(Baothanhhoa.vn) - Sau khi đất nước ta giành độc lập, tự chủ - từ đầu thế kỷ X, nhiều luồng cư dân Thanh Hóa đã thiên di ra các địa phương phía Bắc, ra Thăng Long. Đối tượng “di cư” này phần lớn là tầng lớp Nho sĩ đỗ đạt, được bổ nhiệm quan chức ở các địa phương và định cư tại nơi trị nhậm; một bộ phận là những người buôn bán, là thợ thủ công, ngược xuôi khắp nơi và “đất lành, chim đậu”. Từ thời Lý -Trần, sự nghiệp của một số nhân vật người Thanh Hóa được sử sách ghi chép lại như Đào Cam Mộc - một công thần có công lớn trong việc phò trợ Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009; Lê Phụng Hiểu với công lao dẹp “loạn Tam vương”, phò Lý Phật Mã lên ngôi (tức Lý Thái tông) năm 1028... Tuy sử liệu không thể hiện cụ thể, nhưng chắc chắn trong suốt thời Lý (1009-1225), đã có nhiều người Thanh Hóa định cư ở Thăng Long.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa - Thăng Long: “Mối lương duyên nghìn năm”

Sau khi đất nước ta giành độc lập, tự chủ - từ đầu thế kỷ X, nhiều luồng cư dân Thanh Hóa đã thiên di ra các địa phương phía Bắc, ra Thăng Long. Đối tượng “di cư” này phần lớn là tầng lớp Nho sĩ đỗ đạt, được bổ nhiệm quan chức ở các địa phương và định cư tại nơi trị nhậm; một bộ phận là những người buôn bán, là thợ thủ công, ngược xuôi khắp nơi và “đất lành, chim đậu”. Từ thời Lý -Trần, sự nghiệp của một số nhân vật người Thanh Hóa được sử sách ghi chép lại như Đào Cam Mộc - một công thần có công lớn trong việc phò trợ Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009; Lê Phụng Hiểu với công lao dẹp “loạn Tam vương”, phò Lý Phật Mã lên ngôi (tức Lý Thái tông) năm 1028... Tuy sử liệu không thể hiện cụ thể, nhưng chắc chắn trong suốt thời Lý (1009-1225), đã có nhiều người Thanh Hóa định cư ở Thăng Long.

Thanh Hóa - Thăng Long: “Mối lương duyên nghìn năm”

Bia Vĩnh Lăng. Ảnh: Tư liệu

Từ thời Trần (1225-1400), nhiều văn thần người gốc Thanh Hóa đã có những đóng góp cho sự phát triển thịnh trị của vương triều. Về khoa bảng có Lê Văn Hưu, Lưu Diễm, Lưu Miễn; về chính trị có Lê Quát, trung thần tiết nghĩa có Lê Giốc, võ tướng nổi tiếng trung liệt có Trần Khát Chân... Đây mới chỉ là một số nhân vật tiêu biểu xứ Thanh có nhiều đóng góp với hai triều đại Lý - Trần (thế kỷ XI-XV). Trong tình hình tư liệu hiện nay việc xác định quá trình người Thanh Hóa chuyển cư đến các địa phương khác thời Lý - Trần rất khó khăn. Theo gia phả họ Bùi ở Thịnh Liệt (dòng Bùi Xương Trạch, Bùi Huy Bích...) cho biết dòng họ này gốc từ Cát Xuyên (Hoằng Hóa), chuyển ra ở Định Công rồi rời về Thịnh Liệt (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào thời cuối Trần. Dòng họ này từ thời Lê đã nổi danh nhiều người đỗ đạt: Tiến sĩ Bùi Xương Trạch (1478); Bảng nhãn Bùi Vĩnh (1532); Tiến sĩ Bùi Bỉnh Quân (1619); Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1769)...

Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi trọn vẹn, vương triều Lê được thành lập với vị vua khai sáng là Lê Thái tổ. Từ thời điểm này, các luồng chuyển cư của người Thanh Hóa ra Thăng Long trở nên rõ nét hơn. Đặc biệt đội ngũ công thần Lũng Nhai tham gia bộ máy chính quyền nhà Lê ở Thăng Long rất đông đảo. Những công thần mà sử chép lại như Lê Văn Linh, Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn, Đinh Lễ... chỉ là con số rất ít trong tất cả những người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi đầu. Chắc chắn, với những công trạng ấy, một bộ phận không nhỏ trong số họ đã theo Lê Thái tổ chuyển cư ra Thăng Long. Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả, dòng họ Trương ở Như Quỳnh (Gia Lâm, Hà Nội) nguồn gốc từ ông tổ là Trương Lôi - một khai quốc công thần thời Lê Thái tổ.

Trong 100 năm tồn tại của vương triều Lê sơ, con cháu công thần khai quốc triều Lê vẫn chiếm giữ những vị trí trọng yếu trong bộ máy chính quyền ở Trung ương và các địa phương. Đó là con cháu công thần Lê Lai, của Lê Văn Linh, Trịnh Khắc Phục, Ngô Kinh, Ngô Từ... Riêng con cháu của Ngô Kinh, Ngô Từ ở Đồng Phang (Yên Định) có hàng chục người tham gia bộ máy chính quyền nhà Lê và nắm giữ những vị trí trọng yếu như Ngô Hồng, Ngô Lan...

Ngoài ra còn hàng vạn binh lính xứ Thanh sau khởi nghĩa thắng lợi đã trở thành chỗ dựa cho triều đình và chuyển cư cùng gia đình ra sinh sống tại Thăng Long và nhiều địa phương phía Bắc. Sự chuyển cư này hầu như không được sử sách ghi chép song chắc chắn nó chiếm số lượng đáng kể và có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển của các vùng miền lúc bấy giờ.

Thời Lê sơ, người Thanh Hóa ra Thăng Long không chỉ bằng con đường hoạn lộ, binh nghiệp mà còn bởi mục đích học hành, thi cử. Thời Lê sơ, Thanh Hóa có 46 người đỗ đại khoa trong tổng số 1.005 tiến sĩ cả nước, chiếm gần 4,6%. Nhiều người sau này trở thành những văn thần nổi tiếng, có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc như Trịnh Thiết Trường, Lương Đắc Bằng...

Sau tròn 1 thế kỷ tồn tại với đỉnh cao thịnh trị thời Lê Thánh tông (1460-1497), triều Lê dần suy vi, khủng hoảng dẫn đến sự thay thế của nhà Mạc vào năm 1527. Tuy nhiên từ năm 1533, trên lãnh thổ Đại Việt đã hình thành một cục diện chính trị mới: sự tồn tại của hai thế lực phong kiến, hai vương triều đối nghịch: Nam triều (tức triều đình Lê Trung hưng) và Bắc triều (tức triều Mạc). Từ năm 1545 đến năm 1592 diễn ra nội chiến khốc liệt giữa hai thế lực phong kiến: Lê - Trịnh và Mạc với 38 trận đánh lớn nhỏ. Năm 1592, quân Lê - Trịnh thắng trận, thu phục Thăng Long. Vua Lê trở lại Thăng Long và theo sau là một đội ngũ đông đảo quan lại và binh lính cùng gia quyến.

Sự di dời từ Thanh Hóa ra Thăng Long của triều đình Lê - Trịnh từ cuối thế kỷ XVI đã khiến cho diện mạo của luồng chuyển cư từ Thanh Hóa ra Bắc, ra Thăng Long có nhiều nét khác biệt so với các thời kỳ trước, đặc biệt luồng di cư thời kỳ này đã mạnh mẽ hơn, đông đảo hơn, gồm nhiều thành phần dân cư hơn. Nếu như trước đây chỉ là những tướng lĩnh, công thần có công với nhà vua di cư theo vua ra Thăng Long thì đến thời kỳ này, cùng hộ giá vua Lê hồi Kinh không chỉ là những công thần, tướng lĩnh mà còn có tôn thất nhà Lê, thân thích, họ tộc của chúa Trịnh. Riêng dòng họ chúa Trịnh, có các chi nhánh lập cư xung quanh và nội vùng Thăng Long khá nhiều.

