Trên những vùng sản xuất vụ xuân quy mô lớn
Vụ xuân được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh xác định là vụ quan trọng, quyết định đến kết quả sản xuất các vụ khác trong năm. Vì vậy, bên cạnh triển khai thực hiện các biện pháp gieo trồng bảo đảm diện tích, áp dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm... các địa phương còn chú trọng mở rộng diện tích sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Diện tích sản xuất ngô vụ xuân tại xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa).
Để biến khó khăn của những vùng sâu trũng thành lợi thế, những năm qua, huyện Hà Trung đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng sâu trũng như Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tân, Hoạt Giang, Hà Châu... người dân đã cải tạo mặt ruộng để đào ao, đắp bờ để chuyển đổi diện tích đất sâu trũng trồng 1 vụ lúa, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang nhân rộng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá mè, cá trắm, cá rô phi... Từ đó, đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Trên cánh đồng sản xuất lúa - cá luân phiên tập trung, quy mô lớn với diện tích khoảng 40ha tại xã Hà Lĩnh, thời điểm này, người dân đã và đang tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi để kịp thời phát hiện, trừ sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, người dân đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn, trang bị những kiến thức cơ bản về yêu cầu khắt khe trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, như: Ghi chép sổ nhật ký sản xuất, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, kỹ thuật bón phân theo chu kỳ sinh trưởng phát triển cây lúa... Ông Vũ Văn Hoàn, một trong những hộ có diện tích sản xuất lớn, cho biết: “Giống lúa được chúng tôi gieo là ST24, có khả năng thích ứng với chân đất hữu cơ, đất hơi trũng; có khả năng chống chịu với các đối tượng dịch hại, như: bệnh đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ... đẻ nhánh khỏe, năng suất cao. Do đã được tập huấn kỹ thuật nên chúng tôi không còn bỡ ngỡ khi thực hiện quy trình kỹ thuật về gieo mạ, chăm sóc, phòng trừ dịch hại... Bên cạnh đó, tham gia sản xuất tập trung, chúng tôi được Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng bao tiêu 100% sản phẩm”.
Ông Hoàng Đình Thỏa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Lĩnh cho biết: Không chỉ nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác, mô hình lúa - cá luân phiên quy mô lớn còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí khâu giải phóng đất. Vì vậy, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trũng sản xuất kém hiệu quả để nhân rộng mô hình lúa - cá luân phiên. Bên cạnh đó, tiếp tục sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để người dân hình thành thói quen sản xuất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng khoa học - kỹ thuật... giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như cung cấp cho thị trường sản phẩm gạo chất lượng cao.
Vụ xuân 2024, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Nông Cống, Quảng Xương... đã và đang tập trung sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nhất là gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, như: Vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần, lúa thương phẩm, vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, vùng sản xuất ngô ngọt, rau an toàn, ớt... Cùng với đó, các địa phương cũng tập trung mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao; sản xuất theo chuỗi giá trị để ổn định đầu ra cho nông sản. Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa cho biết: Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất vụ xuân lớn, bên cạnh chú trọng gieo trồng bảo đảm diện tích theo kế hoạch, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, huyện tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo người dân sản xuất tại các vùng lúa năng suất chất lượng, hiệu quả cao, vùng sản xuất rau an toàn tập trung, sản xuất ớt xuất khẩu, vùng sản xuất ngô ngọt và ngô thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm...
Có thể nói, thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân; tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại. Tuy nhiên, không chỉ riêng vụ xuân, thời gian tới, các địa phương cần tập trung rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các xã, thị trấn để xác định vị trí phù hợp nhằm phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Cùng với đó, tiếp tục áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quy trình thâm canh lúa cải tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-03-07 09:44:00
Bản tin tài chính 7/3/2024: Vàng thế giới và trong nước tiếp đà tăng do đồng USD suy yếu
Tăng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế
Bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu
Điện lực TP Sầm Sơn tăng cường giải pháp cung ứng điện hè 2024
“Mục sở thị” trung tâm nuôi cấy mô giống cây trồng
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hóa nông nghiệp
Bản tin tài chính 6/3/2024: Giá vàng tăng sốc, lập đỉnh cao mới
Phát triển nghề dệt chiếu cói ở Quảng Xương
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến công bố đường bay Hà Nội - Melbourne
Thủ tướng yêu cầu ngân hàng không để chậm trễ trong cung cấp vốn tín dụng