lý tình hình khám, chữa bệnh, tìm kiếm thông tin bệnh nhân hay tiền sử của những lần khám trước đó để thuận lợi khi điều trị... Theo Thông tư 46/TT-BYT, ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ BAĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2019, có lộ trình cụ thể: từ năm 2019-2023, các bệnh viện hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT để triển khai hồ sơ BAĐT; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị và triển khai phù hợp. Từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ BAĐT. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khi kinh phí vận hành, đồng bộ trong trang, thiết bị vẫn còn chậm và nhiều vướng mắc.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa Đỗ Thanh Thủy, cho biết: Có nhiều nguyên nhân, trước hết, Thông tư số 46 đưa ra lộ trình nhưng không đưa giải pháp để triển khai. Đến nay, các cơ sở y tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể dành nguồn kinh phí nào để thực hiện BAĐT. Bộ Y tế chưa có phần mềm quản lý bệnh viện thống nhất cho toàn ngành, để các đơn vị có thể dựa trên đó thực hiện BAĐT. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn chưa tính chi phí về CNTT, trong khi giá thành để xây dựng và duy trì phần mềm BAĐT rất cao, trong khi bệnh viện tự chủ 70% nên gặp khó khăn về kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị máy móc CNTT. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực chất lượng cao về CNTT cũng còn hạn chế. Tại bệnh viện hiện vẫn thực hiện bệnh án bằng giấy và ứng dụng một số phần mềm trong khám, chữa bệnh để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh và nâng cao chất lượng điều trị.

BAĐT được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Với mục đích bệnh viện không giấy, hướng đến mô hình “bệnh viện thông minh”, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng cường hài lòng bệnh nhân. Để triển khai được BAĐT cần tiến hành 3 lộ trình cơ bản, gồm: Số hóa, quản lý dữ liệu và tích hợp liên thông. Đa phần các đơn vị triển khai được lộ trình số hóa và tạo lập quản lý dữ liệu. Thế nhưng, phần liên thông đòi hỏi nhiều yếu tố về hạ tầng, chữ ký số, phần mềm bổ trợ và nhiều vấn đề khác với nguồn kinh phí đầu tư lớn.

Theo các bệnh viện, để triển khai BAĐT cần phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống CNTT, nhân lực... Trong khi nguồn này rất khó khăn với các bệnh viện tự chủ, vì chi phí cho CNTT chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, nên tiến trình triển khai BAĐT còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Với quan điểm khó ở khâu nào, gỡ vướng ở khâu đó, và thực hiện theo lộ trình, ngành y tế Thanh Hóa đang nỗ lực để thực hiện đúng lộ trình đến năm 2030 tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh áp dụng BAĐT.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]