Dòng trực hệ của chúa Trịnh Tùng định cư tại Thanh Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ (Hà Nội), Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... Dòng của Trịnh Đỗ (em Trịnh Tùng) định cư ở Hưng Yên. Di duệ của chúa Trịnh Khải là Thái tử Trịnh Vân được một vị quan họ Lê đưa về sinh sống tại làng Hưng Giáo, huyện Thanh Oai, Hà Nội và chuyển sang họ Lê để tránh sự truy sát của triều đại sau... Trên đây mới chỉ là những thống kê sơ lược các chi nhánh thuộc dòng dõi các chúa Trịnh sinh sống ở vùng Thăng Long và vùng ven Thăng Long.

Bên cạnh đó là đội ngũ tướng lĩnh, binh lính tham gia trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê và phụng sự vương triều sau này. Đội ngũ võ tướng, văn thần được biết đến với các nhân vật lịch sử người Thanh Hóa như Phạm Đốc, Hoàng Đình Ái, Vũ Sư Thước, Hà Thọ Lộc, Lại Thế Khanh, Bùi Khắc Nhất...

Sau khi trung hưng, trở về định đô tại Thăng Long, toàn bộ số quân tuyển được từ Thanh Hóa và Nghệ An gồm 12 vạn đã chuyển cư ra Thăng Long cùng xa giá vua Lê. Luồng chuyển cư của người Thanh Hóa ra Thăng Long lúc này tiếp nhận thêm một bộ phận đông đảo binh lính. Thành phần binh lính triều Lê - Trịnh nhập cư ở Thăng Long trong các thế kỷ XVII-XVIII phần lớn là Ưu binh, lực lượng tin cậy tâm phúc của cung vua, phủ Chúa.

Bên cạnh đông đảo các tướng lĩnh, binh lính chuyển cư cùng vua Lê, chúa Trịnh ra kinh thành Thăng Long, người Thanh Hóa ở Thăng Long thời kỳ này còn có sự góp mặt của tầng lớp quan lại. Truyền thống học hành, khoa cử của người Thanh Hóa được tiếp nối và phát huy. Thời kỳ này, có tới 108 người Thanh Hóa đỗ tiến sĩ qua các kỳ thi, chiếm số lượng nhiều nhất so với các thời kỳ trước. Trong số này nhiều người làm quan tại triều đình hoặc các chức quan địa phương và họ đã nhập cư ở Thăng Long hoặc các tỉnh ở phía Bắc. Theo gia phả một số dòng họ cho thấy: Hậu duệ của Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất đã nhập cư ở phường Kim Liên; Tiến sĩ Mai Thế Chuẩn (người Thạch Giản, Nga Sơn) đỗ năm 1731, nhập cư tại Hoàng Cầu; hiện nay các nhánh họ Mai ở Hà Nội rất đông đảo. Tiến sĩ Nguyễn Hiệu, người Nông Trường (Triệu Sơn) làm quan ở Thăng Long, đến đời con ông là Nguyễn Hoàn - một trụ cột của triều đình Lê Trịnh - đã định cư ở làng Đa Sĩ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông)...

