(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm với 24 địa điểm dừng chân, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân. Mỗi lần Bác về đã để lại dấu ấn sâu đậm và động lực để các thế hệ cán bộ, lãnh đạo và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, bứt phá xây dựng và phát triển quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bứt phá, đổi thay những vùng quê Bác Hồ về thăm

Thanh Hóa vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm với 24 địa điểm dừng chân, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân. Mỗi lần Bác về đã để lại dấu ấn sâu đậm và động lực để các thế hệ cán bộ, lãnh đạo và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, bứt phá xây dựng và phát triển quê hương.

Bứt phá, đổi thay những vùng quê Bác Hồ về thăm

Xã Yên Trường báo công dâng Bác tại Khu tưởng niệm Bác Hồ xã Yên Trường nhân dịp kỷ niệm

60 năm Bác Hồ về thăm (11-12-1961 – 11-12-2021).

Theo dòng lịch sử, ngày 20-2-1947 lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, Người đã đến dâng hương Lăng miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu thuộc xã Hà Long (Hà Trung). Di tích Lăng miếu Triệu Tường được Vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đình Gia Miêu được Vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1806, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường. Chuyến thăm và dâng hương tại đây của Người là về nguồn, tưởng nhớ những vị vua đã có công xây dựng đất nước để các thế hệ mai sau tiếp tục phát huy. Trải qua 75 năm, các thế hệ người dân xã Hà Long vẫn luôn nỗ lực phát huy những thành quả đạt được ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quê hương. Đồng chí Đỗ Văn Vượng, bí thư đảng ủy xã cho biết: “Tuy là xã miền núi nhưng qua nhiều giai đoạn, Hà Long đã có nhiều bứt phá vươn lên về mọi mặt. Biến khó khăn thành thuận lợi, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất có nhiều đồi núi. Thế mạnh của xã là trồng cây dứa, lúa nếp cái hoa vàng – một loại sản phẩm truyền thống của địa phương dùng để tiến vua. Đến nay, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, xã Hà Long đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao cho nếp cái hoa vàng góp phần tạo danh tiếng cho vùng đất phát tích vương triều Nguyễn năm xưa”.

Là doanh nhân đầu tiên của xã đầu tư hệ thống dây chuyền máy xay sát gạo, ông Nguyễn Hữu Lựu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng cho biết: Công ty hiện đang hỗ trợ phân bón, vận tải và bao tiêu đầu ra cho bà con về dòng sản phẩm nếp cái hoa vàng tiến vua. Dây chuyền mới hoạt động cuối năm 2021 nhưng với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, công ty đã góp phần duy trì, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân chuyên tâm sản xuất. Sản phẩm đã được thị trường chấp nhận và công ty có nhiều đơn đặt hàng”.

Cùng với việc gây dựng và phát triển được giống lúa quý tiến vua, xã Hà Long còn phát triển các loại cây dứa, ổi lê và nhiều ngành nghề khác, nâng giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm, xã đang trong lộ trình xây dựng đô thị theo Nghị quyết 05 của Huyện ủy Hà Trung về xây dựng phát triển Hà Long thành đô thị, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2035.

Trở về Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) - nơi lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (ngày 20-2-1947) những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của người dân Đông Sơn trước những thành tựu đạt được qua nhiều năm. Chị Nguyễn Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể dục thể thao và Du lịch huyện, cho biết: “Huyện tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện rất hào hứng, phấn khởi. Bởi đây là sự kiện chính trị quan trọng ngay sau Tết Nguyên đán mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới nhằm ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, của huyện Đông Sơn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tiếp tục thi đua thực hiện lời căn dặn của Bác trong buổi gặp gỡ và nói chuyện thân mật với cán bộ hành chính, mặt trận các huyện, châu và các thân hào, thân sĩ, trí thức, đại biểu dân tộc, tôn giáo của tỉnh tại Rừng Thông: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu...”. Lời căn dặn ấy của Người được các thế hệ cán bộ, đảng viên và tầng lớp Nhân dân huyện Đông Sơn luôn nỗ lực cố gắng thực hiện.

