(Baothanhhoa.vn) - Phá rừng nhưng không lấy gỗ mà bỏ lại hiện trường; rừng vừa bị phá ít giờ ở nơi hẻo lánh và cách trở nhưng đã có thông tin và hình ảnh được phát tán để thông báo cụ thể diện tích và số cây bị chặt, chính xác tọa độ và khoảnh rừng bị phá... Sau những vụ phá rừng, có hay không sự tiếp tay hay việc bao che sai phạm cho các tổ chức, cá nhân liên quan? Thực trạng phá rừng ở huyện Quan Sơn đang đặt ra nhiều nghi vấn.

Tình trạng phá rừng ở huyện Quan Sơn: Nhiều nghi vấn đặt ra...

Phá rừng nhưng không lấy gỗ mà bỏ lại hiện trường; rừng vừa bị phá ít giờ ở nơi hẻo lánh và cách trở nhưng đã có thông tin và hình ảnh được phát tán để thông báo cụ thể diện tích và số cây bị chặt, chính xác tọa độ và khoảnh rừng bị phá... Sau những vụ phá rừng, có hay không sự tiếp tay hay việc bao che sai phạm cho các tổ chức, cá nhân liên quan? Thực trạng phá rừng ở huyện Quan Sơn đang đặt ra nhiều nghi vấn.

Tình trạng phá rừng ở huyện Quan Sơn – nhiều nghi vấn đặt ra...

Một cây gỗ rừng mới bị chặt hạ ở khu vực suối Len, xã Na Mèo.

Nơi có an ninh rừng tốt nhất tỉnh thành “điểm nóng”

Vượt khoảng 40km đường núi từ thị trấn Sơn Lư của huyện Quan Sơn, chúng tôi tìm đến Trạm bảo vệ rừng Piềng Luông ở bản Xộp Huối, xã vùng biên Na Mèo. Từ trạm bảo vệ rừng lẻ này, các kiểm lâm đã đồng hành dẫn phóng viên vượt rừng sâu để tiếp cận hiện trường một vụ phá rừng đã được phản ánh trước đó. Sau hơn nửa giờ đi bộ băng rừng, dấu tích của một vụ phá rừng đã hiện rõ ở khu vực suối Len, xã Na Mèo. Tại lô 15, khoảnh 4, tiểu khu 211, có 6 cây gỗ SP với đường kính từ 20 đến khoảng 50cm bị khai thác. Cùng tiểu khu 221, tại lô 13, khoảnh 1 cũng có 2 cây gỗ SP (gỗ tạp để mục mọt, không có giá trị kinh tế) bị chặt hạ. Tổng khối lượng gỗ rừng mà lực lượng kiểm lâm đo đạc được là hơn 5,4m3. Vị trí rừng bị phá thuộc rừng phòng hộ của chủ rừng Nhà nước là Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, hiện đã giao cho hộ nhận khoán bảo vệ là ông Phạm Văn Tú, trú tại bản Na Lộc, xã Sơn Điện. Vụ phá rừng này được phát hiện vào cuối tháng 1–2022, nhưng đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa điều tra ra thủ phạm.

Lực lượng Kiểm lâm tuần tra rừng trên địa bàn các xã vùng biên huyện Quan Sơn.

Nếu tính từ cuối tháng 11-2021 đến nay, trên địa bàn huyện vùng biên Quan Sơn đã xảy ra 4 vụ phá rừng, gây bức xúc dư luận. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 24-11-2021, tại khu vực suối Cướm, suối Toong thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy bị khai thác 3 cây gỗ giổi cổ thụ thuộc nhóm 3, với tổng khối lượng 13,69m3. Gần đó, tại khu vực Vũng Cộp cùng bản, lực lượng kiểm lâm cũng phát hiện có 6 cây gỗ SP bị đốn hạ, với khối lượng hơn 9m3. Vụ thứ 2 tại khu vực suối Len, xã Na Mèo đã được phản ánh ở trên.