Một trong những thành phần cư dân nguồn gốc Thanh Hóa bổ sung cho cộng đồng dân cư Thăng Long và các tỉnh phía Bắc chính là tầng lớp thợ thủ công và người buôn bán. Tại làng rèn Thị Hòe (còn gọi là làng Canh, Từ Liêm, Hà Nội) còn lưu giữ tấm bia đá khắc năm Khải Định thứ 9 (1924) với tiêu đề Đắc tộc đại tôn lập phả, cho biết cụ tổ nghề vốn quê gốc ở xã Cổ Định, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, di cư ra Thị Hòe đem theo nghề rèn truyền đạt cho dân làng. Sau đó, dân làng Thị Hòe lại di cư ra Thăng Long, lập nên phố hàng Bừa (sau là phố Lò Rèn).

Dân làng Bát Tràng còn tương truyền về nguồn gốc của những người đầu tiên đem nghề làm gốm truyền dạy cho dân làng là người gốc Thanh Hóa. Đó chính là những người thợ thuộc họ Nguyễn Ninh Tràng (Trường) từ Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) - nơi sản xuất loại gạch xây thành nổi tiếng trong lịch sử.

Trong rất nhiều Tạp ký có nhắc đến người Thanh Hóa nhập cư ở Thăng Long. Trong Bà tâm huyền kính lục, truyện Cát tâm định đà (Lòng lành giữ vững được lái thuyền) kể chuyện về người lái buôn Phùng Cát Khánh ở Hải Vạn, Thanh Hóa, trong hơn 40 năm ông thường xuyên đi thuyền vượt biển ra Bắc Thành buôn bán. Hay trong Vân nang tiểu sử có truyện Vị tha nhân phu (Nhận làm cha người), có nhắc đến một người ở xã Hoằng Nghĩa (nay là xã Hoằng Lộc), huyện Hoằng Hóa là khách buôn, trọ tại một ngôi chùa ở Hồ Gươm. Vốn là vùng đất có truyền thống học hành và có nhiều người đỗ đạt tại các kỳ thi tổ chức ở Thăng Long do đó đi học, đi thi được nhiều người Thanh Hóa chọn như một nghề để tiến thân. Lan trì kiến văn lục, truyện Nguyễn Quỳnh còn kể một giai thoại về vị danh sĩ đất Thanh Hóa này khi ông còn là một Nho sinh học ở Quốc Tử Giám, hay truyện Tái sinh (Sống lại) kể lại chuyện chàng Đào Sinh, người huyện Đông Sơn, vốn là Nho sinh nghèo khó, vì không hỏi được vợ, bỏ lên kinh du học, ba năm sau thi Hương đỗ đầu.

Nhiều người Thanh Hóa có học hành, lấy nghề dạy học làm nghề nuôi thân cũng được nhắc đến trong các truyện như truyện Trúc mộ báo thù (Đắp mộ được đáp đền) hay truyện Vị tha nhân phụ (Nhận làm cha người) trong Vân nang tiểu sử kể chuyện về một anh họ Nguyễn, xã Hoằng Nghĩa, Hoằng Hóa và anh họ Lưu, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, cãi nhau với vợ, trốn ra Bắc dạy học.

Những người làm nghề múa hát họ Đào di cư từ Thanh Hóa ra Thăng Long, thường đi diễn trò phục vụ các đình đám hội hè, tụ tập sống ở một thôn gọi là thôn Giáo Phường. Hiện nay vẫn còn ngôi đình Giáo Phường ở phố Huế, Hà Nội.

Tóm lại, trong tiến trình lịch sử, người Thanh Hóa nhập cư ở Thăng Long từ nhiều luồng ngả khác nhau, với nhiều đối tượng khác nhau (hoàng tộc nhà Lê, tôn thất họ Trịnh, quan lại, binh lính và các hạng dân...). Đội ngũ này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và ngoại giao thông qua sự nghiệp của từng nhân vật cụ thể. Riêng Thăng Long không chỉ là nơi tập trung dân “tứ chiếng” mà có sự góp mặt đông đảo của người xứ Thanh, tạo nên Thăng Long - Hà Nội một diện mạo với nền văn hóa, văn hiến đa dạng, phong phú nhiều sắc màu.

Vĩnh Thịnh


Vĩnh Thịnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]