Điểm nổi bật của huyện là thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Năm 2019, huyện Đông Sơn đạt huyện NTM; năm 2020, huyện vinh dự có xã Đông Văn là xã đầu tiên của tỉnh đạt xã NTM kiểu mẫu và là điểm học tập của các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, toàn huyện đã đạt 951 tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu, tăng 45 tiêu chí so với cuối năm 2020, bình quân mỗi thôn đạt 11,19 tiêu chí. Toàn huyện có 20 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Đông Khê đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Đông Minh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2022 huyện Đông Sơn phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 18,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm để tiếp tục tạo nền vững chắc tiếp cận lộ trình đến năm 2023 sáp nhập đơn vị hành chính về TP Thanh Hóa, mở ra cơ hội phát triển chung trên địa bàn toàn tỉnh.

Nằm ven bờ sông Mã, xã Yên Trường (Yên Định) vẫn luôn giữ được “phong độ” của HTXYên Trường năm xưa – lá cờ đầu xây dựng HTX có thành tích xuất sắc của tỉnh Thanh Hóa và cả nước lúc bấy giờ được Bác Hồ về thăm (11-12-1961). Bác đã nói chuyện với hơn 1 vạn đồng bào, cán bộ, đảng viên HTX Yên Trường và đại biểu Nhân dân các xã lân cận: “Phải tích cực phát huy ưu điểm, ra sức sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội”; “Làm cho toàn dân già, trẻ, gái, trai ăn no mặc ấm, được học hành và còn làm cho đời sống được hoàn toàn đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc”. Trên con đường đổi mới, lời dạy của Người vẫn còn vang vọng đối với mỗi người dân nơi đây để Đảng bộ và Nhân dân xã Yên Trường luôn mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế xây dựng quê hương giàu đẹp. Tuy không phải là xã điểm trong xây dựng NTM của huyện, của tỉnh nhưng với truyền thống đoàn kết, quyết tâm cao, sự đồng thuận của cán bộ và Nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, năm 2014 Yên Trường được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Nổi bật ở xã Yên Trường là người dân đã khai thác được lợi thế nằm trên trục Quốc lộ 45 đi qua để phát triển kinh doanh, dịch vụ, thương mại của khu Phố Kiểu - trung tâm giao thương của xã và nhiều xã lân cận; có điểm di tích lịch sử cách mạng “Nhà tưởng niệm Bác Hồ” là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.

Đồng chí Trịnh Xuân Huy, bí thư đảng ủy xã, cho biết: Công cuộc xây dựng NTM đã thổi luồng sinh khí mới đến mọi tầng lớp Nhân dân xã Yên Trường làm cho mọi người, mọi nhà phấn khởi, hào hứng tham gia. Yên Trường phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao trong năm 2022. Đến nay xã đã hoàn thành 11/15 tiêu chí và đã đề xuất công nhận 4 thôn, phố đạt chuẩn phố, thôn NTM kiểu mẫu”.

Không riêng ở Yên Trường, ở giai đoạn lịch sử phát triển nào, huyện Yên Định cũng luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về mọi mặt. Nhiều địa phương trong huyện đã trở thành điển hình tiêu biểu được cả tỉnh, cả nước biết đến, như: HTX Định Công, HTX Yên Trường, xã Định Tường, xã Quý Lộc (nay là thị trấn Quý Lộc)... và được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Yên Định vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; năm 2010 được phong tặng Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới...; năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Định đạt chuẩn NTM - huyện đầu tiên khu vực Bắc Trung bộ về đích NTM. Đây là những phần thưởng cao quý, là kết quả của cả quá trình nỗ lực, phấn đấu của đảng bộ và Nhân dân, nhằm thực hiện những căn dặn của Người khi về thăm. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Yên Định tiếp tục phấn đấu đến năm 2023 đạt huyện NTM kiểu mẫu; năm 2025 là huyện dẫn đầu của tỉnh.

Có thể nói, tình cảm với Bác Hồ được người dân Thanh Hóa chuyển hóa thành những việc làm cụ thể và thiết thực. Trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống thiên tai... Có lẽ vậy mà từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề, thiên tai liên miên... nhưng Thanh Hóa vẫn luôn trên đà phát triển. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI...

75 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên Bác Hồ về với Thanh Hóa và nói chuyện với đảng bộ và Nhân dân tại Rừng Thông (20-2-1947) và sau đó là những chuyến về thăm Thanh Hóa vào năm 1957, 1960, 1961 đến nay, dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, đảng bộ và Nhân dân các địa phương nơi Bác về thăm đều luôn coi đó là động lực, niềm tự hào để tiếp tục phát triển, chung sức xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Lê Hà


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]