Vụ thứ 3 xảy ra vào ngày 30–3 vừa qua, khi lực lượng kiểm lâm và cán bộ xã Na Mèo phối hợp tuần tra, phát hiện tại khu vực suối Salit có 5 cây gỗ tạp bị khai thác, với tổng khối lượng 8,727m3. Gần đó, tại các lô 24 và 28, khoảnh 3a, tiểu khu 210 cũng bị chặt hạ 3 cây gỗ tạp, với khối lượng gần 5,4m3. Điều đáng nói, số gỗ đã được khai thác trước đó nhưng vẫn còn bỏ lại hiện trường tất cả và đến nay cũng chưa điều tra được thủ phạm. Vụ phá rừng thứ 4 được lực lượng kiểm lâm phát hiện tại bản Cóc của xã Sơn Thủy, với hơn 9.500m2 rừng bị phá trọc. Qua kiểm tra, ngoài diện tích cây bụi, lau lách, thì có 28 cây gỗ, với khối lượng gần 18,2m3 và 8 bụi nứa, với 118 cây bị chặt hạ.

Dấu vết một cây gỗ bị chặt hạ tại khu vực suối Len xã Na Mèo.

Thực tế, hiện tỷ lệ che phủ rừng của huyện Quan Sơn đã đạt 88% - lớn nhất tại Thanh Hóa và là một trong những nơi có tỷ lệ che phủ cao của cả nước. Tuy nhiều năm qua, an ninh rừng ở đây ổn định bậc nhất tỉnh, nhưng với 4 vụ phá rừng liên tiếp gần đây, đã biến Quan Sơn thành “điểm nóng” phá rừng của tỉnh.

Nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ

Với liên tiếp các vụ phá rừng, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không việc hình thành các đường dây ngầm của lâm tặc trong việc khai thác và tiêu thụ gỗ tại huyện Quan Sơn? Qua điều tra, các cơ quan liên quan đều nhận định rằng, có 2 trong 4 vụ phá rừng tại huyện mang dấu hiệu của mục đích phá hoại hơn là lấy gỗ. Cả 2 vụ thứ 2 và thứ 3, khi được phát hiện, cây gỗ vẫn ngổn ngang tại hiện trường, thậm chí có vụ dấu vết khai thác đã cũ. Điển hình như vụ tại suối Len thuộc xã Na Mèo khi chúng tôi có mặt, các cây bị chặt hạ đều là cây nhỏ, đường kính chủ yếu 20 – 30cm, nhưng cách đó dăm bảy mét, có những cây cổ thụ đường kính cả mét và khối lượng gỗ rất lớn thì không bị đốn hạ. Các cây gỗ bị cưa là gỗ tạp nhóm 7 và 8, gần như không có giá trị kinh tế cũng như sử dụng. Vết cắt các cây gỗ tại hiện trường đều cao ngang thắt lưng hay bụng người lớn, đây không giống cách thức khai thác với mục đích lấy gỗ là sát đất, bởi phần gốc của cây mới có trữ lượng gỗ lớn và giá trị. Nếu giả thuyết này đúng, thì các đối tượng phá hoại rừng vì mục đích gì?

Nhiều cây gỗ bị chặt hạ vẫn bỏ lại các hiện trường.

Đại diện đơn vị chủ rừng có vụ thứ 2 và 3 bị phá là Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn khẳng định, vừa qua có một hộ được hỗ trợ mở đường vận chuyển vào rừng, một số hộ khác không được nên phát sinh mâu thuẫn. Ở vụ khác, khi đơn vị cho giao khoán bảo vệ các khoảnh rừng, rất nhiều hộ muốn nhận, nhưng chỉ một hộ được. Trên thực tế, việc nhận khoán bảo vệ rừng hiện có nhiều lợi ích, ngoài được hỗ trợ hằng năm, các hộ có thể trồng xen nứa, vầu để khai thác, chỉ 2 – 3 ha rừng nhận khoán, mỗi hộ có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ loại lâm sản phụ này. Nếu hộ nhận khoán để xảy ra phá rừng, sẽ bị xem xét thu hồi để giao cho hộ khác. Có thể đó là nguyên nhân dẫn đến ganh ghét, mâu thuẫn tại địa phương.

Riêng vụ thứ 4 là trường hợp một khoảnh rừng tại bản Cóc, xã Sơn Thủy, qua kết quả điều tra của các cơ quan liên quan, đây là diện tích rừng tự nhiên đã được giao khoán cho gia đình bà Vi Thị Ngọm cùng bản có trách nhiệm bảo vệ. Người trực tiếp phá rừng là Vi Văn Anh, con trai bà Ngọm. Qua xác minh, gia đình khai nhận là phá rừng để trồng vầu, phục vụ phát triển kinh tế, gỗ vẫn vứt tại hiện trường chứ không lấy vì không có giá trị kinh tế.

Tang vật thu được sau một vụ phá rừng hiện được tập kết gần Trạm bảo vệ rừng Piềng Luông.

Các vụ phá rừng mới có một vài tháng, cũ hơn là gần nửa năm nhưng đến đầu tháng 6 này, vẫn chưa có đối tượng nào được đưa ra xét xử. Đó chính là nguyên nhân nhiều người nghi vấn có sự bao che, thiếu trách nhiệm điều tra của các cơ quan liên quan. Ông Vũ Văn Vân, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, cho biết: Qua điều tra, nắm bắt các thông tin, cả 4 vụ phá rừng ở huyện Quan Sơn thời gian gần đây đều xảy ra ở các xã biên giới, vị trí bị phá khá xa trung tâm xã, có khi phải đi nửa ngày đường mới đến được. Sau khi có các thông tin, lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng Nhà nước, công an huyện đã tích cực vào cuộc, đến nay đã bắt được đối tượng phá rừng của 2 vụ, đang củng cố hồ sơ để đưa ra xét xử. Với 2 vụ còn lại chưa đủ khối lượng gỗ để khởi tố, do xảy ra vào ban đêm và vị trí rừng sâu nên khó tìm ra thủ phạm. Đơn vị khẳng định không có sự bao che. Hiện hai hộ gia đình có rừng được giao nhận khoán nhưng để mất rừng này đã được Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn tham mưu để Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn ra quyết định xử phạt, mỗi hộ 50 triệu đồng.

Với các cán bộ kiểm lâm ở các trạm lẻ và đơn vị chủ quản, rõ ràng mất rừng là phải chịu trách nhiệm, đó là quy định. Nhưng để đuổi việc hay áp dụng những hình thức kỷ luật nặng hơn thì đơn vị cũng rất trăn trở. Bởi trên thực tế, nhiều vụ việc họ phát hiện ra, báo cáo cấp trên, phối hợp điều tra rất tích cực, khó có thể quy là thiếu trách nhiệm được.

Theo quan điểm của Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh: “Để mất rừng là lỗi của kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương các cấp, các bên liên quan phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, nếu đủ điều kiện, sớm khởi tố và đưa ra xét xử các đối tượng. Với một số cán bộ kiểm lâm địa bàn hay các trạm lẻ, hiện mỗi người phải phụ trách hàng chục héc-ta rừng, không thể quán xuyến hết. Việc kỷ luật hay xử lý một cán bộ, một con người thì phải xem xét thấu đáo, phải vừa thấu tình nhưng cũng đạt lý”.

Ông Hà Văn Thông, Trưởng Công an huyện Quan Sơn trao đổi thêm: “Sau khi có các thông tin về 4 vụ phá rừng trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, xem xét và điều tra làm rõ. 2 vụ trong số đó đủ yếu tố khởi tố đã được chúng tôi triển khai các thủ tục, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân huyện. Tuy nhiên, do có một số yếu tố phát sinh, chờ thu thập thêm chứng cứ và củng cố hồ sơ nên việc xét xử bị lùi lại, hiện các bên đang tích cực bổ sung. Chắc chắn không có sự bao che hay nể nang gì”.

Để giữ “mái nhà” xứ Thanh

Quan Sơn là huyện có diện tích rừng lớn với 71.000 ha, trong đó có 6.000 ha rừng tự nhiên. Nhiều năm gần đây, địa phương coi công tác bảo vệ rừng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm (3 giữ: giữ rừng, giữ dân và giữ biên cương). Nhiều năm qua, ngành kiểm lâm tỉnh nhà đều xác định, rừng Quan Sơn chính là “mái nhà” của xứ Thanh, có vai trò to lớn trong giữ nguồn nước ngầm, giảm nhẹ thiên tai... Từ một địa phương đang có kết quả giữ rừng tốt, trở thành nơi có nhiều vụ phá rừng đã đặt ra những vấn đề cần phải nhìn lại trong bảo vệ rừng nơi đây.

Trước hết cần nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng là của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương chứ không chỉ giao phó cho lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng. Hiện nay, công an các xã, thị trấn miền núi cũng được chính quy, lực lượng này cũng cần chủ động tuần tra, kiểm soát, tăng cường phối hợp với các lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Tương tự, lực lượng bộ đội biên phòng cũng cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, bởi trong 4 vụ phá rừng ở Quan Sơn gần đây, có 3 vụ liên quan đến chủ rừng là các đồn biên phòng. Chính quyền cấp xã có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát hoạt động kinh tế rừng, phát triển rừng nên cần gắn trách nhiệm cán bộ cấp xã, cấp thôn trong thực hiện nhiệm vụ này.

Rừng Quan Sơn với tỷ lệ che phủ hiện cao nhất tỉnh.

Qua các vụ phá rừng ở Quan Sơn vừa qua cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng của các xã, các đơn vị liên quan còn yếu. Trở lại trường hợp vụ phá rừng thứ 4 ở bản Cóc, xã Sơn Thủy, hộ phá rừng hầu như chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng nên “dám” phá rừng được giao để trồng vầu phát triển kinh tế. Nếu biết sẽ bị khởi tố, đứng trước nguy cơ vướng vòng lao lý, chắc chắn không ai dám phá rừng kiểu này. Mặt khác, nếu chính quyền địa phương không lơ là, phát hiện sớm và ngăn chặn ngay từ đầu, chắc chắn không để gia đình “cạo trọc” một khoảnh rừng như vậy.

Ngoài tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân thì nhiệm vụ phát triển kinh tế cho các vùng đồng bào của huyện Quan Sơn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ rừng. Khi có nhiều mô hình phát triển kinh tế, có thêm nhiều việc làm, thu nhập tăng lên, sinh kế ổn định thì việc người dân hằng ngày phải vào rừng mưu sinh sẽ giảm đi, sẽ ít quan tâm đến việc khai thác lâm sản hay chặt gỗ rừng.

Dấu vết của các vụ chặt gỗ rừng nói trên đều do dụng cụ là cưa xăng. Điều này đặt ra nhiệm vụ công tác quản lý cưa xăng trên địa bàn huyện Quan Sơn của lực lượng kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng và chính quyền các địa phương đã hiệu quả?

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Sơn Nguyễn Trần Phương cho biết, đơn vị hiện chỉ có 20 người làm việc, mỗi trạm lẻ chỉ 2 – 3 người nhưng quản lý hàng trăm héc–ta rừng. Theo các quy định, hiện lực lượng kiểm lâm ở đây đang thiếu trầm trọng, đơn vị mong muốn tỉnh xem xét, bố trí đủ biên chế để có thêm nhân lực bảo vệ rừng tốt hơn.

Để ngăn chặn “điểm nóng” phá rừng ở Quan Sơn hiện nay, rất cần có sự phối hợp của các lực lượng liên quan trên địa bàn. Mỗi lực lượng hay chính quyền địa phương cần phát huy tính chủ động, triển khai nhiều giải pháp mới có thể phát huy được hiệu quả bảo vệ rừng.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]